Tổng mức tiêu thụ điện tại ĐBSCL tăng trung bình 10,7%, dự báo đến năm 2030 sẽ tăng 2,6 lần, tương đương 65 tỷ kWh. Để đáp ứng nhu cầu, cần phát triển nguồn điện cho khu vực ĐBSCL theo hướng tối ưu hóa.
Hướng đến thúc đầy phát triển năng lượng bền vững cho vùng ĐBSCL, ngày 20/12, tại thành phố Cần Thơ, Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức hội thảo tham vấn kết quả nghiên cứu “Phân tích chi phí, lợi ích của kịch bản năng lượng dưới góc nhìn của khu vực ĐBSCL”. Hội thảo thu hút hơn 60 các chuyên gia, nhà khoa học và lãnh đạo đến từ các hiệp hội, các sở, ngành trong các địa phương trong vùng ĐBSCL.

Theo các chuyên gia, những năm qua, ĐBSCL phát triển nhiều khu công nghiệp và mức sống của người dân ngày càng tăng lên, thúc đẩy nhu cầu sử dụng năng lượng tăng cao. Theo thống kê, giai đoạn 2010-2018, tổng tiêu thụ điện vùng ĐBSCL tăng trung bình là 10,7%; Công nghiệp là lĩnh vực tiêu thụ điện cao nhất chiếm trên 47%, tiếp đến là nông nghiệp… Hiện, có 2 địa phương, chiếm tỷ trọng tiêu thụ điện cho công nghiệp cao, gồm: tỉnh Long An chiếm trên 52% và TP Cần Thơ chiếm trên 51%; tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh, có tỷ trọng tiêu thụ điện cho quản lý và tiêu dùng dân cư trên 50%… Dự báo, nhu cầu điện thương phẩm của vùng ĐBSCL sẽ tăng lên đến 65 tỉ kWh vào năm 2030, tăng 2,6 lần so năm 2018…
Để đáp ứng nhu cầu nguồn điện và thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững cho vùng ĐBSCL, các chuyên gia đã đưa ra 3 kịch bản. Theo đó, kịch bản 1, “không giới hạn, các loại hình nguồn điện được tính toán cạnh tranh hoàn toàn trên cơ cở chi phí”; kịch bản 2 “phát triển năng lượng tái tạo, đảm bảo mục tiêu theo chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2050”; kịch bản 3, “khống chế than, phát triển năng lượng tái tạo theo chiến lược và không phát triển nhiệt điện than mới sau 2050”.
Trên cơ sở các kịch bản nêu trên, các chuyên gia đề xuất phát triển nguồn điện cho khu vực ĐBSCL theo hướng tối ưu hóa, dựa vào tiềm năng và lợi thế của vùng; đồng thời, phân tích, định lượng những lợi ích, tác động của mỗi kịch bản đến phát triển kinh tế – xã hội, sức khỏe cộng đồng, thị trường lao động, việc làm và các ngành, lĩnh vực liên quan khác…
Phương Dung