Tính đến thời điểm này, các bên đã xác định tổng cộng 24 đề xuất dự án phù hợp với JETP, với tổng nhu cầu vốn khoảng 7.039,03 triệu USD.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), Cơ quan thường trực Ban Thư ký JETP (Bộ Công Thương), các bộ, ngành và cơ quan liên quan đã phối hợp chặt chẽ với Nhóm các đối tác quốc tế (IPG) để rà soát, lựa chọn và thúc đẩy các dự án chuyển đổi năng lượng công bằng trong triển khai thực hiện Tuyên bố JETP. Đến nay, quá trình triển khai đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng, đặc biệt trong việc xác định và kết nối các dự án đầu tư phù hợp với JETP.
Chia sẻ tại phiên họp Ban Thư ký JETP với các đối tác quốc tế ngày 8/7/2025 vừa qua tại Hà Nội, ông Quách Quang Đông – Phó Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Bộ Công Thương), cho biết: Theo thông tin từ phía IPG, đối với 08 dự án đầu tiên đã được xác định có thể triển khai trong khuôn khổ JETP, Hoa Kỳ đã rút 01 dự án nên hiện còn 07 dự án với tổng nguồn vốn cần huy động là 1.522,6 triệu USD.
Trong đó, 03 dự án đã có công bố hỗ trợ từ IPG gồm (1) Thỏa thuận tín dụng 67 triệu Euro giữa Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT) với AFD hỗ trợ xây dựng đường dây 500KV Bình Dương – Đồng Nai; (2) Bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa EVN và AFD (đại diện cho 6 cơ quan tài chính của IPG gồm AFD, EIB, JICA, KfW, CDP và Proparco) cung cấp khoản tín dụng lên đến 480 triệu Euro vốn vay và 10 triệu Euro hỗ trợ kỹ thuật từ EU thông qua AFD hỗ trợ xây dựng Thủy điện tích năng Bắc Ái với công suất 1200MW; (3) Dự án mở rộng nhà máy thủy điện Trị An với khoản vay 65 triệu Euro cho EVN không qua bảo lãnh chính phủ cho phần công suất tăng thêm là 200MW; 04 dự án còn lại đang được các bên tích cực tháo gỡ vướng mắc để huy động nguồn vốn thực hiện.

Bên cạnh đó, Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công đã phối hợp với Cục Điện lực, IPG và Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (GFANZ) tiến hành rà soát 25 đề xuất dự án mới (bao gồm 17 dự án đầu tư và 8 dự án hỗ trợ kỹ thuật).
Kết quả nhiều vòng trao đổi, các bên sơ bộ thống nhất có 17 đề xuất dự án với tổng kinh phí cần huy động là 5.516,43 triệu USD (bao gồm 10 dự án đầu tư có cấu phần xây dựng với số vốn dự kiến 5.499,64 triệu USD và 07 dự án hỗ trợ kỹ thuật với số vốn dự kiến 16,79 triệu USD) là các dự án phù hợp để thực hiện trong khuôn khổ JETP; 04 đề xuất dự án còn thiếu một số thông tin cần thiết để có thể xác định phù hợp với JETP.
Như vậy, tính đến thời điểm này, các bên đã xác định tổng cộng 24 đề xuất dự án phù hợp với JETP, với tổng nhu cầu vốn khoảng 7.039,03 triệu USD; trong đó, có 03 dự án trọng điểm đạt được các cam kết tín dụng và hợp tác tài chính như đã nêu ở trên.
Trong thời gian tới, IPG sẽ phối hợp với Cơ quan thường trực Ban Thư ký JETP và Cơ quan hỗ trợ Ban Thư ký JETP (SSA) tiếp tục xây dựng danh mục và sàng lọc dự án để đưa vào thực hiện trong khuôn khổ JETP, đặc biệt là các dự án thuộc Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 điều chỉnh đã được Bộ Công Thương ban hành ngày 30 tháng 5 năm 2025.