29 C
Hanoi
Thứ Hai, 12 Tháng 5, 2025

Cấp bách chế biến nâng cao giá trị thủy sản

Năm mới này đã cấp bách đòi hỏi công nghiệp chế biến thủy sản nâng cao giá trị sản phẩm, vượt qua hạn chế trong xuất khẩu thời gian qua “thường thấp hơn giá thị trường thế giới cùng loại 10-15%” như đánh giá của Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản, để phát triển tương xứng tiềm năng.

Nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra đầu tư nuôi nên chủ động nguyên liệu được 70%

Giá giảm do manh mún, lạc hậu

Nhìn lại chục năm qua, ngành thủy sản hội nhập sớm và sâu rộng thị trường quốc tế. Xuất khẩu năm 2010 chỉ trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ đến nay đã gần 180, giá trị từ 5 tỷ USD, đến năm 2019 gần 8,6 tỷ USD và năm 2020 đại dịch COVID19 nhưng cũng giữ được vị trí thứ 3 về xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, sau Trung Quốc và Na Uy.             “Dù cả sản lượng và kim ngạch xuất khẩu tăng liên tục trong thời gian qua, nhưng xu hướng biến động của giá xuất khẩu bình quân lại theo hướng ngược lại là giảm dần”, báo cáo của Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản.

Một số nguyên nhân chính là chất lượng nguyên liệu, sản phẩm thủy sản chế biến còn thấp, tính cạnh tranh kém, luôn tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Thống kê của các doanh nghiệp chế biến tại ĐBSCL, mới 14,6% chủ động được nguyên liệu. Phần lớn nguyên liệu do thương lái cung cấp với 67,5% sản lượng, còn lại là các hộ và trang trại liên kết. Khá nhất là cá tra mới khoảng 70% doanh nghiệp chủ động được nguyên liệu, tiếp theo là tôm được 15 – 20%, các mặt hàng khác dưới 10%. Kém nhất là chế biến hải sản, hầu hết do các vựa và nhập khẩu, rất ít doanh nghiệp chế biến có đầu tư đội tàu khai thác. Tỷ lệ tổn thất trong khai thác hải sản lại cao, khoảng 20%.

Nuôi tôm hùm quanh đảo Bình Ba (Khánh Hòa) chủ yếu cung cấp xuất khẩu tươi sống

Tổng số cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu cả nước hiện nay là 784, gồm 644 cơ sở chế biến thủy sản đông lạnh; còn lại chế biến đồ hộp, hàng khô, nước mắm và mắm các loại, dịch vụ kho lạnh. Trong 644 cơ sở chế biến đông lạnh xuất khẩu, hơn 300 cơ sở chế biến tôm, gần 200 cơ sở chế biến hải sản, khoảng 130 cơ sở chế biến cá tra. Bên cạnh là 3.280 cơ sở/hộ gia đình chế biến thủy sản tiêu thụ nội địa. Tổng công suất chế biến theo thiết kế một năm khoảng 3 triệu tấn sản phẩm, thực tế hoạt động 70% công suất.

Đánh giá của Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản: Chế biến xuất khẩu, công nghệ phần lớn cũ và lạc hậu, hệ số đổi mới thiết bị trung bình mỗi năm 7%, chỉ bằng 1/2-1/3 các nước khác. Cơ sở chế biến thủy sản tiêu thụ nội địa hơn 90% thuộc loại nhỏ và siêu nhỏ.

Sản xuất cơ bản là manh mún, nhỏ lẻ; thiếu hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cả chiều ngang lẫn chiều dọc. Sản phẩm chế biến còn đơn điệu, cá tra file đông lạnh vẫn chiếm 90%, tôm giá trị gia tăng cũng chỉ đạt 30-40%. Kết quả là năng suất thấp, chất lượng sản phẩm chưa cao, hạn chế khả năng cạnh tranh dẫn đến giá xuất khẩu liên tục đi xuống.

Cơ hội và mục tiêu đi tới

Dự báo của FAO, từ nay đến năm 2030, nhu cầu thuỷ sản và các sản phẩm thuỷ sản trên thế giới dùng làm thực phẩm tăng liên tục với tốc độ bình quân hàng năm 2,1%. Trong tổng lượng tăng, có 46% do tăng dân số, còn lại do kinh tế phát triển và nhân tố khác. Thị hiếu tiêu thụ chuyển sang thuỷ sản tươi sống, có giá trị cao, tiện dụng và đặc biệt an toàn thực phẩm không ngừng tăng lên. Thủy sản nước ta còn có cơ hội từ các hiệp định thương mại thế hệ mới FTAs (CPTPP, EVFTA).

Đặc sản tôm nuôi nước lợ chế biến khô

Từ đó, Đề án Phát triển ngành chế biến thủy hải sản của Tổng cục Thủy sản đặt mục tiêu đến năm 2030: Số cơ sở chế biến thủy sản đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất trung bình tiên tiến trở lên; có quy mô lớn, hiện đại ngang tầm khu vực châu Á và thế giới đạt trên 60%. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm về giá trị gia tăng trên 10%, năng suất lao động chế biến thủy sản 7%. Tỷ trọng giá trị sản phẩm thủy sản xuất khẩu thông qua chế biến giá trị gia tăng trên 45%. Kim ngạch xuất khẩu 18 – 20 tỷ USD, chế biến tiêu thụ nội địa 31.500 tỷ đồng.

Giải pháp hàng đầu là “Đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa”. Nguyên liệu có 3 nguồn: từ nuôi trồng chú trọng cả nuôi biển công nghiệp; từ khai thác, phát triển khai thác vùng khơi, chống đánh bắt bất hợp pháp, giảm tổn thất sau thu hoạch; từ nhập khẩu, thu hút nguồn nguyên liệu trên toàn thế giới với sản lượng và chất lượng ổn, tận dụng cơ hội chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển.

Giải pháp thứ hai là “Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động chế biến”. Chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến hình thành và phát triển các tập đoàn, công ty quy mô hớn, đa quốc gia để dẫn dắt chuỗi giá trị sản xuất, chế biến, tiêu thụ; tăng sức cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế. Tập trung phục vụ những mặt hàng chủ lực: tôm nước lợ, cá tra, các đối tượng hải sản, sản phẩm nuôi biển, rong tảo biển.

Không quên “Phát triển và hoàn thiện các sản phẩm thủy sản chế biến phục vụ tiêu thụ nội địa”. Hình thành các vùng, khu chế biến tập trung gắn với đầu tư công nghệ, thiết bị chế biến đồng bộ nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội.

Nguồn vốn chủ yếu xã hội hóa: của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Vốn ngân sách tập trung hỗ trợ xây dựng các dự án, đề án, tư vấn kỹ thuật và cơ sở hạ tầng.

Đề án Phát triển ngành chế biến thủy hải sản của Tổng cục Thủy sản đặt ra nhiệm vụ “Đào tạo đội ngũ quản lý sản xuất, công nhân kỹ thuật trình độ cao để đáp ứng yêu cầu vận hành các dây chuyền thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến và hội nhập quốc tế. Tăng tỷ lệ chi phí cho đào tạo, huấn luyện lực lượng lao động; đầu tư nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo ra các quy trình sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh liên kết với nguồn cung cấp nguyên liệu, đảm bảo quy tắc xuất xứ cho sản phẩm”.

Nhiệm vụ trên nhằm khắc phục thực trạng yếu kém như Báo cáo của Tổng cục Thống kê chỉ ra, năng suất lao động của ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2012-2019 chỉ bằng 1/2 năng suất lao động trung bình của nền kinh tế. Trong chế biến thủy sản, nhiều công đoạn quan trọng chưa áp dụng máy móc thiết bị nên tốn rất nhiều nhân công như philê cá, bóc đầu, lột vỏ tôm, phân cỡ, phân loại nguyên liệu, bao gói thành phẩm dẫn đến năng suất lao động thấp.

                                                                                                          THANH HẢI     

 

 

         

Bài viết liên quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM NHIỀU NHẤT