Lời nói đầu
Hiện nay, thiết kế chiếu sáng bằng phần mềm (hay thiết kế chiếu sáng trên máy tính) đã trở nên rất hữu dụng đối với các kỹ sư thiết kế chiếu sáng. Tuy nhiên, nhiều khi đã thực hiện đầy đủ các thao tác trên phần mềm ta vẫn nhận được các kết quả không mong muốn, chẳng hạn độ rọi tăng hoặc giảm bất thường so với yêu cầu. Trong trường hợp này, có thể ta đã vô ý chọn nhầm tệp dữ liệu trắc quang (photometric data hay IES File) của bộ đèn, hoặc đôi khi tai hại hơn nữa là ta đã chọn nhầm phải một IES File “dỏm”. Bài viết sẽ bàn về vấn đề này.
1. Thế nào là một IES File đúng và đủ
IES File đúng phải là của chính bộ đèn, nghĩa là nó phải mô tả trung thực phân bố cường độ sáng của bộ đèn. IES File được trích xuất từ một máy đo phân bố cường độ sáng của một phòng thí nghiệm uy tín và được công nhận.
Ngoài yêu cầu “đúng”, IES File cần phải “đủ” tức là phải có nhiều số liệu đo trong toàn bộ trường sáng của bộ đèn. Nghĩa là, phép đo phải được thực hiện trên nhiều mặt phẳng C và khoảng cách giữa các góc ᵧ trong một mặt phẳng C phải đủ nhỏ (Hình 1)

Ví dụ: Trong không gian chiếu sáng của bộ đèn ta chọn các mặt phẳng cách nhau 100 tức là ta sẽ có 36 mặt phẳng và trong mỗi mặt phẳng ta lại chọn các góc cách nhau 50 thì ta sẽ có 36 điểm đo. Như vậy, tệp số liệu của IES File sẽ bao gồm 36 x 36 = 1296 số liệu. Ta cũng sẽ thấy ngay rằng, số liệu đo càng nhiều, tức điểm đo càng dày đặc thì phân bố cường độ sáng càng được mô tả tỷ mỷ, chi tiết và đương nhiên IES File nghèo số liệu là một File đo ẩu
Để biết điều này, ta phải mở tệp số liệu đo để thấy được sự đầy đủ hay thưa thớt của các điểm đo (Để làm được việc này, bạn đọc có thể tìm và đọc trên mạng của báo Ánh sáng và Cuộc sống với cụm từ “Tệp dữ liệu IES, chứng minh thư của bộ đèn”)
2. Cách nhận biết một IES File không đúng
Các file sửa chữa
Khi mở một IES file đúng, ta thường thấy giá trị quang thông, cường độ tia cực đại thường là một số lẻ ngẫu nhiên vì chúng là các kết quả đo ngẫu nhiên, còn ở các file sửa chữa, các trị số này thường là chẵn và rất “đẹp” (Hình 2). Trong trường hợp này, người sửa chữa đã can thiệp vào trang chính của IES File nhưng không hiểu về cấu trúc của tệp số liệu của nó

Những IES File nhân bản
Thông thường, mỗi loại đèn (đèn đường chẳng hạn) thường có một loạt đèn công suất khác nhau nhưng có cấu trúc giống nhau ví dụ các chip LED giống nhau, các thấu kính phân bố sáng cũng giống nhau dẫn đến phân bố cường độ khá giống nhau.
Trong trường hợp này, thay vì việc phải đo IES File cho từng đèn riêng biệt thì người ta chỉ đo một đèn rồi đã sửa chữa theo kiểu nhân bản cho cả ba bộ đèn. (Hình 3)

Trong trường hợp nhân bản này, người can thiệp váo IES File đã có thể không hiểu cả về bộ đèn và IES File. Cụ thể là:
Thứ nhất: Ngay với các bộ đèn giống hệt nhau, tệp số liệu IES cũng không bao giờ giống hệt nhau. Trong trường hợp này bạn đọc có thể dễ dàng thấy được, các tia có cường độ cực đại của cả ba bộ đèn là như nhau (12.394 cd)
Thứ hai: Ngay đối với loạt đèn cùng loại (cùng chip LED) thì quang thông của chúng cũng không hoàn toàn tỷ lệ với công suất như đã trình bày tại hình 3
Những sửa chữa tinh vi hơn
Ngay sau khi IES File được công bố thì trên mạng đã xuất hiện hàng loạt các bài viết và video trong các trang hướng dẫn sửa chữa tệp liệu trắc quang (Edit Photometric Data). Với những người sửa chữa “có nghề” thì các IES File của họ tạo ra rất tinh vi. Tuy nhiên, khi đo trên góc kế quang học thì mọi dấu vết của việc sửa chữa sẽ đều bị phát hiện.
3. Chúng ta phải làm gì
Chúng ta đồng ý với nhau rằng:
Thứ nhất: IES File chính là “chứng minh thư”, là “dấu vân tay” của bộ đèn. Nghĩa là mỗi bộ đèn chỉ có một và chỉ một IES File mà thôi.
Thứ hai: Một sản phẩm chiếu sáng không có IES File đính kèm thì chưa chắc đã là sản phẩm của một nhà sản xuất uy tín.
Vì vậy, để tránh được chuyện “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, người tiêu dùng khi mua các bộ đèn luôn phải yêu cầu được cung cấp IES File đúng của nó. Khi có mọi nghi ngờ, cần mang sản phẩm đến đo đạc tại một phòng thí nghiệm có góc kế quang học chuẩn.
Ngoài ra, về lâu dài, những người làm công tác thiết kế chiếu sáng, đặc biệt là thiết kế chiếu sáng bằng phần mềm, những người vận hành các phòng thí nghiệm trắc quang, những nhà sản xuất cung ứng các sản phẩm chiếu sáng cần được bồi dưỡng các kiến thức về Kỹ thuật chiếu sáng, bộ đèn và IES File của nó.
Người viết cũng mạnh dạn đề nghị Hội Chiếu sáng Việt Nam, nơi tập trung nhiều nhà sản xuất, nhiều chuyên gia có trình độ cao về các lĩnh vực nói trên phải là người tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức nói trên. Ngoài ra, Hội cũng cần sớm nghĩ đến việc đề xuất đối với cơ quan chức năng đưa yêu cầu “bắt buộc các bộ đèn phải có IES File” vào Quy chuẩn Việt Nam, mà trước hết hãy quy định đối với các loại đèn chiếu sáng đường
TS. Lê Hải Hưng, ĐHBK Hà Nội – Ban KHCV Hội Chiếu sáng Việt Nam