Đặt vấn đề
Xây dựng Hệ thống chiếu sáng trên nền tảng tiêu chuẩn Xây dựng Việt Nam (TCXDVN) và định hướng phát triển chiếu sáng đô thị Việt Nam, là bước cơ bản nhất để có một hệ thống chiếu sáng hoàn chỉnh. Đó là điều kiện tiên quyết cho việc áp dụng những công nghệ khoa học mới trong thời đại mới. Để phát triển lĩnh vực chiếu sáng theo định hướng đã đề ra, các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần tìm hiểu và giải quyết được những vấn đề khó khăn, còn tồn đọng, trên cơ sở đó đề ra được những giải pháp phát triển sâu, sát, thực sự hiệu quả phù hợp với từng địa phương, đơn vị.
Từ khóa: Quản lý chiếu sáng đô thị, định hướng phát triển chiếu sáng, cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích.
*PCT HCSVN – Lâm Hữu Tùng, Chi hội trưởng Chi Hội Chiếu sáng khu vực ĐBSCL
Mục tiêu phát triển chiếu sáng
Phát triển chiếu sáng đô thị phải theo quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển đô thị; từng bước hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng chiếu sáng đô thị; đổi mới công nghệ, sử dụng năng lượng mới trong chiếu sáng đô thị nhằm tiết kiệm điện năng, góp phần phục vụ công cuộc phát triển kinh tế – xã hội và tạo dựng hình ảnh đô thị Việt Nam có bản sắc, văn minh hiện đại.
Thực trạng và những vấn đề đặt ra
Hiện nay, không chỉ đối với lĩnh vực chiếu sáng đô thị mà tất cả các lĩnh vực liên quan đến hạ tầng kỹ thuật đô thị đều được Chính phủ, Bộ ngành ban hành các quy chuẩn, quy định trong công tác quy hoạch, thiết kế. Thực tế do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan và điều kiện kinh phí còn hạn chế, cơ sở hạ tầng phát triển chưa đồng bộ, nên hiện nay, các địa phương trong khu vực đã có Quy hoạch đô thị, nhưng nhiều địa phương chưa lập hoặc chưa có Quy hoạch chiếu sáng đô thị được duyệt.
Từ đó khi triển khai thực hiện các công trình chiếu sáng công cộng chỉ giải quyết được yêu cầu sử dụng tạm thời, chưa mang tính chiến lược, lâu dài và bền vững để phù hợp với điều kiện tự nhiên, đặc điểm kinh tế, xã hội, tính chất, chức năng và đặc thù của mỗi đô thị. Song song đó, do chưa có Quy hoạch chiếu sáng đô thị được duyệt nên không có kế hoạch đầu tư trung hạn, dài hạn để dự kiến danh mục đầu tư, nguồn vốn đầu tư, chỉ có kế hoạch hàng năm nên không chủ động được về kế hoạch đầu tư phát triển. Và do cơ chế chính sách còn nhiều bất cập, nên việc kêu gọi đầu tư phát triển lĩnh vực chiếu sáng đô thị chưa thực sự thu hút các tổ chức, cá nhân và các thành phần kinh tế tham gia để xã hội hóa trong đầu tư phát triển lĩnh vực chiếu sáng đô thị. Nên thực tế các dự án, công trình chiếu sáng đô thị phần lớn chỉ được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Việc phân cấp về thực hiện quản lý chiếu sáng đô thị trên địa bàn đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành các quy định cụ thể về phân cấp quản lý chiếu sáng đô thị, trong đó quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân tham gia tổ chức chiếu sáng tại đô thị; quy định về quản lý và vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị trên địa bàn được giao quản lý và tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định này, đây là một bước đột phá rất quan trọng về chính sách làm cơ sở pháp lý cho các đơn vị quản lý, vận hành được chủ động, nâng cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, quản lý tài sản.
Việc áp dụng phương thức cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích theo Nghị định 130/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ đối với việc lựa chọn đơn vị quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị các địa phương thực hiện chưa đồng nhất, cơ chế không ổn định, có địa phương tổ chức bằng hình thức đấu thầu, có địa phương thì tổ chức đặt hàng hoặc giao kế hoạch và thời gian ký kết thực hiện hợp đồng quản lý, vận hành chỉ được ký từng năm.
Từ đó việc cung ứng dịch vụ công ích mang tính thời vụ, thiếu tính bền vững nên ảnh hưởng đến tâm lý, chiến lược đầu tư làm cho các đơn vị chưa mạnh dạn trong đầu tư, mua sắm các phương tiện, thiết bị, nhân lực vì khả năng thu hồi vốn đầu tư, tính khả thi chưa có cơ sở tính toán xác định cụ thể, từ đó ít nhiều làm hạn chế năng lực hoạt động của các đơn vị quản lý, vận hành.
Các đơn vị quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị hiện nay đều có năng lực về đội ngũ cán bộ và công nhân; trang thiết bị và phương tiện kỹ thuật cần thiết để đáp ứng các yêu cầu cơ bản trong thực hiện nhiệm vụ của công tác quản lý, vận hành. Tuy nhiên thực tế vẫn còn thiếu trang thiết bị và phương tiện kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu phát triển về lâu dài.
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu về chiếu sáng đô thị phục vụ công tác quản lý chiếu sáng trên địa bàn các tỉnh trong khu vực còn nhiều bất cập, chưa được thực hiện đầy đủ, khoa học do trước đây hệ thống chiếu sáng công cộng tại thành phố, quận huyện, thị xã do nhiều đơn vị quản lý, chưa thống nhất về một đơn vị đầu mối quản lý. Kinh phí đầu tư hàng năm còn hạn chế nên chưa triển khai, áp dụng được các công nghệ chiếu sáng mới, hiệu suất cao, chưa có chế độ giám sát tự động nên việc điều tiết công suất tiêu thụ, xác định hư hỏng… còn thực hiện theo biện pháp kiểm tra, thống kê truyền thống.
Kết cấu lưới điện chiếu sáng hầu hết nhờ trụ của Điện Lực, cho nên theo quy định về quản lý các vị trí nguy hiểm trên lưới điện theo quyết định số 43/QĐ-EVN SPC ngày 10 tháng 01 năm 2011 của Tổng công ty Điện Lực Miền Nam về việc đảm bảo không phát sinh lưới 02 nguồn điện tại một vị trí trụ nên chiều dài tuyến chiếu sáng nằm trong giới hạn khoảng cách từ trạm biến áp Điện Lực nguồn đến vị trí trụ dừng, dẫn đến bố trí trạm chiếu sáng có công suất không đồng đều: có trạm nặng tải, có trạm lại non tải.
Biện pháp tiết giảm điện năng, tắt xen kẽ đèn chiếu sáng, không thực sự là một biện pháp tiết kiệm điện năng lâu dài, bền vững mà chỉ là giải pháp mang tính chất tạm thời trong việc giảm điện năng tiêu thụ có thể gây ảnh hưởng đến vấn đề an toàn giao thông, an ninh trật tự.
Riêng về chiếu sáng ngõ xóm do không có kinh phí đầu tư, việc thực hiện chủ yếu xã hội hóa, vận động người dân đóng góp, việc thực hiện mang tính chất tạm thời, đa phần vật tư, thiết bị tận dụng lại, không đúng quy chuẩn gây lãng phí điện năng, mất thẩm mỹ và không an toàn.
Một số định hướng phát triển chiếu sáng KV ĐBSCL
Với những khó khăn còn tồn đọng, định hướng phát triển chiếu sáng khu vực đồng bằng sông Cửu Long để hướng đến một hệ thống chiếu sáng hoàn thiện, cụ thể:
Thứ nhất, Quy hoạch và kế hoạch phát triển hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị: Lập và phê duyệt quy hoạch chiếu sáng đô thị hoặc bổ sung nội dung quy hoạch chiếu sáng đô thị trong quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết đô thị; Lập kế hoạch đầu tư, phát triển hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị theo quy hoạch được phê duyệt; trong đó có kế hoạch huy động nguồn vốn, đầu tư xây dựng, quản lý vận hành, đào tạo nâng cao năng lực cho các đơn vị quản lý hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị hàng năm và dài hạn.
Thứ hai, Nguồn vốn đầu tư, phát triển hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị: Ưu tiên nguồn vốn đầu tư từ ngân sách để phát triển hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị. Vận động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị với các hình thức khác nhau theo quy định hiện hành.
Thứ ba, Về cơ chế, chính sách đầu tư trong lĩnh vực chiếu sáng đô thị, cần tập trung vào những vào những nhiệm vụ: Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư xây dựng hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị; Xây dựng cơ chế chính sách huy động vốn đóng góp của người dân và nhà nước cùng thực hiện đầu tư xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp chiếu sáng ngõ, hẻm trong đô thị.
Thứ tư, Áp dụng tiêu chuẩn và quy chuẩn, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực chiếu sáng đô thị, gồm: (1). Áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia chiếu sáng hiện hành trong công tác quy hoạch, thiết kế. (2). Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về chiếu sáng đô thị nhằm thu thập, xử lý, lưu trữ và cung cấp các thông tin, dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý, thiết kế. (3). Tăng cường các hoạt động của Chi hội Chiếu sáng khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhằm phổ biến kiến thức, tuyên truyền, nâng cao ý thức về sử dụng tiết kiệm điện và sử dụng các sản phẩm chiếu sáng hiệu suất cao.
Thứ năm, Tham mưu thực hiện hợp đồng quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị với thời gian từ 03 năm đến 05 năm (thay vì 01 năm như hiện nay) để tạo điều kiện cho các đơn vị quản lý vận hành mạnh dạn trong đầu tư phương tiện, thiết bị, nhân lực để nâng cao hiệu suất trong công tác.
Thứ sáu, Tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực chiếu sáng đô thị: tham gia các khóa đào tạo nguồn nhân lực bao gồm đào tạo cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật về vận hành, bảo trì chiếu sáng đô thị. Tăng cường công tác trao đổi thông tin, cập nhật các ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ về chiếu sáng đô thị.
Lĩnh vực công nghệ ngày càng phát triển, việc ứng dụng những tiến bộ về khoa học kỹ thuật vào lĩnh vực chiếu sáng để hướng đến chiếu sáng thông minh, cần có một định hướng phát triển và đạt tiêu chuẩn, hướng dần hoàn thiện hệ thống chiếu sáng. Đó là nhiệm vụ của tất cả chúng ta.