19 C
Hanoi
Thứ hai, 20 Tháng Một, 2025

Cần Thơ giãn cách thêm 10 ngày, đề nghị hỗ trợ vắc xin và dự báo

Chiều tối 15/8/2021, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường ký Công văn số 3301 /UBND-HCTC về việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 thêm 10 ngày, từ 0 giờ ngày 16 đến 0 giờ ngày 25/8/2021.

Công văn chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương “tăng cường kiểm tra, xử lý ngay các hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là việc thực hiện nguyên tắc người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình, kiên quyết yêu cầu người dân “ai ở đâu thì ở đó” để thực hiện triệt để việc giãn cách xã hội. Bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, ổn định đời sống của người dân, đặc biệt là người dân ở những khu vực phong tỏa, cách ly y tế”.

Chiều 15/8, Trung tâm Hồi sức tích cực quốc gia điều trị COVID-19 lớn nhất ĐBSCL tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã hoàn tất lắp đặt trang thiết bị, sẵn sàng đi vào hoạt động  Ảnh: Đình Tuyển

Ngày 14/8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố Cần Thơ đã có báo cáo sơ kết 27 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16, cho biết: “Thành phố hiện có 172 khu phong tỏa” và “đã kích hoạt 44 khu cách ly với khả năng cách ly 7.559 công dân; tính đến nay, có 31 khu cách ly đã tiếp nhận 1.593 công dân; khả năng cách ly còn lại 5.966 công dân”. Và đã chú trọng xét nghiệm sàng lọc “để tránh tình trạng lây chéo” trong các khu cách ly.

Báo cáo nhìn nhận, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường, lây nhiễm nhanh trên diện rộng, có cả trong khu công nghiệp, chợ, siêu thị, nhà máy, đặc biệt nguy cơ lây lan dịch bệnh trong các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh còn cao, có trường hợp F0 xuất hiện trong cơ quan hành chính nhà nước.

Khó khăn hiện nay của Cần Thơ, báo cáo nhấn mạnh: “Công tác dự báo tình hình dịch còn khó khăn do chất lượng điều tra truy vết và báo cáo dịch tễ còn chậm, thiếu chuyên gia dịch tễ có kinh nghiệm để đánh giá tình hình. Nhân lực điều tra truy vết dịch tễ tại tuyến quận, huyện, xã, phường còn thiếu và yếu. Lực lượng y tế, công an, quân sự tham gia phòng, chống dịch bị nhiễm, nghi nhiễm, SARS-CoV-2 đã làm giảm nhân lực trong thực hiện nhiệm vụ. Năng lực điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng còn hạn chế, tử vong chiếm tỷ lệ 1,2%, nguồn nhân lực chưa đảm bảo, trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất thiếu”.

Dự báo thời gian tới, số lượng người nhiễm SARS-CoV-2 tiếp tục tăng. Báo cáo đề xuất: “Đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế quan tâm phân bổ thêm 1.000.000 liều vắc xin phòng COVID-19 và xe tiêm vắc xin lưu động cho thành phố Cần Thơ. Đề nghị Tổ Công tác của Bộ Y tế tiếp tục hỗ trợ thành phố trong việc dự báo tình hình dịch bệnh COVID-19”.

Về năng lực điều trị, thành phố Cần Thơ hiện có 22 bệnh viện, phân chia 3 tầng điều trị với công suất tối đa 5.620 giường. Trong đó, tầng 1 (điều trị F0 nhẹ, không triệu chứng) có 13 bệnh viện với công suất tối đa 4.300 giường; tầng 2 (điều trị F0 mức độ trung bình, có bệnh lý nền) có 6 bệnh viện với công suất tối đa 1.120 giường; tầng 3 (điều trị F0 nặng) có 3 bệnh viện với với công suất tối đa 200 giường. Hiện đang tiếp nhận điều trị 1.888 giường, điều trị khỏi 1.120 trường hợp, 45 ca tử vong (trong đó có 7 bệnh nhân COVID-19 tử vong do nguyên nhân khác).

Cần Thơ cũng “Đề nghị Bộ Y tế sớm thiết lập Bệnh viện điều trị hồi sức tích cực COVID-19 và chỉ đạo các Bệnh viện tuyến Trung ương (Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ) tiếp tục hỗ trợ chuyên môn và tiếp nhận bệnh nặng nguy kịch từ các bệnh viện điều trị COVID-19 tuyến dưới. Hỗ trợ thêm cho thành phố vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị y tế, nhất là test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2”.

                                                                                                                     SÁU NGHỆ 

Bài viết liên quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM NHIỀU NHẤT