
Tây nguyên là vùng đất rộng lớn có khí hậu nhiệt đới núi cao của Việt nam. Tây Nguyên bao gồm 5 tỉnh gồm Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng chiếm diện tích 54.641,0 km2. Với đặc điểm thổ nhưỡng đất đỏ bazan ở độ cao trung bình khoảng 500 m đến 600 m so với mặt biển, và những vùng cao trên 1000 m, có khí hậu gần như ôn đới quanh năm rất phù hợp cho sản xuất rau và hoa công nghệ cao, nông nghiệp trở thành ngành kinh tế’ trọng điểm của vùng đất Tây Nguyên.
Công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật đã trở thành một ngành công nghiệp quan trọng mang lại hàng triệu đô la mỗi năm. Riêng tỉnh Lâm Đồng đã phát triển 58 cơ sở nuôi cấy mô tế bào thực vật, trong đó thành phố Đà Lạt có 50 cơ sở, đạt năng suất sản xuất cây giống chiếm 78,5% so với cây giống cấy mô trong cả nước. Tập trung chủ yếu vào các loại hoa, cây dược liệu quý, hiếm và các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao.
Trung bình mỗi cơ sở nhân giống cấy mô chi trả khoảng 200 triệu đồng tiền điện thắp sáng/năm, như vậy tính riêng thành phố Đà Lạt có khoảng 58 cơ sở cấy mô phải chi trả khoảng tương đương 11,6 tỷ đồng cho điện thắp sáng/năm. Ước tính nếu tiết kiệm 50% chi phí tiền điện mỗi năm thành phố tiết kiệm khoảng 5,8 tỷ đồng cho riêng lĩnh vực nhân giống cây trồng trong phòng thí nghiệm.
Ngành trồng hoa của Tây Nguyên cũng được ưu tiên phát triển vì lợi nhuận cao, bình quân 120 triệu đồng/ha đất trồng hoa và 250 triệu đồng/ha trồng hoa công nghệ cao trong nhà plastic. Riêng chỉ tính tỉnh Lâm Đồng đã có cả 1.000 ha đất trồng hoa cúc sử dụng đèn huỳnh quang compact để điều khiển quá trình ra hoa theo mong muốn. Ước tính, 1.000 ha đất trồng hoa cúc có mật độ 9m2/đèn compact, mỗi đèn có có công suất 20w và hệ số tiêu thụ điện là 0,7 và thời gian chiếu sáng 8 giờ/đêm, một vụ chiếu sáng 30 ngày, năm 3,5 vụ thì điện năng tiêu thụ tương ứng là 26,7 triệu kwh. Tính theo giá điện hiện hành 1.388 đ/kw thì chi phí tiền điện cho chiếu sáng là 37 tỷ đồng. Như vậy, nếu thay bằng đèn tiết kiện điện năng (50%) thì riêng chi phí sản xuất cây hoa cúc của tỉnh Lâm đồng tiết kiệm được 18,5 tỷ đồng/năm. Đây là con số không nhỏ cho riêng một loại cây trồng của một tỉnh. Với xu hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao ứng dụng chiếu sáng nhân tạo cho cả vùng Tây Nguyên thì con số này sẽ tăng nhanh gấp bội lần trong thời gian tới.Một số kết quả ban đầu sử dụng đèn tiết kiệm điện trong nông nghiệp công nghệ cao
Chiếu sáng cho giai đoạn nhân giống cây hoa cúc ngoài vườn ươm, tại Viện Khoa học Tây Nguyên, sử dụng các loại đèn huỳnh quang compact chuyên dụng CFL 15W chuyên dụng, đèn huỳnh quang
compact CFL 20W/2700K, compact CFL 20W/2700K có chao chụp, đèn T8-36W/2700K, đều do Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông sản xuất. Cả 3 loại bóng và cường độ như trên đều cho kết quả tốt, tiết kiệm điện, và hoàn toàn có thể thay thế cho các loại đèn sợ đốt truyền thống. Cây sinh trưởng và phát triển tốt đạt tiêu chuẩn của UBND tỉnh Lâm Đồng (quyết định số 07/2010/QĐ-UBND). Đèn T8 36w 2700 k cho kết quả tốt nhất, khối lượng cây cúc con xuất vườn là 3,7g/cây, chiều cao cây 9,4 cm, hệ số nhân giống 4,5 chồi/cây/tháng.
KẾT QUẢ THỬ NGHIỆM ĐÈN LED TẠI ĐH ĐÀ LẠT
Sử dụng đèn LED của Đại học Chonbuk, Hàn Quốc với cường độ chiếu sáng theo tính toán thì hoàn toàn có thể thay thế cho ánh sáng tự nhiên để sản xuất cây rau xà lách, cải thìa, cải xanh, giống cây hoa cúc và dâu tây trong phòng thí nghiệm. Cây giống hoa cúc và dâu tây sinh trưởng và phát triển rất tốt nhanh hơn trồng ngoài vươn ươm, hệ số nhân giống cây dâu tây và cúc là rất cao. Rau xà lách, cải xanh và cải thìa ăn giòn, thơm ngon.
Kết quả thử nghiệm chiếu sáng bằng đèn LED nhập nội cho cây hoa cúc cắt cành trong hội thảo “Ứng dụng công nghệ đèn LED trong chiếu sáng hoa Cúc” tại tỉnh Lâm Đồng 2012 cho thấy: Tiết kiệm điện năng tiêu thụ 50% so với đèn huỳnh quang compact; Cải thiện chất lượng, hình thái và phẩm chất hoa cúc cắt cành; Đèn LED đỏ còn có vai trò xua đuổi côn trùng, nên giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật dùng kiểm soát côn trùng.
THỰC TIỄN VỀ TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ SẢN XUAT ĐÈN TIẾT KIỆM ĐIỆN NĂNG CHO NÔNG NGHIỆP TẠI VIỆT NAM
Hiện nay, thị trường đèn chiếu sáng của Việt Nam đã xuất hiện nhiều loại đèn tiết kiệm điện về hình thức khác nhau của đèn huỳnh quang compact và đèn LED. Tuy nhiên, đa số là dùng cho chiếu sáng phục vụ mắt người có quang phổ rộng và tập trung ở vùng 555nm không thích hợp với cây trồng. Đèn chiếu sáng chuyên dụng cho cây trồng là rất hiếm và có thể nói là hầu như chưa có.
Một trong những Công ty đi đầu về nghiên cứu chiếu sáng trong nông nghiệp là Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông mà hạt nhân là Trung tâm R&D Chiếu sáng Rạng Đông. Trung tâm đã tạo ra được mối liên minh các nhà khoa học của các viện nghiên cứu, các trường đại học và nông dân, công ty sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, bước đầu đã sản xuất các sản phẩm chiếu sáng nhân tạo chuyên dụng cho nông nghiệp đang được ứng dụng trên cây hoa cúc, thanh long và các cơ sở sản xuất giống cây cây mô tại Tây Nguyên như các loại huỳnh quang, đèn compact vàng 2700K.
Từ những kết quả nghiên cứu, thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và ngoài đồng ruộng như trên cho thấy việc sử dụng đèn LED trong nông nghiệp công nghệ cao là rất cần thiết và mang tính thời sự, hoàn toàn có thể thay thế cho các loại đèn hiện nay. Rất mong các cơ quan chức năng hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất đèn trong nước có uy tín, có kinh nghiệm và năng lực về tài chính và kỹ thuật để sản xuất ra các loại đèn LED chuyên dụng cho nông nghiệp, góp phần đẩy mạnh nền nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam xứng tầm với khu vực.