Từ ngày 2 đến 14/8, TAND thành phố Đà Nẵng xét xử sơ thẩm lần thứ ba, vụ án “buôn lậu” hơn 500 m3 gỗ trắc, sau hai lần trả hồ điều tra bổ sung vào cuối năm 2014 và giữa năm 2016. Phiên tòa lần này dự kiến ngày 14/8 tuyên án nhưng đã trở lại xét hỏi và tiếp tục tuyên trả hồ sơ cho Viện KSNDTC để điều tra bổ sung.

Viện KSND thành phố Đà Nẵng được ủy quyền công tố tại tòa và đại diện Viện KSND thành phố Đà Nẵng Ngô Phú Quảng phát biểu: “Phiên tòa diễn ra hết sức dân chủ, công bằng. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề các luật sư và bị cáo đặt ra tại phiên tòa nhưng hồ sơ thể hiện chưa đầy đủ, tài liệu trong hồ sơ không có nên chúng tôi không thể trả lời được. Để bổ sung khắc phục cần có thời gian mà chúng tôi được ủy quyền không có khả năng khắc phục tại tòa nên đề nghị Hội đồng xét xử trả hồ sơ cho viện kiểm sát để yêu cầu điều tra bổ sung, đảm bảo giải quyết vụ án triệt để, hoàn thiện”. Các luật sư và bị cáo phát biểu, vụ án kéo dài đã 6 năm, sự thật qua phiên tòa sơ thẩm lần thứ 3 này đã rõ, đề nghị Hội đồng xét xử không trả hồ sơ nữa, mà tuyên các bị cáo vô tội.
Các bị cáo gồm vợ chồng chủ Cty Ngọc Hưng là ông Trương Huy Liệu và bà Trần Thị Dung bị truy tố tội “buôn lậu”. Ba công chức hải quan bị truy tố tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là ông Đỗ Lý Nhi, Lê Xuân Thành ở Cục Hải quan Quảng Trị và Đỗ Danh Thắng ở Cục Hải quan Đà Nẵng. Cáo trạng xác định: Vợ chồng ông Liệu làm giả hồ sơ nhập và xuất khẩu lô gỗ.

Theo cáo trạng, ngày 17/12/2011, tại cửa khẩu Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị, Cty Ngọc Hưng mở tờ khai hải quan, nhập 535,8 m3 gỗ trắc từ Lào, nộp thuế 3.246.503.317 đồng. Hai ngày sau, tại cửa khẩu cảng Cửa Việt, Cty Ngọc Hưng mở tờ khai xuất khẩu nguyên lô gỗ đã đóng vào 22 container, sang Hong Kong – Trung Quốc. Khi chở gỗ xuống tàu ở cảng Đà Nẵng, một xe container “vi phạm trong lĩnh vực hải quan” và Tổng cục Hải quan ra lệnh bắt giữ, khám xét. Ngày 6/4/2012, Cục Điều tra Chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan ra quyết định khởi tố vụ án “buôn lậu”.
Tại tòa, đại diện Cục Điều tra Chống buôn lậu Lê Nam Phong trả lời: Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật giám định lô gỗ chỉ có 453,104 m3, ít hơn Cty Ngọc Hưng khai báo và còn lẫn vào hơn 20 m3 gỗ giáng hương nên khởi tố vụ án để điều tra. Thế nhưng, các bị cáo khai, Viện này cử 2 cán bộ đến mở niêm phong 22 container trong vòng 30 phút, không thể giám định chính xác. Ông Phong lại nói, con số lấy từ biên bản khám xét của Hải quan Cảng Đà Nẵng. Nhưng biên bản khám xét ghi, nhiều con số trong đó “theo biên bản kết luận giám định của Viện”. Những người trực tiếp khám xét khai: khám xét khó khăn vì gỗ quá nhiều, đang tranh cãi số liệu thì cán bộ của Cục Điều tra Chống buôn lậu đưa tờ giấy có số liệu cho là của Viện, buộc ghi vào. Các luật sư khẳng định, con số đó “bất hợp pháp”.
Hồ sơ vụ án chuyển sang C44, tiếp tục trưng cầu Viện kia giám định, lại ra 614,672 m3. Lần này, cho rằng lớn hơn kê khai nên truy tố bị can. Các luật sư cũng chứng minh con số này “bất hợp pháp”, vì Viện kia không có tư cách pháp nhân giám định tư pháp. Đáng tiếc, cán bộ của Viện hồi nào mau lẹ làm ra những con số “bất hợp pháp”, nay tòa mời nhiều lần nhưng không có mặt để làm rõ thêm, với lý do “không có kinh phí đi lại”.
Chứng cứ quy kết Cty Ngọc Hưng làm giả hồ sơ xuất nhập khẩu còn yếu hơn nữa, liệt kê cả những thứ giấy tờ không biết nó là gì, thậm chí do đơn vị khác làm. Quy kết dựa vào lời khai của một nhân chứng quan trọng nhất thì biên bản ghi lời khai không có trong hồ sơ vụ án, người khai đã tự tử để lại 3 di thư cho rằng bị ép cung, và di thư được công an địa phương giữ, nay cũng không biết ở đâu.
Việc thu giữ lô gỗ vật chứng không đúng quy định luật pháp, bán lô gỗ trong quá trình điều tra vào tháng 1/2014 cũng sai luật. Ông Liệu khai lô gỗ trị giá hơn 300 tỷ đồng, điều tra “bán tháo” chỉ hơn 63 tỷ. Đáng chú ý, lô gỗ bị bán trước khi Viện KSNDTC có cáo trạng lần thứ nhất (ngày 7/5/2014). Thời gian đó, vào ngày 27/3/2014, bà Phó vụ trưởng Vụ 1 của Viện KSNDTC Khương Thị Minh Hằng ký công văn báo cáo Chủ tịch Nước là “đang nghiên cứu, lập hồ sơ để quyết định việc truy tố” nhưng đã khẳng định Cty Ngọc Hưng “lập khống” hồ sơ và ủng hộ việc bán vật chứng. Các luật sư cho rằng: “Khởi tố vụ án, điều tra và truy tố đều vi phạm tố tụng”.
Tại tòa, Cty Ngọc Hưng còn cung cấp bộ hồ sơ, cùng ngày 17/12/2011, nhập hai lô gỗ trắc từ lào, một lô bị quy kết “buôn lậu” đang xử hiện nay, còn một lô đã xuất khẩu nhiều năm trước. Vì nhiều tình tiết mới không thể làm rõ tại tòa nên Hội đồng xét xử trả hồ sơ cho Viện KSNDTC điều tra bổ sung.
Ông Liệu bày tỏ: “Tôi rất buồn, tuy nhiên, phiên tòa này là hồng phúc với gia đình tôi. Sự thật đã sáng tỏ, tòa trả hồ sơ thì vụ án tiếp tục kéo dài nhưng tôi vẫn tin tưởng công lý. Cty Ngọc Hưng hồi nào kinh doanh gỗ hàng đầu tỉnh Quảng Trị, doanh số một năm 500-600 tỷ đồng, có mấy chục công nhân, nay hầu như không còn gì”.
Phiên tòa diễn ra dân chủ, công khai có đóng góp của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, nhất là Trưởng đoàn Hoàng Đức Thắng dự xuyên suốt. Ông nói với phóng viên: “Cử tri tỉnh Quảng Trị chất vấn nhiều nên chúng tôi có trách nhiệm giám sát. Qua giám sát, chúng tôi thấy bản chất vụ án không phức tạp nhưng các cơ quan tố tụng làm cho phức tạp, nhất là bán mất lô gỗ vật chứng. Vụ án bung bét ra rồi cần gom lại và để gom được, cần bản lĩnh”.
Với việc trả hồ sơ lần thứ ba, bước đầu gom được niềm tin vào tòa án xét xử. Vấn đề còn lại là Viện KSNDTC và Cơ quan CSĐT cũng cần “bản lĩnh” để giải quyết tiếp, sớm kết thúc vụ án, không gây thêm đau khổ cho những người bị lôi vào vòng tố tụng, chấm dứt sự thiệt hại cho doanh nghiệp, xã hội.
SÁU NGHỆ