Với mục tiêu Chính phủ đề ra cho xuất khẩu các sản phẩm tôm năm 2025 đạt 10 tỷ USD, nhu cầu điện tăng thêm hàng triệu kWh. Cùng các giải pháp tiết kiệm điện, vùng nuôi tôm ở ĐBSCL năm 2020 đã phát triển mạnh điện mặt trời.
Sôi động vùng tôm

Hợp tác xã Nông ngư 14/10 Hòa Nhờ A ở xã Hòa Tú 2 (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) nuôi tôm công nghiệp và quảng canh 293,4 ha, kết thúc năm 2020 thắng lợi trọng vẹn. Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Ngô Công Luận cho biết, thu hoạch 141 tấn tôm, bán được 13 tỷ đồng, lời 4,5 tỷ; Hợp tác xã có 23 thành viên với 74 nhân khẩu nên bình quân một nhân khẩu thu nhập gần 61 triệu đồng.
Với ông Luận và một thành viên khác, hiệu quả cao hơn bởi lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà dẫn xuống nuôi tôm từ tháng 3/2020. Lời kể của ông Luận, ông lắp trước, với 400 triệu đồng được hệ thống điện mặt trời có công suất 25 kWp, ngoài phục vụ ao tôm còn bán cho ngành điện lực mỗi tháng được 5,8 triệu đồng. Thành viên bên cạnh, cũng số tiền 400 triệu đồng nhưng lắp sau, khi giá tấm năng lượng mặt trời đã rẻ hơn nên được hệ thống có công suất 27,5 kWp và hiệu quả cũng cao hơn.
Ở tỉnh Bạc Liêu, nhiều doanh nghiệp từ Hà Nội vào lắp điện mặt trời trên ruộng tôm với công suất lớn. Công ty Cổ phần Solan Việt Nam lắp điện mặt trời trên ruộng tôm rộng 5,6 ha ở xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình. Từ tháng 2/2020 đã đóng điện khu vực rộng 1 ha có công suất 1 MWp, còn khu vực có công suất 3 MWp đóng điện cuối năm.
Cũng dịp cuối năm, Công ty TNHH Điện năng lượng mặt trời Đông Nam hoàn thiện để đấu nối hệ thống có công suất 2 MWp trên diện tích 1 ha ở xã Vĩnh Hậu A (Hòa Bình, Bạc Liêu). Phụ trách công trình phấn khởi cho biết, vốn đầu tư 32 tỷ đồng, chỉ thi công một tháng đã xong, đấu nối an toàn.
Nhu cầu lớn
Một báo cáo nghiên cứu nhu cầu sử dụng điện trong nuôi tôm tại ĐBSCL của Hội Nghề cá Việt Nam cho biết, trong giá thành sản xuất, chi phí điện đứng thứ 4 sau chi phí thức ăn, con giống và thuốc – hóa chất. Cụ thể, chi phí điện chiếm trung bình 7,05% và 6,28% ở ao nuôi lót bạt và ao đất. Trong chi phí điện, tỉ lệ điện dùng cho cung cấp oxy và bơm nước lần lượt là 64,71% và 7,24 % ở ao lót bạt và 82,0 và 5,25 % ở ao đất; còn lại dùng thắp sáng, cho ăn và các hoạt động cải tạo ao, hàn điện.

Báo cáo nghiên cứu cụ thể nhu cầu điện cho một số loại hình nuôi tôm. Nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao lót bạt tốn 150.282,16 KWh/ha/vụ, tính ra khoảng 3.234,79 KWh/tấn tôm, còn ao đất tốn 26.775,15 KW.h/ha/vụ, khoảng 2.913,73 KWh/tấn tôm. Nuôi tôm sú thâm canh tốn 21.540,15 KW.h/ha/vụ, khoảng 4.172,81 KW.h/tấn tôm; còn ao tôm sú quảng canh cải tiến không sử dụng điện trực tiếp cho nuôi tôm.
Nhu cầu điện cho nuôi tôm ở ĐBSCL để đạt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD vào năm 2025: Nuôi tôm sú thâm canh đã cần thêm 209,98 triệu KWh ở năm 2020 và thêm 322,65 triệu KWh ở năm 2025; nuôi tôm thẻ chân trắng đã cần thêm khoảng 2.367,55 triệu KWh ở năm 2020 và thêm 6.011,29 triệu KWh ở 2025 khi tăng diện tích ao lót bạt. Ở tôm thẻ chân trắng nếu tăng diện tích ao đất thì nhu cầu điện thấp hơn, chỉ bằng khoảng 1/5 so với ao lót bạt.
SÁU NGHỆ