Năm nay, Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ diễn ra từ ngày 5/4 đến 9/4/2017, chủ đề “Ngọt ngào hương vị phương Nam”, tại Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ. Tham gia có các đơn vị của Campuchia, Malaysia, Indonesia, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan, Pháp và Việt Nam, với hơn 250 gian hàng trưng bày, giới thiệu các loại bánh dân gian, ẩm thực dân gian, đặc sản và nguyên liệu làm bánh. Trong nước có mặt 15 tỉnh và thành phố: Cần Thơ, Hà Nội, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, An Giang, Tiền Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Bình Phước, Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Đắk Lắk.

Đây là sự kiện văn hóa thường niên nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm bánh dân gian đặc trưng của Nam Bộ, tạo điều kiện cho du khách có cơ hội trải nghiệm. Qua đó, khuyến khích sự sáng tạo của nghệ nhân làm bánh dân gian, hỗ trợ nghệ nhân liên kết với các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước phát triển, xây dựng thương hiệu quốc gia.

Tại Lễ hội, chính thức có hơn 100 loại bánh bánh dân gian trong và ngoài nước. Nhiều loại bánh mới được sưu tầm ở các địa phương. Như bánh ống Sóc Trăng (của Nghệ nhân Khơme Thạch Thị Thanh Sang); Chè trôi nước khoai mỡ (của nghệ nhân Phan Thanh Liêm, tỉnh Sóc Trăng); Bánh đa hến (của nghệ nhân tỉnh Trà Vinh); Bánh Giá chợ Giồng (của nghệ nhân Nguyễn Tuấn Hiển, tỉnh Tiền Giang); Bánh lá dừa tí hon (của nghệ nhân Đặng Thị Mai Loan, tỉnh Bến Tre); Bánh hành, bánh hẹ (của nghệ nhân Dương Thúy Kiều, tỉnh An Giang); Bánh Ka Tum (của nghệ nhân Neang Phương, tỉnh An Giang); Bánh Bà lai (Người Hoa); Bánh canh gõ gáo dừa (của Nghệ nhân Nguyễn Thị Phượng Loan, Cần Thơ); Bánh mãng cầu (của nghệ nhân Nguyễn Thị Kim Ngân, Cần Thơ); Cốm nổ (của nghệ nhân Trương Thị Sáu, Cần Thơ) .v.v.


Lễ hội còn trưng bày 60 hiện vật làm bánh của 3 dân tộc Việt, Hoa, Khmer. Đó là khuôn làm bánh blan, bánh hỏi, hồng đào, thửng, khọt; dụng cụ đánh trứng, quả đựng bánh, cối quết bánh phồng.
THANH THÚY