Doanh nghiệp khai thác một phần công viên Lưu Hữu Phước nhằm tạo thêm nguồn thu cho ngân sách, tăng nguồn kinh phí để chi thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng, chăm sóc cây xanh, công viên và các tuyến đường giao thông. Người dân ở Khu dân cư 91B bày tỏ nguyện vọng được tự quản các công viên quanh 9 khối chung cư để góp phần xây dựng thành phố xanh-sạch-đẹp.

Công viên Lưu Hữu Phước
Ngày 15-8, ông Nguyễn Thái Bảo – Phó chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ – cho biết theo chỉ đạo của TP, quận đang lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan để hoàn chỉnh đề án xã hội hóa khai thác một phần diện tích công viên Lưu Hữu Phước.
Trước đó, quận Ninh Kiều có đề án cho tư nhân khai thác một phần diện tích công viên Lưu Hữu Phước nhằm tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tăng nguồn kinh phí để chi thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng, chăm sóc cây xanh, công viên và các tuyến đường giao thông.

Việc này cũng sẽ tạo cơ sở vật chất tốt hơn để phục vụ người dân và du khách khi tham quan, sử dụng dịch vụ, xây dựng mô hình thí điểm công tác xã hội hóa trong lĩnh vực khai thác công viên trên địa bàn quận Ninh Kiều nói riêng và TP Cần Thơ nói chung.
Theo đề án, công viên Lưu Hữu Phước có diện tích hơn 1,6ha đã được đầu tư hạ tầng cơ bản đồng bộ, vẫn đang trong quá trình vận hành tốt. Tuy nhiên, qua thời gian khai thác sử dụng, một vài vị trí, hạng mục dần xuống cấp, hư hỏng.
Công viên được xây dựng theo phương án không gian mở, nhưng chủ yếu phục vụ việc nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí, luyện tập thể dục – thể thao cho người dân, chưa được đầu tư, khai thác các dịch vụ có thu phí.
Quảng trường của công viên có khả năng khai thác kinh doanh từ các hoạt động tổ chức sự kiện ở quy mô nhỏ, đơn lẻ. Nhà dừng chân kết hợp với nhà vệ sinh có thể khai thác, kinh doanh dịch vụ cà phê sách hoặc tổ chức hoạt động xã hội, văn hóa, văn nghệ.

Nguồn vốn thực hiện 100% xã hội hóa. Thời gian thí điểm khai thác thực tế công viên Lưu Hữu Phước là 2 năm kể từ lúc lựa chọn được đơn vị triển khai.
Kinh phí quản lý và duy tu, chăm sóc cây xanh cho công viên Lưu Hữu Phước mỗi năm được Nhà nước chi hơn 2,7 tỉ đồng.
Khu dân cư 91B
Đây là khu dân cư hình thành từ vùng đất ruộng ở phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Theo quyết định phê duyệt thiết kế quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 ngày 27-10-2000 của UBND Cần Thơ, khu dân cư rộng hơn 34ha, bên cạnh các dãy nhà liền kề có hơn 2,6ha cho nhà ở chung cư với một nửa xây nhà, còn một nửa là sân và công viên cây xanh.
Hiện nay trong Khu dân cư 91B có 9 khối nhà chung cư cao 4-5 tầng với gần 400 hộ gia đình sinh sống. Các khối nhà chung cư mới xây dựng giữa không gian thoáng đãng tuy nhiên đang gây bức xúc cho người dân bởi sự xuống cấp của công trình xây dựng và nhất là, sân cùng công viên cây xanh không được quản lý, bảo dưỡng đang trở thành nơi chứa đầy rác và cỏ dại.
Nhà báo Vũ Thống Nhất ở căn hộ số 104, tòa nhà A2 nói: “Khắp nơi ngập rác và cỏ dại. Chúng tôi đã có ý kiến với Sở Xây dựng và chính quyền địa phương nhiều lần nhưng chưa được quan tâm, đó là tổ chức cho người dân tự quản với nội quy rõ ràng, trách nhiệm cụ thể. Trong tự quản, có thể tạo điều kiện cho người dân khai thác công viên hoạt động dịch vụ thể dục thể thao, vui chơi giải trí, kinh doanh ăn uống để có nguồn thu cho các khoản chi làm vệ sinh, chăm sóc cây xanh. Lại nói thêm về chuyện vệ sinh, một tòa nhà có hai hố lớn được làm ống cho người ở các tầng trên thả rác xuống. Mỗi lần thả rác là tiếng động ầm ầm như tiếng nổ, mỗi lần xe rác đến dỡ hầm lên là cả tòa nhà ngạt thở vì mùi hôi thối nồng nặc. Hàng chục năm rồi và chưa biết còn kéo dài đến bao giờ?”.
Gia đình ông Nhang Thành Thái ở nhà số 62, đường B23 đối diện với khối nhà B4 cũng lắc đầu vì quanh các chung cư “cỏ rác ngập trời, ruồi muỗi quá nhiều”. Ông kể, gia đình ông về đây sống từ cuối năm 2006 khi khu dân cư mới hình thành, thời gian đầu có nhiều hy vọng về một khu dân cư kiểu mẫu xanh-sạch-đẹp của TP Cần Thơ nhưng càng ngày càng thất vọng. Hiện nay, nhà ông mở quán cà phế Tuyết Hoa nên hàng ngày khoảng 4 giờ sáng ông phải dậy quét một đoạn đường và một góc công viên của khối nhà B4, thì khách mới dám ghé. “Nếu công viên cho dân chúng tôi tự quản, chăm sóc cây xanh, làm vệ sinh và khai thác dịch vụ thì chắc chắn sẽ sạch đẹp, văn minh”, ông Thái bày tỏ.
Kế bên nhà ông Thái là nhà ông Vũ Xuân Đại, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường An Khánh. Ông Đại chia sẻ nỗi bức xúc của người dân về tình trạng mất vệ sinh ở khu vực các khối nhà chung cư và nhấn mạnh thêm: “Tình trạng mất vệ sinh kéo dài quá rồi nên kiến nghị các cấp thẩm quyền có giải pháp khắc phục. Trong lúc chưa có giải pháp căn cơ lâu dài thì trước mắt cần cho người dân tự quản, để mọi người dân cùng góp phần xây dựng khu đô thị văn minh xứng tầm thành phố trung tâm ĐBSCL”.
Theo TTO