17 C
Hanoi
Thứ Ba, 19 Tháng Ba, 2024

Giải pháp hàng đầu phát triển ĐBSCL là liên kết

Print Friendly, PDF & Email

“Tư duy liên kết vùng trở thành tư duy chủ đạo, kết nối và dẫn dắt sự phát triển các địa phương trong vùng theo một cơ chế điều phối và kết nối hiệu quả” là quan điểm được nhấn mạnh tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tổ chức hôm 22/4/2022.

Liên kết ĐBSCL chú trọng khai thác tiềm năng đường thủy

Đó là, thường xuyên trao đổi, liên kết và chia sẻ thông tin để hình thành môi trường phát triển kinh tế cơ bản thống nhất cả vùng, nhất là việc đối phó với các thách thức của biến đổi khí hậu; khai thác các tiềm năng, lợi thế phân tán các địa phương thành sức mạnh của vùng. Cơ chế, chính sách về quản trị, nguồn nhân lực, phân bổ nguồn lực đặc thù bảo đảm thống nhất, phát huy được tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng, nhất là liên kết để tăng lợi thế quy mô; tránh được tình trạng cát cứ, phân mảng, cạnh tranh không lành mạnh cũng như sự dàn trải trong đầu tư và lãng phí nguồn lực.

Thủy sản là mặt hàng chiến lược hàng đầu của ĐBSCL

Về quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Thực hiện quy hoạch vùng ĐBSCL phải được điều phối thống nhất, bảo đảm tính liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình hợp lý, trong đó tập trung ưu tiên các công trình cấp bách, các công trình động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế toàn vùng, các công trình thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân. Thúc đẩy hoàn thành Trung tâm tích hợp dữ liệu vùng ĐBSCL để chia sẻ, khai thác, sử dụng phục vụ phát triển. Quy hoạch phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, hiện đại, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Quy hoạch vùng dân cư và tổ chức sản xuất thích ứng với thiên tai, bố trí lùi vào phía trong bờ biển/bờ sông để đảm bảo an toàn trước các ảnh hưởng của bão, lũ, nước biển dâng ngập mặn, đặc biệt tập trung vào vùng ven biển. Quy hoạch các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo tuyến chuyên môn kỹ thuật, nâng cấp, bổ sung các công trình trữ nước ở các cơ sở y tế trong những vùng bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn. Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn tại vùng ĐBSCL, ưu tiên các vị trí kết nối thuận lợi bằng vận tải thủy nội địa, vận tải sông pha biển, đường bộ và trong tương lai có thể tích hợp với quy hoạch trung tâm logistic tiểu vùng kinh tế ĐBSCL, phục vụ trực tiếp cho các khu công nghiệp ở thành phố Cần Thơ và các tỉnh Trà Vinh, Hậu Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, An Giang.

Trái cây là mặt hàng chiến lược thứ hai của ĐBSCL

Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Thúc đẩy hoàn thành Trung tâm tích hợp dữ liệu vùng ĐBSCL; Hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính toàn vùng để đưa vào vận hành. Khoanh định, công bố hạn chế khai thác nước ngầm và khai thác bùn cát. Chủ động đẩy mạnh hợp tác quốc tế thông qua các chương trình, dự án cụ thể trong việc bảo vệ và sử dụng có hiệu quả tài nguyên nước sông Mê Kông. Thúc đẩy, tăng cường kết nối Ủy hội sông Mê Công quốc tế với các cơ chế hợp tác tiểu vùng Mê Công (Mê Công – Mỹ, Mê Công – Lan Thương, Mê Công – Nhật Bản…) nhằm phát triển bền vững, bảo vệ môi trường lưu vực sông Mê Công.

Cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng kinh tế. Xoay trục chiến lược sang thủy sản – trái cây – lúa gạo theo lợi thế của vùng và các tiểu vùng. Trong nông nghiệp: Hình thành và phát triển các cụm ngành nông lâm thủy sản vùng ĐBSCL. Trong công nghiệp: Xây dựng các nhà máy chế biến thực phẩm, thủy hải sản với công nghệ tiên tiến tại các vùng thuận lợi về nguyên liệu ở Đồng Tháp, Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng; Hình thành các trung tâm chế biến lớn tại các trung tâm đầu mối về lúa gạo ở An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ; Đầu tư nhà máy nước trái cây cô đặc, nhà máy chế biến rau củ quả, nhà máy bia, nước giải khát có ga, chế biến sữa, các kho lạnh bảo quản tại các trung tâm đầu mối về trái cây, rau màu tại An Giang, Cần Thơ, Bến Tre; Phát triển các nhà máy sản xuất đồ gỗ gia dụng, ván nhân tạo, ván ép; khuyến khích sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống tại Bến Tre, Kiên Giang, Tiền Giang, Hậu Giang; Phát triển ngành đóng và sửa chữa tàu, phương tiện thủy nhỏ và vừa tại Tiền Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, Cần Thơ; Phát triển các dự án điện khí ở Bạc Liêu, Kiên Giang, Long An; Đầu tư phát triển các sản phẩm hóa dược đáp ứng nhu cầu thuốc chữa bệnh, phát triển nhà máy phân bón tại Cà Mau.

Du lịch liên kết phát huy giá trị văn hóa vùng sông nước

Trong phát triển dịch vụ: Phát triển các trung tâm thương mại lớn của vùng tại Cần Thơ, Phú Quốc và các đô thị lớn. Củng cố và phát triển 4 cụm du lịch chính: Cần Thơ và phụ cận, Mỹ Tho và phụ cận, Bảy Núi – Rạch Giá và phụ cận, Năm Căn và phụ cận. Phát triển các tuyến du lịch nghỉ dưỡng qua đường hàng không đến Cần Thơ và Phú Quốc.

Phát triển đô thị và bố trí dân cư: Thành phố Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc trung ương, có vai trò là trung tâm dịch vụ thương mại, y tế, nghiên cứu đào tạo, văn hóa, du lịch, công nghiệp chế biến của toàn vùng và tiểu vùng giữa đồng bằng. Các đô thị cấp vùng: Thành phố Mỹ Tho là một trong những trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch của tiểu vùng giữa đồng bằng tại khu vực phía Bắc sông Tiền là trung tâm nông nghiệp công nghệ cao về cây ăn trái và trung tâm dịch vụ du lịch miệt vườn; Thành phố Tân An là một cực phát triển phía Đông Bắc của vùng đô thị cửa ngõ và trung tâm thương mại dịch vụ cấp vùng; Thành phố Long Xuyên là một trong những trung tâm thương mại dịch vụ của tiểu vùng giữa đồng bằng tại khu vực phía Nam sông Hậu, trung tâm chuyển giao công nghệ về nông nghiệp công nghệ cao; Thành phố Rạch Giá là trung tâm tiểu vùng ven biển tại khu vực phía Tây sông Hậu là trung tâm kinh tế biển, thương mại dịch vụ của hành lang ven biển Tây; Thành phố Cà Mau là trung tâm tiểu vùng ven biển tại khu vực bán đảo Cà Mau, trung tâm năng lượng và dịch vụ dầu khí quốc gia, trung tâm dịch vụ du lịch sinh thái, trung tâm chế biến thủy sản của vùng; Thành phố Bạc Liêu là trung tâm tiểu vùng ven biển tại khu vực ven biển Đông và trung tâm văn hóa, du lịch, trung tâm kinh tế biển, nuôi trồng thủy sản nước lợ, năng lượng sạch.

Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội: Giai đoạn 2021-2025, hoàn thành các cao tốc đang dở dang như Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2; tiếp tục triển khai đầu tư các đoạn đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông và phía Tây như Cần Thơ- Cà Mau, Mỹ An- Cao Lãnh; các đoạn tuyến cao tốc kết nối hệ thống cao tốc Bắc- Nam phía Đông và phía Tây, kết nối các trung tâm kinh tế với cảng biển. Thực hiện dự án nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt tuyến đường thủy nội địa. Triển khai dự án Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu, từng bước phát triển bến cảng đầu mối tại Trần Đề. Ưu tiên nâng cấp cảng hàng không Phú Quốc; điều chỉnh quy hoạch, huy động vốn đầu tư cảng hàng không Rạch Giá, Cà Mau, Hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt TP. Hồ Chí Minh – Cần Thơ. Tập trung xây dựng một cảng quốc tế đủ tầm cỡ đối với khu vực để đón tàu lớn, có thể khai thác các tuyến đường xa, giảm bớt tỷ lệ hàng phải đưa lên trung chuyển ở Thành phố Hồ Chí Minh hay Vũng Tàu.

Về phát triển kinh tế đối ngoại và hợp tác liên kết phát triển vùng: Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về liên kết vùng để tạo thuận lợi cho hoạt động hợp tác, liên kết giữa các địa phương ở cấp độ song phương, tiểu vùng và toàn vùng nói chung; xác định những khoảng trống và thể chế và pháp lý cần giải quyết để các hoạt động liên kết vùng có thể được triển khai hiệu quả.

                                                                                                SÁU NGHỆ

Bài viết liên quan