27.1 C
Hanoi
Thứ Ba, 8 Tháng 7, 2025

PC Bình Định: Đưa vào vận hành hệ thống lưới điện 22kV ngầm hóa đường An Dương Vương-TP Quy Nhơn. 

Ngầm hóa hệ thống lưới lưới điện kết hợp ngầm hóa đường dây thông tin là xu hướng tất yếu của các đô thị hiện nay, mục đích chính nhằm mang lại hiệu quả lâu dài về mỹ quan đô thị,  tạo hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật lưới điện và dây thông tin theo tiêu chuẩn đô thị hiện đại, nâng cao năng lực vận hành an toàn của lưới điện, chống chịu thiên tai, đồng thời cải thiện tình hình giao thông, trật tự đô thị, góp phần thu hút đầu tư trong và ngoài nước cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Hệ thống điện đường An Dương Vương sau khi ngầm hóa.

Trước đó, ngày 21/8/2019, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành kế hoạch thực hiện ngầm hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại các đô thị trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025 và phê duyệt thí điểm dự án di dời, ngầm hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật dọc tuyến đường An Dương Vương (TP Quy Nhơn) giai đoạn 2019 – 2020. Đây được xem là giải pháp bền vững để tạo bộ mặt mới cho Thành phố. Theo đó, toàn bộ các loại cáp của các ngành viễn thông, điện lực, chiếu sáng đô thị và hệ thống ống cấp – thoát nước sẽ được bố trí đi chung trong hào kỹ thuật ở dưới vỉa hè phía Tây đường An Dương Vương. Phương án ngầm hóa lưới điện 22kV dọc đường An Dương Vương từ PĐ Đại học sư phạm đến PĐ Gềnh Ráng, cùng với hệ thống hạ tầng khác trong khu vực. Phương án ngầm hóa lưới điện 22kV dọc đường An Dương Vương từ PĐ Đại học sư phạm đến PĐ Gềnh Ráng, cùng với hệ thống hạ tầng khác trong khu vực đã được UBND TP Quy Nhơn phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán công trình trong năm 2019; theo kế hoạch, công trình được triển khai thi công trong quý I/2020 và hoàn thành trong năm 2020. Theo thiết kế được duyệt thì khối lượng lưới điện 22kV trên không sẽ ngầm hóa từ cột 28 đến cột 66 thuộc XT473/QNH2, với chiều dài cáp ngầm loại 3xCu/XLPE/PVC/DATA-240mm2-24kV là 1.532 mét. Ngoài ra, trên tuyến cáp ngầm còn lắp đặt 6 tủ RMU, bao gồm 01 tủ RMU loại 3 ngăn, 02 tủ RMU loại 4 ngăn, 02 tủ RMU loại 5 ngăn, 01 tủ RMU loại 6 ngăn, và các MC, LBS đi kèm để cấp điện 22kV cho các phụ tải trong khu vực sau khi ngầm hóa lưới điện.

Đơn vị thi công tiến hành hạ ngầm hệ thống điện đường An Dương Vương.

Mặc dù trong quá trình triển khai thực hiện công tác hạ ngầm theo kế hoạch còn gặp nhiều khó khăn, do liên quan đến nhiều ban ngành, nhiều đơn vị quản lý hạ tầng như: cấp thoát nước, viễn thông, điện lực, chiếu sáng, … việc phối hợp giữa các đơn vị thiếu đồng bộ dẫn đến công tác khảo sát, xác định vị trí lắp thiết bị, thỏa thuận giữa các cơ quan liên quan còn kéo dài; ngoài ra một số khu vực không có hồ sơ lưu trữ, bản đồ các công trình ngầm hiện trạng nên việc khảo sát, thi công gặp nhiều trở ngại. Nhưng với sự chỉ đạo sâu sát của UBND Tỉnh, UBND TP Quy Nhơn, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban ngành, các đơn vị chủ quản hạ tầng kỹ thuật; đến ngày 17/12/2020, đơn vị thi công đã hoàn thành toàn bộ khối lượng công việc, đảm bảo điều kiện kỹ thuật để tiến hành nghiệm thu đóng điện, đưa công trình vào sử dụng. Trong 2 ngày 29 và 30/12/2020, PC Bình Định đã phối hợp với đơn vị thi công, và các đơn vị liên quan đóng điện 22kV thành công, nghiệm thu dự án ngầm hóa lưới điện 22kV dọc đường An Dương Vương từ PĐ Đại học sư phạm đến PĐ Gềnh Ráng, sau đó tiến hành đóng cấp điện 22kV lại cho toàn bộ phụ tải trong khu vực an toàn, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

TBA An Dương Vương sau khi chuyển sang ngầm hóa.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định về ngầm hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại các đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2020-2025, thì kế hoạch trong giai đoạn 2020 – 2025 sẽ cơ bản hoàn tất hạ ngầm tại thành phố Quy Nhơn; đến năm 2025 về sau, tiếp tục triển khai trên toàn bộ các đô thị loại IV trở lên trên địa bàn Tỉnh.

Võ Việt

Bài viết liên quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM NHIỀU NHẤT