21.4 C
Hanoi
Thứ Ba, 13 Tháng 5, 2025

Quản lý vận hành chiếu sáng công cộng: Đề xuất giải pháp từ cơ sở

Công tác chiếu sáng công cộng ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời gian qua phát triển khá nhanh, đáp ứng nhu cầu không ngừng nâng cao của cuộc sống. Tuy nhiên, cũng còn tồn tại nhiều vấn đề và các đơn vị làm công tác chiếu sáng có chung kiến nghị.

Đèn trang trí ở công viên Cà Mau
Đèn trang trí ở công viên Cà Mau

Thực trạng các hệ thống chiếu sáng hiện nay, cơ bản là manh mún, chưa hiện đại. Một số hệ thống đầu tư lâu năm đã xuống cấp, số còn lại được cải tạo nâng cấp và sửa chữa hư hỏng trong điều kiện kinh phí hạn chế. Các hệ thống đầu tư mới đa số nằm trong những gói thầu xây dựng cầu, đường, khu dân cư được nhiều đơn vị khác nhau làm chủ nên không đồng bộ. Quá trình xã hội hóa huy động được nhiều nguồn lực nhưng lại làm cho công tác quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng thiếu tập trung, có đơn vị chưa am tường hệ thống chiếu sáng. Thực trạng ấy đang đặt ra yêu cầu:

Thống nhất quản lý, tiêu chuẩn
Phó giám đốc Cty TNHH MTV Môi trường Đô thị Cà Mau, ông Dương Thành Nghĩa nói: “Cần thống nhất quản lý chung trong công tác vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị theo nghị định về quản lý chiếu sáng đô thị, kể cả những khu đô thị mới không đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước”.
Cùng quan điểm, Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần Đô thị Cần Thơ, ông Lưu Việt Chiến: “Tập trung giao về một đơn vị quản lý vận hành. Công tác quản lý hệ thống chiếu sáng công cộng nên thống nhất giao cho một cơ quan quản lý Nhà nước như Sở GT&VT hoặc Sở Xây dựng của tỉnh thành quản lý hết địa bàn trên tỉnh thành đó. Đề nghị Bộ Xây dựng điều chỉnh và bổ sung một số công tác trong định mức duy trì hệ thống chiếu sáng: quản lý sửa chữa đèn tín hiệu giao thông, đèn LED chiếu sáng. Tạo mối liên kết giữa các địa phương và các ban, ngành trong công tác quản lý vận hành”.
Phó giám đốc Xí nghiệp Môi trường Đô thị Châu Đốc (An Giang) Đỗ Văn Lạc đề xuất: “Xây dựng nột quy hoạch ổn định và lâu dài để làm cơ sở phân đoạn thiết kế và thời gian thực hiện”. Giám đốc Cty Cổ phần Đô thị Tân An (Long An) Nguyễn Thị Hồng Vy nói rõ thêm: “Cần một quy hoạch ổn định về thời gian lập quy hoạch, thời gian thực hiện quy hoạch.Từ đó mới có cơ sở để phân đoạn thực hiện thiết kế, xây dựng mạng lưới chiếu sáng ổn định, lựa chọn nguồn sáng hiệu suất cao”.
Trưởng ban Quản lý Công trình Đô thị Hà Tiên (Kiên Giang) Nguyễn Thị Mộng Duyên: “Thiết kế chiếu sáng phải ưu tiên tiết kiệm điện, áp dụng theo Tiêu chuẩn Việt Nam để đảm bảo độ rọi và tránh lãng phí ánh sáng”. Phó giám đốc Ban Quản lý Công trình Công cộng thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) Hồ Thanh Tâm: “Phối hợp giữa các ngành liên quan tiếp nhận và bàn giao các trạm đèn đường cho Điện lực quản lý vận hành. Ban hành tiêu chuẩn Việt Nam về lĩnh vực đèn LED”.

Chiếu sáng công trình xây dựng Vincom Xuân Khánh ở Cần Thơ
Chiếu sáng công trình xây dựng Vincom Xuân Khánh ở Cần Thơ

Giám sát và tài chính
Tổng giám đốc Cty Cổ phần Công trình Đô thị Bến Tre, ông Ngô Trung Kiên: “Áp dụng nghiêm các quy định trong công tác đầu tư hệ thống chiếu sáng hiệu suất cao”. Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần Đô thị Cần Thơ Lưu Việt Chiến: “Cần có hướng đầu tư xây dựng Trung tâm điều khiển và giám sát hệ thống chiếu sáng công cộng. Xây dựng cơ chế chính sách huy động vốn đóp góp của người dân và nhà nước cùng thực hiện đầu tư xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp chiếu sáng ngõ, hẻm trong các quận, huyện”.
Giám đốc Cty Cổ phần Đô thị Tân An (Long An) Nguyễn Thị Hồng Vy và Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ Đô thị tỉnh Bạc Liêu Dương Văn Út cùng kiến nghị: “Xây dựng hệ thống giám sát và điều khiển chiếu sáng đô thị đồng thời với giải pháp tiết kiệm điện năng tại tủ và từng điểm sáng. Cần có nguồn kinh phí thường xuyên từ ngân sách nhà nước cho chiếu sáng hay thực hiện xã hội hóa để có nguồn kinh phí cho công tác quản lý vận hành, duy tu sửa chữa theo kế hoạch, định kỳ thực hiện”.
Trưởng ban Quản lý Công trình Đô thị Hà Tiên (Kiên Giang) Nguyễn Thị Mộng Duyên: “Cần có nguồn kinh phí thường xuyên từ ngân sách nhà nước cho chiếu sáng đô thị, công tác quản lý vận hành, duy tư sửa chữa theo kế hoạch”. Hơn thế, Phó giám đốc Xí nghiệp Môi trường Đô thị Châu Đốc (An Giang) Đỗ Văn Lạc: “Tăng cường nguồn kinh phí cho hệ thống điện chiếu sáng”.
Phó giám đốc Ban Quản lý Công trình Công cộng thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) Hồ Thanh Tâm nói thêm: “Cần hỗ trợ kiểm toán năng lượng trong chiếu sáng công cộng. Ban hành văn bản chỉ đạo các huyện, thị, thành phố, các sở ban ngành khi triển khai lập dự án đầu tư chiếu sáng công cộng cần chú ý chủng loại đèn, công suất, hiệu suất, khoảng cách, chiều cao treo đèn phù hợp với cấp, loại đường. Thiết kế chiếu sáng phải ưu tiên tiết kiệm điện, áp dụng tiêu chuẩn thiết kế chiếu sáng cấp C hoặc D trong khoảng giới hạn từ 5Lx đến 12Lx, vừa đảm bảo độ rọi vừa tránh lãng phí ánh sáng”.

Đèn Led chiếu sáng ở chợ trung tâm Bạc Liêu
Đèn Led chiếu sáng ở chợ trung tâm Bạc Liêu

Giải pháp kỹ thuật cụ thể
Tổng giám đốc Cty Cổ phần Công trình Đô thị Bến Tre Ngô Trung Kiên: “Đầu tư kinh phí để cải tạo hệ thống chiếu sáng cũ, thay các đèn 250W Sodium, đèn thủy ngân bằng đèn Led có công suất nhỏ hơn để tiết kiệm điện năng và chi phí sửa chữa”. Giám đốc Cty Cổ phần Đô thị Tân An (Long An) Nguyễn Thị Hồng Vy: “Hướng dần đến tối ưu hóa chiếu sáng. Theo điều kiện thực tế và đặc điểm của đèn ở từng khu vực: từ đèn huỳnh quang 40W thành bộ đèn Compact, Z1, Z2, Sodium-IP66, từng bước hướng dần đến tối ưu hóa chiếu sáng với công nghệ cao Led nano”. Phó giám đốc Ban Quản lý Công trình Công cộng thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) Hồ Thanh Tâm cũng nói: “Các dự án xây dựng nên đầu tư bằng đèn Led”.
“Sử dụng công nghệ Led để giảm điện năng tiêu thụ và tăng thời gian sử dụng”, Giám đốc Xí nghiệp Môi trường Đô thị Châu Đốc (An Giang) Đỗ Văn Lạc tán thành. Trưởng ban Quản lý Công trình Đô thị Hà Tiên (Kiên Giang) Nguyễn Thị Mộng Duyên: “Trong quá trình thiết kế hệ thống điện chiếu sáng công cộng sử dụng đèn Led có ballast phân cấp công suất. Cải tạo dần hệ thống chiếu sáng cũ và sử dụng ballast 2 cấp công suất 250W/150W hay 150W/100W tối ưu hóa hướng chiếu sáng, phân bổ ánh sáng đều theo khoảng cách, tránh lãng phí ánh sáng theo thời gian và mật độ giao thông”.
Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ Đô thị tỉnh Bạc Liêu Dương Văn Út phân tích thêm: “Sử dụng đèn Led tiết kiệm điện thay thế đèn Sodium, Metal halide. Hệ thống chiếu sáng ở đô thị, khu dân cư khi thiết kế phải được ngầm hóa để tạo mỹ quan đô thị. Lựa chọn nguồn sáng phải chịu được sự thay đổi điện áp lớn để đảm bảo về chất lượng quang năng và tuổi thọ của đèn. Hướng dần đến tối ưu hóa chiếu sáng: đèn Led ưu tiên chiếu sáng đường phố, khu đô thị; đèn Compact ưu tiên chiếu sáng ngõ xóm. Hệ thống đèn phải luôn luôn bảo đảm độ kín với chỉ số cấp bảo vệ IP cao, tối thiểu IP22, để duy trì quang thông trong quá trình sử dụng”.

Coi trọng đào tạo nhân lực
Các đơn vị cơ sở đều nhấn mạnh đến việc đào tạo nhân lực đủ khả năng quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng hiện có an toàn tiết kiệm và tiếp cận nhanh công nghệ mới.
Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ Đô thị tỉnh Bạc Liêu Dương Văn Út: “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực để tiếp thu, ứng dụng những công nghệ mới nhằm vận hành hệ thống chiếu sáng đô thị đạt hiệu quả cao”. Tổng giám đốc Cty Cổ phần Công trình Đô thị Bến Tre Ngô Trung Kiên: “Cần có chế độ đãi ngộ tốt cho đội ngũ cán bộ làm công tác chiếu sáng”.
Thống nhất quan điểm, Trưởng ban Quản lý Công trình Đô thị Hà Tiên (Kiên Giang) Nguyễn Thị Mộng Duyên: “Cần có đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực để tiếp ứng những công nghệ mới, xu hướng phát triển chung”. Phó giám đốc Xí nghiệp Môi trường Đô thị Châu Đốc (An Giang) Đỗ Văn Lạc: “Tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực để tiếp cận với xu hướng phát triển công nghệ hiện nay”.
Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần Đô thị Cần Thơ Lưu Việt Chiến đề cập vấn đề chính sách: “Xây dựng chính sách đào tạo nguồn nhân lực bao gồm đào tạo cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật về vận hành, bảo trì chiếu sáng đô thị”.

SÁU NGHỆ

Bài viết liên quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM NHIỀU NHẤT