27.1 C
Hanoi
Thứ Hai, 28 Tháng 7, 2025

Lịch sử văn hóa Việt qua thơ văn Trần Nhân Tông

Sáng 27/7/2025, tại Đại học Cần Thơ, diễn ra sự kiện “Thơ ca Trần Nhân Tông và Sự khởi đầu của Văn chương Tiếng Việt” có đông đảo giảng viên, sinh viên và nhiều nhà văn, nhà thơ, luật sư, nhà báo tham dự. Sự kiện do Tri Thức Việt tổ chức với diễn giả là nhà văn, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu đã cho người nghe hiểu thêm lịch sử văn hóa Việt qua thơ văn của nhà vua anh minh Trần Nhân Tông.

Diễn giả Nhật Chiêu giới thiệu tài năng ngôn ngữ và thi ca đặc sắc Trần Nhân Tông

Người đặt nền móng cho văn học chữ Nôm

Trần Nhân Tông, vị hoàng đế thứ ba của triều Trần, là một nhân vật kiệt xuất của lịch sử Việt Nam, không chỉ ở vai trò lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông thắng lợi mà còn ở vị thế là Sơ tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử – dòng Thiền mang bản sắc Việt độc lập với Thiền Trung Hoa.

Vượt ra khỏi khuôn khổ của một vị vua hay một nhà tu hành, Trần Nhân Tông còn là một nhà văn hóa lớn, một thi sĩ tài hoa, người đặt nền móng quan trọng cho văn học Thiền tông Việt Nam, đồng thời khai mở dòng chảy văn học chữ Nôm – hình thái ngôn ngữ viết đầu tiên phản ánh linh hồn tiếng nói dân tộc.

Sinh viên giao lưu với diễn giả Nhật Chiêu

Trước thời Trần Nhân Tông, chữ Hán là ngôn ngữ chính sử dụng trong các văn bản triều đình, thi cử, sáng tác văn học. Khi đó, chữ Nôm đã xuất hiện nhưng chỉ dùng trong dân gian. Trần Nhân Tông đã nâng tầm vị thế chữ Nôm, biến nó thành ngôn ngữ văn học có khả năng biểu đạt tư tưởng triết lý sâu sắc.

Trần Nhân Tông có hai tác phẩm lớn bằng chữ Nôm: Cư trần lạc đạo phú (gồm 10 hội) và Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca. Thiền sư Sơ tổ trực tiếp dùng tiếng nói của dân tộc để trước tác các tác phẩm quan trọng đã tạo ra một cuộc cách mạng, khẳng định mạnh mẽ giá trị và tiềm năng của ngôn ngữ dân tộc. Trần Nhân Tông được xem là người “mở đầu cho văn chương chữ Nôm của Việt Nam”, khai thông một dòng chảy văn học mới, chứng minh tiếng Việt đủ khả năng chuyển tải tư tưởng Thiền học uyên áo, cảm xúc tinh tế. Dòng chảy sau này được tiếp nối và phát triển rực rỡ bởi Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, và đỉnh cao là Nguyễn Du với Truyện Kiều.

Tài năng ngôn ngữ và thi ca đặc sắc

Thơ văn của Trần Nhân Tông sử dụng tiếng Việt cô đọng và phong phú về ý nghĩa, đẹp một cách giản dị, thể hiện tài năng lựa chọn ngôn ngữ điêu luyện, tinh tế như bậc thầy của ngôn ngữ cô đọng, giàu sức gợi.

“Ta lại xá ta” là một ví dụ kinh điển về tài năng ngôn ngữ của Trần Nhân Tông. Chỉ bốn chữ đã diễn đạt được nhiều tầng ý nghĩa phức tạp. “Xá” vừa có nghĩa là tự giải thoát, “xá tội” cho mình khỏi những ràng buộc của ngai vàng, vừa là một cái “xá chào” đầy trân trọng và thán phục chính bản ngã đã tìm thấy sự tự tại. Cách nói này được đánh giá là “thần tình”, súc tích mà vô cùng sâu sắc.

Nhiều bạn trẻ đến sự kiện từ sớm

“Nhuyễn từ bi” cho thấy sự tinh tế trong dùng từ. “Nhuyễn” diễn tả một lòng từ bi rất mềm mại, dịu dàng, thân mật và thấm nhuần. Để diễn tả được sắc thái này trong tiếng Việt hiện đại, người ta có thể phải dùng nhiều từ hơn.

Kết hợp nhuần nhuyễn giữa Triết lý và Đời thường. Thơ Trần Nhân Tông không giáo điều khô cứng mà đưa triết lý Thiền tông vào đời sống một cách tự nhiên. Tư tưởng “Cư trần lạc đạo” (Ở giữa cõi trần mà vui với đạo) là kim chỉ nam cho thơ Trần Nhân Tông. Đạo không ở đâu xa mà có mặt ngay trong cuộc sống thường nhật, từ việc “đói thì ăn, mệt ngủ liền” đến việc ngắm cảnh chiều quê trong bài Thiên Trường vãn vọng.

Trần Nhân Tông đưa những hình ảnh dân dã, gần gũi như “kèn mục” (tiếng sáo của trẻ chăn trâu), “cò trắng từng đôi” vào thơ, khiến cho triết lý Thiền trở nên sống động và thấm đẫm hồn cốt Việt Nam.

Tinh thần lạc quan, an nhiên và hài hước. Thơ văn của Trần Nhân Tông toát lên một tinh thần lạc quan, yêu đời và một niềm vui tự tại. Nhiều người được khám phá tinh thần “hòa quang đồng trần” (hòa với ánh sáng và cùng với bụi đời mà sống) và triết lý “cư trần lạc đạo” (ở đời vui đạo) thấm đượm trong thơ thiền của Trần Nhân Tông. Tinh thần này phản ánh một nét bản sắc của dân tộc là luôn lạc quan, vui vẻ ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn.

Chữ “Lạc” (vui) là một điểm nhấn quan trọng. Đạo là niềm vui, mang lại niềm vui. Trần Nhân Tông đưa cả tiếng cười dân dã vào thơ một cách sảng khoái: “Đắc ý trong lòng/Cười riêng ha hả”. Sự vui vẻ này còn thể hiện qua hình ảnh thiên nhiên sống động như “vượn mừng “hú hỉ”. Điều này cho thấy tinh thần Thiền của Trần Nhân Tông rất phóng khoáng, gần gũi và đậm chất hài hước của người Việt.

Những ví dụ trên cho thấy các tác phẩm của vua Trần Nhân Tông vẫn còn nguyên giá trị, là di sản quý báu để người đọc thời nay có thể học hỏi và nâng cao sự am tường về vẻ đẹp và sự sâu sắc của tiếng Việt.

Tóm lại, Vua Trần Nhân Tông không chỉ là một vị vua anh minh hay một nhà tu hành đắc đạo, mà còn là một nhà văn hóa lớn. Bằng tài năng và tầm nhìn của mình, ông đã thực hiện một cuộc cách mạng cho tiếng Việt, đặt nền móng vững chắc cho văn học chữ Nôm, và để lại những tác phẩm bất hủ minh chứng cho vẻ đẹp, sự tinh tế và khả năng biểu đạt vô tận của ngôn ngữ dân tộc.

Vài nét về diễn giả và đơn vị tổ chức

Sự kiện có phần giao lưu và nhiều sinh viên đã đặt các câu hỏi bày tỏ sự ham muốn hiểu biết về lịch sử văn hóa nước nhà. Tất cả được trao đổi thẳng thắn, đầy đủ, giúp hiểu thêm đặc điểm thơ văn của Trần Nhân Tông là ngắn gọn, dễ hiểu, tinh tế như tâm hồn người Việt. Trần Nhân Tông viết “lòng” chới không viết “tâm”, viết “Thờ thầy học đạo” chớ không viết “Tôn sư trọng đạo”. Diễn giả kể, mới đây vô nhà hàng hỏi “thực đơn” thì nhân viên ngơ ngác, hỏi “menu” mới hiểu, không khéo thời gian nữa nói “Lễ hội” và “chạy dài” người Việt cũng không hiểu mà phải “Festival” và “Marathon”? Cần giữ gìn tiếng Việt, tài sản văn hóa quý báu do cha ông gầy dựng và truyền trao, yêu tiếng mẹ đẻ để yêu đất nước, dân tộc.

Diễn giả Nhật Chiêu có tên đầy đủ là Phan Nhựt Chiêu, sinh năm 1951 tại Sài Gòn, là nhà văn, nhà giáo, dịch giả, học giả có uy tín, được khẳng định qua hàng loạt các công trình có giá trị. Các tác phẩm: Văn học Nhật Bản (Biên khảo), Ba nghìn thế giới thơm (biên khảo), Những kiệt tác văn chương thế giới (viết chung), Basho và thơ Haiku (biên khảo), Nhật Bản trong chiếc gương soi (biên khảo), Đại cương văn hoá phương Đông (viết chung). Ông thường được mời làm diễn giả ở các tọa đàm văn chương và đại sứ quán các nước như Nhật Bản, Hungary, Na Uy đã mời ông giới thiệu văn hoá, văn chương nước mình đến với người Việt Nam. Nhiều trường đại học và nhà xuất bản thường mời ông giao lưu với sinh viên, bạn đọc. Ông có sự liên hệ đa văn hóa, và dù trình bày những đỉnh cao văn chương của các nước thì vẫn toát lên một tình yêu sâu đậm với văn hoá Việt.

Tổ chức sự kiện ở Đại học Cần Thơ là Tri Thức Việt, một đơn vị luôn hoạt động với sứ mệnh kiến tạo phong trào học hỏi và phát triển sâu rộng văn hóa, tinh thần. Tri Thức Việt thường tập trung khai thác các chủ đề về văn hóa và tâm linh Việt Nam, nỗ lực lan tỏa những giá trị tinh hoa của dân tộc và ứng dụng vào đời sống hiện đại.

https://hoichieusangvietnam.org.vn/lich-su-van-hoa-viet-qua-tho-van-tran-nhan-tong/

Bài viết liên quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM NHIỀU NHẤT