26 C
Hanoi
Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024

TP Cần Thơ sẵn sàng tham gia Dự án chiếu sáng thông minh

Print Friendly, PDF & Email

Mới đây, Ðoàn công tác của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã đến TP Cần Thơ thực hiện tham vấn về Dự án chiếu sáng thông minh và hiệu quả năng lượng (SELP), giới thiệu chi tiết về dự án, cũng như tìm hiểu nhu cầu của thành phố về tham gia dự án này. Về phía Cần Thơ, lãnh đạo thành phố mong muốn được chọn tham gia Dự án SELP về hỗ trợ kỹ thuật, giúp thành phố có được hệ thống chiếu sáng đô thị thông minh, tiết kiệm năng lượng và tăng trưởng xanh.

Lãnh đạo TP Cần Thơ làm việc với Đoàn công tác của ADB.

►Hướng đến chiếu sáng thông minh và hiệu quả
Theo Đoàn công tác của ADB, chiến lược về năng lượng của ADB tại Việt Nam tác động và hỗ trợ Điện lực Việt Nam xây dựng cơ sở hạ tầng ngành điện, đảm bảo cung cấp năng lượng đầy đủ và bền vững trong bối cảnh năng lượng Việt Nam tăng trưởng rất mạnh. Có 3 trụ cột là: cải cách chính sách và phát triển thị trường điện, tăng cường tối đa tiếp cận năng lượng cho người dân, thúc đẩy phát triển năng lượng sạch – năng lượng tái tạo và hiệu quả (tiết kiệm năng lượng). Từ năm 1994 đến nay, ADB cũng đã cung cấp khoản vay ưu đãi 2,6 tỉ USD (16 dự án), khoản vay không ưu đãi 150 triệu USD (2 dự án), hỗ trợ kỹ thuật và viện trợ không hoàn lại 37,6 triệu USD (43 dự án).
Dự án SELP hướng tới thúc đẩy phát triển năng lượng sạch – năng lượng tái tạo và hiệu quả. Dự án bắt đầu thực hiện từ tháng 9-2018, gồm: chuẩn bị các tài liệu về dự án hỗ trợ kỹ thuật và trình Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 28-12-2018; các phiên họp tham vấn với các bộ, ngành Trung ương, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, các nhà thầu cung cấp và nhà thầu đèn Led. Đồng thời, khảo sát về hệ thống chiếu sáng đường phố tại một số thành phố lớn (Hà Nội, Hạ Long, TP HCM) trong tháng 12-2018. Dự kiến, hỗ trợ kỹ thuật sẽ được phê duyệt và có hiệu lực trong tháng 4-2019…
Các hoạt động đề xuất thuộc Dự án SELP của ADB giai đoạn 2019-2021 gồm: xác định mức độ quan tâm của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Dương và các tỉnh, thành khác, hoàn thiện danh sách cuối cùng các địa phương tham gia dự án; thực hiện kiểm toán năng lượng để đánh giá tiềm năng tiết kiệm năng lượng chiếu sáng hiệu quả tại các địa phương tham gia dự án. Xây dựng các đề xuất đầu tư, bao gồm cải tạo và tối ưu hóa các hệ thống chiếu sáng (thay thế thiết bị chiếu sáng hiện thời bằng đèn Led và nâng cấp cơ sở hạ tầng đi kèm với các hệ thống điều khiển thông minh và cảm biến giảm độ sáng); xây dựng các mô hình tài chính và các nghiên cứu khả thi (dự án đầu tư)…
Bà Hyunjung Lee, chuyên gia kinh tế năng lượng cao cấp Ngân hàng Phát triển châu Á, cho biết: Qua khảo sát hệ thống chiếu sáng đường phố ở một số thành phố lớn, trong đó có Hà Nội và TP HCM, cho thấy tiềm năng tiết kiệm năng lượng chiếu sáng lên đến khoảng 50% và góp phần giảm phát thải CO2 và thúc đẩy tăng trưởng xanh cho các địa phương. Về cơ chế chính sách, Dự án SELP đề xuất 2 phương án. Phương án thứ nhất là ADB cho vay thông qua Bộ Tài chính. Đây là phương án dễ thực hiện, nguồn vốn vay ưu đãi nên chi phí vốn hợp lý. Phương án còn lại là tập trung tối đa nguồn lực của khối tư nhân. Phương án này chi phí vay có thể cao hơn phương án thứ nhất. ADB mong muốn chọn được những tỉnh, thành để triển khai thực hiện tốt nhất cho Dự án SELP, trong đó chọn 4 thành phố thực hiện mô hình xây dựng tài chính và hỗ trợ kỹ thuật.

TP Cần Thơ đang hướng đến sử dụng hệ thống chiếu sáng đô thị thông minh và tiết kiệm năng lượng.

►Thành phố mong muốn tham gia dự án
Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của ADB, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng cho biết: TP Cần Thơ rất quan tâm đến vấn đề chiếu sáng thông minh và hiệu quả năng lượng, có nhiều nhà đầu tư đến thành phố đặt vấn đề triển khai các dự án thay đổi đèn chiếu sáng hiện nay thành đèn Led tiết giảm năng lượng. Thành phố cũng đã quyết định chọn quận Ninh Kiều thực hiện thí điểm vấn đề tiết kiệm năng lượng đối với đèn chiếu sáng; giao cho các sở, ngành xem xét các chính sách, quy định để Ninh Kiều thực hiện… Về dự án SELP, TP Cần Thơ rất mong muốn ADB xem xét cho địa phương tham gia dự án về vấn đề hỗ trợ kỹ thuật. Đồng thời, hy vọng Dự án SELP khi triển khai, các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ ban hành chính sách cụ thể hơn cho chiếu sáng thông minh và tiết kiệm năng lượng để các địa phương thực hiện.
Theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, UBND thành phố giao cho ngành công thương phối hợp ngành xây dựng kiểm tra, thẩm tra các dự án tiết kiệm năng lượng trên địa bàn thành phố, triển khai các hoạt động tiết kiệm năng lượng… Tại TP Cần Thơ cũng đang có trung tâm tiết kiệm năng lượng cấp vùng, hỗ trợ cho các địa phương trong khu vực ĐBSCL. Thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp đến thành phố mong muốn đầu tư thay thế đèn dây tóc thành đèn Led, nhưng còn vướng ở cơ chế chính sách. Cơ chế chính sách về chiếu sáng cần có thay đổi, nhất là cơ chế về tài chính. Trong khi đó Dự án SELP khá chi tiết, đưa ra được những giải pháp tốt hỗ trợ các tỉnh, thành trong đổi mới hệ thống đèn Led chiếu sáng. Nếu dự án có cơ chế chính sách đồng bộ từ Trung ương đến địa phương thì các địa phương sẽ thuận lợi trong triển khai thực hiện, giúp các địa phương thay đổi chiếu sáng tiết kiệm năng lượng một cách hiệu quả.
Bà Lê Dương Cẩm Thúy, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, cho biết: Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND thành phố về các dự án ODA, rất ủng hộ thành phố tham gia Dự án SELP vào phần hỗ trợ kỹ thuật (1 trong 4 thành phố tham gia hỗ trợ kỹ thuật của dự án). Đây là dự án thí điểm và nếu có hiệu quả, có thể mở rộng ra cho các địa phương khác.

Bài, ảnh: ANH KHOA

Bài viết liên quan