25.8 C
Hanoi
Thứ Hai, 19 Tháng 5, 2025

Trần Đề đi lên với hai cảng nước sâu

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Trần Đề (Sóc Trăng) Lưu Hữu Danh cho biết, năm 2020 dù đại dịch covid-19 nhưng huyện vẫn đón 171.451 lượt khách du lịch, trong đó có 2.227 lượt khách nước ngoài. Con số cho thấy huyện Trần Đề nằm bên cửa biển sông Hậu trước đây xa xôi cách trở, nay đã gần với bốn phương khi đi lên cùng cảng cá Trần Đề và bến tàu cao tốc Trần Đề-Côn Đảo.  

Cảng cá Trần Đề

Rộn ràng hai cảng

Tháng 4/2021 này, Trần Đề lại nhộn nhịp ngày hai chuyến đưa đón khách du lịch: Buổi sáng đưa khách đi Côn Đảo và đầu chiều đón khách từ Côn Đảo. Tàu cao tốc mang tên Trưng Trắc và Trưng Nhị, tàu hai thân tiêu chuẩn châu Âu có sức chứa 598 hành khách. Với tốc độ tối đa 35 hải lý/giờ, từ Trần Đề ra Côn Đảo chỉ mất 1 giờ 45 phút vì gần Côn Đảo nhất trong cả nước, bởi Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhưng từ Vũng Tàu ra Côn Đảo phải mất 3 giờ 50 phút.

Bến tàu cao tốc Trần Đề-Côn Đảo

Khu bến cảng rộng 4 ha, xây dựng năm 2017-2018, nhanh chóng hút du khách gần xa. Hành trình Trần Đề-Côn Đảo với tàu cao tốc, trong nội thất sang trọng và thiết bị giải trí hiện đại, du khách còn được ngắm một đoạn sông Hậu rộng mênh mông khi ra biển lớn, đem lại cảm giác thư thái khoáng đạt. Cũng bởi vậy, khi dịch Covid-19 lắng dịu, có thể đi lại là du khách bốn phương lại nhộn nhịp tới Trần Đề.

Cách bến cảng tàu cao tốc một đoạn về thượng nguồn sông Hậu là Cảng cá Trần Đề, một cảng cá lớn ở ĐBSCL, phát triển từ làng cá Trần Đề hình thành lâu đời, được che chắn bởi Cù Lao Dung nên rất thuận lợi cho tàu thuyền neo đậu. Bây giờ, hàng năm có hơn 18.000 lượt tàu cập cảng, trong đó, tàu ở các tỉnh khác chiếm khoảng 40%. Lượng hàng hóa qua cảng gần 200.000 tấn, thủy sản chiếm gần nửa. Riêng tàu của huyện Trần Đề là 620 chiếc, có 366 chiếc khai thác xa bờ.

Cảng cá Trần Đề đã kêu gọi được 74 doanh nghiệp và cá nhân thuê hơn 12 ha mở cơ sở sản xuất kinh doanh; có 25 doanh nghiệp thu mua, sơ chế và chế biến thủy sản. Ở đây có cơ sở sản xuất nước mắm cá cơm ngon không thua nước mắm cá cơm Phú Quốc, bởi cá cơm đánh bắt từ vùng biển Côn Đảo tươi ngon.

Công ty Sản xuất và Chế biến nước mắm Âu Việt có hơn 120 bồn làm nước mắm, mỗi bồn ủ 13 tấn cá cơm. Cá cơm mua từ vùng biển Côn Đảo chở vào đây còn tươi rói, cho vô bồn ủ 6-7 tháng, cá chín là bắt đầu rút nước mắm. Nước mắm ban đầu 42 độ đạm, càng rút thì độ đạm càng giảm, tới 26 độ đạm là dừng để tiếp tục ủ cá nâng cao độ đạm. Nước mắm rút từ bồn được chia thành nhiều loại, trung bình là 37 độ đạm.

Nước mắm chủ yếu bán lên thành phố Hồ Chí Minh để phân phối cho các đại lý và hệ thống siêu thị. Cứ rút được 13.000 lít nước mắm, Công ty Âu Việt lấy mẫu gửi lên doanh nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh để kiểm tra các tiêu chuẩn chất lượng. Mẫu đạt, doanh nghiệp cho xe xuống chở về và kiểm tra lại nếu đảm bảo như mẫu sẽ chuyển tiền trả. “Mỗi tháng chúng tôi xuất xưởng khoảng 30.000 lít, trong nhiều năm qua luôn đạt tiêu chuẩn. Tại xưởng chế biến không hề có ruồi hay dòi”, chủ Công ty Âu Việt vui vẻ giới thiệu.

Phát triển toàn diện

Cảng cá Trần Đề đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt dự án nâng cấp, mở rộng giai đoạn 2 hơn 18 ha. Bộ GT&VT cho biết, Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cảng cá Trần Đề là cảng biển loại III, cửa ngõ của ĐBSCL. Cảng tương lai có hai cụm bến: Bến trong sông phục vụ các khu công nghiệp và các bến cảng ngoài khơi là bến tổng hợp, bến container tiếp nhận tàu tải trọng 100.000 tấn, tàu hàng rời bến 160.000 tấn.

Tàu cao tốc Trần Đề-Côn Đảo

Huyện Trần Đề còn có nhiều dự án phát triển kinh tế biển đã được UBND tỉnh phê duyệt, đang triển khai. Dự án Khu Thương mại Kinh tế biển Trần Đề rộng 160 ha, vốn hơn 1.230 tỷ đồng do một doanh nghiệp đầu tư. Khu du lịch sinh thái Mỏ Ó ở bãi biển hoang sơ với rừng ngập mặn ôm trọn bờ phía Nam cửa Trần Đề hùng vĩ.

Số liệu của UBND huyện, năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp 3.506 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), tăng 19,09% so với năm 2019. Trong năm có 212 hộ kinh doanh đăng ký thành lập mới, gồm 196 hộ kinh doanh thương mại – dịch vụ và 16 hộ kinh doanh sản xuất công nghiệp.

Thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, bên cạnh khai thác và chế biến, Trần Đề chú trọng nuôi trồng, diện tích hiện nay đạt 5.872 ha, gồm tôm nước lợ 4.453 ha (tôm sú 901 ha, tôm thẻ 3.552 ha) và thủy sản khác 1.419 ha. Nhiều nông dân có trang trại nuôi tôm hiện đại như trang trại rộng 10,5 ha của ông Huỳnh Hàn Châu ở xã Trung Bình. Tôm nuôi theo quy trình CPF Combie model từ con giống, thức ăn đến kỹ thuật do Công ty CP hướng dẫn. Trang trại có hầm biogas chứa thải để bảo vệ môi trường. Hôm 18/3/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu đến thăm, tôm thả nuôi được 110 ngày đã đạt 28 – 30 con/kg, sản lượng dự kiến 30 tấn, hứa hẹn lời cao.

Diện tích lúa của huyện 44.895 ha (có 40.413 ha lúa đặc sản ST), màu và cây công nghiệp ngắn ngày 3.437 ha. Chăn nuôi có đàn bò sữa 3.960 con, năm 2020 đã bán 7.262 tấn sữa cho Hợp tác xã bò sữa Evergrowth với giá ổn định. Tính ra, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 230 triệu đồng/ha, tăng 40 triệu đồng so năm 2019.

Trong 9 xã của huyện, 5 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới (Thạnh Thới Thuận, Lịch Hội Thượng, Viên Bình, Đại Ân 2, Viên An), còn 4 xã đạt từ 16 tiêu chí trở lên. Toàn huyện có 6 sản phẩm OCOP được tỉnh công nhận, trong đó có gạo ST24, mắm cua gạch và điệu múa Rô Băm của bà con Khmer.

Kế hoạch phát triển năm 2021, Bí thư Huyện ủy-Chủ tịch UBND huyện Lưu Hữu Danh nhấn mạnh công tác bảo vệ môi trường: “Phát triển kinh tế vùng cửa biển phải chú trọng bảo vệ môi trường để giữ ổn định bền vững. Năm 2021, huyện phấn đấu 100% cơ sở sản xuất kinh doanh đạt chuẩn môi trường, từ tỷ lệ 98% của năm 2020. Thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị, công nghiệp, dịch vụ đạt 89% và 55% chất thải rắn tại khu dân cư nông thôn. Đặc biệt, cơ sở sản xuất mới xây dựng phải áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm, xử lý chất thải đạt 100%”.

                                                                                                THANH HẢI

 

Bài viết liên quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM NHIỀU NHẤT