Sau khi “cuộc đua” của các nhà đầu tư, doanh nghiệp vào điện mặt trời (ĐMT) được xem tạm lắng bởi những yêu cầu đấu thầu phát triển các dự án ĐMT khá chặt, thì điện gió đã, đang trở thành mảnh đất “màu mỡ”, trọng tâm mới được nhiều DN nhắm tới.

Ngày 13/12/2021 vừa qua, tại Cảng Quốc tế Thị Vải (Phú Mỹ – Bà Rịa Vũng Tàu) đã diễn ra công tác bàn giao 02 lô hàng Cáp ngầm biển trung thế chuyên dụng – phục vụ đấu nối các nhà máy điện gió gần bờ và ngoài khơi – giữa Công ty Cổ phần Kỹ thuật Sigma (tổng thầu của dự án điện gió V1-3 Bến Tre – Công suất 30MW) và Công ty Cổ phần Công nghệ và Năng lượng Sông Xanh (Nhà thầu trong nước đầu tiên cung cấp cáp ngầm biển phục vụ điện gió gần bờ và ngoài khơi). Tại Việt Nam dự án điện gió V1-3 Bến Tre là dự án đầu tiên sử dụng cáp ngầm biển phục vụ đấu nối 07 turbine gió từ ngoài khơi về bờ với tổng chiều dài cáp đấu nối khoảng hơn 9,2 km. Việc đấu nối các turbine gió vào bờ sử dụng cáp ngầm biển giúp đảm bảo an toàn hàng hải, đảm bảo an toàn tính mạng cho ngư dân đánh bắt cá và cũng giúp đảm bảo thẩm mĩ về cảnh quan đường bờ biển hơn nhiều so với một số phương án khác.

Cáp ngầm biển thuộc dự án V1-3 là loại cáp sử dụng công nghệ cao và được nhập khẩu hoàn toàn do hiện tại các nhà máy cáp trong nước vẫn chưa đủ năng lực sản xuất. Lô cáp này gồm 2 chủng loại cáp là 3C240mm2 và 3C400mm2 được cấu thành từ 14 lớp, đảm bảo chống thấm (gồm 4 lớp) và chịu lực (có giáp thép đường kính 5mm) khi cáp làm việc dưới độ sâu khoảng 1,5-2,5m so với đáy biển.

Loại cáp ngầm biển này cũng được tích hợp cáp quang để truyền dẫn thông tin giữa các turbine với nhau và với trạm 110kV trên bờ đồng thời truyền dẫn tín hiệu điều khiển từ các đơn vị điều độ của EVN.

Việc “chạy đua” đổ bộ vào lĩnh vực năng lượng tái tạo thời gian qua đã nâng tổng công suất đăng ký lên tới 37.000 MW ĐMT hay tới gần 50.000 MW điện gió đã cho thấy sự hấp dẫn của nắng, của gió. Nhất là so tổng công suất đặt nguồn điện cả nước ở thời điểm hiện là 54.000 MW có được sau gần 70 năm phát triển ngành điện.
Võ Việt