25.4 C
Hanoi
Thứ Ba, 20 Tháng 5, 2025

Tiền điện tăng! Tại sao?

Những ngày gần đây, dư luận bàn tán nhiều về hóa đơn tiền điện tháng 4/2020 tăng cao hơn so với tháng 3/2020. Nhiều khách hàng khẳng định việc sử dụng điện vẫn giống với tháng trước, có khi ít hơn do hàng quán, doanh nghiệp, nhà trọ đóng cửa… Vậy đâu là nguyên nhân làm cho tiền điện tăng!?.

  1. Giá điện tăng không?

Giá điện đang thực hiện theo quyết định số 648/QĐ-BCT của Bộ Công Thương, áp dụng từ ngày 20/3/2019 cho đến nay.

Đối với khách hàng sinh hoạt, giá điện áp dụng theo 6 bậc thang như sau:

  1. Giá không tăng, vậy tại sao tiền điện tăng?

            02 nguyên nhân chính: tăng sản lượng tiêu thụ và giá điện sinh hoạt bậc thang

Thứ nhất, tăng sản lượng tiêu thụ:

– Do tăng số ngày sử dụng điện:

+ Kỳ ghi điện tháng 03/2020 bắt đầu từ trong tháng 02 sang tháng 03/2020 (ví dụ: từ 10/02 đến 09/3/2020): có 29 ngày sử dụng điện.

+ Kỳ ghi điện tháng 04/2020 bắt đầu từ trong tháng 03 sang tháng 04/2020 (ví dụ từ 10/3 đến 09/4/2020): có 31 ngày sử dụng điện, thêm 02 ngày so với tháng trước.

– Do yếu tố thời tiết: theo quy luật từ những năm trước, tháng 03/2020 bắt đầu chuyển sang mùa nóng, làm tăng nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát như điều hoà, quạt máy, tủ lạnh. Đối với các thiết bị làm lạnh, cho dù khách hàng vẫn sử dụng như thói quen hàng ngày nhưng do chênh lệch nhiệt độ tăng nên mức tiêu hao điện lớn hơn. Ví dụ: cùng đặt nhiệt độ điều hoà là 26 độ C, nhưng tháng 02/2020 nhiệt độ môi trường là 29 độ C thì chênh lệch chỉ là 3 độ C; sang tháng 3/2020, nhiệt độ môi trường tăng lên 31 độ C thì chênh lệch cũng tăng lên 5 độ C; điều hoà làm việc với công suất lớn hơn, tiêu tốn nhiều điện năng hơn.

– Do ảnh hưởng của dịch Covid-19: trong tháng 3/2020 và nhất là từ 01/4/2020, Chính Phủ áp dụng cách li xã hội, người dân tập trung trong nhà, nhu cầu sử dụng thiết bị điện phục vụ sinh hoạt, ăn uống, giải trí, học tập trực tuyến như: quạt, điều hoà, tủ lạnh, bếp điện (từ), tivi, karaoke, máy tính, thiết bị di động,… nhiều hơn so với thời gian trước đó.

Thứ hai, giá điện sinh hoạt tính theo bậc thang:

Toàn bộ phần sản lượng điện tăng thêm của tháng 4/2020 so với tháng 03/2020 được tính giá bậc thang có đơn giá cao hơn!

  • Ví dụ, khách hàng sinh hoạt bình quân 10 kWh/ngày thì với kỳ hóa đơn tháng 3/2020 có 29 ngày, sản lượng điện tiêu thụ là 290 kWh.

+ Bậc dùng điện cao nhất là bậc 4. Tổng tiền thanh toán: 660.264 đ.

Bậc Đơn giá (đ/kwh) Sản lượng (kwh) Thành tiền tháng 3/2020 (đ)
1 1.678 50 83.900
2 1.734 50 86.700
3 2.014 100 201.400
4 2.536 90 228.240
5 2.834
6 2.927
Tổng 290 600.240
Tiền sau thuế   660.264

 

  • Sang tháng 4/2020 có 31 ngày: tăng 20 kwh cho 02 ngày sử dụng thêm và giả sử tăng bình quân 2kwh/ngày do yếu tố thời tiết và nhu cầu tăng.

+ Khi đó, tổng sản lượng điện là: 290+20+2×31 = 372 kwh, nhiều hơn 82kwh, tương ứng 28,3% so với sản lượng tháng 3/2020.

+ Tiền điện sẽ tăng nhiều do toàn bộ 82kwh ngày được tính vào giá các bậc thang 4 và 5.

+ Tổng tiền thanh toán: 912.613đ, tăng thêm 252.349đ, tức là gấp 1,38 lần so với tháng 3/2020.

Bậc Đơn giá (đ/kwh) Sản lượng (kwh) Thành tiền tháng 4/2020 (đ)
1 1.678 50 83.900
2 1.734 50 86.700
3 2.014 100 201.400
4 2.536 100 253.600
5 2.834 72 204.048
6 2.927
Tổng 372 829.648
Tiền sau thuế   912.613

 

  1. Thời gian sắp đến, giá điện có giảm?

Giá điện vẫn không giảm! Tuy nhiên, Chính phủ, Bộ Công Thương, EVN áp dụng chính sách hỗ trợ khách hàng tiền điện cho một số nhóm khách hàng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khoảng thời gian hỗ trợ là 03 tháng:

– Khách hàng sản xuất, kinh doanh dịch vụ: giảm 10% giá điện.

– Miễn, giảm tiền điện cho một số đơn vị, cơ sở y tế, cách ly, khám chữa bệnh Covid-19

– Với tất cả khách hàng sinh hoạt, mỗi hộ được hỗ trợ tối đa 68.805 đồng tiền điện mỗi tháng, tương ứng với 10% tiền điện của 300kwh đầu tiên (từ bậc 1 đến bậc 4). Số tiền hỗ trợ sẽ được giảm trừ trực tiếp trên hoá đơn tiền điện các tháng 5, 6 và 7/2020.

Ước tính tổng số tiền PC Đà Nẵng hỗ trợ khách hàng sử dụng điện theo chương trình của Bộ Công Thương, EVN khoảng 150 tỷ đồng. Trong đó, phần hỗ trợ cho hơn 300 ngàn hộ sử dụng điện sinh hoạt khoảng 40 tỷ đồng.

Các tháng 5,6,7/2020 sắp đến cũng là thời gian cao điểm của mùa nắng nóng. Theo quy luật của những năm trước đây, sản lượng điện sinh hoạt trong thời gian này sẽ tiếp tục tăng cao vì yếu tố thời tiết. Do đó, mặc dù được hỗ trợ một phần tiền điện, nhưng do phần sản lượng tăng thêm được áp giá ở bậc thang cao nên tiền điện của khách hàng sẽ tăng nhiều hơn so với tỷ lệ tăng sản lượng điện đã tiêu thụ. Vì vậy, khách hàng nên khuyến nghị tất cả mọi người trong gia đình quan tâm sử dụng điện hợp lý, hiệu quả để tiết kiệm tiền điện.

  1. Làm sao để giảm sản lượng điện tiêu thụ?

Đối với mỗi hộ gia đình, có thể phân chia thiết bị điện thành môt số nhóm sau:

  • Nhóm thiết bị “chạy nền”. Ví dụ: ổ cắm, dây dẫn điện, thiết bị phát sóng wifi, camera quan sát, chuông cửa, bơm nước tự động,…: đây là nhóm thiết bị luôn cần điện để cấp nguồn 24/24, do đó sẽ tiêu tốn một lượng điện nhất định, hầu như không thể giảm sản lượng điện nếu có lắp đặt.
  • Nhóm thiết bị có thể hoạt động ở chế độ chờ: Ví dụ: tivi, đầu thu truyền hình, loa, máy tính, máy in, quạt điện, điều hoà không khí, các thiết bị được điều khiển từ xa,… vẫn tiêu tốn điện nếu cắm điện cho dù không sử dụng. Cách tiết kiệm là tắt cầu dao (aptomat), rút phích cắm ra khỏi ổ điện khi không sử dụng, không để thiết bị ở chế độ chờ.
  • Nhóm thiết bị công suất lớn, tiêu tốn nhiều điện năng như:

+ Điều hòa: Cài đặt nhiệt độ ban ngày 26-27 độ C, ban đêm (phòng ngủ) 27-29 độ C (ưu tiên tăng tốc độ quạt). Tham chiếu nhiệt độ môi trường để đặt nhiệt độ thiết bị không quá chênh lệch. Tăng 01 độ C, sẽ tiết kiệm khoảng 10% điện năng.

+ Tủ lạnh: đây cũng có thể là thiết bị chạy nền vì hoạt động 24/24. Điều chỉnh nhiệt độ hợp lý theo mùa, thường xuyên kiểm tra roăng su có bị hở không; không mở tủ lạnh quá lâu; không chứa quá nhiều thực phẩm; nơi để tủ lạnh tránh xa các thiết bị sinh nhiệt (bình nước nóng, bếp, lò nướng…)

+ Bàn ủi: Nên tập trung nhiều đồ để ủi một lần, ủi đồ dày trước và tận dụng sức nóng để ủi đồ mỏng.

+ Máy nước nóng: Nên mua bình nước nóng gián tiếp. Không bật quá lâu,  chỉ nên bật trước dùng nước từ 10-15 phút. Trước khi sử dụng nên tắt nguồn điện để đảm bảo an toàn. Khuyến khích lắp đặt hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời để sử dụng.

+ Ánh sáng, nồi cơm điện, quạt gió: Nên chọn đèn compact, đèn led và tận dụng ánh sáng tự nhiên. Nên nấu cơm trước khi ăn từ 30-45 phút để hạn chế thời gian hâm nóng. Điều chỉnh tốc độ quạt gió phù hợp nhu cầu.

  • Một giải pháp khác, rất hữu hiệu để giảm sản lượng điện tiêu thụ là lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà nối lưới:

+ Ban ngày sẽ ưu tiên sử dụng điện mặt trời trước, nếu thiếu công suất mới sử dụng điện lưới. Nếu công suất điện mặt trời vượt quá nhu cầu sử dụng thì phần thừa sẽ phát ngược lên lưới điện, Điện lực sẽ mua lại phần sản lượng điện này với giá 1.943đ/kwh.

+ Phần sản lượng điện mặt trời đã sử dụng chính là phần sản lượng được tính giá những bậc thang cao nhất nếu sử dụng điện lưới.

+ Khách hàng đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà nối lưới có thể phân tích hiệu quả, theo dõi số tiền đã tiết kiệm và tiền bán điện từng tháng tại địa chỉ: https://pcdn.cpc.vn/tracuu mục Điện mặt trời.

  1. Theo dõi tình hình sử dụng điện như thế nào?

Hệ thống đo đếm điện của thành phố Đà Nẵng đã được điện tử hoá. So với công tơ cơ khí (mỗi tháng chỉ biết chỉ số 1 lần, dễ nhầm lẫn sai sót do ghi chữ điện thủ công), công tơ điện tử có độ chính xác cao, được kiểm định nghiêm ngặt bởi các cơ quan quản lý nhà nước, tính bảo mật cao, chỉ cho phép trích xuất số liệu để đọc chỉ số tự động nhiều lần trong ngày.

Từ cơ sở dữ liệu công tơ đo đếm điện thu thập được, ngành điện Đà Nẵng trở thành đơn vị đầu tiên trong cả nước công khai chỉ số tiêu thụ điện đến tất cả 100% khách hàng sử dụng điện trên địa bàn thành phố tại địa chỉ: https://pcdn.cpc.vn/tracuu.

– Công khai chỉ số điện thu thập được theo từng giờ, từng ngày.

– Tính sản lượng điện đã tiêu thụ từ ngày đầu kỳ đến thời điểm gần nhất thu thập được. So sánh sản lượng điện đã tiêu thụ, số ngày sử dụng điện với 02 tháng trước liền kề và cùng kỳ năm trước.

– Chi tiết tạm tính tiền điện theo sản lượng đã sử dụng và tính theo số ngày sử dụng.

– Xem sản lượng, tiền điện theo tháng, quy luật sử dụng điện theo biểu đồ sản lượng điện đã tiêu thụ qua các tháng của năm trước và năm nay.

– Thiết lập cảnh báo sản lượng điện theo giá trị tuyệt đối (số kwh) và tỷ lệ tương đối (%). Kịp thời phát hiện các trường hợp bất thường như rò rỉ, chạm chập điện.

– Một số thông tin khác có liên quan như: lịch ghi điện, hệ thống đo đếm, lịch tạm ngừng cung cấp điện, tiền điện chưa thanh toán,…

Ngoài ra, khách hàng còn có thể theo dõi tình hình sử dụng điện bằng ứng dụng EVNCPC CSKH, kết nối Zalo với TTCSKH Điện lực miền Trung, đăng ký email với Điện lực để nhận đầy đủ, kịp thời những thông tin từ ngành Điện.

Dương Anh Minh

Bài viết liên quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM NHIỀU NHẤT