Trước những thành tựu đạt được nhưng không tránh khỏi phát sinh một số bật cập của giai đoạn I (2010-2015) và năm 2016 thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới; trước tác động sụt giảm giá tiêu thụ các mặt hàng nông sản chủ lực (Lợn, tôm, cá ba sa… – năm 2016); hứng chịu những biến động khôn lường của thiên tai, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của ngành,… tuy phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trước “ngưỡng cửa” 2017. Song, đây là một năm vẻ vang với những thành tựu đạt được: Tính đến tháng 12/2017, cả nước có khoảng 3.069 xã (34,37%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, có 492 xã được công nhận đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 (vượt mục tiêu năm 2017 có ít nhất 31% số xã đạt chuẩn); Các địa phương đã quan tâm hơn đến các nội dung trọng tâm của Chương trình, nâng cao chất lượng các tiêu chí, đi vào chiều sâu…
* Để có góc nhìn tổng quan hơn về Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới với vai trò đặc biệt quan trọng: góp phần tích cực trong dịch chuyển cơ cấu lao động, sản xuất và thay đổi cơ bản bộ mặt Nông nghiệp – Nông thôn; tác động đến đời sống của gần 70% dân số đất nước; Tạp chí Ánh sáng & Cuộc sống trân trọng gửi tới bạn đọc những chia sẻ tâm huyết, những điều còn trăn trở của một trong những người đã có nhiều năm gắn bó, kiên định với ngành; đặc biệt luôn đau đáu với vấn đề sản xuất nông nghiệp bền vững – Ủy viên thường trực ban chỉ đạo (BCĐ) các chương trình Mục tiêu Quốc gia, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam – giữa không khí tưng bừng, rộn ràng chờ đón xuân 2018.

Phóng viên (PV): Thưa Thứ trưởng, sau những thành tựu, bài học kinh nghiệm triển khai chương trình MTQG XDNTM trên toàn quốc giai đoạn 1 (2010-2015) và năm 2016, Ông có thể khái quát lại những điểm mới trong kết quả thực hiện năm 2017 và kế hoạch đến 2020?
Thứ trưởng Trần Thanh Nam (TT. Trần Thanh Nam): Thứ nhất: Công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện là điểm nhấn mới trong kết quả thực hiện năm 2017: Chương trình xây dựng được hệ thống khung pháp lý và các văn bản hướng dẫn thực hiện, đến nay đã cơ bản hoàn thành… Trong đó, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 ban hành đã khắc phục được những bất cập của giai đoạn trước và phù hợp hơn với điều kiện thực tế. Đến nay, hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chủ động ban hành văn bản để cụ thể hoá Bộ tiêu chí quốc gia.
Đồng thời, việc Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng linh hoạt mức đạt chuẩn của một số tiêu chí về cơ sở hạ tầng đã tạo thuận lợi cho các địa phương chủ động triển khai thực hiện, giảm bớt nhu cầu đầu tư những hạng mục công trình chưa cần thiết, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực (bao gồm Ngân sách nhà nước).
Bộ máy tham mưu giúp việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới các cấp được kiện toàn và bắt đầu phát huy được hiệu quả. Đến nay, 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Văn phòng Điều phối nông thôn mới (VPĐP) cấp tỉnh; có 580/644 đơn vị cấp huyện thuộc 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập VPĐP cấp huyện (đạt 90,06%); 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã bố trí cán bộ chuyên trách về xây dựng nông thôn mới ở cấp xã.
Thủ tướng ban hành các Quyết định thông báo trung hạn các nguồn vốn ngân sách Trung ương (Đầu tư phát triển, TPCP, Sự nghiệp) thực hiện Chương trình giai đoạn 2016-2020 là cơ sở quan trọng để các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động trong lập kế hoạch và triển khai thực hiện các nhiệm vụ phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, các địa phương đã chủ động có các giải pháp và đề ra kế hoạch, lộ trình cụ thể để xử lý dứt điểm nợ xây dựng cơ bản trong thực hiện Chương trình.
Công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới tiếp tục phát huy hiệu quả và ảnh hưởng lớn đến nhận thức của cán bộ các cấp và người dân.
Diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi tích cực, nhất là hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, điện, trường học, trạm y tế, môi trường, nước sạch…) góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, điều kiện sản xuất của người dân vùng nông thôn.
Nhiều mô hình về liên kết sản xuất, ứng dụng công nghệ cao trên diện rộng đã được các địa phương quan tâm và chỉ đạo xây dựng thành công, bước đầu đã phát huy được hiệu quả.
Nhiều giải pháp bảo vệ và cải tạo cảnh quan môi trường nông thôn đã được các địa phương tập trung chỉ đạo xử lý và ưu tiên nguồn lực để thực hiện. Cùng với sự vào cuộc tích cực của các tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn, ý thức của người dân về bảo vệ, cải thiện môi trường, cảnh quan tiếp tục được nâng cao.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới được triển khai hiệu quả đã tạo dựng được môi trường văn hóa lành mạnh, đa màu sắc trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.
Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc tiếp tục phát huy được hiệu quả với sự tham gia tích cực của người dân.
Thứ hai: Dự kiến có tám vấn đề trọng tâm cần tập trung chỉ đạo đến 2020:
(1) Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nông thôn mới, triển khai sâu rộng và thiết thực Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” nhằm biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới, tạo sự lan toả lớn trong nhân dân, cộng đồng, xã hội; khuyến khích, thu hút doanh nghiệp, doanh nhân, nhất là thanh niên trí thức khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp ở nông thôn; đa dạng hóa các hình thức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm phản ánh kịp thời hơi thở của cuộc sống thực tiễn xây dựng nông thôn mới của cả nước.
(2) Tiếp tục rà soát, hoàn thiện tất cả các cơ chế, chính sách để thực hiện Chương trình; hướng dẫn và đôn đốc các địa phương triển khai hiệu quả các Đề án xây dựng nông thôn mới đặc thù, các Đề án thí điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018-2020…; hoàn thiện Đề án “Phát triển hệ thống trung tâm cung ứng hàng nông sản Việt Nam hiện đại giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2030”…; Chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động ban hành các cơ chế, chính sách, các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình đồng bộ và phù hợp với điều kiện triển khai thực tế của địa phương.
(3) Ưu tiên thúc đẩy hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch – an toàn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn để tăng thu nhập người dân nông thôn một cách bền vững.
(4) Chú trọng bảo vệ môi trường và tạo cảnh quan nông thôn sáng – xanh – sạch – đẹp, hiện đại, hợp lý và giữ gìn được những đặc trưng và bản sắc nông thôn truyền thống xanh – sạch – đẹp.
(5) Nâng cao chất lượng đời sống văn hoá và giữ gìn an ninh trật tự: Gắn xây dựng nông thôn mới với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Tổ chức các hoạt động phát triển cộng đồng ở các thôn, bản, ấp nhằm phát huy và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp…
(6) Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí nông thôn mới… Đối với các xã đạt chuẩn cần tiếp tục phấn đấu xây dựng nông thôn mới để nâng cao chất lượng các tiêu chí và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Đối với các xã đang phấn đấu đạt chuẩn, phải đảm bao chất lượng, thực chất, không chạy theo thành tích. Đối với các xã khó khăn, cần tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu,…; tập trung chỉ đạo xây dựng một số huyện thí điểm xây dựng mô hình huyện nông thôn mới kiểu mẫu, làm cơ sở đánh giá, đề xuất tiêu chí huyện nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2020.
(7) Tiếp tục đa dạng hoá các nguồn vốn để thực hiện Chương trình theo hướng xã hội hoá; huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp đối với các công trình có khả năng thu hồi vốn; tăng cường các hình thức hợp tác công tư và xã hội hoá để thu hút đầu tư…
(8) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong xây dựng nông thôn mới; tiếp tục phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội và giám sát của cộng đồng dân cư đối với xây dựng nông thôn mới.
PV: Những vấn đề chúng ta cần lưu ý trong XDNTM giữa bối cảnh Việt Nam hội nhập năm 2018 theo tiến trình đã cam kết là gì? Mục tiêu cốt lõi của chương trình có bị ảnh hưởng khi chúng ta mở cửa hội nhập không? (Ví dụ: Giá trị sản xuất các sản phẩm nông – lâm nghiệp và thủy sản, thu nhập của người dân nông thôn trong cạnh tranh…)
TT. Trần Thanh Nam: Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập kinh tế quốc tế sâu và rộng, rất nhiều cơ hội được mở ra với nền kinh tế Việt Nam nói chung cũng như ngành nông nghiệp Việt Nam, đồng thời chúng ta cũng có không ít thách thức phải đối mặt trước áp lực cạnh tranh trên thị trường cả trong nước và quốc tế. Thực tế đó đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp đồng bộ để đảm bảo đạt được mục tiêu cốt lõi trong xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn. Xây dựng nông thôn mới phải gắn kết chặt chẽ với triển khai có hiệu quả Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp để đảm bảo phát triển sản xuất nông nghiệp chất lượng, hiệu quả cao, bền vững, có đủ năng lực cạnh tranh. Người dân nông thôn phải được đặt vào vị trí trung tâm với vai trò chủ thể để thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
PV: Năm qua, Trung Ương và một số điạ phương đã hợp nhất BCĐ NT và Giảm nghèo bền vững, song cơ quan thường trực (VPĐP chương trình) gần như vẫn hoạt động độc lập, cơ cấu này có ảnh hưởng đến công tác tham mưu của cơ quan thường trực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của BCĐ cũng như hiệu quả sử dụng các nguồn vốn khi mà 2 chương trình phục vụ cùng một đối tượng (Người dân khu vực nông thôn) hay không?
TT. Trần Thanh Nam: Để khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, chồng chéo về nội dung hỗ trợ của 16 Chương trình MTQG giai đoạn 2011-2015, tập trung nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là ở những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống cao, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12/11/2015 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, trong đó, cả nước chỉ còn thực hiện 02 Chương trình là: Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, thống nhất thành lập 01 Ban Chỉ đạo quản lý chung 02 chương trình mục tiêu quốc gia ở các cấp.
Mặc dù các cơ quan thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo của hai Chương trình được tổ chức hoạt động độc lập nhưng trong quá trình hoạt động luôn có sự phối hợp gắn kết, ngoài ra còn có cơ quan ngành Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tổng hợp hai Chương trình nên hệ thống tổ chức này đã phát huy hiệu quả và hỗ trợ tích cực cho Ban Chỉ đạo các cấp trong công tác quản lý, điều hành, thực hiện Chương trình.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, ở một số khu vực khó khăn, đòi hỏi phải lồng ghép, tập trung các nguồn lực thực hiện, một số địa phương đã linh hoạt áp dụng mô hình thành lập chung 01 Văn phòng Điều phối thực hiện 02 Chương trình MTQG giai đoạn 2016-2020 (Bắc Kạn, Cà Mau) nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững, góp phần nâng cao chất lượng, điều kiện sống và thu nhập cho người dân…
PV: Thứ trưởng đánh giá như thế nào về vai trò của doanh nghiệp trong thực hiện các CT MTQG nói chung, phát triển kinh tế nông nghiệp – nông thôn và gia tăng thu nhập cho người dân nông thôn nói riêng?
TT. Trần Thanh Nam: Trong hơn 07 năm xây dựng nông thôn mới vừa qua, lực lượng doanh nghiệp cả nước đã có những đóng góp quan trọng, góp phần giúp hoàn thành mục tiêu của Chương trình. Thống kê của các tỉnh, thành phố khi kết thúc giai đoạn 1 (2011 – 2015) cho thấy, thông qua việc hỗ trợ trực tiếp (kinh phí, nguyên vật liệu) hoặc gián tiếp (đầu tư sản xuất trên địa bàn nông thôn, tạo công ăn việc làm cho người dân), các doanh nghiệp đã đóng góp khoảng 5% tổng nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới. Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp ngày càng được cải thiện, đã có những doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp như TH True Milk, Dabaco, Vincom, Tập đoàn Hoà Phát… Đây chính là những đòn bẩy hết sức quan trọng góp phần để chúng ta đạt kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp đạt mức kỷ lục trên 36,37 tỷ đô la năm 2017.
Hiện có 02 phương thức chủ yếu thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp: (1), Giao doanh nghiệp đầu tư toàn bộ gồm cả giao đất (Hoặc thuê lại đất của dân) giao nhãn hiệu và các hỗ trợ… để tăng giá trị sản xuất vùng trong nông nghiệp; (2), Tổ chức liên kết thông qua đại diện nông dân (cụ thể HTX và THT), người dân trực tíêp tham gia sản xuất, doanh nghiệp bao tiêu, chế biến thành sản phẩm…). Mỗi phương thức đều có những đều có những ưu điểm và hạn chế riêng. Lựa chọn phương thức nào cần căn cứ vào thực tiễn sản xuất của địa phương. Định hướng chung là đổi mới quan hệ sản xuất trong nông nghiệp theo hướng sản xuất quy mô lớn, tập trung thúc đẩy liên kết doanh nghiệp, hợp tác xã, qua đó thúc đẩy phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả; tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho nông dân. Tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo môi trường thuận lợi cho các hợp tác xã nông nghiệp phát triển; phấn đấu đến năm 2020, có 15.000 hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả.
PV: Trước thềm năm mới 2018, Xin Thứ trưởng cho biết những khó khăn trở ngại mà chương trình MTQG đang gặp phải cũng như kế hoạch khắc phục? Đặc biệt, công tác kiểm soát nợ đọng, bệnh thành tích trong XDNTM?
TT. Trần Thanh Nam: Thứ nhất: Phải nói đến những khó khăn, trở ngại mà chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đang gặp phải, đó là:
Khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền của cả nước vẫn còn khá lớn. Tác động của thiên tai (bão, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất…) và biến đổi khí hậu đã gây thiệt hại về tài sản, con người và ảnh hưởng nặng nề đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân, qua đó, đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc duy trì các tiêu chí về hạ tầng kinh tế – xã hội, thu nhập, hộ nghèo, môi trường…
Sản xuất nông nghiệp mặc dù đã chuyển biến nhưng nhìn chung vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa hình thành được nhiều chuỗi giá trị sản xuất bền vững nên thu nhập của người dân còn bấp bênh. Nhiều địa phương đã xác định được sản phẩm chủ lực để tập trung phát triển nhưng thiếu sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã và lúng túng trong tìm kiếm, phát triển thị trường tiêu thụ…
Vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng có dấu hiệu nghiêm trọng ở một số địa bàn, phức tạp, khó xử lý; chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nông sản vẫn đang là vấn đề nổi lên được xã hội quan tâm.
Thứ hai: Khó khăn thì phải tìm cách khắc phục như thế nào?
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; triển khai sâu rộng và thiết thực Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”…
Chú trọng thúc đẩy hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch – an toàn, ứng phó với biến đổi khi hậu, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn để tăng thu nhập người dân nông thôn một cách bền vững.
Ưu tiên nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách cho các xã đặc biệt khó khăn, các xã bãi ngang ven biển và hải đảo, xã nghèo, xã an toàn khu, vùng căn cứ cách mạng, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Tiếp tục củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền cấp xã và chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới theo hướng chuyên nghiệp, chuyên trách;
Chú trọng bảo vệ môi trường và tạo cảnh quan nông thôn sáng – xanh – sạch – đẹp, hiện đại, hợp lý và giữ gìn được những đặc trưng và bản sắc nông thôn truyền thống xanh – sạch – đẹp. Nâng cao chất lượng đời sống văn hoá và Giữ vững mục tiêu bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội khu vực nông thôn;
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát và xử lý nghiêm đối với những vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện Chương trình.
Thứ ba: Riêng đối với công tác kiểm soát nợ đọng, bệnh thành tích trong XDNTM: Cần tiến hành rà soát, xác định chính xác số nợ xây dựng cơ bản của Chương trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Ưu tiên bố trí vốn thanh toán nợ đọng trước khi bố trí vốn cho các dự án khởi công mới; xây dựng kế hoạch, lộ trình sớm xử lý dứt điểm nợ đọng; Kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân người đứng đầu nếu tiếp tục để xảy ra tình trạng chạy theo thành tích, huy động quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản sai quy định trong thực hiện Chương trình.
Vâng! Xin chúc mừng Ngành Nông nghiệp nói chung, các Chương trình mục tiêu Quốc gia nói riêng, đã “vững tay chèo” vượt qua những thách thức lớn, gặt hái nhiều thành quả quan trọng năm 2017 vừa qua.
Trước thềm xuân mới 2018, thay mặt bạn đọc của Tạp chí Ánh Sáng & Cuộc sống, trân trọng gửi tới Ủy viên thường trực BCĐ các Chương trình Mục tiêu Quốc gia, Thứ trưởng Trần Thanh Nam; tập thể Lãnh đạo, CNCNVC ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; BCĐ các Chương trình Mục tiêu Quốc gia, các Văn phòng điều phối các cấp cùng nông dân Việt Nam lời chúc mừng năm mới an khang, thịnh vượng, vạn sự như ý và đạt được những thắng lợi mới, mang “xuân bốn mùa” đến mọi miền quê Việt Nam.
Cám ơn Thứ trưởng, đã dành thời gian chia sẻ của bạn đọc của Tạp chí.
Ngọc Lưu Ly – Thái Hòa (thực hiện)