Ngày 19/7, Agribank Cần Thơ tiếp tục gửi công văn xin ý kiến của Agribank Việt Nam. Còn ngày 18/7, UBND thành phố Cần Thơ có công văn đề nghị Agribank Cần Thơ giải quyết giúp Cty Hoàng Thắng vượt qua đình đốn, vì vay vốn ưu đãi sản xuất nông nghiệp đã tất toán từ ngày 29/6/2016 nhưng còn tranh cãi đến nay.

Vay vốn ưu đãi
Cty Hoàng Thắng trước đây là Cty TNHH MTV Nhựa Hoàng Thắng, từ ngày 4/9/2015 đổi tên Cty TNHH Sản xuất Máy nông nghiệp Hoàng Thắng, ở phường Tân Hưng (Thốt Nốt, Cần Thơ). Đây là doanh nghiệp nổi tiếng về sản xuất máy gặt đập liên hợp và các loại máy nông nghiệp khác. Vì vậy, khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 63 hỗ trợ lãi suất nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản; ngày 24/6/2011, Bộ NN&PTNT ban hành Quyết đinh 1379, công bố danh sách “các tổ chức, cá nhân sản xuất máy móc, thiết bị giảm tổn thất sau thu hoạch được hưởng chính sách theo Quyết định số 63”, có Cty Hoàng Thắng.
Từ đó, Cty Hoàng Thắng lập dự án đầu tư sản xuất máy gặt đập liên hợp để làm dịch vụ gặt lúa thuê với nông dân, tổng vốn gần 13 tỷ đồng. Ngày 26/3/2013, Cty ký hợp đồng vay 9,5 tỷ đồng với Agribank Cần Thơ, thời hạn 5 năm. Theo đó, Cty được hỗ trợ lãi suất 100% trong 2 năm đầu, những năm tiếp theo hỗ trợ 50%. Sau 9 lần giải ngân, Cty Hoàng Thắng nhận đủ 9,5 tỷ đồng, hoàn thành 30 máy gặt đập liên hợp, đưa đi các tỉnh Nghệ An, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ gặt được gần 3.000 ha, thu hơn 6,7 tỷ đồng.
GĐ Phạm Hoàng Thắng bày tỏ mong muốn sớm được giải tỏa tiền để mua nguyên liệu sản xuất, tiếp tục nghiên cứu sáng tạo, trở lại thời kỳ chưa vay vốn ưu đãi nông nghiệp. “Sau thành công với máy gặt đập liên hợp và các máy móc nông nghiệp khác, chúng tôi đã nghiên cứu lò sấy lúa di động bằng ống tiết kiệm năng lượng, phù hợp với điều kiện ĐBSCL, nhưng đang phải dừng lại”, ông Thắng thở dài. |
Dự án hiệu quả, tuy nhiên, theo GĐ Cty Phạm Hoàng Thắng, khó phát triển lâu dài. Bởi để được hưởng ưu đãi, máy gặp đập liên hợp sản xuất ra, Cty Hoàng Thắng phải làm thủ tục xuất bán cho bộ phận dịch vụ gặt thuê trong chính Cty. Thủ tục này phát sinh thuế giá trị gia tăng, phải nộp mỗi máy 47 triệu đồng. Bên cạnh, hoạt động dịch vụ gặt thuê phạm vi rộng, chi phí tốn kém, công nhân rất vất vả. Vì vậy, ngày 29/6/2016, Cty Hoàng Thắng thanh lý hợp đồng vay trước hạn với Agribank Cần Thơ.
Đình đốn sản xuất
Đột ngột, ngày 12/1/2017, Agribank Cần Thơ thông báo “thu hồi tiền hỗ trợ lãi suất” 3.166.873.715 đồng với Cty Hoàng Thắng. Công văn cho rằng, dựa vào kết quả làm việc của Cty TNHH Kiểm toán và Định giá Thăng Long “khoản vay của Cty Hoàng Thắng không thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất”. Cho nên, Cty Hoàng Thắng phải chịu lãi suất từ ngày vay đến ngày tất toán.

Giám đốc Thắng kể, từ đó ông chạy đến rất nhiều cơ quan từ Cần Thơ ra Hà Nội. Cty TNHH Kiểm toán và Định giá Thăng Long giải thích, kết quả làm việc chỉ xem chữ nghĩa trong hợp đồng chứ chưa phải kết luận, để kết luận cần thêm ý kiến của cơ quan chức năng. Sở NN&PTNT thành phố Cần Thơ có nhiều công văn khẳng định, Cty Hoàng Thắng thuộc đối tượng được hưởng chính sách.
Nhiều tháng trôi qua, Cty Hoàng Thắng lâm vào đình đốn sản xuất, nợ nần vây bủa. Ngày 5/4, Cty Hoàng Thắng bán một căn nhà lấy 13 tỷ đồng để trang trải nợ nần, duy trì sản xuất thì bị Agribank Cần Thơ phong tỏa ngay 3.166.873.715 đồng. Hiện nay, Cty Hoàng Thắng còn nợ bạn hàng hơn 2 tỷ đồng và nợ lương công nhân. Lúc hưng thịnh, Cty có 79 công nhân, nay chỉ còn 9, kể cả 3 nhân viên văn phòng. Xưởng sản xuất hồi nào nhộn nhịp nay vắng lặng.

Thủ tục nhiêu khê
Ngày 15/6, UBND thành phố Cần Thơ tổ chức họp liên ngành để giải quyết khó khăn cho Cty Hoàng Thắng. Ý kiến của đại diện nhiều ngành và Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Cần Thơ cho rằng, việc phong tỏa tiền của Cty Hoành Thắng là không đúng, cần có giải pháp kịp thời giúp đỡ doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp.
Ngày 11/7, Bộ Tài chính có công văn giải thích, những doanh nghiệp nằm trong danh sách của Bộ NN&PTNT, được hưởng ưu đãi theo Quyết định 63. Công văn ngày 18/7/2017 của UBND thành phố Cần Thơ gửi Agribank Cần Thơ, do Phó chủ tịch Nguyễn Thanh Dũng ký cũng khẳng định: “Việc sử dụng vốn vay đầu tư sản xuất máy gặt đập liên hợp và dịch vụ gặt thuê lúa cho nông dân của Cty Hoàng Thắng phù hợp với đối tượng được hỗ trợ lãi suất theo Quyết định số 63”.
Về phía Agribank, sau nhiều công văn qua lại, ngày 13/7, Agribank Việt Nam chỉ đạo Agribank Cần Thơ cần thống nhất với kiểm toán để xử lý dứt điểm vụ việc. Cùng ngày, Phó tổng giám đốc Agribank Việt Nam Phạm Toàn Vượng lại ký công văn xác định Cty TNHH Sản xuất Máy nông nghiệp Hoàng Thắng không thuộc đối tượng hưởng ưu đãi.
Giám đốc Cty Hoàng Thắng kêu lên: Cty TNHH Sản xuất Máy nông nghiệp Hoàng Thắng chính là Cty TNHH MTV Nhựa Hoàng Thắng có tên trong danh sách hưởng ưu đãi của Bộ NN&PTNT và đã ký hợp đồng vay vốn (Cty đổi tên ngày 4/9/2015). Nên ngày 19/7, Giám đốc Agribank Cần Thơ Nguyễn Thanh Xuân lại ký công văn tiếp tục xin ý kiến Agribank Việt Nam xem xét và giải quyết.
NGỌC DUYÊN