30.3 C
Hanoi
Thứ Ba, 15 Tháng 7, 2025

Lộ trình điện gió ngoài khơi cho Việt Nam

“Báo cáo cuối cùng Lộ trình điện gió ngoài khơi cho Việt Nam” vừa được Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) công bố sau thời gian nghiên cứu từ tháng 2 đến tháng 10/2020. Đây là nghiên cứu đầu tiên trong một loạt các nghiên cứu về lộ trình do Nhóm Ngân hàng Thế giới hỗ trợ (một phần của chương trình phát triển điện gió ngoài khơi của Ngân hàng) với mục tiêu đẩy nhanh việc mở rộng điện gió ngoài khơi ở các thị trường mới nổi và hỗ trợ kỹ thuật cho các quốc gia này, từ đó các quốc gia có thể đánh giá tiềm năng gió ngoài khơi của mình và phát triển danh mục các dự án tiềm năng và sẵn sàng cho đầu tư. Báo cáo được thực hiện theo lời mời của Chính phủ Việt Nam và Nhóm Ngân hàng Thế giới đã giao cho Công ty Tư vấn Chiến lược Năng lượng tái tạo BVG Associates (BVGA) liên danh với Atkins, Frontier Economics, Sterling Technical Services (Vietnam) và ông Dư Văn Toán thực hiện. Tạp chí Ánh Sáng và Cuộc Sống xin giới thiệu báo cáo tóm tắt.

Điện gió ngoài khơi Ảnh WBG

Báo cáo đã trình bày phân tích chiến lược về tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam, xem xét cả cơ hội và thách thức theo các kịch bản tăng trưởng khác nhau. Lộ trình được thực hiện nhằm cung cấp thông tin để hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc thiết lập chính sách, quy định, quy trình và cơ sở hạ tầng thúc đẩy sự thành công của ngành điện gió ngoài khơi.

Các phát hiện chính: Việt Nam có một nguồn tài nguyên điện gió ngoài khơi dồi dào, nằm gần các trung tâm đông dân cư và trong khu vực biển tương đối nông-mặc dù lộ trình này tập trung vào các khu vực biển xa hơn, có tốc độ gió và sản lượng điện cao hơn. Điện gió ngoài khơi có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc đáp ứng bền vững nhu cầu điện đang gia tăng nhanh chóng của Việt Nam và có tiềm năng cung cấp 12% điện năng của Việt Nam vào năm 2035. Việc thay thế các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than có thể giúp tránh phát thải hơn 200 triệu tấn CO2 và thêm ít nhất 50 tỷ đô la Mỹ cho nền kinh tế Việt Nam bằng cách kích thích sự phát triển của chuỗi cung ứng địa phương, tạo ra hàng nghìn việc làm có tay nghề cao và xuất khẩu sang các thị trường điện gió ngoài khơi khác trên toàn cầu.

Các khu vực phát triển điện gió ngoài khơi tiềm năng Ảnh WBG

Báo cáo dựa trên hai kịch bản tiềm năng để phát triển điện gió ngoài khơi, đó là: Kịch bản tăng trưởng thấp, mở rộng phát triển điện gió ngoài khơi ở mức vừa phải, nhờ đó cung cấp 5% nhu cầu điện của Việt Nam vào năm 2035. Kịch bản tăng trưởng cao, mở rộng phát triển điện gió ngoài khơi ở mức cao, nhờ đó cung cấp 12% nhu cầu điện của Việt Nam vào năm 2035.

Cả kịch bản tăng trưởng thấp và cao đều yêu cầu các điều kiện hỗ trợ tương tự nhau, nhưng trong kịch bản tăng trưởng cao, một tầm nhìn tham vọng hơn được thiết lập với yêu cầu hành động sớm hơn. Các số liệu chính của hai kịch bản tăng trưởng này ví dụ như các chỉ số chính về phát điện, chi phí, kinh tế và phát thải, được tóm tắt trong hình dưới đây.

Cả hai kịch bản tăng trưởng đều có thể mang lại lợi ích đáng kể cho Việt Nam, tuy nhiên, kết quả chỉ ra rằng kịch bản tăng trưởng cao có thể mang lại lợi ích kinh tế lớn hơn nhiều với chi phí tổng thể thấp hơn. So với kịch bản tăng trưởng thấp, tăng trưởng cao sẽ dẫn đến: Giảm chi phí nhanh hơn—giảm 20% chi phí năng lượng quy đổi (LCOE) vào năm 2035; Tăng gần bốn lần số lượng việc làm địa phương và giá trị gia tăng cho nền kinh tế; Giảm hơn một nửa chi phí ròng cho người tiêu dùng.

Một thị trường gió ngoài khơi lớn hơn của Việt Nam, theo kịch bản tăng trưởng cao, sẽ cho phép đầu tư và tối ưu hóa chuỗi cung ứng địa phương nhiều hơn, dẫn đến xuất khẩu sang thị trường khu vực và toàn cầu. Một chuỗi cung ứng của Việt Nam lớn hơn, có năng lực hơn sẽ làm tăng hàm lượng nội địa trong các dự án, do đó giảm nhập khẩu và thúc đẩy phát triển kinh tế. Một chuỗi cung ứng địa phương lớn hơn cũng có thể làm tăng cạnh tranh và chi phí năng lượng.

Theo một kịch bản tăng trưởng cao, chi phí sản xuất gió ngoài khơi có thể ngang bằng với chi phí sản xuất nhiên liệu hóa thạch sớm hơn, có chi phí ròng tích lũy thấp hơn 60% cho người tiêu dùng cho đến năm 2035 và mang lại lợi ích ròng cho người tiêu dùng từ năm 2036-sớm hơn ba năm so với mức đạt được theo kịch bản tăng trưởng thấp.

Kinh nghiệm tại các thị trường điện gió ngoài khơi đi trước cho thấy rằng các mục tiêu dài hạn, đầy tham vọng có thể là nền tảng cho sự phát triển của ngành. Kết quả của lộ trình này cho thấy mục tiêu 10 GW vào năm 2030 và 25 GW vào năm 2035 có thể sẽ hoàn thành mục tiêu này. Đồng thời, hệ quả của việc tăng trưởng cao hơn là nguy cơ tác động xấu đến môi trường và xã hội cao hơn. Điều này càng đặt ra tầm quan trọng lớn hơn đối với nhu cầu xây dựng quy hoạch không gian biển và khung pháp lý về môi trường trước khi ban hành hợp đồng thuê biển.

Lộ trình này đề xuất rằng các quy định, pháp luật, quy trình và cơ sở hạ tầng hiện có cần được cải thiện hoặc phát triển để đạt được tầm nhìn mà Chính phủ Việt Nam đã đề ra. Lộ trình này cung cấp một loạt các bước tiếp theo được khuyến nghị để giúp tạo điều kiện để thành lập và phát triển điện gió ngoài khơi thành một ngành công nghiệp.

Báo cáo nêu ra các chủ đề ưu tiên: Chính phủ Việt Nam sẽ cần phải thực hiện các hành động để phát triển một ngành công nghiệp thành công và tối đa hóa lợi ích kinh tế mà điện gió ngoài khơi có thể mang lại. Để giúp tập trung các nỗ lực, lộ trình nhóm các hành động thành các chủ đề ưu tiên, tương ứng với các hành động khuyến nghị trước mắt, ngắn hạn và dài hạn thành các nhóm để Chính phủ Việt Nam xem xét.

Ba chủ đề ưu tiên để công nghiệp điện gió ngoài khơi thành công. Giai đoạn 2020–2021: Xác định tầm nhìn đến năm 2050, mục năm 2030 và 2035. Giai đoạn 2021–2022: Tạo các quy trình – Quy hoạch không gian biển – Cho thuê biển – Cấp phép – Mua bán điện – Phát triển chuỗi cung ứng. Giai đoạn 2022–2035: Phát triển cơ sở hạ tầng – Truyền tải điện – Hệ thống cảng – Chuỗi cung ứng.

Để thực hiện ba chủ đề ưu tiên, Báo cáo nêu 20 hành động cần triển khai. Gồm 2 hành động về “Tầm nhìn và mục tiêu quy mô”; 6 hành động về “Cho thuê, cấp phép và mua bán điện”; 2 hành động về “Tài chính dự án”; 3 hành động về “Cơ sở hạ tầng cảng và truyền tải điện”; 4 hành động về “Phát triển chuỗi cung ứng”; 3 hành động về “Tiêu chuẩn và quy định”.

                                                                                                SÁU NGHỆ (giới thiệu)

 

 

                                                                                               

Bài viết liên quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM NHIỀU NHẤT