26 C
Hanoi
Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình dự hội nghị triển khai công tác thuế năm 2021

Print Friendly, PDF & Email

Chiều 5/1, Tổng cục Thuế tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác thuế năm 2020, triển khai các giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm 2021. Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình dự và phát biểu chỉ đạo.

Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những kết quả và thành tích đã đạt được của gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của ngành thuế trong năm qua, góp phần cùng cả nước đạt được những thành tựu rất ấn tượng.

Trong bối cảnh, tình hình đất nước và toàn cầu đặc biệt khó khăn trong năm 2020, nhưng thu ngân sách nhà nước của ngành thuế ước đạt trên 1.275 triệu tỷ đồng, vượt 1,7% so với dự toán đã được Quốc hội giao (tương ứng mức vượt gần 21.000 tỷ đồng), vượt trên 172.000 tỷ đồng so với số ước thu đã báo cáo Quốc hội; có 55/63 (87%) địa phương hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán, đáng chú ý trong bối cảnh tăng trưởng kinh không như kỳ vọng, nhưng có 40/63 (63%) địa phương có số thu cao hơn năm 2019.

Năm 2020 là năm toàn ngành thuế đã cơ bản hoàn thành Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 với nhiều kết quả tích cực. Toàn ngành thuế đã thực hiện tốt các chức năng của ngành, phù hợp với trạng thái “bình thường mới” của đất nước trong đại dịch COVID-19. Đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp. Ngành thuế tiếp tục làm tốt công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình cũng đề nghị ngành thuế cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá khách quan và kỹ hơn một số tồn tại, hạn chế của ngành để tập trung khắc phục, có giải pháp đột phá trong thời gian tới như chính sách về thuế dần được hoàn thiện, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn phát triển. Các chính sách phải được hoàn thiện theo hướng vừa bảo đảm nguồn thu, vừa nuôi dưỡng nguồn thu, bao quát được nguồn thu, bảo đảm công bằng, khuyến khích hoạt động sản xuất kinh doanh như thế mới tạo ra nguồn thu bền vững.

Bên cạnh đó, vẫn còn xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, khiếu nại, khiếu kiện của doanh nghiệp, người nộp thuế. Cá biệt, có một số trường hợp, việc xử lý kéo dài qua nhiều năm, không được xử lý dứt điểm gây bức xúc cho doanh nghiệp, ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh, đầu tư của Việt Nam và phải đẩy lên Chính phủ, Thủ tướng xử lý. Kỷ luật kỷ cương ở một số nơi còn chưa nghiêm, vẫn còn hiện tượng cán bộ vi phạm, phải xử lý…

“Phải có nhìn nhận thấu đáo, chỉ ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan, áp dụng đúng quy định của pháp luật nhưng không cứng nhắc, thấu tình đạt lý, tăng cường chủ động, trách nhiệm trong công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan, đối thoại, giải thích với doanh nghiệp để tìm giải pháp xử lý dứt điểm, thấu đáo trong thời gian tới, giảm thiểu khối lượng công việc phải đẩy lên Chính phủ. Không để tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, quyết tâm phòng chống “virus trì trệ””, Phó Thủ tướng Thường trực chỉ rõ.

Để toàn ngành thuế chủ động, tích cực quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện thật tốt các nghị quyết của Chính phủ, kế hoạch của ngành, phù hợp thực tế và khả thi cao, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Thứ nhất, tích cực triển khai các nhiệm vụ nhằm hoàn thành xây dựng chiến lược cải cách thuế cho giai đoạn 2021-2030. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các chính sách về thuế (chính sách về miễn, giảm thuế, giãn thuế) để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 – đây chính là một trong 3 đột phá mà Đảng ta đã xác định. Tiếp tục tham mưu, hoàn thiện thể chế, chính sách về thuế và quản lý thuế đáp ứng yêu cầu của đổi mới và hội nhập, nhất là trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4.

Xây dựng chính sách lấy người nộp thuế là trung tâm và là đối tượng phục vụ. Xây dựng chính sách phải chú trọng mở rộng cơ sở thuế, bao quát nguồn thu, tránh thất thu, thu sót, lưu ý các lĩnh vực để bảo vệ quyền đánh thuế của Việt Nam như chuyển nhượng vốn, cổ phần của doanh nghiệp kinh doanh ở Việt Nam nhưng thực hiện ngoài Việt Nam, loại hình kinh tế chia sẻ…. Phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2021.

Hai là, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, kiên quyết không để xảy ra tình trạng trì trệ, nhũng nhiễu trong thực thi nhiệm vụ, phải xây dựng được văn hóa, đội ngũ cán bộ ‘liêm chính, chí công vô tư”, thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương của Đảng viên, nhất là của người đứng đầu. Nâng cao chất lượng nhân lực ngành thuế, chú trọng tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ công chức, đảm bảo tuân thủ pháp luật, quy định của ngành khi thực thi công vụ. Thắt chặt kỷ luật kỷ cương, thực hiện nghiêm quy định về luân chuyển cán bộ, nhất là các vị trí dễ xảy ra tiêu cực, bảo đảm minh bạch, công khai, dân chủ. Trong đó, vẫn còn một số cán bộ ngành thuế còn nhũng nhiễu, thờ ơ, chưa mạnh dạn đề xuất tháo gỡ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân. Ngành thuế cần có biện pháp mạnh mẽ để khắc phục ngay tình trạng này; thực hiện kiểm tra, xử lý nghiêm, đưa ra khỏi ngành những cán bộ công chức hư hỏng, thoái hóa, biến chất.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, hiện đại hóa ngành thuế theo hướng điện tử hóa, số hóa quản lý thuế, tập trung cải cách quản lý thuế, cắt giảm thủ tục hành chính thuế, mạnh dạn đề xuất các giải pháp đột phá, giảm thiểu những phiền hà, khó khăn, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân.

Bốn là, tập trung quản lý thu thuế đối với hộ kinh doanh và khu vực ngoài quốc doanh, lĩnh vực này còn tiềm ẩn nhiều rủi ro thất thu thuế, nhất là trong bối cảnh thanh toán tiền mặt còn lớn, chưa kiểm soát được nguồn tiền và thu nhập. Tiến tới thực hiện thu thuế điện tử đối với khu vực kinh tế ngoài quốc doanh.

Năm là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, tập trung thanh tra hoạt động chuyển giá, thương mại điện tử…Trong đó, tiến tới thanh tra, kiểm tra điện tử; đẩy mạnh công tác kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử. Tổ chức đối thoại thường xuyên với người nộp thuế, gần gũi, đồng hành cùng cơ quan thông tấn, báo chí, tạo chuyển biến rõ nét trong việc chống thất thu góp phần ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả; quản lý chặt chẽ việc xác định giá tính thuế; phát hiện và ngăn chặn các hành vi chuyển giá, trốn lậu thuế; tăng cường quản lý hoạt động của khu vực kinh tế phi chính thức.

PV

Bài viết liên quan