Sáng 24/3, kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV chính thức khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Theo dự kiến chương trình, Quốc hội sẽ họp tập trung trong thời gian 12 ngày (dự kiến bế mạc vào ngày 8/4/2021).

Đây là kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, nên bên cạnh công tác xây dựng pháp luật, xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội còn tập trung thời gian cho tổng kết công tác nhiệm kỳ của các cơ quan Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ. Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội cũng dành nhiều thời gian để kiện toàn nhân sự lãnh đạo Nhà nước.
Thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan đã khẩn trương chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội; đồng thời, tổ chức tiếp xúc cử tri, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri để phản ánh với Quốc hội tại kỳ họp.
Trước giờ khai mạc kỳ họp, vào 7h15, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Vào 8h00, Quốc hội tiến hành họp phiên trù bị. Tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội nghe Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu; nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự kiến chương trình kỳ họp.
Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận và biểu quyết thông qua Chương trình Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV bằng hệ thống điện tử.
Vào 9h00, Quốc hội họp Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Phiên khai mạc được Đài Truyền hình Việt Nam truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 để cử tri và Nhân dân cả nước theo dõi.
Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021
Tại kỳ họp thứ 11, một trong những công việc quan trọng của Quốc hội là tổng kết công tác nhiệm kỳ của các cơ quan Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ.
Cũng trong sáng 24/3, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ sẽ lần lượt trình bày dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ.

Về công tác nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã tập trung ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật (72 luật, 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật) để kịp thời thể chế hoá các chủ trương, đường lối của Đảng và tiếp tục cụ thể hóa, đưa Hiến pháp năm 2013 vào cuộc sống. Công tác giám sát của Quốc hội được chú trọng, nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm, bao quát hầu hết các lĩnh vực, ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả.
Quốc hội đã xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, có tác động lớn đến đời sống kinh tế – xã hội, phát triển vùng miền núi đồng bào dân tộc, gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Về công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, trong nhiệm kỳ, Chủ tịch nước đã ký Lệnh công bố 72 Luật, 2 Pháp lệnh đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV thông qua. Về thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn liên quan đến lĩnh vực hành pháp, Chủ tịch nước đã tham gia ý kiến với Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ lớn mà các nghị quyết của Đảng, Quốc hội đã đề ra, góp phần tích cực vào kết quả hoạt động của bộ máy hành pháp, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước.
Trên cương vị Nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch nước đã có nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng, góp phần thực hiện hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Về công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ, trong nhiệm kỳ, Chính phủ luôn chấp hành nghiêm túc sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội; nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm trước Nhân dân và đất nước, thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp, pháp luật; chủ động, linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt trong quản lý, điều hành các lĩnh vực, vừa thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, vừa xử lý kịp thời những vấn đề đột xuất, phát sinh.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chấp hành nghiêm túc sự giám sát của Quốc hội; phối hợp chặt chẽ trong việc chuẩn bị nội dung, xây dựng và thực hiện chương trình các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tổ chức phục vụ tốt các hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Các thành viên Chính phủ đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, kiến nghị của cử tri với tinh thần trách nhiệm cao, nghiêm túc, thị, thẳng thắn. Chấp hành nghiêm túc chế độ cáo Quốc hội và Chủ tịch nước theo quy định.
Quốc hội sẽ dành 7 ngày làm việc đầu tháng 4 để kiện toàn 25 chức danh lãnh đạo, trong đó có Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng.
Kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV khai mạc sáng nay 24/3, dự kiến làm việc trong 12 ngày, trong đó dành 7 ngày để xem xét, quyết định công tác nhân sự.
Theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, khoảng 25 chức danh lãnh đạo sẽ được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp lần này, lý do là sau Đại hội XIII, một số cán bộ không tham gia Ban chấp hành Trung ương nên những vị trí họ đang giữ phải được kiện toàn.
Với chức danh Chủ tịch nước, tháng 10/2018, lần đầu tiên sau nhiều nhiệm kỳ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng – người đứng đầu Đảng, được Quốc hội bầu giữ cương vị đứng đầu Nhà nước.
Đến nay sau hơn 2 năm, ông Nguyễn Hạnh Phúc xác nhận “lần đầu tiên đương kim Thủ tướng được giới thiệu để bầu Chủ tịch nước”. Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thuộc danh sách ứng cử Quốc hội khóa XV ở khối Chủ tịch nước.
Các đại biểu được cơ cấu theo khối cơ quan nào nghĩa là đang hoặc dự kiến thời gian tới công tác trong khối cơ quan đó.
Hiện nhân sự đề cử vào chức danh Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội chưa được cơ quan có thẩm quyền công bố. Tuy nhiên, danh sách sơ bộ người các cơ quan Trung ương ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV cho thấy, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính ứng cử khối Chính phủ; còn Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ ở khối Quốc hội.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh không tái cử Trung ương khóa XIII. Trong khi đó, nhân sự giới thiệu ứng cử Quốc hội khóa mới khối Chủ tịch nước có bà Võ Thị Ánh Xuân, Bí thư Tỉnh ủy An Giang.
Khối Chính phủ có 9 thành viên không tham gia Trung ương khóa mới. Đó là Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng; các Bộ trưởng Quốc phòng, Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo; và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Đây dự kiến là các chức danh sẽ được kiện toàn.
Danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV khối Chính phủ xuất hiện nhiều gương mặt mới đại diện các Bộ ngành. Bộ Quốc phòng là Thượng tướng Phan Văn Giang – Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Quốc phòng; Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn là Thứ trưởng Lê Minh Hoan; Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch là Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng; Bộ Nội vụ là Thứ trưởng Phạm Thị Thanh Trà; Bộ Ngoại giao là Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn.
Đại diện ngành Giáo dục Đào tạo có ông Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Bộ Xây dựng hiện có Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị và Văn phòng Chính phủ có Phó chủ nhiệm Trần Văn Sơn là Ủy viên Trung ương khóa XIII.

Trong 4 thành viên Chính phủ là Ủy viên Bộ Chính trị, có hai Bộ trưởng là ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Công Thương, đã được phân công làm Trưởng ban Kinh tế Trung ương (ứng cử Quốc hội ở khối cơ quan Đảng); ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Tài chính, không tham gia ứng cử Quốc hội khóa XV ở khối Chính phủ. Còn trong các gương mặt mới được giới thiệu ứng cử khối Chính phủ có Phó ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Hồng Diên và Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc.
Ở khối Quốc hội, 12 vị không tham gia Trung ương khóa XIII gồm: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, 4 Phó chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch Hội đồng Dân tộc; Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Chủ nhiệm các Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Khoa học Công nghệ và Môi trường, Đối ngoại, Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng; và Trưởng ban Công tác đại biểu.
Nhân sự đảm nhiệm các chức danh trên dự kiến được kiện toàn tại kỳ họp lần này, trừ hai ứng viên thay Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ và Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt, do nhân sự dự kiến giới thiệu giữ các chức danh này chưa phải là đại biểu Quốc hội.
Các gương mặt mới ứng cử khối Quốc hội có Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ VN Trần Thanh Mẫn; Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Khắc Định; Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường; Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường; Bí thư Đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương Y Thanh Hà Niê Kđăm; Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Đắc Vinh…
Một số Ủy ban có nhân sự cấp phó là Ủy viên Trung ương khóa XIII, như Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà; Phó ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh.
Riêng Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Sỹ Thanh đã được giới thiệu ứng cử ở khối Kiểm toán Nhà nước.
Quy trình kiện toàn nhân sự tại kỳ họp dự kiến bắt đầu vào 30/3, kết thúc ngày 8/4. Sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp.
PV t/h ( VN Express &VTVnew)