18 C
Hanoi
Thứ Ba, 19 Tháng Ba, 2024

Ký sự Đông Giang: Cuộc trò chuyện bên lề (Bài 2)

Print Friendly, PDF & Email

Tiếp tục một cuộc hành trình tới với gia đình của PơLoong Đạt để tôi có thể hiểu hơn về hoàn cảnh khó khăn của em. Tôi đã nhờ thầy Lưu Lạc Sơn (thầy giáo của Đạt) dẫn đường đến căn nhà nhỏ của gia đình em.

Cung đường về nhà của PơLoong Đạt cũng gập ghềnh như cuộc đời của những em học sinh vùng sâu, vùng xa vậy

Từ tuyến đường chính, tôi đi đến thôn ARớt (xã Ating, huyện Đông Giang) để tới nhà của cậu học sinh này, cả tuyến đường thật sự rất khó đi bởi nó rất gồ ghề, con đường bê tông lâu năm giờ trơ lên những mỏm xi măng đóng thành từng mảng, những vũng nước sình lầy, những con dốc liên tiếp đòi hỏi tôi phải vững tay lái, đi tầm 4km thì tôi được những người đi đường chỉ dẫn tới một ngôi nhà gỗ diện tích khoảng 70 mét vuông, nhìn xung quanh một lượt, chẳng có bất cứ thứ gì có giá trị ngoài những bó củi được xếp dọc cùng với một cây ‘vả’ đang có trái, bốn bề ngôi nhà được xây bằng những tấm ván mỏng được lát với nhau nhưng lại lộ ra những kẽ hở mà theo tôi nghĩ nếu về mùa mưa đó sẽ là nơi tràn vào của nước, mái nhà được phủ bằng những tấm tôn có dấu hiệu gỉ sét.

Căn nhà gỗ được lợp bằng tôn là chốn nương náu của cả một gia đình 4 người

Tôi định đi sâu hơn sau phía sau để nhìn cho kỹ thì bị đánh động bởi chữ “này” của một người phụ nữ trung niên, có lẽ chị nghĩ tôi là một tên ‘trộm’ vào đây lấy trộm thứ gì đó nên chị có bảo với tôi rằng: “Nhà đó không có gì để trộm đâu, tôi ở cạnh đây nên tôi biết rõ”.

Một chiếc tivi bị hỏng từ lâu và những tấm ảnh của được chị Bót (mẹ của Đạt) xin về treo trong nhà để có cảm giác gia đình

Đúng vậy, nếu tôi là một tên trộm có mục đích vào đây để kiếm hành nghề thì có lẽ sẽ đi về tay không. Vì căn nhà này không hề có gì để trộm thật, chỉ có 4 vách tường cùng mái ngói được lợp bằng lớp tôn hoen ghỉ, ở ngoài cùng vài bó củi được xếp lộn xộn cùng với mấy con gà của nhà hàng xóm chạy qua.

Tôi lân la hỏi dò người phụ nữ, lúc đầu chị khá nghi ngơ đối với một người lạ như tôi. Nhưng khi tôi đưa ra bằng chứng mình là Phóng viên thì chị mới yên tâm nói chuyện tâm tình với tôi, chị chia sẻ rằng chị sống ở bên cạnh gia đình em PơLoong Đạt. Chị tên là Vũ Thị An năm nay 44 tuổi, là người Nam Định nhưng chị đã vào đây sinh sống được gần chục năm rồi, bây giờ đang bán tạp hóa ở đây và cũng là người giúp đỡ cho gia đình Đạt nhiều thứ từ đồ ăn tới vật dụng cá nhân sinh hoạt.

Chị Vũ Thị An (44 tuổi) là một người sống cạnh gia đình của PơLoong Đạt kể lại nghịch cảnh của gia đình em

Chị An kể cho chúng tôi bằng một giọng trầm về gia đình của Đạt: “Tôi sống nửa đời này nhưng chưa bao giờ thấy ai khổ như mẹ con nó (mẹ con nhà PơLoong Đạt), cha của nó bỏ đi hơn 4 năm do lúc đó chê con Bót (mẹ của Đạt) nghèo không làm ra tiền để hắn nhậu, hắn bỏ đi khi con Bót có bầu thằng Đúng (em trai Đạt).

Con đó đẻ xong thì bệnh viện họ bảo nó bị suy thận nặng luôn rồi cần tới bệnh viện để chữa nhưng nó làm gì có tiền để mà chữa, vậy nên cứ mỗi tuần nó lại lên trạm y tế xin thuốc giảm đau về để uống bởi chỗ đó họ phát thuốc miễn phí, có nhiều khi nó bị hết thuốc nên từ bên chỗ chị có thể nghe thấy tiếng thét đau đớn của nó, khi đó mẹ thằng Đạt vừa bò vừa khóc lê lết ngoài đường với hy vọng có ai đó chở lên trạm y tế để xin thuốc, chị thấy vậy cũng thương lắm nhưng do không biết đi xe máy nên không chở nó đi được.

Những lần con Bót ốm thì chị lại giúp nó trông mấy đứa con, nói chứ cho nó ăn với xem ti vi ở nhà mình, cũng ước mình có nhiều của cải để giúp cho nhà nó chứ con này nó khổ quá rồi. Hồi nó chưa bị bệnh như bây giờ thì thằng chồng của nó suốt ngày say xỉn đánh đập vợ con, mà thằng đó nó đập kinh lắm, ngày nào cũng đập con bót tới mức vết thương này chưa lành thì vết thương khác đã có.

Tới cách đây 4 năm thì thằng đó chê con Bót nghèo không kiếm được tiền cho nó uống rượu nên nó bỏ theo đứa có nhà có đất, có thể chu cấp rượu cho nó, từ hồi đó tới giờ nó không về thăm một lần nào, được mỗi bà nội là có qua thăm nhưng do dân ở đây nghèo lắm nên qua chơi chứ không có gì để cho hết.

Mẹ con nó bữa giờ cũng vay với nợ đồ ở quán tạp hóa của chị nhiều nhưng chị cũng đành lấy lời của họ bù cho lỗ của nó, coi nó như em vậy nên khi nào ai cho nó được đồng nào thì nó đem đi trả nợ hết, có bao giờ cầm được đồng nào trên tay đâu.

Nó có đứa con gái lớn đang học lớp 10 ở dưới trường cấp 3 Âu Cơ (xã Ba, huyện Đông Giang), 2 mẹ con nó thương nhau lắm nhưng cả tháng mới được gặp nhau 1 lần do nó phải đi làm thêm kiếm tiền cho mẹ nó nữa, nhiều lúc nó về mà trong người bao giờ có tiền đâu nên đành đi bộ cả chục cây số để về nhà. Mấy đứa con nhà này nó thương mẹ nên sống hòa thuận lắm, đứa nào cũng ngoan, đứa nào cũng học giỏi.

Tết năm nào thấy người ta đón Tết thì gia đình nó cũng mở cửa nhìn ra, chị thấy cảnh đó mà thấy tội lắm, họ bảo Tết phải có thịt với bánh sừng trâu chứ nhà này có gạo để ăn là may mắn lắm rồi ”. Về những khoản nợ của chị Bót, hầu hết chỉ là mua gạo và lương thực để duy trì cuộc sống cho gia đình. Nhưng giờ đây con số nợ đã lên tới cả chục triệu nên nhiều người tuy có lòng tốt nhưng cũng không dám cho gia đình của chị vay được nhiều hơn nữa.

Là một người mang trong mình đủ thứ bệnh nhưng chị Alăng Thị Bót vẫn vì những đứa con mà cắn răng để gành những bó củi về kiếm gạo để ăn

Tôi nói với chị An để cho mình một bao gạo cùng một ít bánh kẹo cho tụi trẻ nhà chị Bót. Vừa để bao gạo xuống, chị An liền chỉ tay về phía một người phụ nữ rồi nói to: “Kìa, thằng Đạt đó em”, lúc đó tôi giật nảy mình nhìn lại phía sau. Đằng xa là hình bóng của tụi nhóc đang đi học về, trong đó tôi thấy có một cậu bé có nụ cười tươi đang mặc chiếc áo thổ cẩm ở ngoài, nhìn kỹ thì cậu bé đó chính là PơLoong Đạt.

Chiến Thắng

Bài viết liên quan