Tác động của dịch Covid-19 đến tình hình “sức khỏe” doanh nghiệp rất nghiêm trọng. Kết quả điều tra khảo sát do VCCI thực hiện tháng 9/2021 trên gần 3000 doanh nghiệp cho thấy, có tới 93,9% doanh nghiệp cho biết tác động của dịch ở mức độ “hoàn toàn tiêu cực” và “phần lớn là tiêu cực”, tăng so với con số 87,2% của khảo sát năm 2020.
Ngành xây dựng, các doanh nghiệp ở ngành này gặp nhiều khó khăn trong quý II/2021 với 48,6% số doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn hơn quý I/2021; 34,1% số doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất kinh doanh vẫn ổn định, chỉ có 17,3% số doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn.
Đối với ngành lữ hành, lưu trú và ăn uống chịu tác động vô cùng nghiêm trọng, kéo dài từ năm 2019 đến nay. Hiện tại ngành du lịch toàn quốc chỉ còn khoảng 2.200 doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh lữ hành với phần lớn các doanh nghiệp chuyển sang kinh doanh lữ hành nội địa.

Người lao động ngành du lịch bắt buộc phải chuyển đổi nghề khác để kiếm sống, dẫn tới nguy cơ thiếu hụt nhân lực khi du lịch khôi phục trở lại; đến hết tháng 6/2021, số cơ sở lưu trú du lịch trong toàn quốc là 37.000 với 780.000 buồng; công suất phòng trung bình cả nước chỉ đạt 15%, nhiều nơi dưới 10%, nhiều cơ sở sau thời gian hoạt động cầm chừng phải đóng cửa.
Về tình hình hoạt động của ngành vận tải trong 7 tháng năm 2021, vận tải hành khách đạt 1.917,8 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 26,9%) và luân chuyển 80,6 tỷ lượt khách, giảm 17,5% (cùng kỳ năm trước giảm 31,8%), trong đó vận tải trong nước giảm 9,5% và giảm 9,2%; vận tải ngoài nước giảm 96,4% và giảm 94,9%.
Hầu hết các doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực ngành nghề đều đối diện khó khăn gây ra bởi dịch bệnh. Dịch COVID-19 tác động rất tiêu cực đến doanh nghiệp trong nhiều ngành như giáo dục đào tạo, dịch vụ lưu trú và ăn uống, y tế và trợ giúp xã hội… với gần 100% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực.
Dịch bệnh kéo dài trong gần hai năm qua khiến hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ trên nhiều khía cạnh như duy trì lực lượng lao động, giữ ổn định chuỗi giá trị, và đảm bảo khả năng tăng trưởng doanh thu.
Về lao động, trung bình có 90,8% doanh nghiệp đã giảm quy mô lao động trong thời kỳ diễn ra dịch bệnh. Nói cách khác, cứ khoảng 10 doanh nghiệp thì có xấp xỉ 9 doanh nghiệp chấp nhận cho người lao động thôi việc do hoạt động sản xuất kinh doanh kém khả quan trong thời gian dịch bệnh bùng phát.
Tình trạng người lao động mất việc làm diễn ra phổ biến nhất ở các ngành dịch vụ. Trên 97% doanh nghiệp ở các ngành giáo dục và đào tạo, hoạt động hành chính và dịch vụ, và dịch vụ lưu trú và ăn uống trả lời khảo sát đã phải giảm số lao động trong thời gian dịch bệnh. Tình trạng người lao động mất việc làm do ảnh hưởng từ dịch bệnh phổ biến nhất ở các tỉnh Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh duyên hải miền Trung với lần lượt 95%, 93% và 92% doanh nghiệp đang hoạt động ở các vùng này báo cáo việc cho người lao động thôi việc.
Về doanh thu, đại dịch COVID-19 kéo dài khiến 71% doanh nghiệp báo cáo doanh thu dự kiến năm 2021 giảm so với năm 2020. Đáng lưu ý, 93% doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế và trợ giúp xã hội (chẳng hạn các bệnh viện tư, các trung tâm chăm sóc, điều dưỡng) báo cáo doanh thu dự kiến năm 2021 (năm thứ hai xảy ra dịch bệnh) bị sụt giảm so với năm 2020 (năm dịch bệnh thứ nhất).
Đắc Bình-Hoài Nam