26 C
Hanoi
Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024

Hai vợ chồng 30 năm tái chế thủy tinh từ bóng đèn tuýp

Print Friendly, PDF & Email

Một cặp vợ chồng già ở ngoại thành Hà Nội hơn 30 năm qua miệt mài tái chế những bóng đèn tuýp đã hỏng thành đồ dùng thủy tinh.

Ông Hồ Văn Gừng chuẩn bị công việc cho một ngày mới. Năm nay, ông đã 70 mùa xuân và là người cao tuổi nhất còn làm công việc truyền thống của làng nghề Giáp Long (huyện Thường Tín, Hà Nội).
Không kể mùa đông hay mùa hè, bên cạnh cái bếp luôn tỏa ra hơi nóng tới cả nghìn độ C, ông miệt mài với công việc của mình để tạo ra những sản phầm thủy tinh ứng dụng phục vụ nhu cầu cuộc sống từ chiếc bóng đèn tuýp đã hỏng. Hai đầu bóng đèn được ông nung cho nứt, sau đó dùng kìm để làm bung đuôi đèn.
Bóng đèn được ngâm với nước trước khi làm vệ sinh. Vợ ông Gừng, bà Hồ Thị Phàn cẩn thận rửa từng chiếc bóng đèn đã được ngâm làm tơi lớp bột quỳnh quang bên trong. Công cụ giúp bà Phàn làm sạch những bóng đèn cũ là một chiếc gậy sắt đầu có quấn vải.
“Trước đây ông còn khỏe, hàng sáng tôi phải cọ hơn 20 bóng đèn tuýp, ông làm hết trong ngày hôm đó. Giờ ông có tuổi rồi, làm mệt lúc nào nghỉ lúc đó, mỗi ngày tôi cọ chừng 5 đến 10 bóng đèn để ông làm thôi”, bà Phàn tâm sự.
Ông Gừng hơ nóng tách ra từng khúc ngắn bằng đèn khò với nhiệt độ 800-1.000 độ C. Chiếc đèn đốt bằng dầu hỏa, ông thiết kế bên trong là 9 đầu lửa khò được cuốn bằng những sợi bấc, bên trên đặt hai hòn gạch chịu nhiệt ép sát nhau để ngọn lửa chung vào một chỗ, sinh ra nhiệt lượng lớn làm nóng chảy thủy tinh.
Những chiếc bóng đèn tuýp hỏng được ông nhờ người thu mua ve chai nhặt về bán lại cho ông với giá 1.000 đồng/chiếc. “Có nhiều lúc tôi đi ngoài đường thấy người ta vứt bên sọt rác, tôi cũng nhặt về để tái chế, vừa có nguyên liệu để làm, phần vì sợ trẻ con đùa nghịch đập vỡ bóng đèn thì rất nguy hiểm”, ông nói.
Ông học nghề từ năm 20 tuổi, rồi đi bộ đội. Chiến tranh chấm dứt, ông quay về địa phương và tiếp tục với nghề này. “Nghề thổi thủy tinh vất vả, phải ngồi bên hơi nóng cả ngày, người làm phải có hơi thở tốt và tính kiên trì”, ông nói. Nghề thổi thủy tinh nói chung và tái chế thủy tinh nói riêng là nghề mất nhiều sức và không có lợi cho hô hấp.
“Bao giờ trên bàn thờ, dân ta vẫn còn có chiếc đèn dầu thì sản phẩm của tôi làm ra còn bán được. Khi nào họ thay thế hết đèn dầu bằng đèn khác thì coi như nghề thổi bóng đèn này mất hẳn”, ông Gừng trăn trở.
Những sản phẩm thủy tinh tái chế được bà Phàn kiểm tra và gói lại cẩn thận chờ tới đợt đại lý đến thu mua. “Nghề này vất vả, thu nhập không được là bao, 3 đứa con của ông cũng không theo nghề của bố, đi làm công việc kinh doanh hết”, bà Phàn nói.
Việc tái sử dụng thủy tinh không chỉ tiết kiệm chi phí sản xuất, là nghề mưu sinh của gia đình ông Gừng, bà Phàn, mà còn góp phần bảo vệ môi trường.

Bài viết liên quan