27.3 C
Hanoi
Chủ Nhật, 6 Tháng 7, 2025

Tiếng Việt 1 của NXB Giáo dục Việt Nam: Biên soạn ẩu, nội dung nhạt nhẽo

Mấy hôm nay, nghe râm ran về SGK Tiếng Việt 1, tôi đi lùng đủ 5 bộ sách về đọc xem sao. Vừa giở một cuốn SGK “Tiếng Việt 1, tập một” của NXB Giáo dục VN, tôi giật mình trước sự nhạt nhẽo, cẩu thả, phi logic của cuốn sách này.

Một bài tập đọc viết thế này:

“Chị em hoẵng

Trong khu rừng nọ, có hai chị em nhà hoẵng. Nhà của hai chị em ở trên một khoảnh đất rộng. Một hôm, thấy hoẵng chị hoảng hốt, hoẵng em hỏi:

– Có việc gì vậy chị?

Hoẵng chị mếu máo:

– Cháy rừng rồi, ngôi nhà của chúng ta đổ rồi.

Hoẵng em an ủi hoẵng chị. Rồi hai chị em chạy khỏi cánh rừng.”

(Trang 163, “Tiếng Việt 1, tập một”, (Trang 163, “Tiếng Việt 1, tập một”, sách Cùng học để phát triển năng lực, Nguyễn Thị Hạnh chủ biên)

Câu chuyện cực phi lý: Nhà đổ rồi, hai chị em hoẵng “đứng ngồi” ở đâu để an ủi nhau? Nhà cháy, đổ rồi mà còn an ủi nhau xong mới chạy thì chạy sao kịp? Dạy trẻ thế này mà gặp lúc cháy nhà thì chết dở!                  

Vẫn đọc bộ sách “Tiếng Việt 1” trên, tôi rất bất bình vì nhiều truyện dân gian, thơ, câu đố bị cắt xén tùy tiện. Hậu quả là dẫn tới việc phản tác dụng giáo dục.

Xin dẫn 4 ví dụ từ tập 1.

Một mẩu Tấm Cám có phải là Tấm Cám?

  1. Đây là truyện ở trang 109, sách “Tiếng Việt 1, tập một”: “Tấm Cám”

Tấm mồ côi mẹ, phải ở với mẹ kế là mẹ của Cám.

Tấm rất chăm chỉ. Ngày ngày, Tấm mò cua, bắt cá, chăn trâu, cắt cỏ,… Còn Cám ham chơi, chả chịu làm gì. Có lần, cả hai đi bắt cá. Cám nghĩ kế lấy hết cá ở giỏ của Tấm để mẹ khen.”

Đây chỉ đoạn mở đầu của truyện “Tấm Cám”. Cắt ra một mẩu mà lấy tên truyện là “Tấm Cám” thì  không hiểu tác giả SGK có biết như vậy là xuyên tạc không? Họ dạy mẫu truyện này nhằm giáo dục  trẻ lớp 1 điều gì?

  1. Bài tập “giải đố” (lẽ ra phải viết là “giải câu đố”) ở trang 139:

        “Tròn vành vạnh, trắng phau phau.

        Ăn no tắm mát rủ nhau đi nằm.”

Theo gợi ý từ tranh vẽ, có thể đoán đây là bát ăn cơm. Nhưng không rõ là 1 cái bát hay nhiều cái bát. Tranh không vẽ cái đĩa nào. Nhưng đĩa mới “tròn vành vạnh”, chứ bát thì chỉ có cái miệng mới tròn thôi. Câu đố dân gian gốc vốn là:

                          “Một đàn cò trắng phau phau.

                Ăn no tắm mát rủ nhau đi nằm.”

Nói là “một đàn” thì mới có thể đoán đó là một chạn bát đĩa. Còn ra câu đố như sách Tiếng Việt 1 thì dù có tranh vẽ gợi ý cũng không thể trả lời đúng. Nhân nói về câu đố, tôi xin các tác giả tránh đưa vào SGK những câu đố nhạt nhẽo như thế này:

                                                    “Cái gì bật sáng trong đêm

                                                     Làm cho nhà dưới, nhà trên sáng ngời?” 

  1. Trang 156 có bài tập đọc “Hoa khoe sắc” của Thu Hà. Thực ra, tên bài thơ là “Hoa kết trái”. Khổ thơ cuối trong nguyên gốc là:

                                                     “Này các bạn nhỏ

                                                      Đừng hái hoa tươi

                                                       Hoa yêu mọi người.

                                                        Nên hoa kết trái”.

Không rõ vì sao tác giả SGK tùy tiện đổi thành “Nên hoa khoe sắc”. Tác giả có biết rằng thông điệp của hình ảnh “hoa kết trái” khác hẳn với “hoa khoe sắc” không?

  1. Không biết đặt dấu câu?

Đọc cuốn sách, tôi ngạc nhiên thấy tác giả cũng dùng sai dấu câu: “Bạn chả thấy sau đó trời mưa à!” (trang 117). Đây rõ ràng là một câu hỏi. Không hiểu tại sao tác giả không dùng dấu chấm hỏi mà lại dùng dấu chấm than.

Nhân trong câu có từ “chả”, xin kê hàng loạt từ địa phương và từ khó hiểu được dùng trong cuốn sách: “muỗm” (trang 114), “lá trang” (trang 149), “bắc kim thang” (trang 177), “” (trang 177), “con trích cồ” (trang 178) …

Tôi không phản đối việc dùng từ địa phương. Ngược lại, tôi còn cho rằng việc dùng một vài từ địa phương là cần và cũng là một cách tăng cường vốn từ cho trẻ em. Nhưng dùng những từ mà người lớn có tra từ điển cũng không hiểu như “con trích cồ”, “bắc kim thang” thì rất không nên.

Tóm lại, sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 của NXB GD Việt Nam còn rất nhiều sạn. Đây mới là vài chi tiết mà tôi rất băn khăn. Chẳng lẽ, con trẻ học cứ phải phán đoán, với những nội dung nhạt nhẽo, vô bổ, chấp nhận các câu chuyện dân gian nửa vời kia rồi mặc định trong suy nghĩ các em là những câu chuyện, như Tấm Cám chẳng hạn, chỉ có như vậy mà thôi.

Rất cần sự cẩn trọng, trách nhiệm  của người biên soạn sách, nhất là cuốn sách Tiếng Việt dành cho trẻ em lớp 1.

                                                                                      Mai Lâm

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết liên quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM NHIỀU NHẤT