22 C
Hanoi
Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024

ĐBSCL còn bao nhiêu công dân ở TPHCM muốn về quê?

Print Friendly, PDF & Email

Đêm 30/9 rạng sáng 1/10/2021, bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội ở TPHCM đã có dòng người chạy xe máy chen nhau về ĐBSCL như hơn một tháng trước. Một câu hỏi đặt ra, khi dịch bệnh bùng phát, có bao nhiêu người dân ĐBSCL lên TPHCM và miền Đông Nam Bộ làm ăn muốn về quê, sau đó, các địa phương ĐBSCL khá rộn ràng kế hoạch đón bà con trở về đã đạt kết quả đến đâu?

Trẻ nhỏ được bồng bế về quê ĐBSCL

Thành phố Cần Thơ, báo cáo của Sở LĐTB&XH ngày 30/9/2021 cho biết, từ hôm 31/7/2021 nhận được đăng ký về quê của 1.122 người; gồm 694 người ở tỉnh Bình Dương và 428 người ở TPHCM. Ngày 22/8/2021, Sở LĐTB&XH đã hoàn thành việc đón 311 người từ TPHCM về quê Cần Thơ. Sau đó, nhiều cơ quan làm công văn qua lại và ngày 31/8/2021 có quyết định hỗ trợ 308 người dân với tổng kinh phí 652.960.000 đồng, gồm chi phí cách ly y tế tập trung 14 ngày và tiền ăn trong thời gian lên kế hoạch nhưng tạm hoãn việc đón (mỗi  người 1 triệu đồng).

Trẻ nhỏ được bồng bế về quê ĐBSCL

Theo báo cáo này thì trong tháng 9, thành phố Cần Thơ không tổ chức đón thêm công dân về quê. So với số đăng ký cuối tháng 7, còn 811 người muốn về quê nhưng chưa được đón (gấp 2,6 lần số đã đón). Tuy nhiên, từ cuối tháng 7 đến nay, số người muốn về quê tăng hay giảm thì chưa rõ?

Sáng 1/10, khi dòng người bồng bế con thơ, dắt díu nhau chạy khỏi TPHCM nóng bỏng các cửa ngõ về ĐBSCL, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện nói với báo chí, “Cần Thơ đang sẵn sàng đón người dân tự phát chạy về, sẽ bố trí cách ly y tế và chăm lo sức khỏe”.

Ở tỉnh Vĩnh Long, Phó chủ tịch UBND tỉnh  Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết, kế hoạch các ngày 27, 29/9 và 2/10 tổ chức đón 1.146 công dân ở TPHCM về quê. Sau hai ngày đầu, đến ngày 2/10 sẽ tiếp tục đón hơn 200 công dân. Bà Thanh không cho biết tỉnh Vĩnh Long có bao nhiều công dân ở TPHCM và miền Đông Nam Bộ muốn về quê, nhưng với những người đang tự phát chạy về “chỉ đạo các lực lượng công an, quân đội siết chặt quản lý kiểm soát tại các chốt ở cửa ngõ, với người dân Vĩnh Long về quê sẽ đưa vào khu cách ly để đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh”.

Ở tỉnh Sóc Trăng, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu cho biết, thời gian qua đã đón 1.500 công dân về quê và nhưng cũng không cho biết Sóc Trăng còn bao nhiêu công dân ở TPHCM và miền Đông Nam Bộ muốn về quê. Với những người tự phát chạy về đang kẹt lại ở chốt kiểm soát của tỉnh Long An giáp với TPHCM, Chủ tịch Lâu nói, nếu tỉnh Long An hỗ trợ xe đưa công dân về thì Sóc Trăng sẵn sàng tiếp nhận và nhấn mạnh thêm “Chúng tôi khuyến cáo người dân không nên tự phát về quê mà nên đăng ký trước để địa phương có kế hoạch đưa rước đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh”. Tuy nhiên, đăng ký và có thể phải chờ đợi bao lâu nữa, hàng tháng như vừa qua hay lâu hơn nữa thì ông không nói.

Tại tỉnh Bạc Liêu cũng không rõ đang có bao nhiêu công dân ở TPHCM và miền Đông Nam Bộ muốn về quê. Chỉ biết, ngày 11/9 đã đón 203 công dân về quê và đợt đầu với những người ưu tiên này đã cho thấy hoàn cảnh người xa quê làm ăn rất khó khăn, họ gồm 15 người cao tuổi, 39 phụ nữ mang thai từ 6 tháng trở lên, 2 người khuyết tật, còn lại là phụ nữ đang nuôi con nhỏ. Sau đợt đầu, việc đón người về quê dừng lại và Phó chủ tịch UBND tỉnh Cao Xuân Thu Vân cho biết, tỉnh đang có kế hoạch đón công dân ở TPHCM về quê đợt 2, dự kiến 350 người vào ngày 9/10. Bà Vân đề nghị người dân ở TPHCM và miền Đông Nam Bộ nên “ai ở đâu ở yên đó”, còn đã tự phát chạy về thì tỉnh đang xem xét “phương án giải quyết”.

Ở tỉnh An Giang vào ngày 26/9  đã đón 233 công dân ở TPHCM và miền Đông Nam Bộ về quê, còn bao nhiêu người muốn về quê nữa thì cũng không ai biết. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nói: “Công dân An Giang nếu có tự phát chạy xe máy về và đang kẹt tại các chốt cửa ngõ TPHCM, tỉnh không tổ chức đón về ngay. Tôi kêu gọi người quay trở lại nơi sinh sống, đăng ký về địa phương như kế hoạch đón công dân của tỉnh để đảm bảo công tác phòng, chống dịch”.

Tỉnh Kiên Giang ngày 10/8, đón gần 400 người ở TPHCM về quê và hiện cũng chưa biết có bao nhiêu công dân đang muốn về. Trước thông tin hàng nghìn người dân đang vật vã tại các cửa ngõ TPHCM, Long An để về ĐBSCL, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành nói: “Người dân đang sinh sống tại TPHCM và miền Đông Nam Bộ cần ở yên tại chỗ theo Công điện của Thủ tướng Chính phủ để Kiên Giang và các tỉnh khác tổ chức đón về theo kế hoạch. Còn người tự phát chạy về đang kẹt tại các chốt cửa ngõ TPHCM, tỉnh Long An thì cần quay trở lại nơi đang sinh sống”.

Tuy nhiên, Chủ tịch Lâm Minh Thành cũng nói thêm: “Nếu có những người dân vẫn bám trụ tại các chốt, quyết tâm về quê thì Kiên Giang sẽ phối hợp với các địa phương đưa phương tiện lên các chốt đón, nhưng chỉ ưu tiên cho phụ nữ mang thai, người già và học sinh, sinh viên. Những người khác phải quay về nơi sinh sống và đăng ký về quê nếu có nhu cầu”.

Có thể thấy, trong những người Kiên Giang xa quê kiếm sống cũng có nhiều phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ và người già như thống kê của tỉnh Bạc Liêu khi đón công dân đã cho thấy. Nhưng ở tỉnh Kiên Giang cũng như nhiều tỉnh khác, không ai cho biết rõ, sau lần thứ nhất đón công dân trở về đã khá lâu, bao giờ tổ chức đợt tiếp theo và sẽ tổ chức bao nhiêu đợt để có thể đáp ứng nhu cầu của người dân xa quê muốn về?

Trong bài sử dụng ảnh của công tác viên chụp trẻ nhỏ được bồng bế về quê ĐBSCL bị kẹt lại các chốt kiểm soát cửa ngõ với TPHCM đêm 30/9 rạng sáng 1/10.

                                                                                                SÁU NGHỆ

 

Bài viết liên quan