29 C
Hanoi
Thứ Hai, 19 Tháng 5, 2025

Triển khai Dự án LED, kết quả từ hoạt động đào tạo

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) đã và đang triển khai dự án “Phát triển và thúc đẩy công nghệ LED cho chiếu sáng chung ở Việt Nam” (Dự án LED) được tài trợ bởi Quỹ môi trường toàn cầu (GEF), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và đồng tài trợ bởi các cơ quan/đơn vị liên quan của Việt Nam. Dự án LED đã và đang bước vào giai đoạn thực hiện. Một trong các mục tiêu quan trọng của Dự án là hỗ trợ, đào tạo nâng cao năng lực cho các cán bộ chuyên trách làm việc trong các lĩnh vực nghiên cứu & phát triển (R&D), thiết kế, chế tạo; lắp đặt và vận hành hệ thống chiếu sáng LED của các đơn vị, địa bàn được giao, đồng thời nâng cao nhận thức, thúc đẩy chính quyền và người dân sử dụng, đưa công nghệ LED vào trong chiếu sáng. Sau quá trình triển khai công tác đào tạo, kết quả bước đầu của hoạt động này đã và đang tiến dần tới mục tiêu Dự án đặt ra.

TS. Nguyễn Văn Thao – Giám đốc Ban Quản lý dự án phát biểu khai mạc khóa đào tạo
TS. Nguyễn Văn Thao – Giám đốc Ban Quản lý dự án phát biểu khai mạc khóa đào tạo

Chuẩn bị kỹ lưỡng, triển khai bài bản
Được sự hỗ trợ của các chuyên gia tư vấn quốc tế và trong nước, Ban Quản lý Dự án   “Phát triển và Thúc đẩy Công nghệ LED cho Chiếu sáng chung ở Việt Nam” (Ban QLDA LED) đã xây dựng một chương trình đào tạo về Công nghệ chiếu sáng LED (cơ bản và tiên tiến) cho chiếu sáng chung. Các giảng viên có kinh nghiệm ở trong nước và nước ngoài đã tham gia soạn thảo 14 bài giảng về các công nghệ nền và các vấn đề có liên quan đến thiết kế, chế tạo, sản xuất và ứng dụng các loại đèn LED dùng trong chiếu sáng chung. Hai khóa đào tạo  đã được Ban Quản lý Dự án LED tổ chức tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cho hơn 120 cán bộ kỹ thuật, kỹ sư chuyên nghiên cứu tư vấn, thiết kế, chế tạo và ứng dụng các loại đèn chiếu sáng LED (trong nhà và ngoài nhà) trong cả nước.
Khóa đào tạo đầu tiên tại Hà Nội được tổ chức  từ 28-30/3/2017. Tham gia khóa học có 61 học viên đại diện cho viện quốc gia, trường học, công ty quản lý chiếu sáng, tư vấn xây dựng, nhà sản xuất đèn chiếu sáng (bộ phận kinh doanh và bộ phận R&D) và nhà phân phối sản phẩm chiếu sáng. Kết thúc khóa học, các học viên được tham quan nhà máy Bóng đèn Rạng Đông tại Hà Nội. Tại Khóa đào tạo, cùng với các bài giảng trực tiếp của giảng viên, tất cả học viên đều được phát tài liệu tham khảo bổ sung và tài liệu đọc thêm (được biên soạn từ mỗi bài giảng), nhằm giúp học viên nghiên cứu và tham khảo tài liệu khi cần thiết.
Khóa đào tạo thứ hai được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh trong ba ngày 23 25/5/2017, với sự tham gia  của 65 học viên. Cấu trúc của Khóa đào tạo thứ hai tại TP. Hồ Chí Minh cũng tương tự như ở Hà Nội. Rút kinh nghiệm từ các quan sát từ các hoạt động trong Khóa đào tạo tại Hà Nội, Ban Quản lý Dự án đã cải tiến, thực hiện việc kiểm tra và đánh giá bài hàng ngày. Việc cải tiến này đã tác động tích cực làm sinh động kích thích hơn tương tác giữa giảng viên và các học viên trong quá trình giảng dạy. Theo kế hoạch dự kiến, các học viên sẽ được bố trí đi tham quan dây chuyền sản xuất các sản phẩm LED tại nhà sản xuất chiếu sáng địa phương, tuy nhiên do khoảng cách đến cơ sở sản xuất khá xa, quỹ thời gian không cho phép, nên chuyến tham quan này đã không thể tổ chức được. Thay vào đó, theo đề nghị của Ban Quản lý dự án, Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang đã cử người đến trình bày, giới thiện các dây chuyền công nghệ sản xuất đèn LED của công ty kèm theo video clip.

Từ kết quả ban đầu  
Theo kết quả tổng hợp của Ban quản lý DA LED cho biết, tại Hà Nội tham gia khóa đào tạo có 61 học viên gồm: Viện nghiên cứu quốc gia, trường đại học (23%), các công ty chiếu sáng (39%), các nhà tư vấn xây dựng (15%), các nhà sản xuất đèn chiếu sáng (bộ phận kinh doanh và bộ phận R&D) và nhà phân phối sản phẩm chiếu sáng (23%). (Hình 1)

Hình 1: Phân loại đối tượng học viên tại Khóa đào tạo Hà Nội
Hình 1: Phân loại đối tượng học viên tại Khóa đào tạo Hà Nội

Thông qua tổng hợp kết quả trả lời câu hỏi đánh giá cuối khóa đào tạo của các học viên, Ban QLDA LED cho thấy: về nội dung, trình bày của bài  giảng có khoảng 85% học viên xếp các bài thuyết trình là “tốt” hay “tuyệt vời”. Còn phần khả năng ứng dụng các bài giảng khóa đào tạo vào thực tế chưa đáp ứng được kỳ vọng của một số học viên. ( hình 2)

Hình 2 : Đánh giá của các học viên đối với các bài thuyết trình trong Khóa đào tạo tại Hà Nội về nội dung, cách trình bày và khả năng ứng dụng.
Hình 2 : Đánh giá của các học viên đối với các bài thuyết trình trong Khóa đào tạo tại Hà Nội về nội dung, cách trình bày và khả năng ứng dụng.

Đối với việc tự đánh giá kiến thức của học viên sau khóa đào tạo, đa số các học viên nhận thấy: Khóa đào tạo đã cải thiện đáng kể kiến thức của họ (minh họa trong hình 3). Gần 70% học viên cho rằng, họ đã tiếp thu, nâng cao nhận thức các kiến thức các chủ đề được trình bày trong khóa đào tạo (Hình 3). Trong tương lai để nâng cao kiến thức, học viên cần phải tiếp tục đào tạo.

Hình 3 : Học viên tự đánh giá kiến thức của mình trước và sau Khóa đào tạo tại Hà Nội
Hình 3 : Học viên tự đánh giá kiến thức của mình trước và sau Khóa đào tạo tại Hà Nội

Bên cạnh những kết quả đạt được, khóa đào tạo tại Hà Nội đã bộc lộ một số hạn chế, đó là: Thiếu việc tương tác giữa giảng viên và học viên, Việc tổ chức đào tạo dưới dạng một lớp học gây khó khăn trong việc tích hợp theo mô hình làm việc nhóm với thảo luận riêng biệt cùng việc thiếu các bài tập. Do hạn chế thời gian, tương tác giữa giảng viên và học viên mới ở dạng thông tin một chiều. Thông tin phản hồi của học viên cho thấy, do việc đánh giá khóa đào tạo chỉ được thực hiện vào ngày cuối cùng của Khóa đào tạo, cho nên để có đánh giá các chủ đề trình bày trong những ngày đầu khóa học hầu như không có thông tin phản hồi từ các học viên.
Khóa đào tạo tại TP Hồ Chí Minh, tham gia khóa học có 65 học viên đến từ các viện quốc gia, trường học, khu vực công ty chiếu sáng công cộng (40%), tiếp theo các nhà sản xuất các sản phẩm chiếu sáng (40%). Các tổ chức/trường học và tư vấn xây dựng tương tự nhau trong khoảng 7%. (Hình 4)

Hình 4: Hồ sơ của tổ chức đại diện bởi các học viên tại Khóa đào tạo TP. Hồ Chí Minh
Hình 4: Hồ sơ của tổ chức đại diện bởi các học viên tại Khóa đào tạo TP. Hồ Chí Minh

Rút kinh nghiệm Khóa đào tạo đào tạo tại Hà Nội, để đánh giá tốt hơn các nội dung Khóa đào tạo, Ban QLDA và ban tổ chức khoá đào tạo đã đề xuất đặt ra một loạt các câu hỏi và câu trả lời theo hình thức câu đố và trả lời nhanh (Q&A) trong và sau mỗi bài trình bày. Thực hiện các bài tập nhỏ tại nhà kèm theo các giải thưởng cho các học viên thông qua trả lời các câu hỏi đặt ra mỗi ngày trong khóa đào tạo. Kết quả, trên 85% học viên đã xếp hạng các bài thuyết trình đạt “tốt” hay “tuyệt vời”(Hình 5 bên dưới). Tuy nhiên bên cạnh thành công về nội dung tổng thể và cách trình bày, thì tính ứng dụng của một vài bài thuyết trình của khóa học mới đạt (47%) của các học  viên, chưa đáp ứng được kế hoạch dự kiến và sự mong đợi các học viên (Hình 5. biểu đồ so sánh đánh giá của các học viên về các bài thuyết trình trong Khóa đào tạo TP. HCM)

Hình 5 : Học viên đánh giá các bài thuyết trình trong Khóa đào tạo TP. Hồ Chí Minh
Hình 5 : Học viên đánh giá các bài thuyết trình trong Khóa đào tạo TP. Hồ Chí Minh

Đối với việc đánh giá chung về kết quả học tập từ khoá đào tạo, khoảng 70%  học viên cho rằng họ có kiến thức tốt hơn sau khi tham gia nghe giảng về các chủ đề có trong Khóa đào tạo, mới  đạt ở mức độ trung bình so với yêu cầu. Bản thân họ mong muốn tiếp tục nâng cao kiến thức để đáp ứng yêu cầu của công việc. Vì vậy, các khoá đào tạo tiếp theo (nếu có) nên được thiết kế riêng cho từng nhóm đối tượng cụ thể.  (minh hoạ trong hình 6).

Hình 6 : Học viên tự đánh giá kiến thức của mình trước và sau Khóa đào tạo TP. HCM
Hình 6 : Học viên tự đánh giá kiến thức của mình trước và sau Khóa đào tạo TP. HCM

Ngoài việc đánh giá định lượng, đánh giá về chất lượng cũng được tiến hành dựa trên thông tin phản hồi nhận được từ các học viên. Các chủ đề “Các công nghệ sản xuất driver cho đèn LED” và “Bảo vệ chống xung sét và xung chuyển mạch cho các hệ thống chiếu sángLED” được các nhóm học viên nhà sản xuất các sản phẩm chiếu sáng và công ty chiếu sáng công cộng xếp hạng là hữu ích nhất. Các ý kiến khác liên quan đến những cải tiến của Khóa đào tạo trong tương lai bao gồm: Thêm bài thực hành và giải các bài tập trong Khóa đào tạo; Tổ chức thêm các chuyến tham quan khảo sát để trải nghiệm thực tế các dây chuyền sản xuất và ứng dụng công nghệ LED; Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện và bảo trì trong công nghệ LED từ các dự án thực tế; Thêm các trình bày đa phương tiện trong các bài giảng tại Khóa đào tạo; Bố trí thời gian của các Khóa đào tạo dài hơn.

Đến hiệu quả về sau
Để đánh giá hiệu quả sau 3 tháng khóa đào tạo về “Các công nghệ LED cơ bản và tiên tiến cho chiếu sáng chung”, tổ chức tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Ban QLDA LED đã gửi một bảng câu hỏi để bước đầu điều tra về hiệu quả của các Khóa đào tạo. Các số liệu trình bày dưới đây được rút ra từ phần thống kê các câu trả lời của học viên Khóa đào tạo Hà Nội.
Kết quả cho thấy, các hoạt động triển khai dự án thực tế và ứng dụng các kiên thức đã thu thập được từ Khóa đào tạo có thể chia thành 2 hướng chính. Các học viên từ các học viện, trường đại học và các cơ sở nghiên cứu sử dụng chủ yếu các kiến thức đó vào việc nghiên cứu và bổ sung vào các bài giảng trong các giáo trình có liên quan đến chiếu sáng. Hầu hết các học viên các cơ sở còn lại đã áp dụng từng phần các kiến thức thu thập từ các Khóa đào tạo vào trong công tác chuyên môn hàng ngày. Một số học viên đã tham gia vào các dự án triển khai thiết kế, lắp đặt các hệ thống chiếu sáng LED tại cơ sở. Hầu hết các bài giảng đều được ứng dụng, sử dụng trong công tác chuyên môn hàng ngày, mặc dù chưa thật cao và đều đặn (xem hình dưới);

Hình 7: Học viên phân loại các bài giảng theo kiến thức có thể áp dụng trong thực tế
Hình 7: Học viên phân loại các bài giảng theo kiến thức có thể áp dụng trong thực tế

Các học viên đã áp dụng các kiến thức được đào tạo vào các dự án thực tế tại cơ sở của các học viên công tác và trong các lĩnh vực mà học viên tham gia. Điển hình như dự án: Sử dụng chiếu sáng LED trên tàu đánh cá (học viên từ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội). Nâng cấp hệ thống đèn trang trí một số tuyến đường và xã hội hóa chiếu sáng ngõ xóm bằng hệ thống đèn LED tại Thành phố Sơn La (học viên từ Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Sơn La). Thay thế hệ thống chiếu sáng bằng đèn sodium bằng hệ thống đèn LED trên các tuyến phố chính tại Thủ đô Hà Nội (học viên từ công ty Hapulico, Hà Nội). Thay thế bóng đèn đường có công suất 250w bằng đèn LED 70w của Rạng Đông, công trình thử nghiệm tại Cầu Quế, Kim Bảng, Hà Nam (học viên từ công ty Chiếu sáng Hà Nam). 8 dự án chiếu sáng đô thị bằng hệ thống đèn LED tại thành phố Huế (học viên từ Công ty chiếu sáng Đô thị Huế). Thiết kế, lắp đặt hệ thống đèn LED cho Dự án “Lắp đặt hệ thống chiếu sáng 6 xã thuộc thị xã Sơn Tây”; và “Hệ thống đèn LED trang trí trong và ngoài thành cổ Sơn Tây” (học viên từ Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Sơn Tây),….
Kết quả trên cho thấy, đa số các học viên, sau khi tham gia Khóa đào tạo đều  nắm được các kiến thức cần thiết và áp dụng tốt trong công việc. Tuy lĩnh vực ứng dụng của từng học viên khác nhau, tùy theo môi trường làm việc, nhưng kết quả ứng dụng đều tỏ ra có nhiều thuận lợi. Đây cũng là một trong những thành công của các Khóa đào tạo “Các công nghệ LED cơ bản và tiên tiến cho chiếu sáng chung” do Ban Quản lý Dự án “Phát triển và Thúc đẩy công nghệ LED cho chiếu sáng chung tại Việt Nam” phối hợp với các chuyên gia Việt Nam và quốc tế thực hiện thời gian qua.
Kết quả của hai khóa đào tạo cho thấy tác động qua hiệu quả kép: là khoảng 90% học viên trong cả hai Khóa đào tạo đã nâng cao kiến thức, năng lực của họ về công nghệ LED và các ứng dụng vào thực tế đã được tăng lên sau khi tham dự Khóa đào tạo. Kết quả đào tạo cũng cho thấy, kiến thức và năng lực của học viên mới đạt ở mức trung bình. Các ứng dụng của các Khóa đào tạo còn thấp hơn so với các khía cạnh nội dung và lý thuyết. Hiện nay, công nghệ LED đang phát triển rất nhanh chóng, các kiến thức mới và các sản phẩm mới được cập nhật liên tục. Vì vậy, hầu hết các học viên đều mong muốn, việc đào tạo và cập nhật công nghệ LED, kiến thức chuyên môn là rất cần thiết và liên tục cho các cán bộ hoạt động trong lĩnh vực chiếu sáng tại Việt Nam.

Trần Hậu

https://anhsangvacuocsong.vn/

Bài viết liên quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM NHIỀU NHẤT