Cách đây bảy năm tôi có dịp ngao du qua đảo ngọc Phú Quốc. Lúc nhỏ, học môn địa lý ở bậc tiểu học thời chúng tôi ai cũng nhớ nội dung cơ bản là Đảo Phú Quốc nằm ở cực nam của nước Việt, ở đó có hai thứ nổi tiếng là hồ tiêu và nước mắm, sau này được biết thêm giống chó Phú Quốc cũng nổi tiếng cả nước.
Nếu đi máy bay thì từ TP HCM đến Phú Quốc mất khoảng 35 phút, nhưng chúng tôi chọn đi tàu thủy du lịch từ Kiên Giang vượt biển ra đảo, vừa rẻ tiền hơn lại vừa rất thú vị, con tàu lướt trên những ngọn sóng lao về phía trước, gió biển thổi tung tóc rối mát rượi. Phía sau là những bọt nước tung lên trắng xóa kéo dài hàng trăm mét, lá cờ đỏ sao vàng cắm ở đuôi tàu phần phật bay trên nền biển xanh, bọt trắng tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp làm phấn chấn lòng người. Những năm đó Phú Quốc còn hoang sơ lắm với nhiều rừng cây nguyên sinh, những bãi cát trắng mịn bên mép nước xanh, trong vắt, hoàng hôn xuống nhuộm vàng mặt biển du khách cứ ngẩn ngơ không muốn rời đi. Một vài cánh rừng bị phá để mở đường, con đường mới mở đang ngổn ngang đất đá. Chỉ có thị trấn Dương Đông là nhộn nhịp mua bán, đông, vui nhất là buổi tối đi chợ đêm ngắm và chọn mua những sản phẩm lưu niệm từ biển. Trong vòng 3 ngày cố đi thì cũng chỉ đi được vài điểm tham quan như cảng An Thới, bãi Sao phía nam đảo, Dinh Cậu, làng chài Hàm Ninh phía đông đảo, bãi Dài phía bắc đảo, thăm vườn tiêu, cơ sở sản xuất nước mắm và ấn tượng nhất là ghé thăm trại tù Phú Quốc.
Bề dày lịch sử
Ngược thời gian trở về ngày xưa tìm hiểu một chút để thẩm nhận một cách thú vị về lịch sử Phú Quốc. Vào nửa cuối thế kỷ XVII, năm 1671 một người Hoa tên là Mạc Cửu chạy trốn loạn lạc và triều đình bên Tàu, đã đem theo 400 người gồm gia nhân, các sĩ phu và binh lính dưới quyền rời Phúc Kiến lên thuyền xuôi về biển phương nam. Sau nhiều ngày lênh đênh ông đổ bộ lên vùng đất hoang vu bên vịnh Thái Lan cho khai phá, lập ấp định cư và phát triển thành một vùng dân cư trù phú ven biển nay thuộc vùng Rạch Giá, Hà Tiên, Cà Mau trong đó có đảo Phú Quốc. Khi Chúa Nguyễn mở cõi vào Nam, Mạc Cửu đã tìm đến trình diện, dâng đất và xin làm thuộc hạ. Chúa Nguyễn đã phong ông làm Tổng binh rồi Đô đốc cai quản vùng đất trù phú này cho tới những đời sau. Chúa Nguyễn Ánh khi bị quân Tây Sơn truy đuổi ráo riết cũng đã chạy trốn ra Phú Quốc để sau đó quay về làm nên nghiệp đế vào năm 1802. Phú Quốc với bao nhiêu câu chuyện huyền thoại gắn liền với dấu chân của Nguyễn Ánh Gia Long mà tên gọi còn truyền mãi đến tận sau này như “Cá Cơm”, “Mũi Ông Đội” , “Ngai vàng đá”, “Giếng Tiên”….

Phú Quốc cũng là nơi mà người anh hùng dân tộc, thủ lĩnh phong trào chống Pháp ở Nam bộ vào nửa cuối thế kỷ XIX, Nguyễn Trung Trực đã từng đến trú quân. Khi bị thực dân Pháp bắt hành quyết, trước khi chết ông đã để lại một câu nói cho đời sau với khí tiết ngang trời “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”. Ngày nay Ở Gành Dầu thuộc bắc đảo người ta đã xây dựng đền thờ Nguyễn Trung Trực, khách tham quan không thể không đến nơi này thắp nén hương tưởng nhớ người anh hùng xưa của nước Việt.
Nơi đây đã từng lưu đày trên 40.000 tù binh của quân giải phóng miền Nam, nơi đây đã dựng lại hầu như đầy đủ mô hình giam cầm, khủng bố với đa dạng các loại hình tra tấn khắc nghiệt, man rợ không kém thời Trung cổ. Chúng ta kính phục sức chịu đựng kiên cường của những chiến binh cách mạng. Hơn thế nữa là chỉ với một cái thìa ăn cơm dấu được mà 21 tù binh đã đào được một đường hầm bí mật trốn thoát ra ngoài địch không hề hay biết. Phú Quốc những năm trước đẹp nguyên sơ, thơ mộng và hữu tình. Một chuyến đi chưa đủ so với những gì ở đây mời gọi nhưng đã đủ ghi lại những ấn tượng đẹp trong ký ức khách lãng du để vẫn muốn ít nhất một lần trở lại.
Lịch sử đảo Phú Quốc còn một trận chiến oanh liệt nữa đó là chỉ 4 ngày sau ngày quân ta tiến vào Sài Gòn 30 tháng tư 1975, thì quân Ponpot được Bắc Kinh thúc giục đã đổ quân đánh chiếm Phú Quốc, bị quân ta đánh bật trở ra gây cho địch nhiều thiệt hại. Liền đó 6 ngày sau vào ngày 10 tháng tư 1975, lợi dụng lúc vừa giải phóng miền Nam ta chưa kịp bố trí lực lượng trên đảo Thổ Chu, Khơ Me đỏ đã xua quân đánh chiếm Thổ Chu thuộc Phú Quốc, chúng đã bắt và giết hại 500 đồng bào ta trên đảo. Được người dân chạy thoát báo tin, ta đã đưa quân ra giải phóng đảo, trong trận này ta đã sử dụng cả máy bay, tàu chiến, xe thiết giáp thu được của Mỹ và huy động một số cựu binh của quân đội Sài Gòn để vận hành những thiết bị đó. Hai trận địa pháo của ta đặt trên đảo Phú Quốc bắn dữ dội chi viện cho bộ đội đổ bộ lên chiếm đảo. Trận đánh thắng lợi, ta tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch không cho chúng chạy thoát. Qua bao thăng trầm của lịch sử Phú Quốc hôm nay vẫn rì rào tiếng sóng vỗ ngàn năm, tươi xanh màu rừng khu sinh quyển, dân ngày càng đông, khách đến ngày càng nhiều, công trình xây dựng ngày càng khang trang hiện đại, đặc sản Phú Quốc ngày càng hấp dẫn du khách. Nổi lên là người ta đua nhau mua chó Phú Quốc về nuôi vì nó nổi tiếng là đẹp và khôn. Người Phú Quốc tả về giống chó của họ mà ai nghe cũng thích, còn mấy cô người mẫu thì chắc phải ghen tị : mặt đẹp, mắt sáng, cổ cao, ngực nở, bụng thon, chân dài, cơ bắp săn chắc nịch, dáng đi thanh thoát, trên lưng có một xoáy lông dài không đứt khúc. Chó Phú Quốc chạy nhanh, bơi lội giỏi, đi săn rất cừ…
Hòn ngọc phía Tây Nam
Hôm nay dịch Vũ Hán vẫn chưa dừng lây lan ở nhiều nước trên thế giới, nhưng nước ta thì đã và đang kiểm soát dịch khá tốt. Giãn cách xã hội được mở ra, mọi người bắt đầu đi lại, hoạt động du lịch nội địa bùng lên sôi động như vừa được xả trại. Tôi trở lại Phú Quốc sau bảy năm, trong một ngày được nghe thông báo có trên 60 chuyến bay đến đảo. Các công ty du lịch, khách sạn, điểm tham quan, khu resort… Đều thông báo khuyến mãi sau mùa dịch đã thu hút du khách cả nước, tuy chưa đón khách quốc tế, nhưng sân bay quốc tế Phú Quốc mới, khang trang, rộng lớn hơn sân bay cũ vẫn đông chật người. Đường sá rộng dài, với con đường trục xuyên suốt từ nam ra bắc đảo, từ thị trấn Dương Đông lên phía bắc với khu resort Wonder Land rộng tới 24.000ha. Về phía nam với thị trấn An Thới gồm bến cảng, cụm đảo nhỏ tạo nên một góc thiên nhiên kỳ thú, và đi đến các điểm tham quan nổi tiếng phía đông đảo, tây đảo… Nơi nào cũng nhiều khách sạn, lắm khu nghỉ dưỡng, buôn bán sầm uất, người xe tấp nập.
Phú Quốc là một đảo lớn nhất Việt Nam với gần 600km2, tương đương với quốc đảo Singapore khi chưa lấn biển, dân số năm 1975 khoảng 5.000 người thì đến nay đã 150.000 dân. Theo anh Thường tài xế xe du lịch đưa chúng tôi đi tham quan cho biết thì ngày nay Phú Quốc có tới trên dưới 20 khu resort, khu nghỉ dưỡng lớn nhỏ; vài trăm khách sạn từ một đến năm sao và trên 30 điểm tham quan du lịch, du khách thường đông hơn cư dân tại chỗ.

Trở lại Phú Quốc sau chỉ 7 năm thôi mà bộ mặt Phú Quốc đã nhiều đổi thay, bên cạnh những phát triển thì hình như cũng đã phát sinh những bất cập mà nếu không kịp quan tâm điều chỉnh thì tình trạng xuống cấp môi trường sẽ ngày càng tệ hơn! Chỉ bằng mắt thường chúng ta đã thấy nhà cửa, đường sá, khách sạn, công trình chen lấn và rừng đã dần lùi xa ra mép nước ở những nơi không có bãi biển đẹp. Ngược lại ở những bãi biển đẹp thì rừng lại lùi sâu vào trong hoặc leo lên núi để nhường lại bãi biển cho những hàng quán với lều trại tạm bợ hoặc những nhà hàng được xây tùy tiện có kiểu kiến trúc đối lập với cảnh đẹp trời cho! Thậm chí ở bãi biển thuộc làng chài, hàng quán xập xệ được dựng lên sát tận mép nước, và những cây cầu tre dẫn ra những nhà hàng mọc lên ở xa ngoài biển, hay ở Gành Dầu thì Biên Hải Quán đã xây dựng quán nhậu lấn hết hành lang biển…… Cầm máy ảnh đưa lên ngắm tìm một lúc rồi đành bỏ xuống vì khó có thể chọn được một tấm ảnh đẹp ở những bãi biển vốn tuyệt đẹp này! Chất thải, thải ra từ người xe tấp nập, từ những dịch vụ ăn uống, mua bán, tắm táp… Rác trên bãi bay theo gió, chất bẩn dưới nước bập bền theo song! Trước đây du khách đến trại tù Phú Quốc đã từng cảm kích xúc động khi xem những mô hình mô phỏng lại khá chi tiết trại tù ngày xưa với những hình ảnh sống động, thì hôm nay trở lại chúng ta thấy nhiều sam (chambre) bỏ trống, tường, rào bị rỉ sét, hư hỏng! Mấy cây súng mô hình bị gãy nòng, bể báng! Mô hình nhiều tượng người bị bể, gãy chân tay lăn lóc trên sàn, thậm chí có cái bị gãy ngang người. Tình trạng đó cho ta cảm giác hoang phế và phản cảm!
Ngày xưa ông cha ta thường nói “Non sông gấm vóc” để nói lên lòng tự hào về đất nước mình nơi nào cũng đẹp. Phú Quốc là một quần thể đảo cực nam của tổ quốc có lịch sử đáng tự hào và là một mảng gấm vóc của non sông còn lại. Phú Quốc đang phát triển, cuộc sống đang lên, mong cho cái đẹp, cái sạch được bền vững trên đường hòa nhập vào nền văn minh của thời đại.
Phú Quốc Tháng 06/2020
HOÀNG NGUYÊN