Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành hồi tháng 4/2017 yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án điện mặt trời vận hành trước ngày 30/6/2019, trong vòng 20 năm với giá ưu đãi là 9,35 US cent/KWh. Theo dự thảo mới, sau ngày 30/6/2019, giá điện mặt trời có thể chỉ còn 6,67 US cent/KWh (với dự án điện mặt trời trên mặt đất). Hiện nay, nhiều dự án điện mặt trời chạy đua với thời gian để hưởng ưu đãi.
Công ty CP Thủy điện Miền Trung có thời điểm huy động hơn 800 công nhân lên công trường để ngày 20/4/2019, Nhà máy Điện mặt trời Cư Jút (huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) chính thức phát điện thương mại. Dự án triển khai tháng 6/2017, tổng vốn đầu tư 1.367 tỷ đồng, công suất 50 MW; một năm dự kiến sản xuất lượng điện trên 90 triệu KWh, thu 200 tỷ đồng.

Trước đó, vào đầu tháng 3/2019, tại huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk), cụm Nhà máy điện mặt trời Srê-pốc 1 và Quang Minh là dự án điện mặt trời đầu tiên ở Tây nguyên đã hòa lưới quốc gia. Dự án có công suất 100 MW, xây dựng trên diện tích 120 ha, tổng mức đầu tư gần 2.300 tỷ đồng.
Ở tỉnh Bình Thuận, từ huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc đến huyện Bắc Bình, Tuy Phong, những nơi có dự án điện mặt trời đã đăng ký sẽ hòa lưới điện vào thời gian trước 30/6 đang khẩn trương hơn bao giờ hết. Nhiều dự án đã lắp tấm pin gần xong, đang hoàn chỉnh các bước để đấu nối điện. Công ty CP Điện Gia Lai (GEC) cho biết, sẽ đưa vào vận hành 2 nhà máy điện mặt trời tại Bình Thuận và tỉnh Long An trước ngày 30/6, tổng công suất của 2 nhà máy là 98 MW.

Còn ở tỉnh Ninh Thuận, cả 3 dự án điện mặt trời BIM 1, BIM 2 và BIM 3 của Công ty CP năng lượng BIM đầu tư tại xã Phước Minh (huyện Thuận Nam) đảm bảo hòa lưới điện quốc gia đúng kế hoạch. Khởi công tháng 1/2018, đến nay, Nhà máy điện mặt trời BIM 1 đã hoàn thành 100% việc lắp đặt giá đỡ và các tấm pin năng lượng mặt trời, chính thức phát điện đầu tháng 4. Nhà máy điện mặt trời BIM 2 và BIM 3 gần hoàn thành.
Chuyên viên điều phối dự án của Công ty CP năng lượng BIM là ông Nguyễn Phương Trung cho biết: “Dự án BIM 2 có công suất 250 MW đã hoàn tất thủ tục hồ sơ đóng điện. Với BIM 3 lắp đặt cũng đã hoàn thiện, đang chuẩn bị thủ tục để đóng điện trước tháng 6/2019”.

Nhà máy điện mặt trời Solar 1 của Công ty CP BP Solar chính thức hòa lưới điện quốc gia sau hơn 6 tháng thi công ở xã Phước Hữu (Ninh Phước, Ninh Thuận), vốn đầu tư hơn 1.315 tỉ đồng, công suất 46 MWp, sản lượng điện mỗi năm dự kiến 75 triệu kWh.
Tại tỉnh Tây Ninh, dự án điện mặt trời tại hồ thủy điện Dầu Tiếng mà theo chủ đầu tư là lớn nhất châu Á, xây dựng trên phần bán ngập nước hồ Dầu Tiếng, công suất 420 MW, sản lượng điện dự kiến một năm 1,56 tỷ kWh. Dự án này cũng đang chạy đua với thời gian để được hưởng ưu đãi.
Tỉnh Long An từ chối dự án nhiệt điện than và hiện đang đua với thời gian nhiều dự án điện mặt trời. Trước đó, vào tháng 8/2018, UBND tỉnh Long An có văn bản gửi Bộ Công Thương từ chối dự án nhiệt điện than có 2 nhà máy với tổng công suất 2.800 MW, vốn đầu tư 5 tỷ USD. Hiện nay, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lê Minh Đức cho biết, trên địa bàn Long An có 15 dự án điện mặt trời với tổng công suất 1.329 MW, trong đó, 8 dự án có tổng công suất 440 MW đã được Bộ Công Thương bổ sung vào quy hoạch, còn lại chờ phê duyệt bổ sung quy hoạch. Trong 8 dự án đã bổ sung vào quy hoạch, có 1 dự án đã hòa vào điện lưới quốc gia, 4 dự án sẽ hòa vào điện lưới quốc gia trước ngày 30/6/2019.
Thông tin của Bộ Công Thương, tính đến cuối tháng 8/2018, có 121 dự án điện mặt trời được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và cấp tỉnh với tổng công suất dự kiến phát điện trước năm 2020 là 6.100 MW. Công suất này vượt nhiều lần so với quy hoạch điện VII điều chỉnh mà Thủ tướng phê duyệt, trong đó định hướng phát triển điện mặt trời đạt khoảng 850 MW vào năm 2020, khoảng 4.000 MW vào năm 2025.
Cập nhật thông tin của EVN, số lượng dự án điện mặt trời dự kiến vận hành trong tháng 5 và 6/2019 là 88 dự án. Trong đó, miền Nam có 54 dự án sản, miền Trung 28 dự án và miền Bắc 6 dự án.
NGỌC TOÁN