29.9 C
Hanoi
Thứ Hai, 14 Tháng 7, 2025

Cần Thơ: Thắng lợi từ công tác xây dựng Đảng và 3 khâu đột phá

Đảng bộ thành phố Cần Thơ có kế hoạch tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 từ ngày 23 đến 25/9/2020. Có 418 đại biểu, gồm 347 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 52.828 đảng viên và 71 đại biểu khách mời. Nhiệm kỳ qua, Cần Thơ đạt nhiều thắng lợi và theo Ban Tuyên giáo Thành ủy nhờ nguyên nhân chính là “Công tác xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh” với 3 khâu đột phá.

Công tác xây dựng Đảng

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ Trần Việt Trường nhấn mạnh: “Công tác giáo dục chính trị tư tưởng được các Đảng bộ quan tâm thực hiện thường xuyên, có nhiều đổi mới, hiệu quả thiết thực. Tổ chức học tập, quán triệt và xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương kịp thời, nghiêm túc, chất lượng được nâng lên; kết quả các cuộc học tập đạt trên 98% đảng viên dự; sau học tập, 100% cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và người đứng đầu xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện”.

Trong tháng 7/2020, Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ đã cơ bản hoàn thiện các dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025.

Giai đoạn 2016 – 2020, toàn thành phố có 702 tập thể và 1.177 cá nhân tiêu biểu, điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được tuyên dương, khen thưởng. Vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu trong chỉ đạo quán triệt, tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và các quy định nêu gương được phát huy và lan tỏa sâu rộng, tạo động lực tích cực đến từng tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và Nhân dân; tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công tác kiểm điểm, tự phê bình, phê bình kết hợp chặt chẽ, hiệu quả công tác giám sát, kiểm tra và kỷ luật của Đảng. Phát huy có hiệu quả vai trò của cơ quan báo chí, phương tiện truyền thông, diễn đàn đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận, đấu tranh với các quan điểm sai trái, xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch.

Công tác tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn được chú trọng. Hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị, gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng được đổi mới về nội dung và chất lượng được nâng lên. Công tác dân vận gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương và công tác xây dựng Đảng bộ, chính quyền thành phố trong sạch, vững mạnh. Công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng lãng phí và thực hành tiết kiệm luôn được quan tâm chỉ đạo, đạt kết quả tích cực.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Quốc Trung thăm, tặng quà Bà mẹ VNAH cuối tháng 7/2020

Phương thức lãnh đạo của các cấp ủy vừa bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, vừa phát huy tốt tính chủ động, sáng tạo của các cơ quan chính quyền và các tổ chức chính trị – xã hội. Cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm quy chế làm việc, phối hợp; làm việc theo chương trình, kế hoạch, có trọng tâm, trọng điểm, sâu sát cơ sở.

Các cơ quan dân cử và bộ máy quản lý nhà nước các cấp đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; công tác cải cách hành chính được tăng cường. Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, Hội đồng nhân dân các cấp đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri, chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp, ban hành nghị quyết, góp ý dự thảo Luật, tăng cường công tác giám sát theo chuyên đề. Tổ chức bộ máy chính quyền được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả, giải quyết tốt các vấn đề bức xúc của Nhân dân và doanh nghiệp. Xây dựng hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến từ thành phố đến xã, phường, thị trấn; triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành tại 459 cơ quan, đơn vị. Đến tháng 6/2020, Cổng dịch vụ công trực tuyến đã cung cấp 808 dịch vụ mức 3, 4, trên tổng số 1.865 thủ tục hành chính toàn thành phố, chiếm tỷ lệ trên 43%.

Chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội có nhiều tiến bộ. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng. Tiếp tục cụ thể hóa và thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát” trong thực hiện các chương trình kinh tế – xã hội của thành phố, đặc biệt là thực hiện phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, thu hút đông đảo Nhân dân tham gia. Các đoàn thể chính trị – xã hội đổi mới về tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động theo hướng tinh gọn, thiết thực, khắc phục tình trạng hành chính hóa; quan tâm phát triển đoàn viên, hội viên mới cơ bản đạt yêu cầu, tỷ lệ đoàn viên, hội viên đạt 71,33% (chỉ tiêu cả nhiệm kỳ là 70%).

Hiệu quả 3 khâu đột phá

Đây là các khâu đột phá do Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ trước đề ra, từng khâu đột phá mang lại những kết quả thiết thực.

Khâu đột phá thứ nhất: “Xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, đi đôi với chuẩn hóa đội ngũ cán bộ chủ chốt ngang tầm nhiệm vụ; chú trọng phát huy phẩm chất năng động, sáng tạo của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng trí thức, chuyên gia giỏi trên các lĩnh vực phát triển của thành phố”.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Cần Thơ Phạm Văn Hiểu (phải) trao một tấn gạo của gia đình cho nhà báo để giúp dân nghèo trong dịp giãn cách xã hội phòng chống Covid-19 hồi tháng 4/2020

 

Thành ủy ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 27/12/2016 về đào tạo, bồi dưỡng nhân lực thành phố Cần Thơ đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Hàng năm, ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Kết quả từ năm 2015 đến nay, đã cử 44.909 lượt cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng (trong nước 44.781 lượt, ngoài nước 128 lượt (đào tạo 19 lượt: 07 thạc sĩ và 12 tiến sĩ; bồi dưỡng 109 lượt); đồng thời, thực hiện hiệu quả chính sách thu hút và trọng dụng cán bộ khoa học công nghệ. Các chuyên gia, nhà khoa học đã có những đóng góp tích cực trong nghiên cứu, tư vấn phản biện, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của thành phố và vùng ĐBSCL.

Khâu đột phá thứ hai: “Tập trung huy động mọi nguồn lực, kết hợp vận dụng cơ chế, chính sách của Trung ương, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, đặc biệt là xây dựng hoàn chỉnh hệ thống giao thông vận tải, sân bay, bến cảng… đồng bộ, hiệu quả, phục vụ tốt yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.

Thành ủy lãnh đạo huy động được các nguồn lực đầu tư, bên cạnh đầu tư từ ngân sách, kết hợp với đẩy mạnh xã hội hóa, mở rộng các hình thức đầu tư phù hợp và tranh thủ các nguồn ODA… để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội và kiến thiết đô thị. Kết quả tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tăng bình quân 15,94%/năm, tăng gấp 1,55 lần so giai đoạn 2011 – 2015; đặc biệt, là huy động các nguồn lực được nhiều hơn để xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông (đường bộ, sân bay, bến cảng), xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, các khu đô thị mới, xây dựng nông thôn mới…

Đến giữa tháng 9/2020, Cần Thơ có 4 huyện là Phong Điền, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai đều đạt chuẩn nông thôn mới, trở thành địa phương đầu tiên ở ĐBSCL và thứ ba trong cả nước hoàn thành xây dựng nông thôn mới, sớm hơn một năm so với kế hoạch. Trong ảnh, người dân hăng hái góp công, góp của xây dựng nông thôn mới.

Khâu đột phá thứ ba: “Tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học – kỹ thuật trong công tác quản lý, điều hành kinh tế – xã hội và các lĩnh vực đời sống của nhân dân thành phố. Khuyến khích các tổ chức và cá nhân đầu tư, trang bị máy móc, thiết bị hiện đại; ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh; đáp ứng yêu cầu xuất khẩu hàng hóa; phát triển các ngành dịch vụ có giá trị cao, thu hút nhiều dự án đầu tư vào thành phố”.

Thành ủy ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ; trong đó, tập trung đầu tư cơ sở vật chất, thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ – bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ – nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, sức cạnh tranh trên thị trường trong quá trình hội nhập. Sàn giao dịch Công nghệ Cần Thơ chính thức được vận hành, là kênh thông tin hữu ích cho các doanh nghiệp tìm kiếm, đổi mới công nghệ thiết bị. Huy động được nguồn lực xã hội hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hình thành 2 mạng lưới liên kết: Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Cần Thơ – CanTho Startup Ecosystem và Mạng lưới Vườn ươm ĐBSCL. Qua đó, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.

                                                                                                          SÁU NGHỆ

 

 

 

 

Bài viết liên quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM NHIỀU NHẤT