23 C
Hanoi
Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024

Tướng Võ Tiến Trung: Xử lý tình hình Biển Đông phải giữ 3 vấn đề

Print Friendly, PDF & Email

“Những diễn biến căng thẳng trên Biển Đông thời gian qua vừa là vấn đề của an ninh, quốc phòng, vừa là vấn đề của chính trị, kinh tế – xã hội đối với đất nước. Chính vì thế Ban Chấp hành Trung ương cần thảo luận để có chỉ đạo kịp thời nhất”, Thượng tướng Võ Tiến Trung, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng nói.

tuong vo tien trung: xu ly tinh hinh bien dong phai giu 3 van de hinh anh 1

Thượng tướng Võ Tiến Trung, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng (ảnh IT).

Hôm qua, trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 11, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có đề nghị Trung ương phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học tình hình thế giới và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông, việc thảo luận về tình hình Biển Đông hiện nay là điều rất cần thiết thưa ông?

– Đề nghị trên là điều rất ý nghĩa. Thể chế của chúng ta là Đảng lãnh đạo toàn diện đất nước, lãnh đạo tuyệt đối vấn đề quốc phòng, an ninh. Ban Chấp hành Trung ương là cơ quan đầu não trong lãnh đạo, chỉ đạo nên trước tình hình căng thẳng ở Biển Đông, trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 11, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đặt vấn đề thảo luận về tình hình Biển Đông. Sự gợi mở trên để các Ủy viên Trung ương góp ý đưa ra phương hướng xử lý để làm sao giữ được ba vấn đề.

Thứ nhất, giữ vững được chủ quyền; thứ hai, giữ được môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước; thứ ba giữ được mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Có thể nói đây là vấn đề rất quan trọng cần Ban Chấp hành Trung ương cho ý kiến.

Nếu như vấn đề liên quan đến Biển Đông mà đổ vỡ thì nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Đất nước phải chuyển sang một trạng thái khác. Những diễn biến căng thẳng trên Biển Đông thời gian qua vừa là vấn đề của an ninh, quốc phòng, vừa là vấn đề của chính trị, kinh tế – xã hội đối với đất nước, chính vì thế Ban Chấp hành Trung ương cần thảo luận để có chỉ đạo kịp thời nhất.

Trung Quốc muốn chiếm trọn Biển Đông, muốn biến Biển Đông thành ao nhà của họ, còn chúng ta kiên quyết giữ chủ quyền biển đảo theo đúng Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982. Hai vấn đề này đối lập với nhau nếu như xử lý không khéo thì sẽ bùng nổ căng thẳng, dễ dẫn tới xung đột. Đây là điều chúng ta không bao giờ muốn xảy ra, nhưng chúng ta cũng không thể đem chủ quyền, lãnh thổ ra để thương lượng.

tuong vo tien trung: xu ly tinh hinh bien dong phai giu 3 van de hinh anh 2

Cảnh sát biển Việt Nam tuần tra, bảo vệ chủ quyền lãnh hải (ảnh Cảnh sát biển).

Ở nhiệm kỳ Trung ương khóa XI, khi tình hình Biển Đông căng thẳng, Ban Chấp hành Trung ương cũng đã đưa ra thảo luận, thưa ông?

– Tôi còn nhớ vào năm 2014, khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, thời gian đó cũng đang diễn ra Hội nghị Trung ương của khóa XI. Trung ương đã thay đổi chương trình làm việc, dành cả một buổi để thảo luận về vấn đề Biển Đông và đưa ra những nhiệm vụ rất rõ ràng.

Những nhiệm vụ đó là, kiên quyết đấu tranh bằng những giải pháp hòa bình buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam; giữ mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc không bị căng thẳng, đổ vỡ; không để xảy ra biểu tình trong nước, dẫn tới bạo loạn, đập phá; tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế cho cuộc đấu tranh chính nghĩa này.

Trong mấy tháng gần đây, Trung Quốc liên tục đưa tàu thăm dò xâm phạm chủ quyền lãnh hải của chúng ta. Chúng ta đã kiên quyết phản đối, cộng động quốc tế cũng phản ứng mạnh mẽ, nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục hành động ngang ngược, ông có suy nghĩ gì?

– Có thể nói về tình hình Biển Đông, Trung ương đã có dự báo từ trước. Mấy tháng nay Trung Quốc đưa nhóm tàu Hải Dương địa chất 8 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đó là sự xâm phạm trắng trợn, bất chấp luật pháp quốc tế. Phía Trung Quốc lúc thì nói vùng đó thuộc đường lưỡi bò, lúc lại nói đó là vùng phụ cận của quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa của Việt Nam).

Đường lưỡi bò là do Trung Quốc tự vẽ ra chứ quốc tế không ai công nhận. Trước đó, Tòa trọng tài quốc tế về Luật biển năm 1982, khi xử vụ Philippines kiện Trung Quốc (năm 2016) đã đưa ra phán quyết đã bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc. Trung Quốc không có cơ sở lịch sử cũng như cơ sở pháp lý nào để có thể khẳng định vùng tài nguyên biển nằm trong khu vực họ gọi là đường lưỡi bò.

Nhìn hành động và lời nói của phía Trung Quốc, thấy họ nói một đằng, làm một nẻo. Họ nói việc giữ mối quan hệ với các nước lân cận là tài sản vô giá. Nhưng trên thực tế Trung Quốc đã liên tục xâm phạm vào vùng biển mà Việt Nam có chủ quyền và quyền tài phán gây căng thẳng trên Biển Đông. Có thể nói, trong ứng xử, giữa lời nói và việc làm của Trung Quốc không tương đồng với nhau, điều đó khiến uy tín của họ trên trường quốc tế về vấn đề nêu gương rất kém, trong khi họ là nước lớn luôn phải nêu gương trong việc tuân thủ luật pháp quốc tế.

Có thể thấy cuộc đấu tranh của chúng ta trong bảo vệ chủ quyền lãnh hải còn lâu dài và còn có nhiều vấn đề phức tạp. Chúng ta phải dựa vào sức mạnh của dân tộc, sức mạnh của chính nghĩa, sức mạnh từ dư luận quốc tế cho cuộc đấu tranh này.

Xin cảm ơn Thượng tướng (1).

(Theo Dân Việt)

Bài viết liên quan