Tạp chí Ánh Sáng và Cuộc Sống đã giới thiệu tóm tắt “Báo cáo cuối cùng Lộ trình điện gió ngoài khơi cho Việt Nam” của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) vừa công bố sau thời gian nghiên cứu từ tháng 2 đến tháng 10/2020. Tiếp theo, xin giới thiệu nội dung chính của báo cáo là hai loại dự án điện gió ngoài khơi với hai kịch bản tăng trưởng.

Hai loại dự án
Dự án ngoài khơi móng cố định truyền thống (Conventional Fixed Offshore). Các dự án này thường ở độ sâu từ 10 đến 35 m, sử dụng móng cố định, phương pháp lắp đặt và tua-bin lớn tương tự như được sử dụng trong nhiều dự án ở châu Âu và một vài nơi khác ở châu Á. Dự kiến là các dự án này sẽ chiếm phần lớn thị trường điện gió ngoài khơi ở Việt Nam.
Dự án móng nổi (Floating). Các dự án ở vùng nước sâu hơn (thường lớn hơn 50 m) sẽ sử dụng móng nổi. Các dự án có quy mô thương mại có thể được lắp đặt vào cuối những năm 2020, nhưng có khả năng chiếm một nửa công suất lắp đặt mới vào năm 2050.

Báo cáo của WBG cũng thảo luận một cách định tính về các dự án điện gió gần bờ. Các dự án điện gió gần bờ là dự án mà trang trại gió rất gần bờ (cách bờ khoảng 5 km) và có thể tiếp cận trực tiếp từ đất liền. Móng của tuabin gió trong các dự án này thường là cọc có nắp bằng bê tông, tuabin được sử dụng là tuabin gió vốn dùng trên bờ nhưng với thay đổi nhỏ. Việc lắp đặt tuabin thường sử dụng xà lan đơn giản và tiến hành ở những vùng nước nông, lặng sóng. Những dự án như vậy được coi là bước đệm giữa điện gió trên bờ và ngoài khơi. Việt Nam đã sớm thiết lập một danh sách các dự án như vậy, đặc biệt ở khu vực ĐBSCL, phía nam TPHCM.
Tuy nhiên, việc phát triển điện gió ở các khu vực gần bờ này có nguy cơ cao gây ra các tác động xấu đến môi trường và xã hội vì một số lý do. Đó là sự hiện diện của các loài động vật nằm trong Sách Đỏ ở các vùng ven biển; việc các khu vực này gần với các môi trường sống được bảo vệ hoặc nhạy cảm; tác động tiềm tàng đến động lực trầm tích ven biển; và tác động tiềm tàng đến các cộng đồng ven biển, đặc biệt là đối với sinh kế của những người đánh bắt tận thu. Các dự án điện gió gần bờ nằm gần các Khu Vực Đa Dạng Sinh Học Trọng Điểm (Key Biodiversity Areas), khu vực môi trường sống quan trọng hoặc nhạy cảm của động vật hoang dã, sẽ khó đáp ứng các tiêu chuẩn của các quỹ quốc tế, thường tuân theo tiêu chuẩn môi trường và xã hội của WBG. Do đó, báo cáo đưa ra các khuyến nghị nhằm giải quyết các rủi ro liên quan đến việc phát triển rộng rãi các dự án điện gió gần bờ. Báo cáo dự đoán sau khi các dự án điện gió gần bờ đầu tiên được hoàn thành, hầu hết các dự án khác sẽ sử dụng móng cố định truyền thống.
Kịch bản tăng trưởng thấp
Các khu vực phát triển bao gồm chủ yếu các trang trại gió móng cố định ngoài khơi sử dụng móng cọc đơn. Đến năm 2035, sẽ có 7 GW dự án điện gió ngoài khơi móng cố định (Fixed), chủ yếu sử dụng móng cọc đơn. Ngoài ra, sẽ có thêm 3,3 GW dự án điện gió gần bờ (Nearshore/ Intertidal) và 400 MW dự án móng nổi (Floating). Nhìn chung, dự án móng cố định và dự án móng nổi sẽ chiếm khoảng 2,4% diện tích ở những khu vực phát triển tiềm năng được xác định.

Chi phí điện quy dẫn (LCOE) và lợi ích ròng đối với khách hàng. Chi phí năng lượng của các dự án gió ngoài khơi đầu tiên sẽ cao do rủi ro liên quan đến thị trường mới và sự thiếu năng lực chuỗi cung ứng địa phương. Chi phí cho các dự án này có thể nằm trong khoảng 150–200 USD/MWh. Công suất của các dự án đầu tiên này sẽ nhỏ (< 500 MW), do đó tác động tổng thể của chi phí cao sẽ được giảm thiểu.
Kinh nghiệm từ các thị trường khác cho thấy chi phí năng lượng giảm nhanh chóng khi nhiều dự án được xây dựng hơn, rủi ro giảm và năng lực địa phương tăng lên. Trong kịch bản này, chi phí năng lượng của các dự án có thể giảm xuống khoảng 80–90 USD/MWh vào năm 2030 và 60–70 USD/MWh vào năm 2035.
Chi phí ròng đối với người tiêu dùng vào năm 2035 là 4,8 tỷ US, tuy nhiên, chi phí này được trả hết vào năm 2039. Từ đó trở đi, điện gió ngoài khơi mang lại lợi ích ròng tăng lên ngày càng nhanh cho người tiêu dùng và nền kinh tế của Việt Nam.

Chuỗi cung ứng và tác động kinh tế. Đến năm 2035, Việt Nam sẽ có tỷ lệ nội địa hóa sản xuất là 40% trong các trang trại gió ngoài khơi. Tỷ lệ nội địa hóa chủ yếu trong cung cấp các cột và móng, cộng với các dịch vụ xây dựng và vận hành quy mô nhỏ. Phần lớn tỷ lệ nội địa hóa sản xuất và lợi ích kinh tế có được từ giai đoạn vận hành các dự án. Các cơ quan liên ngành cần phối hợp để tối đa lợi ích và phát triển năng lực cho các địa phương.
Đầu tư vào chuỗi cung ứng. Đầu tư quy mô lớn vào chuỗi cung ứng sẽ liên quan đến cung cấp cột và móng, có thể bao gồm cả tàu đặt cáp. Giá trị từ việc cung cấp này lên tới 40–100 triệu US$ với phần lớn là đầu tư trước năm 2030.
Kịch bản tăng trưởng cao
Kịch bản tăng trưởng cao mang lại nhiều công suất sản xuất điện hơn, nhiều việc làm hơn, chi phí lũy kế ròng thấp hơn, hoàn vốn nhanh hơn và tránh được nhiều phát thải CO2 hơn so với kịch bản tăng trưởng thấp. Tất cả các chỉ số đều được cải thiện do giảm chi phí nhiều hơn nhờ thị trường lớn hơn. Để đạt được quy mô và tốc độ tăng trường này, chính phủ phải thực hiện cam kết lớn hơn và có hành động khẩn cấp hơn, tuy nhiên nổ lực của chính phủ chỉ khó hơn một chút so với kịch bản phát triển thấp.
Các khu vực phát triển. Giống như kịch bản phát triển thấp, kịch bản tăng trưởng cao cũng chủ yếu bao gồm các trang trại gió móng cố định ngoài khơi sử dụng móng cọc đơn. Đến năm 2035, sẽ có 17,5 GW dự án với móng cố định, chủ yếu sử dụng móng cọc đơn. Ngoài ra, sẽ có 4,1 GW dự án điện gió gần bờ và 2,9 GW dự án móng nổi. Nhìn chung, các dự án móng cố định và móng nổi này sẽ chiếm khoảng 6,6% diện tích các khu vực phát triển tiềm năng được xác định gấp 2,8 lần số lượng diện tích đáy biển so với kịch bản tăng trưởng thấp.
Cơ cấu nguồn cung cấp điện. Năm 2035, điện gió ngoài khơi sẽ chiếm 12% nguồn cung cấp điện của Việt Nam, và các dự án sẽ cung cấp tổng số trên 430 Twh điện tính từ 2020. Đến năm 2050, điện gió ngoài khơi sẽ cung cấp 27% tổng lượng điện, gấp đôi so với kịch bản tăng trưởng thấp.
Chi phí điện và lợi ích ròng đối với người tiêu dùng. Chi phí năng lượng của các dự án gió ngoài khơi đầu tiên được ước tính là cao và trong nửa đầu những năm 2020 sẽ cung cấp một lượng nhỏ công suất gió ngoài khơi với chi phí tương đối nhỏ cho người tiêu dùng. Khi tốc độ phát triển tăng nhanh trong nửa sau của thập kỷ này, việc giảm chi phí nhanh hơn xảy ra so với kịch bản tăng trưởng thấp. Điều này làm giảm đáng kể chi phí ròng tổng thể cho người tiêu dùng và mang lại lợi ích kinh tế lớn hơn nhiều.
NGỌC DUYÊN