27.1 C
Hanoi
Thứ Hai, 28 Tháng 7, 2025

Có hay không, việc bao che xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp?

Trong những năm gần đây, UBND Thành phố Hà Nội rất quan tâm đến công tác quản lý trật tự xây dựng và tăng cường quản lý Nhà nước đối với đất nông nghiệp, đất công theo đúng mục đích, quy hoạch được phê duyệt, ngăn chặn kịp thời và xử lý theo quy định của pháp luật các hành vi lấn, chiếm, mua bán, hủy hoại, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, đất công trái phép.
Mặc dù UBND thành phố Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, UBND các quận thường xuyên chỉ đạo quyết liệt về vấn đề trên, tuy nhiên tình trạng “buông lỏng” quản lý về trật tự xây dựng vẫn ngang nhiên diễn ra tại phường Phúc Diễn, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Một công trình trong tổ dân phố số 2 Phường Phúc Diễn (gần nhà bà Tuyết) cũng được xây dựng kiên cố khang trang. Ảnh: PV
Một công trình trong tổ dân phố số 2 Phường Phúc Diễn (gần nhà bà Tuyết) cũng được xây dựng kiên cố khang trang. Ảnh: PV

Liên quan đến việc này, tòa soạn nhận được thông tin bạn đọc phản ánh, tại khu vực quanh đình làng Phúc Diễn thuộc tổ dân phố số 2 Phường Phúc Diễn xuất hiện hàng chục ngôi nhà trái phép trên đất nông nghiệp được xây dựng từ nhiều năm qua mà không bị chính quyền địa phương xử lý. Theo quan sát của phóng viên, hiện tại khu vực này có gần chục ngôi nhà và nhà hàng 2 đến 3 tầng, không có biển số nhà. Trao đổi với phóng viên, một số người dân cho biết: “Xung quanh khu vực Đình làng là đất nông nghiệp, đồng ruộng ngập nước là địa điểm trồng rau muống của bà con trong khu vực, từ khi đô thị hóa, có con đường Văn Tiến Dũng chạy qua, người ta ngang nhiên san lấp ruộng để xây dựng nhà ở một cách ồ ạt, chỉ có điều phải có quan hệ hoặc làm lách luật với lãnh đạo chính quyền và thanh tra xây dựng thì mới xây dựng được” Chỉ cho chúng tôi một công trình đang được hoàn thiện, người dân cho biết: chủ công trình là bà Nguyễn Thị Tuyết, ngôi nhà của bà Tuyết được xây dựng trên đất nông nghiệp là do bà Tuyết có mối quan hệ họ hàng với lãnh đạo Phường, nghe đâu là cháu vợ của ông Trần Bằng – Chủ tịch UBND phường và là chị gái của cán bộ địa chính Phường Phúc Diễn.
Ghi nhận của phóng viên, công trình mới được xây dựng 2 tầng kiên cố bằng bê tông, cốt thép, tum được quay kín bằng sắt và lợp tôn, vừa đi vào sử dụng; công trình nằm ngay sau cổng đình làng và tiếp giáp với mặt đường Văn Tiến Dũng.

Nhà bà Nguyễn Thị Tuyết được xây dựng kiên cố 2 tầng 1 tum. Ảnh: PV
Nhà bà Nguyễn Thị Tuyết được xây dựng kiên cố 2 tầng 1 tum. Ảnh: PV

Trao đổi với một thành viên trong tổ thanh tra xây dựng  phường (xin không nêu tên) về ý kiến phản ánh việc tồn tại xây dựng nhà trên đất nông nghiệp ở khu vực tổ dân phố số 2 (Phường Phúc Diễn), ông này cho biết: nội dung bạn đọc phản ánh tới cơ quan báo chí là hoàn toàn chính xác, chỉ có điều theo chức năng, nhiệm vụ của mình, nên mọi việc cứ để lãnh đạo phường tiếp nhận và giải quyết.
Để tìm hiểu thực hư vấn đề trên, chúng tôi đã liên hệ, hẹn lịch qua văn phòng của UBND Phường Phúc Diễn, nhưng đã hơn 60 ngày mà văn phòng UBNN phường vẫn chưa có kế hoạch bố trí Lãnh đạo phường làm việc với cơ quan báo chí với lý do Lãnh đạo bận và chưa bố trí được. Phóng viên đã trực tiếp xuống đợi, để gặp tại Lãnh đạo tại Văn phòng;  điện thoại cho ông chủ tịch và phó chủ tịch UBND phụ trách kinh tế đô thị nhưng không được đáp máy.
Trước đó, ngày 10/02/2015, UBND Thành phố Hà Nội đã ra quyết định 02/2015/QĐ-UBND ban hành quy định về việc tiếp công dân và xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh trên địa bàn thành phố, Tại khoản 3, điều 3, khoản 2, điều 13 trong quyết định đã nêu rõ: “Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức tiếp công dân thường xuyên hàng ngày (trừ ngày nghỉ, ngày lễ). Việc tiếp công dân ở cấp xã được thực hiện tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp phụ trách công tác tiếp công dân; phân công một cán bộ kiêm nhiệm công tác tiếp công dân”; “ Đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh do Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên hoặc các cơ quan báo chí chuyển đến, bộ phận tiếp công dân của cơ quan hoặc Văn phòng (nơi không thành lập Ban tiếp công dân) phải phân loại, xử lý và có văn bản phúc đáp lại cơ quan chuyển đơn trong thời hạn 10 ngày làm việc. Nếu thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan mình thì trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, thông báo kết luận nội dung tố cáo, văn bản giải quyết đơn kiến nghị, phản ánh phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan đã chuyển đơn đến biết kết quả giải quyết”.
Theo nội dung trên,  vấn đề ở đây là lý do gì mà Lãnh đạo Phường Phúc Diễn “ bận” đến hơn 60 ngày, không có thời gian để làm việc với cơ quan báo chí, mặc dù phóng viên đã trực tiếp nhiều lần đến làm việc với Văn phòng hẹn lịch làm việc và chủ động liên hệ với ông Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND phường Phúc Diễn, nhưng đều không được phúc đáp, hồi âm. Như vậy, chỉ riêng việc thực hiện: “Quyết định 02/2015/QĐ-UBND ban hành quy định về việc tiếp công dân và xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, của Thành phố Hà Nội, quy định tiếp công dân ở phường xã” không hiểu lãnh đạo Phường Phúc Diễn đã nhận và chấp hành như thế nào? Việc tiếp theo là  phản ánh của bạn đọc đã nêu ở trên tại Phường Phúc Diễn, Quận Bắc Từ Liêm, cần làm rõ có hay không việc  xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp và có hay không việc “tiếp tay” cho vi phạm của lãnh đạo chính quyền địa phương nơi đây?.
Về vấn đề này, chúng tôi xin được chuyển đến Uỷ ban nhân dân Phường Phúc Diễm, lãnh đạo và các cơ quan chức năng có thẩm quyền Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội để xem xét, giải quyết, Đồng thời cũng mong được hồi âm của Phường Phúc Diễn để chúng tôi sớm có thông tin trả lời bạn đọc.

Hồng Anh và nhóm phóng viên

Bài viết liên quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM NHIỀU NHẤT