Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết thành lập Thành phố Huế (Tỉnh Thừa Thiên – Huế) trực thuộc Trung ương, Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025. Thành phố Huế (TP) được thành lập với nhiệm vụ trọng tâm là để bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể đã được UNESCO công nhận. Đi cùng với vinh dự, trọng trách trên, hệ thống chiếu sáng đô thị của TP Huế đã và đang được quy hoạch, đầu tư, quản lý vận hành theo hướng chiếu sáng xanh, hiện đại, thông minh, đáp ứng các mục tiêu của “TP di sản”, trung tâm văn hóa của Quốc gia.
Chiếu sáng TP Huế trước và sau ngày thống nhất đất nước
Giai đoạn trước năm 1975
Trước năm 1975, TP Huế là trung tâm văn hóa và chính trị của miền Trung Việt Nam, với di sản cung đình nhà Nguyễn. Hệ thống chiếu sáng công cộng (CSCC) chủ yếu phục vụ các khu vực trung tâm, cung điện, lăng tẩm và các công trình công cộng như cầu Trường Tiền, Kỳ Đài, hoặc Đại Nội. Quy mô hệ thống chiếu sáng rất nhỏ, tập trung ở khu vực đô thị chính.
Hệ thống CSCC tập trung khu vực trong Thành nội, có khoảng 300 cột đèn đường sử dụng đèn sợi đốt tren các tuyến phố chính đường Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, hoặc khu vực quanh Hoàng Thành. Các khu vực ngoại ô và nông thôn hầu như không có hệ thống CSCC.
Mục đích của chiếu sáng thời điểm đó là phục vụ giao thông và an ninh đi lại tại các tuyến đường chính, Hệ thống đèn tín hiệu giao thông gần như không có, chủ yếu là các biển báo thủ công hoặc đèn lồng tại các ngã tư lớn. Hệ thống chiếu sáng trang trí hoặc nghệ thuật cho các công trình kiến trúc, các công trình như Đại Nội, lăng tẩm, hoặc chùa Thiên Mụ được thắp sáng bằng đèn dầu, đèn lồng truyền thống, hoặc đèn điện đơn giản vào các dịp lễ hội, mang tính nghi thức, phục vụ các sự kiện cung đình hoặc tôn giáo, không có mục đích quảng bá du lịch hay mỹ quan đô thị.
Hệ thống CSCC TP Huế được quản lý bởi chính quyền đô thị miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Công tác quản lý vận hành đèn đường sửa chữa, thay thế bóng đèn bật/tắt thủ công, phụ thuộc vào nguồn cung vật tư từ Sài Gòn hoặc nhập khẩu, cùng với lưới điện khu vực không ổn định, nên chất lượng CSCC gián đoạn, không đều. Do điều kiện chiến tranh và bất ổn chính trị, việc duy trì và bảo dưỡng, hệ thống điện và đèn đường CSCC cùng với nhiều cơ sở hạ tầng của TP Huế không được chú trọng, đầu tư.


Giai đoạn sau năm 1975
Năm 1975, sau khi giải phòng hoàn toàn miền nam Việt Nam, ngày 01/5/1975 Phòng quản lý Đô thị và Nhà đất (tiền thân của Công ty hiện nay) được thành lập để đảm trách công việc vệ sinh môi trường và điện chiếu sáng trong thành phố. Ngày 28/12/1985, UBND TP Huế ban hành quyết định số 59/QĐ-UB thành lập Công ty Quản lý Công trình Đô thị Huế. Năm 1991, UBND thành phố Huế ban hành quyết định số 501/QĐ-UB ngày 05/8/1991 về việc thành lập Trung tâm Quản lý Vệ sinh Môi trường Đô thị Huế và ngày nay là Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Huế (Hepco)

Giai đoạn năm 1995-2025, TP Huế đã chú trọng khai thác các nguồn vốn, nguồn lực để đầu tư cho hệ thống CSCC. TP đã giao Hepco cùng các đơn vị, đối tác từng bước đầu tư, cải tạo lắp đặt hệ thống CSCC hiện đại, theo hướng đô thị thông minh, góp phần thay đổi diện mạo TP Huế, đưa Huế có đủ điều kiện phát triển thành đô thị trực thuộc Trung ương đầu năm 2025.
Giai đoạn mở rộng và đầu tư điện chiếu sáng (1995–2005)
TP đầu tư ngân sách và nguồn vốn ODA nâng cấp mạng lưới chiếu sáng, triển khai lắp đặt đèn natri cao áp 70–150w và thay thế đèn sợi đốt các tuyến đường trung tâm Thành phố. Chuẩn bị đầu tư, xây dựng và ứng dụng hệ thống điều khiển tập trung (giai đoạn thử nghiệm).
Giai đoạn Hiện đại hóa và chuyển đổi số (2005–2025):
Giai đoạn này, TP tập trung đầu tư, thay thế hệ thông đèn sợi đốt, cao áp thủy ngân, natri thấp áp bằng đèn LED tiết kiệm năng lượng. Xây dựng một Trung tâm điều khiển chiếu sáng cho toàn thành phố. Với trung tâm này, Ban quản lý có thể nắm được hồ sơ của từng bộ đèn và có thể điều chỉnh công suất củả đèn qua mạng truyền thông không dây GPRS/3G/4G, Mesh RF. Điều đó đã góp phần số hóa công tác quản lý hệ thống chiếu sáng, đưa công nghệ tiết kiệm điện năng nhờ tối ưu hóa công suất chiếu sáng. Trung tâm hiện nay đang kết nối 341 tủ chiếu sáng trên địa bàn TP.
Kết quả 50 năm xây dựng và phát triển
Trao đổi về thành tựu đạt được sau 50 năm xây dựng phát triển hoạt động CSCC TP Huế, Ông Trần Quốc Khánh TGĐ Cty Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Huế (Hepco) chia sẻ: Hệ thống CSCC của TP được đầu tư, mở rộng và phát triển không ngừng, Năm 1975 với 300 bộ đèn, đến năm 2025 lên trên 24.634 bộ đèn hiện nay, phủ kín 100% các tuyến đường chính và 98% khu dân cư.
Việc đưa công nghệ mới, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường đã giảm chi phí tiền điện và vận hành so với hệ thống chiếu sáng công nghệ đèn natri và cao áp trước kia, tiết kiệm hơn 4,5 tỷ đồng/năm và giảm phát thải CO₂ tương đương 12.000 tấn/năm.
Hoàn thiện Hệ thống CSCC Khu vực Trung tâm TP (TP Huế cũ)
Cùng với việc đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng đô thị, hệ thống CSCC đang đã được TP đầu tư đồng bộ.
1). Về Quy mô: Tại khu vực trung tâm TP Huế gồm quận Thuận Hóa và quận Phú Xuân (TP Huế cũ), hệ thống CSCC đã được xây dựng và giao cho Cty Hepco quản lý, vận hành gồm 478 km đường phố chính được chiếu sáng, tỷ lệ chiếu sáng 98%, 242 km ngõ hẻm được chiếu sáng, tỷ lệ chiếu sáng 65%. Tổng số lượng 24.634 bóng đèn các loại trong đó đèn LED18.864 (chiếm 68%,) và Bóng Sodium cao áp, Metal halide: 7.770 bóng, (chiếm 32%)
2). Về Công nghệ: TP đã tập trung đầu tư xây dựng, cải tạo thay thế hệ thống cũ, lạc hậu bằng công nghệ mới hiện đại, thân thiện môi trường
– Đèn, nguồn sáng: đèn LED tiết kiệm năng lượng, độ bền cao công nghệ tiên tiến đang được thay thế bóng sodium, hiện chiếm hơn 68% hệ thống CSCC tại Huế (là một trong đô thị có tỷ lệ LED hóa cao).
– Hệ thống điều khiển: Sử dụng bộ điều khiển hẹn giờ tự động và hệ thống quản lý thông minh (smart lighting), cho phép điều chỉnh độ sáng, màu sắc và thời gian hoạt động từ xa. Một số công trình lớn tích hợp công nghệ DMX (Digital Multiplex) để tạo hiệu ứng ánh sáng động, đặc biệt trong các sự kiện như Festival Huế, cầu Trường Tiền, cầu Nguyễn Hoàng, Kỳ Đài.
-Tín hiệu giao thông: Xây dựng một Trung tâm điều khiển Tín hiệu giao thông giám sát và kết nối hơn 58 cụm đèn tín hiệu giao thông.
3). Về Chiếu sáng nghệ thuật:
– Chiếu sáng kiến trúc: Các công trình di sản như cầu Trường Tiền, Kỳ Đài, Đại Nội, và lăng tẩm được trang bị hệ thống chiếu sáng nghệ thuật để làm nổi bật kiến trúc và thu hút du khách. Phục vụ các sự kiện văn hóa, du lịch như Festival Huế dùng ánh sáng để tạo không gian nghệ thuật, với các màn trình diễn ánh sáng tại cửa Hiển Nhơn hoặc sông Hương
– Chiếu sáng trang trí: Các tuyến đường ven sông Hương được trang trí, chiếu sáng bằng đèn LED đổi màu, tạo cảnh quan lung linh về đêm, hỗ trợ phát triển du lịch.
Những công trình chiếu sáng tiêu biểu.
Cầu Trường Tiền: Cầu được thắp sáng bằng đèn LED đổi màu, tạo hiệu ứng lung linh phản chiếu trên sông Hương. Các trụ cầu được chiếu sáng tập trung, làm nổi bật kiến trúc cổ điển. công trình có giá trị về mặt kiến trúc và lịch sử, góp phần chỉnh trang bộ mặt Thành phố về đêm. Kỳ Đài Huế: Hệ thống đèn LED tại đã tạo hiệu ứng ánh sáng động, với các màu sắc thay đổi từ vàng, xanh, đến tím, làm nổi bật lá cờ và kiến trúc lịch sử. tạo ra một bản sắc độc đáo. Đại Nội: được chiếu sáng bằng ánh sáng vàng ấm, làm nổi bật các chi tiết kiến trúc cung đình, tạo cảm giác trang nghiêm và huyền bí. Chiếu sáng phối hợp dọc sông Hương: Các tuyến đường ven sông được trang trí bằng đèn LED dây, tạo dải ánh sáng liên tục, kết hợp với ánh sáng từ thuyền rồng du lịch. tạo ra không gian công cộng hấp dẫn; Chiếu sáng cầu Nguyễn Hoàng mới khánh thành, lấy cảm hứng từ hình ảnh lọng vàng cung đình, cho thấy tiềm năng tích hợp các yếu tố văn hóa vào cơ sở hạ tầng chiếu sáng; Chiếu sáng các tuyến đường quanh kinh thành Huế (Đoàn Thị Điểm – Đặng Thái Thân – Lê Huân) Lắp cột và đèn kiểu cổ điển, tôn vinh di sản; sử dụng đèn LED tiết kiệm điện,…

Đánh giá về hoạt động CSCC của TP Huế, ông Khánh chia sẻ, CSCC TP Huế đã đạt được bước tiến lớn trong việc hiện đại hóa hệ thống chiếu sáng, đặc biệt với công nghệ LED và quản lý thông minh. Chiếu sáng không chỉ phục vụ giao thông mà còn là công cụ quảng bá văn hóa và du lịch, phù hợp với định hướng “thành phố di sản” và “thành phố xanh” các tuyến đường và khu vực trung tâm TP Huế cơ bản đã chuyển đổi thành công từ hệ thống chiếu sáng truyền thống sang công nghệ LED hiện đại, góp phần tiết kiệm năng lượng và nâng cao mỹ quan đô thị. Việc ứng dụng chiếu sáng nghệ thuật tại các di tích đã làm tăng giá trị văn hóa và thúc đẩy du lịch, đặc biệt trong các sự kiện như Festival Huế. Hệ thống quản lý thông minh giúp giảm chi phí vận hành và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng.


Các chuyên gia từ Lyon (Pháp) đánh giá cao nỗ lực của Huế trong việc kết hợp chiếu sáng nghệ thuật với bảo tồn di sản. Họ nhấn mạnh rằng hệ thống chiếu sáng tại Đại Nội và Kỳ Đài đã đạt tiêu chuẩn quốc tế về thẩm mỹ và tiết kiệm năng lượng.
Người dân Huế được thụ hưởng thành quả chiếu sáng của đô thị hiện đại, đánh giá tích cực về sự thay đổi diện mạo đô thị vào ban đêm, tạo điều kiện người dân phát triển kinh tế, đặc biệt tại các khu vực du lịch. Du khách quốc tế và nội địa nhận xét Huế về đêm “lung linh và thơ mộng”, đặc biệt nhờ các công trình được chiếu sáng như cầu Trường Tiền và Đại Nội.

Tuy nhiên hoạt động CSCC của TP Huế đang còn gặp nhiều hạn chế cần khắc phục, đó là thiếu đồng bộ trong quản lý giữa các khu vực đô thị và nông thôn, Hệ thống CSCC tại các khu vực ngoại ô và nông thôn vẫn chưa đồng bộ, một số nơi chưa có đèn CSCC, không đảm bảo an toàn giao thông; Chi phí vận hành và bảo trì hệ thống LED hiện đại khá cao, đòi hỏi nguồn ngân sách ổn định; Ngân sách đầu tư cho chiếu sáng nghệ thuật còn phụ thuộc vào tài trợ, chưa có nguồn lực ổn định từ ngân sách địa phương.

Hướng tới mục tiêu xây dựng TP Huế “Thành phố di sản” và “Thành phố thông minh”, để đảm bảo các tiêu chí chiếu sáng hiện đại của Đô thị lớn, khi Huế là Đô thị trung tâm Di sản của Việt Nam, công tác CSĐT cần được quan tâm, đầu tư đúng tầm, cần tăng cường quảng bá để thu hút thêm khách du lịch ban đêm, cần cải thiện đầu tư hệ thống CSCC các khu vực ngoại ô, ông Khánh nhấn mạnh.
Theo hoichieusangvietnam.org.vn