Cục Thông tin cơ sở của Bộ Thông tin và Truyền thông vừa biên soạn và cung cấp “Đề cương tuyên truyền thực hiện chính sách, pháp luật về kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh”, trong đó có giới thiệu 3 doanh nghiệp “lưỡng dụng” điển hình.
Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội (Viettel)

Viettel là một trong 50 thương hiệu viễn thông giá trị nhất thế giới với mức định giá gần 3,2 tỷ USD và tiếp tục là thương hiệu số 1 tại Việt Nam. Viễn thông trong nước có tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ cao nhất trong 03 năm trở lại đây; Viễn thông nước ngoài doanh thu dịch vụ tăng trưởng gần 20%, thuê bao đi động tăng trưởng 62%, dòng tiền chuyển về nước cao hơn năm 2017; Lĩnh vực công nghệ thông tin, an toàn thông tin đã khẳng định sự tin tưởng của Chính phủ, các Bộ ngành thông qua việc triển khai các dự án lớn mang tầm quốc gia; Các đơn vị truyền thống đã có sự dịch chuyển sang ngành nghề mới, bắt nhịp cùng với sự phát triển chung của Tập đoàn.
Viettel là doanh nghiệp tiêu biểu đã được ghi nhận với 3 chỉ số quan trọng, là doanh nghiệp có chỉ số lợi nhuận tốt nhất, nộp thuế lớn nhất và có giá trị thương hiệu cao nhất Việt Nam. Doanh thu trong năm 2018 của Viettel đạt 234.500 tỷ đồng (bằng 67% doanh thu các doanh nghiệp quân đội), lợi nhuận trước thuế đạt 37.630 tỷ đồng (bằng 83% lợi nhuận các doanh nghiệp quân đội), nộp ngân sách nhà nước đạt 37.000 tỷ đồng. Bên cạnh kết quả kinh doanh,tiền lương bình quân của 31.817 lao động là 22,4 triệu đồng/người/tháng.
Tổng công ty Trực thăng Việt Nam
Chủ động nghiên cứu, cập nhật các thông tin về thị trường bay dầu khí, dịch vụ kỹ thuật trực thăng; trên cơ sở đó để xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp kịp thời. Tiếp tục thực hiện các hợp đồng bay dầu khí; bay nghiệm thu rada cho Viettel; tích cực triển khai công tác truyền thông, tiếp thị, marketing chuẩn bị cho bay du lịch tại Hạ Long trên máy bay Bell-505. Tiếp tục triển khai có hiệu quả dịch vụ xuất khẩu máy bay ra thị trường nước ngoài (02 Mi-172 bay cứu hỏa tại Indonesia, 01 Mi-172 bay dân dụng tại Ấn Độ). Ký hợp đồng và cung cấp dịch vụ huấn luyện giáo viên trên EC-225 cho Quân chủng Hải Quân. Thực hiện chào hàng, ký hợp đồng và cung cấp dịch vụ đại tu, bảo dưỡng, sửa chữa lớn các máy bay Mi cho khách hàng UAE, Skyone Ấn Độ và Không quân Bangladesh; lĩnh vực kinh doanh văn phòng, cung cấp dịch vụ Logistics cơ bản ổn định, đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu cấp 2, trực tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn theo đúng quy định; bảo đảm tốt an ninh hàng không cho các chuyến bay chuyên cơ, bay quân sự phục vụ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Thủ trưởng Bộ Quốc phòng đi kiểm tra, công tác tại các địa phương; bảo đảm tốt lực lượng, phương tiện, sẵn sàng thực hiện các chuyến bay cấp cứu theo yêu cầu của khách hàng và bay cấp cứu do Bộ Quốc phòng giao. Hoàn thành tốt nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu phục vụ Hội nghị APPF-26; Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mê Kông mở rộng lần thứ 6 và Hội nghị Cấp cao Hợp tác khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam lần thứ 10. Bảo đảm tốt an ninh, an toàn trong dịp lễ, Tết, các ngày lễ kỷ niệm của đất nước, Quân đội...
Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn

Tổng công ty tiếp tục với chủ trương, định hướng phát triển bền vững 3 trụ cột “Khai thác cảng, dịch vụ logisics, vận tải và dịch vụ biển” đã tích cực, chủ động xây dựng chiến lược, phương án kinh doanh đúng đắn, hiệu quả, thực hiện đồng bộ, kiên quyết các biện pháp nâng cao sản xuất, linh hoạt trong điều hành: Đẩy mạnh hợp tác với các đối tác, đặc biệt là các hãng tàu lớn; Áp dụng các chính sách linh hoạt, hỗ trợ ưu đãi đối với khách hàng; Đầu tư các cơ sở mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các cảng; Tăng cường quản trị doanh nghiệp triệt để tiết kiệm chi phí. Với sự chỉ đạo sát sao của Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân và sự nỗ lực của Tổng công ty, trong năm 2018 đã tổ chức khai trương cảng container quốc tế Hải Phòng đưa vào khai thác, đây là dự án trọng điểm được Nhà nước, Bộ Quốc phòng đặc biệt quan tâm, theo dõi.
Kết quả sản xuất kinh doanh năm 2019 của Tổng công ty: Doanh thu đạt 16.294 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 2.060 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 1.049 tỷ đồng; thu nhập bình quân của 6.841 lao động là 23,880 triệu đồng/người/tháng.
Đề cương tuyên truyền cho biết, Quân đội làm kinh tế thể hiện trên 4 nội dung cơ bản: Thứ nhất: Quân đội tham gia lao động sản xuất góp phần quan trọng vào ổn định, phát triển kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người lao động, hội nhập kinh tế quốc tế. Thứ hai: Quân đội là lực lượng đi tiên phong trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước ở những nơi khó khăn, gian khổ. Thứ ba: Quân đội tham gia lao động, sản xuất góp phần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ mới, công nghệ lưỡng dụng cho đất nước. Thứ tư: Quân đội tham gia lao động sản xuất giúp tránh lãng phí nguồn lực, giảm chi ngân sách nhà nước, đồng thời góp phần dạy nghề và đào tạo ra lực lượng lao động có chất lượng cao cho đất nước. |
SÁU NGHỆ (Trích giới thiệu)