29 C
Hanoi
Thứ Hai, 12 Tháng 5, 2025

Đà Lạt: Giải pháp nào cho cho nông nghiệp hữu cơ phát triển bền vững

Nông nghiệp hữu cơ (NNHC) là hệ thống sản xuất không sử dụng hoặc loại trừ các chất hoá học tổng hợp và vật liệu biến đổi gen trong các vật tư đầu vào, tạo điều kiện cho sự chuyển hoá khép kín vật chất trong hệ sinh thái nông nghiệp, chỉ được sử dụng các vật tư được quy định của tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ.

Nông nghiệp sạch cùng vị ngon, bổ của rau Đà Lạt giúp người dân tìm đến với CoviFood – hệ thống phân phối rau hữu cơ. Ảnh: PV.

Người dân, một khi đã sử dụng sản phẩm từ nông nghiệp sạch và nông nghiệp hữu cơ sẽ khó chấp nhận các sản phẩm nông nghiệp không an toàn. Vì vậy, nền nông nghiệp hữu cơ đang được ưa chuộng và là hướng đi vững chắc cho một vùng đất màu mỡ đầy tiềm năng là Đà Lạt.

Dù đi du lịch hay công tác qua Đà Lạt, thành phố mộng mơ, bạn cũng dễ dàng nhìn thấy nhưng khu canh tác nông nghiệp công nghệ cao với hình ảnh các nhà lồng, nhà kính. Đây là một phần tất yếu của nền nông nghiệp sạch, áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất, tự động hóa cao giúp giảm chi phí giá thành mà đem lại một nền nông nghiệp vững chắc, an toàn, sạch từ gốc.

Một nhà kính trồng rau sạch của Vườn nhà Đà Lạt. Ảnh: PV.

Được thiên nhiên ưu đãi, Đà Lạt đã và đang trở thành vùng đất canh tác hữu cơ đầy tiềm năng. Nông nghiệp hữu cơ không còn xa lạ mà nó đã len lỏi trong các bữa ăn gia đình tại đây, và giờ đây phổ biến tại nhiều gia đình ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành trong cả nước. Nhận thức được vai trò quan trọng của nền nông nghiệp sạch, các hợp tác xã, doanh nghiệp Đà Lạt đã chỉ tập trung vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ và làm nên các chuỗi thương hiệu sạch, từ sản xuất đến phân phối.

Khâu sàng lọc, đóng gói cũng là một khâu rất quan trọng trong quy trình rau sạch. Ảnh: PV.

Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp  Vườn nhà Đà Lạt, thuộc thôn Xuân Thành, xã Xuân Thọ, Đà Lạt là một mô hình như thế. Từ 7 năm trước, nhận thấy đây là hướng đi đúng, chị Lương Thị Yến Vân, Chủ nhiệm HTX quyết định đầu tư các hệ thống nhà kính, áp dụng quy trình VIETGAP, nói không với rau “bẩn” đã làm nên thương hiệu Vườn nhà Đà Lạt, được khách hàng trong cả nước biết đến. Vườn nhà Đà Lạt mỗi ngày cung cấp ra thị trường hàng chục tấn rau tươi chở đi mọi miền đất nước. Tiếp theo, Vườn nhà Đà Lạt tiếp tục đầu tư sâu hơn vào rau sạch: làm rau hữu cơ. Và đến nay hầu hết sản phẩm của Vườn nhà Đà Lạt là hữu cơ, đảm bảo sạch từ gốc.

Sạch từ gốc là mục tiêu của Vườn nhà Đà Lạt. Trong ảnh: chị Xuân tại vườn rau hữu cơ của mình.
Hệ thống nhà kính và xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn của Vườn nhà Đà Lạt. Ảnh: PV.

Dù dịch bệnh, nông nghiệp gặp khó khăn chung do khâu vận chuyển bị hạn chế, thị trường co hẹp nhưng Vườn nhà Đà Lạt vẫn sản xuất đều nhờ hướng đi đúng và được sự giúp đỡ của các cơ quan, chính quyền và sự yêu mến của người tiêu dùng, một khi họ đã quen sử dụng rau sạch.

Trao đổi với chị ngay tại các trang trại nông nghiệp, chị tâm sự:  “nông nghiệp hữu cơ còn khó khăn hơn vì vườn rau trông không đẹp, chi phí sản xuất cao, thời gian xử lý lâu hơn vì làm gì cũng phải thuận theo tự nhiên – nhưng nó sạch và an toàn tuyệt đối vì không còn sử dụng sản phẩm từ hóa chất nên chúng tôi rất vui”.

Là một trong những nhà phân phối rau hữu cơ hàng đầu, đại diện CoviFood cũng tâm sự: ban đầu thị trường chưa quen nên khó khăn, rau về ai cũng nghĩ rau hữu cơ trông phải đẹp và ngon, ngọt hơn rau “bẩn”, chứ sao còn bị sâu, rách lá, màu sắc đôi khi không đẹp bằng rau khác. Chỉ khi chúng tôi chứng minh nguồn gốc và họ dùng thử một vài lần, họ đều nói rất khó quay trở lại ăn rau khác.

Mô hình rau hữu cơ an toàn đảm bảo sạch từ gốc – đóng góp nhiều cho nền kinh tế, giúp khôi phục lại niềm tin vào hàng Việt – cần được biểu dương và nhân rộng, góp phần “cất cánh” cho nền nông nghiệp nước nhà vốn đang manh mún và còn hạn chế.

VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices) là các quy định về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản ở Việt Nam do Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn ban hành; bao gồm những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, sơ chế đảm bảo sản phẩm an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khoẻ người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Thực phẩm hữu cơ là thực phẩm được sản xuất theo phương pháp tuân thủ các tiêu chuẩn của canh tác hữu cơ. Thuật ngữ này dùng để chỉ các thực phẩm được trồng, xử lý và chế biến theo cách an toàn cho môi trường. Đối với nông sản đó là sản phẩm được trồng mà không sử dụng đến hầu hết các loại thuốc trừ sâu thông thường, sử dụng phân bón nhân tạo, bùn thải, phóng xạ và sinh vật biến đổi gen. Đối với các loại thịt động vật thì không được tiêm kháng sinh hoặc hormone.

 

Tuấn Nguyễn

 

 

 

 

 

 

Bài viết liên quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM NHIỀU NHẤT