25 C
Hanoi
Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024

Tổng kết công tác đổi mới, phát triển kinh tế tập thể

Print Friendly, PDF & Email

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan tổng kết Nghị quyết số 13-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.
Cụ thể, Phó Thủ tướng giao cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã chủ trì, triển khai thực hiện tổng kết Nghị quyết, ban hành văn bản yêu cầu các Bộ, ngành Trung ương, tỉnh ủy, thành ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc tổng kết Nghị quyết đảm bảo kịp thời, toàn diện, thiết thực và hiệu quả.
Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) sẽ thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập tổng kết Nghị quyết.
Về nội dung và tổ chức triển khai tổng kết Nghị quyết, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương chủ trì hoàn thiện dự thảo đề cương và Kế hoạch tổng kết trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý của các thành viên Ban chỉ đạo tại cuộc họp của Ban chỉ đạo ngày 06 tháng 11 năm 2018; trên cơ sở số liệu báo cáo của các Bộ, cơ quan liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, hoàn thiện Báo cáo tổng kết công tác năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ năm 2019 của Ban chỉ đạo gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Văn phòng Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban kiểm tra Trung ương, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan có thẩm quyền liên quan.
Phó Thủ tướng lưu ý cần đánh giá thực trạng của kinh tế tập thể hiện nay về số lượng, chất lượng, tính bền vững của loại hình kinh tế này; đồng thời bám sát các nội dung trong Nghị quyết, lưu ý một số nội dung liên quan đến chính sách đất đai, tín dụng, nguồn nhân lực cho hợp tác xã, quản lý nhà nước đối với hợp tác xã. Kết quả tổng kết Nghị quyết là luận cứ để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã sau 10 năm thi hành vào năm 2022 và nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành các nhiệm vụ, chương trình đề án liên quan đến phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về kinh tế tập thể, hợp tác xã, điều tra để có thông tin số liệu chính xác làm cơ sở dữ liệu cho công tác điều hành và cho tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW; đồng thời, sớm sửa đổi, ban hành quy định mới về chế độ thông tin báo cáo đánh giá các loại hợp tác xã; đồng thời, tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền về kinh tế tập thể, hợp tác xã, các hoạt động của Ban chỉ đạo để góp phần nâng cao nhận thức của người dân và cả hệ thống chính trị về mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, đề xuất kinh phí ngân sách nhà nước, trình cấp có thẩm quyền để hỗ trợ, thực hiện chương trình phát triển 15.000 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả theo Nghị quyết Quốc hội và Quyết định 461/QĐ-TTg ngày 27 tháng 4 năm 2018 và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo kết luận số 276/TB-VPCP ngày 03 tháng 8 năm 2018 của Văn phòng Chính phủ; rà soát chặt chẽ các tiêu chí để công nhận nông thôn mới, theo tiêu chí xã nông thôn mới phải có một hợp tác xã hoạt động có hiệu quả.
Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ sớm ban hành cơ chế chính sách cụ thể về xúc tiến thương mại và công nghệ đối với các Hợp tác xã phù hợp với quy định tại Điều 6 của Luật Hợp tác xã năm 2012.
Kinh tế tập thể, hợp tác xã có vai trò và đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội đất nước, đã được khẳng định trong Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18 tháng 3 năm 2002 của Hội nghị lần thứ V Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX; Kết luận số 56-KL/TW ngày 21 tháng 02 năm 2013 của Bộ Chính trị; Luật Hợp tác xã 2012 và hệ thống các văn bản, nghị quyết liên quan. Hiện nay, các khu vực kinh tế tập thể đang phát triển khá nhanh cả về mặt số lượng và chất lượng với nhiều mô hình mới, cách làm hay và tiệm cận với trình độ, nhận thức của quốc tế; hình thành một số hợp tác xã khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao, chú trọng giải quyết giải thể hợp tác xã hoạt động kém hiệu quả, tạo điều kiện và quỹ đất cho hợp tác xã có quy mô lớn, quản trị hiện đại ra đời…
Năm 2018, Ban Chỉ đạo đã tích cực chỉ đạo, đôn đốc các Bộ ngành triển khai nhiều nhiệm vụ, nổi bật là trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 22 tháng 5 năm 2018 về tiếp tục tăng cường triển khai thi hành Luật Hợp tác xã 2012. Bộ Kế hoạch và Đầu tư bước đầu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về hợp tác xã và đăng ký trực tuyến theo hướng lồng ghép với hệ thống cơ sở dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp, trong đó có sự liên thông giữa thủ tục đăng ký hợp tác xã và đăng ký thuế đảm bảo thống nhất, minh bạch; hướng dẫn định mức và thủ tục thực hiện hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng cho hợp tác xã nông nghiệp để đơn giản hóa thủ tục và phân cấp mạnh hơn, Bộ cũng đang triển khai xây dựng Đề án “lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021- 2025”; xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đến năm 2030…

PV

Bài viết liên quan