20 C
Hanoi
Thứ Hai, 12 Tháng 5, 2025

Chiếu sáng nhân tạo Thành phố Hồ Chí Minh, lộ trình và giải pháp

TÓM TẮT

Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) là đô thị lớn, đông dân nhất Việt Nam có 21 quận, huyện và 01 thành phố. TPHCM được xây dựng và phát triển qua nhiều thời kỳ – giai đoạn lịch sử khác nhau, nên hệ thống hạ tầng, đặc biệt hệ thống chiếu sáng công cộng (CSCC) thành phố còn chưa đồng bộ, chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa và nhu cầu ngày càng cao của người dân thành phố. Với mục tiêu đến năm 2025, TPHCM sẽ trở thành đô thị thông minh (ĐTTM), do vậy, việc xây dựng chương trình phát triển hệ thống chiếu sáng nhân tạo, chiếu sáng thông minh cho thành phố là một vấn đề cấp thiết hiện nay. 

Artificial lighting in Ho Chi Minh City: Roadmap and solutions

ABSTRAST

Ho Chi Minh City (HCMC) is the largest and most population urban area in Vietnam, consisting of 21 districts and townships, and 01 city. HCMC has been built and developed through various historical periods. This results in a lack of synchronisation and an inability of the urban infrastructure, particularly the public lighting system , to keep up with the rapid urbanisation rate and increasing demand of the city. The goal is for HCMC to become a smart city  by 2025, hence, building a program to develop an artificial lighting system and smart lighting for the city is a pressing issue at the present.

Đô thị thông minh, chiếu sáng thông minh, xu hướng thế giới

Thế giới đang chuyển sang cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mọi hoạt động được hình thành, phát triển trên nền tảng công nghệ số, các đô thị thông minh (ĐTTM) xuất hiện ngày càng nhiều. Hoạt động chiếu sáng thông minh (CSTM) của ĐTTM ngày nay phải đáp ứng nhiều tiêu chí: về công nghệ, nguồn sáng, về môi trường, an ninh, giao thông, kiến trúc, cảnh quan, về sức khỏe con người, thúc đẩy sự phát triển xã hội, hướng đến hạnh phúc cho người dùng,…

a) Về nguồn sáng: Cùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Đèn LED với công nghệ chiếu sáng tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, thân tiện môi trường, tuổi thọ, độ bền cao, giá cả ngày càng giảm, hiệu quả sử dụng cao, phạm vi ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của ĐTTM đang là nguồn sáng phổ biến liên tục phát triển, được nhiều thành phố trên thế giới quan tâm đầu tư phát triển. Vì vậy, công nghệ đèn LED là tiêu điểm cho những dự án nâng cấp trong một số các ứng dụng.

Biểu đồ phát triển của đèn chiếu sáng LED và chiếu sáng thông minh

b) Về công nghệ, tiêu chuẩn, giảm thiểu ô nhiễm ánh sáng:

Hệ thống CSTM có thể tương tác với người dùng thông qua một loạt các tín hiệu đầu vào, bao gồm tiếp xúc chạm, các thiết bị di dộng, camera, âm thanh và các cảm biến tiếp cận. Những tính năng này là phần tử cơ bản xây dựng ĐTTM thông qua việc tích hợp của các thiết bị thông minh vào các bóng đèn (IoT) và trí tuệ nhân tạo để mang đến cho mọi người dân sống trong đô thị đó có một cuộc sống tốt hơn, đáng sống hơn, an ninh hơn, an toàn hơn, … Trong các yếu tố cơ bản của ĐTTM tập trung ở các lĩnh vực thì chiếu sáng đường phố thông minh, chiếu sáng các tòa nhà thông minh được chú trọng, ưu tiên phát triển và được xếp vào một trong những yếu tố cơ bản của một ĐTTM.

Việc xây dựng CSTM trên thế giới đã và đang phát triển mạnh mẽ xu thế tất yếu của một ĐTTM. Ở đó, không những chiếu sáng đáp ứng được các yêu cầu định lượng, chất lượng, điều khiển được theo nhu cầu, mà còn được kết nối với các hệ thống thông minh khác nhằm đảm bảo một số yêu cầu đặt ra của không gian được chiếu sáng, đảm bảo cho đô thị sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và phát triển bền vững.

c) Về yếu tố tập trung vào con người và các hoạt động của con người:

Nhiều thành phố trên thế giới đã đầu tư hệ thống chiếu sáng đô thị (CSĐT) nhằm mục tiêu tập trung vào con người và các hoạt động của con người nhằm khuyến kích các hoạt động về đêm của người dân, thu hút khách du lịch, thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển, … Ở đó, Ánh sáng có thể được điều chỉnh theo từng đối tượng, theo không gian, theo thời gian, theo tuổi của người sử dụng. Màu sắc và cường độ chiếu sáng có thể được điều chỉnh phù hợp để kích thích sự tỉnh táo và điềm tỉnh. Chiếu sáng có thể được lập trình để điều chỉnh lượng ánh sáng phù hợp trong suốt quá trình chiếu sáng.

d) Hệ thống chiếu sáng đô thị thông minh (Smart Lighting):

Chiếu sáng đô thị thông minh là chiếu sáng một cách hiệu quả và tiết kiệm năng lượng. Chiếu sáng thông minh cho phép điều khiển linh hoạt cũng như thích ứng các điều kiện môi trường khác nhau dẫn tới tiết kiệm đáng kể chi phí năng lượng. Chiếu sáng thông minh còn là kết nối qua internet có thể điều khiển từ xa về thời gian và cường độ chiếu sáng.

Hệ thống chiếu sáng đô thị thông minh (Smart Lighting)

Hệ thống chiếu sáng đô thị thông minh gồm:

  • Hệ thống chiếu sáng: Tủ chiếu sáng có kết nối trung tâm, đèn chiếu sáng.
  • Giải pháp phân tích, hiển thị: Hiển thị, phân tích kết quả để giúp người điều hành đưa ra phương án xử lý hợp lý.
  • Trung tâm điều khiển: Quản lý và điều hành hệ thống chiếu sáng công cộng.

Xu hướng phát triển CSĐT, CSTTTM ở Việt Nam

a) Hệ thống CSĐT chung Việt Nam

Hệ thống CSĐT truyền thống ở Việt Nam cần thiết phải chuyển sang hệ thống CS ĐTTM là quá trình chuyển đổi tất yếu, phù hợp chung với xu thế của các thành phố lớn trên thế giới đang hướng tới.

Các hệ thống có thể được triển khai trên trụ đèn chiếu sáng: hệ thống camera (CCTV), các cảm biến quan trắc môi trường (nhiệt độ, khói bụi, độ ẩm,…), thiết bị thu phát wifi/4G công cộng, màn hình LED thông tin (thời tiết, xe bus, quảng cáo…) hoặc cũng có thể là trạm sạc thiết bị điện (như xe đạp điện…), tấm pin năng lượng mặt trời để cung cấp nguồn cho đèn chiếu sáng và các thiết bị khác được tích hợp trên trụ đèn chiếu sáng hoạt động.

Để xây dựng hoàn chỉnh hệ thống CSĐTTM cần thiết phải tiến hành đồng bộ các giải pháp thực hiện, trong đó có nhóm giải pháp về Trung tâm điều khiển giao thông thông minh, hệ thống camera, bảng quang báo, hệ thống chiếu sáng công cộng quản lý tập trung (Nhóm giải pháp về giao thông), Xây dựng hệ thống quản lý đèn CSCC thông minh (Nhóm giải pháp về chỉnh trang đô thị).

Nghiên cứu phát triển hệ thống chiếu sáng thân thiện với môi trường chống ô nhiễm ánh sáng. Các dạng ánh sáng và nhiệt độ của chiếu sáng phù hợp với sức khỏe của con người và môi trường, đồng thời giảm năng năng lượng sử dụng của ngành chiếu sáng.

b) Hiện trạng và mục tiêu phát triển hệ thống CSĐT tại TP.HCM

Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố trực thuộc Trung ương được xếp loại đô thị loại đặc biệt của Việt Nam. Nhu cầu về chiếu sáng đô thị của TPHCM là rất lớn và đa dạng với tổng số bộ đèn chiếu sáng lên đến 150.000 bộ đèn chiếu sáng công cộng (chưa kể đến gần 200.000 bộ đèn chiếu sáng dân lập). Hệ thống chiếu sáng đô thị không chỉ cung cấp đủ ánh sáng cho người dân mà còn phải đáp ứng được các yêu cầu khác như: tiết kiệm năng lượng; chi phí vận hành thấp; quản lý, giám sát từ xa; có thể tăng giảm độ sáng theo yêu cầu.  Để đáp ứng các tiêu chí của một đô thị  đặc biệt, là đầu cầu kinh tế của cả nước, ngày 11 tháng 10 năm 2010 Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1874/QĐ-TTg về việc phê duyệt định hướng phát triển chiếu sáng đô thị Việt Nam đến năm 2025, theo đó, TPHCM phải hoàn thành các mục tiêu và chỉ tiêu về chiếu sáng công cộng (CSCC) đô thị như sau: Hoàn thành quy hoạch chiếu sáng đô thị; Hệ thống CSCC của các đô thị được quản lý và điều khiển bằng trung tâm điều khiển CSCC; Chiếu sáng các loại đường phố đạt tỷ lệ 100% chiều dài đường; Tiếp tục nâng cao chất lượng chiếu sáng đô thị đảm bảo 100% các công trình giao thông, không gian công cộng và quảng cáo tại các đô thị (bao gồm: xây mới, cải tạo, nâng cấp) sử dụng các sản phẩm chiếu sáng hiệu suất cao, tiết kiệm điện (trong đó phấn đấu từ 30% đến 50% các công trình sử dụng đèn năng lượng mặt trời đạt tiêu chuẩn); Hệ thống CSCC của các đô thị được quản lý và điều khiển bằng trung tâm điều khiển CSCC; Hoàn thành việc hạ ngầm ở các tuyến trục chính đường dây cấp điện chiếu sáng tại các đô thị.

Trên cơ sở Quyết định của Thủ tướng, Ủy ban nhân dân thành phố (UBND) TPHCM đã ban hành Quyết đinh số 6179/QĐ-UBND ngày 23 tháng 11 năm 2017 phê duyệt Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Theo đó,  năm 2025 thành phố hoàn thành các mục tiêu và chỉ tiêu về chiếu sáng đô thị như sau:  Ứng dụng thông tin địa lý GIS phục vụ công tác quản lý và khai thác hệ thống CSCC (Nhóm giải pháp về giao thông); Xây dựng hệ thống quản lý đèn CSCC thông minh: Hệ thống đèn CSCC toàn thành phố được điều khiển tập trung, có khả năng tự động vận hành theo các quy tắc lập trình trước nhằm mục tiêu tiết kiệm năng lượng trong khi vẫn đảm bảo khả năng chiếu sáng và tính thẩm mỹ. Hệ thống cột đèn CSCC có thể tích hợp thêm các loại cảm biến, camera giám sát để phục vụ mục đích an ninh, an toàn, giám sát môi trường, tương tác với người dân.

  • Các loại hình và mô hình quản lý hệ thống CSĐT TPHCM 

Hiện nay trên địa bàn TPHCM có thể chia hệ thống CSĐT thành 5 loại hình chính. Cụ thể như sau: Chiếu sáng các công trình giao thông đô thị; Chiếu sáng không gian công cộng trong đô thị; Chiếu sáng mặt ngoài các công trình trong đô thị; Chiếu sáng khuôn viên công trình  do các tổ chức, cá nhân sở hữu, quản lý và sử dụng; Chiếu sáng quảng cáo, trang trí và chiếu sáng khu vực phục vụ lễ hội.

Mô hình quản lý chiếu sáng đô thị thành phố Hồ Chí Minh hiện nay
  • Chỉ tiêu thực hiện giai đoạn 2020-2025

Hàng năm chuyển đổi từ 15-20% đèn chiếu sáng hiện hữu thành đèn CSTM; Chuyển đổi khoảng 20% đèn chiếu sáng ngõ hẻm sang đèn chiếu sáng giao thông theo chuẩn chung của thành phố, đảm bảo đến năm 2025 các đèn ngõ hẻm đạt chuẩn theo chuẩn chiếu sáng chung của toàn thành phố.

Thực hiện hạ ngầm 100% hạ ngầm đường dây cấp điện và thay thế đèn LED tại Khu Trung tâm TPHCM; Xây dựng Trung tâm quản lý và điều hành hệ thống CSĐT để thực hiện việc quản lý và điều hành hệ thống chiếu sáng tại Khu Trung tâm TPHCM; Thực hiện chiếu sáng mỹ thuật các công trình bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn TPHCM, bao gồm: Hội trường Thống Nhất, Nhà thờ Đức Bà, Chùa Giác Lâm, Chợ Bến Thành, Chợ Bình Tây, Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Lăng Ông Bà Chiểu, Cột cờ Thủ Ngữ. Thực hiện chiếu sáng trang trí cho một số trục đường quan trọng kết nối từ Sân bay Tân Sơn Nhất – Trường Sơn – Trần Quốc Hoàn – Hoàng Văn Thụ – Nguyễn Văn Trỗi – Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Hội trường Thống Nhất – Lê Thánh Tôn – Nguyễn Huệ – Tôn Đức Thắng – Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Văn Linh – Khu đô thị Phú Mỹ Hưng – Huỳnh Tất Phát – Rừng Sác hướng ra Biển Đông.

Xây dựng chính sách xã hội hóa nhằm huy động, khai thác tối ưu mọi nguồn lực xã hội để tham gia đầu tư phát triển hệ thống CSĐT trên địa bàn TPHCM.

  • Chỉ tiêu thực hiện giai đoạn 2025-2030

Thực hiện 100% hạ ngầm đường dây cấp điện và thay thế đèn LED tại các khu vực còn lại của TPHCM.

Mở rộng Trung tâm quản lý và điều hành hệ thống CSĐT để thực hiện việc quản lý và điều hành hệ thống chiếu sáng tại khu vực còn lại trên địa bàn TPHCM.

Thực hiện chiếu sáng mỹ thuật các công trình bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa còn lại trên địa bàn TPHCM; Thực hiện chiếu sáng trang trí cho một số trục đường quan trọng còn lại trên địa bàn TPHCM.

Các nhóm giải pháp phát triển hệ thống CSĐT TPHCM

a) Các nhóm giải pháp CSĐT cơ bản

  • Nhóm giải pháp về hoàn thiện cơ chế chính sách.

Xây dựng Quy định về quản lý CSĐT trên địa bàn TPHCM: tham mưu quy định về Quản lý CSĐT trên địa bàn TPHCM trình UBND thành phố ban hành dưới dạng văn bản quy phạm pháp luật quy định, để quy định đối với công tác quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng cũng như đầu tư xây dựng mới.

Xây dựng chính sách về xã hội hóa kêu gọi đầu tư phát triển hệ thống CSĐT : tạo ra nhiều không gian khác nhau phù hợp chức năng của từng khu vực, như khu vực trung tâm về chính trị, khu vực trung tâm về kinh tế, khu vực trung tâm về văn hóa nghệ thuật, … Khu vực trung tâm thành phố, Khu đô thị phía Bắc, Đông, Nam, Tây.

  • Nhóm giải pháp về định hướng, quy hoạch hệ thống chiếu sáng: Đánh giá hiện trạng, dự báo nhu cầu. Đưa nhiệm vụ cụ thể và xây dựng quy hoạch CSĐT theo hướng tạo ra nhiều không gian khác nhau.
  • Nhóm giải pháp phát triển hệ thống CSĐT

Hạ ngầm đường dây cấp điện và thay thế đèn LED khi đầu tư xây dựng mới;

Chiếu sáng mỹ thuật kiến trúc các công trình bảo tồn như:  Hội trường Thống Nhất, Nhà thờ Đức Bà, Chợ Bến Thành, Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Nhà hát Giao hưởng – Nhạc, Vũ kịch và thực hiện chiếu sáng trang trí cho một số trục đường quan trọng kết nối từ Sân bay Tân Sơn Nhất – Trường Sơn – Trần Quốc Hoàn – Hoàng Văn Thụ – Nguyễn Văn Trỗi – Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Hội trường Thống Nhất – Lê Thánh Tôn – Nguyễn Huệ – Tôn Đức Thắng – Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Văn Linh – Khu đô thị Phú Mỹ Hưng – Huỳnh Tất Phát – Rừng Sác kết nối ra Biển Đông.

  • Nhóm giải pháp nâng cao năng lực về quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng: Xây dựng phần mềm và ban hành giao thức về điều khiển hệ thống CSĐT; Xây dựng Trung tâm Quản lý và Điều hành hệ thống CSĐT.
  • Nhóm giải pháp đào tạo, phát triển nguồn lực:  Đào tạo đội ngũ mới; Đào tạo đội ngũ hiện có.
  • Nhóm giải pháp về nghiên cứu, hợp tác phát triển.  Trong nước: Sở Khoa học và Công nghệ, ĐH Bách khoa. Nước ngoài: Phối hợp Sở Ngoại vụ làm việc với Thành phố Lyon để hỗ trợ việc góp ý quy hoạch CSĐT thành phố và tư vấn thiết kế mỹ thuật đối với những công trình bảo tồn của Thành phố, cũng như chiếu sáng trang trí cho trục đường quan trọng.

b) Giải pháp CSĐTTM Street light do Sapulico đề nghị

  • Hệ thống hiện có (Luxicom):

Hệ thống Luxicom khi lắp đặt năm 2009 là trung tâm điều khiển chiếu sáng công cộng hiện đại được ứng dụng đầu tiên ở Việt Nam và là một trong những trung tâm điều khiển chiếu sáng công cộng hiện đại nhất trong khu vực. Trung tâm điều khiển hệ thống chiếu sáng công cộng ứng dụng công nghệ điều khiển Luxicom để quản lý, điều khiển, tiết giảm và giám sát 12.000 bộ đèn trên tổng số hơn 111.000 bộ đèn chiếu sáng công cộng chính quy hiện có trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh hiện vào thời điểm đó.

Sơ đồ nguyên lý hoạt động của Trung tâm điều khiển hệ thống CSCC ứng dụng công nghệ điều khiển Luxicom:

Sơ đồ nguyên lý hoạt động của Trung tâm điều khiển hệ thống CSCC ứng dụng công nghệ điều khiển Luxicom

Nguyên lý hoạt động:

– Hoạt động của trung tâm điều khiển: Các máy chủ được cài đặt phần mềm chuyên ngành để lưu trữ và quản lý cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động của toàn bộ hệ thống. Các máy trạm hoặc máy tính xách tay được cài đặt phần mềm quản lý chuyên ngành, được kết nối internet (bởi các nhà cung cấp dịch vụ như VNPT, Viettel, SPT, FPT,…) truy cập vào máy chủ để lấy cơ sở dữ liệu và kết nối với thiết bị truyền dữ liệu ITD đặt ngoài hiện trường thông qua mạng ADSL, làm cầu nối liên lạc từ trung tâm điều khiển đến từng tủ điều khiển chiếu sáng và bộ đèn ngoài hiện trường.

– Hoạt động của hệ thống CSCC ngoài hiện trường: Tại mỗi bộ đèn sẽ được lắp đặt thêm một bộ điều khiển tại bộ đèn UDC. Bộ điều khiển này có chức năng nhận lệnh từ trung tâm điều khiển hoặc các  bộ điều khiển lắp đặt tại tủ điều khiển chiếu sáng để điều khiển tắt/mở/tiết giảm bộ đèn. Việc tiết giảm có thể đạt đến 15 mức công suất. Bộ điều khiển tại bộ đèn UDC, bộ điều khiển lắp đặt tại tủ điều khiển chiếu sáng UCL và thiết bị truyền dữ liệu ITD sẽ được kết nối với nhau bằng phương thức truyền thông Power Line Comunication (PLC) trên đường dây điện sẵn có của hệ thống chiếu sáng công cộng. Bên cạnh chức năng điều khiển, các thiết bị này cũng hoạt động như một bộ lập truyền thông trên hệ thống.

Tuy nhiên, qua thời gian dài hoạt động, hệ thống cũng gặp không ít tồn tại.

Mô hình CSĐTTM Street light:

Giải pháp Street light do Công ty Cổ phần CSCC TP HCM  đề nghị
  • Chi tiết hệ thống gồm:

– Hệ thống máy chủ: có các chức năng quản lý người dùng; quản lý thông tin trạng thái và điều khiển hoạt động các tủ điều khiển thông minh và các bộ điều khiển đèn LED; giám sát hệ thống và đưa ra cảnh báo thời gian thực; báo cáo tổng hợptình hình hoạt động hệ thống cũng như các thao tác của người dùng, …

– Tủ điều khiển thông minh: là trung gian giao tiếp giữa hệ thống máy chủ và bộ điều khiển đèn LED. Tủ điều khiển thông minh kết nối với hệ thống máy chủ qua sóng 3G và kết nối với các bộ điều khiển đèn LED qua sóng RF. Tủ điều khiển thông minh sẽ nhận lệnh từ hệ thống máy chủ rồi phát lại cho các bộ điều khiển đèn LED, đồng thời sẽ nhận các thông tin trạng thái như U, I, cosΨ từ bộ điều khiển đèn LED rồi gửi tới hệ thống máy chủ. Tủ điều khiển thông minh cũng có thể đóng, ngắt từng pha đèn do tủ quản lý. Ngoài ra tủ điều khiển thông minh còn có chức năng theo dõi thông số hoạt động từng pha, ghi nhận chỉ số điện năng đã tiêu thụ.

– Bộ điều khiển đèn LED: giao tiếp với nhau và với tủ điều khiển thông minh qua sóng RF. Bộ điều khiển đèn LED thi hành các lệnh được nhận từ tủ điều khiển thông minh và gửi lại thông tin trạng thái hoạt động.

– Ứng dụng người dùng trên nền web:có chức năng quản lý, vận hành hệ thống.

  • Một số tính năng cơ bản

Giám sát theo dõi tình trạng hệ thống: người dùng có thể theo dõi trạng thái hoạt động các tủ điều khiển thông minh, các bộ đèn LED trên bản đồ số theo thời gian thực

Giao diện hoạt động

Biểu đồ thông số vận hành của một tủ:

Biểu đồ thông số vận hành của một tủ

 

  • Điều khiển hệ thống CSCC trên bản đồ số: người dùng có thể ra lệnh tắt, mở tiết giảm từng pha, từng vùng, từng bộ đèn theo kịch bản cho trước hoặc theo yêu cầu tức thời.
Giao diện điều khiển hệ thống CSCC trên bản đồ số 
  • Cảnh báo các sự kiện, sự cố của hệ thống theo thời gian thực:
Giao diện cảnh báo các sự kiện, sự cố của hệ thống theo thời gian thực 
  • Thống kê, báo cáo tổng hợp tình hình hoạt động hệ thống như lượng điện năng tiêu thụ, các sự cố đã xảy ra, …
Giao diện thống kê, báo cáo tổng hợp tình hình hoạt động hệ thống 
  • Báo cáo điện năng tiêu thụ của một tủ:
Giao diện báo cáo điện năng tiêu thụ của một tủ 

Ưu điểm của Giải pháp chiếu sáng thông minh Street light:

– Có tính năng tương đương các giải pháp khác nhưng giá thành rẻ hơn nhiều.

– Có các tính năng tùy biến cho tình hình thực tế thành phố Hồ Chí Minh.

– Các thiết bị được nghiên cứu, chế tạo riêng, phù hợp với điều kiện khí hậu, môi trường của TPHCM.

– Có thể nhanh chóng triển khai, chỉnh sửa các tính năng mới

– Hệ thống máy chủ đặt trong nước nên việc vận hành, bảo trì, nâng cấp, … được thực hiện dễ dàng. Ngoài ra có thể chủ động hơn về an ninh, bảo mật.

– Tận dụng triệt để hệ thống hạ tầng sẵn có.

– Có khả năng ghi nhận điện năng tiêu thụ, tình trạng bộ đèn làm giảm chi phí quản lý vận hành hệ thống.

– Đưa ra các báo cáo tổng hợp theo yêu cầu của người dùng.

– Chủ động hơn trong việc cung cấp, bảo hành, bảo trì thiết bị do không phụ thuộc đối tác nước ngoài.

Đề xuất, kết luận

Tổ chức thực hiện các công việc theo chức năng, nhiệm vụ như sau:

Với Ủy ban nhân dân Thành phố HCM:  Phê duyệt chương trình và chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Với Sở Xây dựng TPHCM: Chủ trì thực hiện và phối hợp và Giám sát việc thực hiện.

Với Ủy ban nhân dân các quận – huyện: Tổ chức kiểm soát chặt chẽ trong phê duyệt quy hoạch các khu dân cư; Thông tin kịp thời với Sở Xây dựng.

Với Sở Quy hoạch – Kiến trúc: Lập các quy hoạch hệ thống chiếu sáng đô thị;  Lồng ghép các quy hoạch hệ thống CSĐT trên địa bàn thành phố.

Với Sở Tư pháp:  phối hợp về mặt pháp quy.

Với Sở Kế hoạch và Đầu tư: tham mưu tạo điều kiện, hỗ trợ về mặt cơ chế, chính sách.

Với Sở Tài chính: nguồn vốn thực hiện.

Với Sở Thông tin và Truyền thông: hướng dẫn kỹ thuật để tích hợp dữ liệu.

Với Sở Công thương: tham gia đóng góp quy định về xây dựng hệ thống chiếu sáng ngõ hẻm.

Chương trình phát triển hệ thống CSĐT TPHCM giai đoạn 2020 – 2030 đã nêu lên được sự cần thiết phải ban hành chương trình, là cơ sở để triển khai xây dựng, xác định chỉ tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện, nhằm tạo sự đột phá, để phát triển hệ thống CSĐT thành phố đến năm 2030.

Chương trình là một trong những giải pháp trọng tâm của Thành phố trong 10 năm tới, là cơ sở để Thành phố chỉ đạo các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong công tác phát triển hệ thống CSĐT thành phố theo quy định pháp luật hiện hành; thu hút các nguồn lực xã hội tham gia vào việc đầu tư, duy trì và phát triển hệ thống CSĐT một cách có chiến lược, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân.

——————————–

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • Quản lý chiếu sáng đô thị Việt Nam cơ hội, khó khăn, thách thức và giải pháp – TS. Nguyễn Hồng Tiến – Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Chiếu sáng Việt Nam.
  • Quy hoạch chiếu sáng cho thành phố Hồ Chí Minh – Tại sao không? – ThS.KTS. Ngô Anh Vũ – Phó Giám đốc Viện Quy hoạch Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Quyết định số 6179/QĐ-UBND của UBND TP.HCM về phê duyệt đề án xây dựng thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025
  • Quyết định số 2246/QĐ-UBND ngày 22/6/2021 của UBND TP.HCM về việc ban hành kế hoạch thực hiện chương trình phát triển hệ thống chiếu sáng đô thị Thành Phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2021 – 2025
  • Thực trạng công tác quản lý hệ thống chiếu sáng đô thị và chiếu sáng mỹ thuật trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh – tác giả Ths Huỳnh Trí Dũng, TGĐ Công ty Cổ phần Chiếu sáng công cộng Thành phố Hồ Chí Minh.

Tác giả: Huỳnh Trí Dũng, Dương Chí Nam, Trần Anh Dũng, Trần Thanh Hiếu, Cẩn Ngọc Minh: Cty cổ phần Chiếu sáng công cộng Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo TC AS&CS số in tháng 03/2023

Bài viết liên quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM NHIỀU NHẤT