Nhiều năm qua, nuôi tôm nước lợ (tôm sú và tôm thẻ chân trắng) là thế mạnh và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Sóc Trăng, mang lại thu nhập cao cho người dân. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh tế, việc giảm giá thành tôm nuôi được chú trọng và trọng đó, tiết kiệm điện được triển khai mạnh mẽ.
Trưởng phòng Kế hoạch-Vật tư của Công ty Điện lực Sóc Trăng Huỳnh Văn Toàn cho biết, tính đến tháng 10/2018, cấp điện cho 11.630 hộ nuôi tôm, tăng 758 hộ so với năm 2017. Trong đó, 10.647 hộ sử dụng trạm công cộng và 983 hộ sử dụng trạm chuyên dùng. Điện thương phẩm cho khách hàng nuôi tôm trong 10 tháng đầu năm 2018 là 221,6 triệu kWh, chiếm 93,53 % sản lượng điện thương phẩm nông – lâm – thủy sản (236,9 triệu kWh) và chiếm 20,62 % tổng sản lượng điện thương phẩm của toàn tỉnh (1.074,9 triệu kWh).

Nhận thấy việc hỗ trợ các hộ nuôi tôm bằng giải pháp hạn chế mức tiêu thụ điện năng, ngoài hiệu quả tiết kiệm điện sẽ giảm áp lực về đảm bảo yêu cầu cung ứng điện đủ và ổn định trên địa bàn. Trong năm 2015, Công ty Điện lực Sóc Trăng đã phối hợp với Hiệp hội nuôi tôm Mỹ Thanh triển khai thực hiện 2 giải pháp. Từ những giải pháp và kết quả thực tế Công ty Điện lực Sóc Trăng đã báo cáo và trình các giải pháp với Tổng công ty Điện lực miền Nam để hỗ trợ thực hiện “Chương trình hỗ trợ tiết kiệm điện cho các hộ nuôi tôm sử dụng thiết bị hiệu suất thấp”. Tổng Công ty Điện lực miền Nam đã trình đề án và được Tập đoàn Điện lực Việt Nam phê duyệt chấp thuận cho Điện lực Sóc Trăng triển khai thí điểm mô hình vào tháng 12/2016 với tổng chi phí là 1,4 tỷ đồng.

Cụ thể là sau một năm thí điểm tại tỉnh Sóc Trăng áp dụng mô hình tiết kiệm điện (giải pháp thay thế gối đỡ chữ U bằng gối đỡ con lăn) để hỗ trợ các hộ dân tại vùng nuôi tôm trọng điểm, đơn vị đã thực hiện hỗ trợ được 833 hộ (161 hộ trong giai đoạn 1 và 672 hộ cho giai đoạn 2) với tổng diện tích được hỗ trợ là 543,67 ha và số gối đỡ lăn hỗ trợ là 26.378 cái, nhận thấy mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực. Thay thế gối đỡ trục dàn quạt (tạo khí ô-xy) chữ U bằng con lăn trục quay đã giúp các hộ nuôi tôm tiết kiệm được 15,2% điện năng tiêu thụ. Công ty Điện lực Sóc Trăng đã báo cáo hiệu quả Mô hình tiết kiệm điện này và đã phối hợp với Tổng Công ty Điện lực miền Nam đăng ký cuộc thi sáng kiến vì cộng đồng do Tạp chí Cộng sản phối hợp với Bộ Khoa học và Công Nghệ, Tập đoàn Điện lực Việc Nam tổ chức với sáng kiến “Giải pháp cải tiến dàn quạt oxy để tiết kiệm trong nuôi tôm” đạt giải nhất và được trao giải vào ngày 02/6/2018 vừa qua.
Hiện nay, hình thức nuôi tôm ngày càng được đầu tư và quản lý cao, cần phải đầu tư về vật chất và trang bị kỹ thuật nuôi khá hoàn thiện. Việc đầu tư hệ thống điện có chất lượng, an toàn, ổn định cũng là một khía cạnh giúp người nuôi tôm hạ giá thành.
Thời gian qua, Công ty Điện lực Sóc Trăng triển khai các dự án với tổng mức đầu tư 252,5 tỷ đồng. Tiêu biểu như Dự án Cấp điện cho các khu vực nuôi tôm nước lợ huyện Cù Lao Dung, Long Phú, Mỹ Xuyên, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu năm 2014 với 25 tỷ đồng. Dự án Lưới điện phân phối phục vụ nuôi tôm nước lợ tỉnh Sóc Trăng hoàn thành năm 2016, với 187,5 tỷ đồng. Công trình cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn huyện Cù Lao Dung, Mỹ Xuyên và thị xã Vĩnh Châu năm 2017, hoàn thành trong tháng 9/2018, với 40 tỷ đồng.
Bên cạnh, khách hàng cũng đầu tư trạm biến áp phục vụ nuôi tôm. Từ đầu năm 2014 là thời điểm tình hình nuôi tôm công nghiệp tăng trưởng mạnh đến tháng 10/2018, Công ty đã cấp điện cho 1.103 khách hàng, với tổng mức đầu tư là 228,1 tỷ đồng. Trong đó, đối với các khách hàng khó khăn về nguồn vốn đầu tư ban đầu, Công ty hỗ trợ cho 147 khách hàng thanh toán nhiều đợt. Ngoài ra, đối với các khách hàng giao ngành điện thực hiện trạm biến áp riêng, Công ty cũng hỗ trợ chi phí bảo trì bảo dưỡng trong 24 tháng và về sau, nếu máy biến áp bị hư hỏng, Công ty cho mượn máy biến áp, đảm bảo quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng được an toàn và liên tục.
Thời gian tới, vùng nuôi tôm nước lợ tỉnh Sóc Trăng tiếp tục tập trung ở thị xã Vĩnh Châu và các huyện Mỹ Xuyên, Trần Đề, Long Phú, Cù Lao Dung. Để đảm bảo cung cấp điện các khu vực nuôi tôm trong giai đoạn 2020 – 2025, Công ty Điện lực Sóc Trăng đã rà soát nhu cầu đầu tư lưới điện 3 pha phục vụ nuôi tôm tập trung, báo cáo Tổng công ty Điện lực miền Nam đề xuất bố trí nguồn vốn triển khai thực hiện với tổng mức đầu tư 686,58 tỷ đồng. Khối lượng cụ thể: 528,87km đường dây trung thế; 1.212,37km đường dây hạ thế; dung lượng 126.373,50kVA; cấp điện cho 9.882 hộ nuôi tôm 12.031,56 ha.
THANH HẢI