Tóm tắt
Vùng Duyên hải Bắc bộ gồm các tỉnh: Hải phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình,… nằm ở Đông nam Đồng bằng Bắc bộ. Đây là địa bàn đông dân, đất đai phì nhiêu, có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế nông nghiệp, nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm, nhân lực, vật lực cho quá trình xây dựng, phát triển, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Với vị trí quan trọng của vùng, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã chủ trương tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn, ban hành nhiều chính sách, tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp của vùng. Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 100-CT/TW, đã quy định chủ trương thực hiện cơ chế khoán sản phẩm cuối cùng tới nhóm và người lao động; năm 1988, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về “Đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp”,… Tuy nhiên trước yêu cầu và tốc độ phát triển nhanh chóng của nền kinh tế hội nhập, có những chính sách đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng kịp yêu cầu trong quá trình phát triển kinh tế vùng. Trong khuôn khổ điều kiện giới hạn, bài viết sẽ tổng hợp, đánh giá một số nội dung chủ yếu việc thực thi các chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn Vùng Duyên Hải Bắc Bộ theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Những vấn đề đặt ra
Từ thực tiễn cho thấy để tạo động lực cho sự phát triển cần phải đổi mới các chính sách đảm bảo đúng quy luật, hợp lòng dân, đặc biệt là đổi mới về tổ chức, về chính sách và cơ chế quản lý. Trước những khủng hoảng của mô hình tổ chức sản xuất tập thể vào cuối những năm 1970, dẫn đến sức sản xuất của ngành nông nghiệp giảm sút, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 100-CT/TW, đã quy định chủ trương thực hiện cơ chế khoán sản phẩm cuối cùng tới nhóm và người lao động; năm 1988, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về “Đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp”. Từ đó đã khơi dậy các tiềm năng to lớn trong từng hộ gia đình nông dân, từ chỗ không thiết tha đến ruộng đất, nông dân đã có ý thức chăm sóc và sử dụng đất đai có hiệu quả hơn. Nhờ đó, nông nghiệp ở nước ta phát triển mạnh mẽ, tạo được những thành tựu quan trọng góp phần ổn định xã hội, phát triển kinh tế quốc dân.
Tuy nhiên, những năm gần đây khi nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu, rộng hơn vào kinh tế thế giới, ngành nông nghiệp nước ta đang đứng trước những thách thức. Tăng trưởng nông nghiệp vẫn chủ yếu theo hướng tăng diện tích, tăng vụ và các yếu tố đầu vào; Dẫn đến, ngành trồng trọt đang sử dụng nguồn tài nguyên lớn, nhưng giá trị gia tăng thấp và chưa xác định được cơ cấu cây trồng tối ưu ở các vùng sinh thái; ngành chăn nuôi đã phát triển đa dạng các loại sản phẩm truyền thống và sản phẩm mới nhưng chưa hình thành được các phương thức sản xuất tập trung hợp lý, có hiệu quả và bền vững; Ngành lâm nghiệp sử dụng quỹ đất lớn nhất nhưng chưa hình thành được các phương thức kinh doanh kết hợp giữa cây rừng với các loại cây nông nghiệp, dược liệu và chăn nuôi, khai thác gỗ với lâm sản; Ngành thủy sản đã phát triển các vùng nuôi trồng đa dạng nhưng thiếu gắn kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ. Trong đó kinh tế nông nghiệp Vùng Duyên Hải Bắc bộ cũng không nằm ngoài tình hình và bối cảnh chung của nông nghiệp Việt Nam.
Như vậy có thể dễ dàng nhận thấy động lực cho sự tăng trưởng nông nghiệp có biểu hiện chững lại. Do vậy, nông nghiệp, nông thôn, nông dân đang rất cần những động lực mới để tăng trưởng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là xem xét, đánh giá tổng thể việc ban hành và thực thi các chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp; trong điều kiện giới hạn, bài viết sẽ tổng hợp, đánh giá một số nội dung chủ yếu việc thực thi các chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn Vùng Duyên Hải Bắc Bộ theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Giai đoạn 2005-2015, việc ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn các tỉnh, thành phố Vùng Duyên Hải Bắc Bộ đã được chính quyền (HĐND, UBND cấp tỉnh, thành phố) tập trung cao xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế, phát huy các nguồn lực thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển theo hướng CNH, HĐH; nhiều mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp, hình thức sản xuất mới nông nghiệp được hình thành và nhân rộng; năng suất, chất lượng, hiệu quả các ngành sản xuất nông nghiệp chủ lực được nâng lên, tính cạnh tranh cao, có nhiều mặt hàng được xuất khẩu, thu nhập của nông dân được nâng lên.
Hạn chế, bất cập trong việc thực thi chính sách
Qua quá trình nghiên cứu việc triển khai hệ thống các chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở các tỉnh, thành phố Vùng Duyên hải Bắc Bộ, còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Cụ thể:
Một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn chậm ban hành, quá trình triển khai thực hiện thiếu đồng bộ, ch¬ưa được điều chỉnh kịp thời khi phát sinh vướng mắc; chưa thực sự là đòn bẩy để thúc đẩy kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp phát triển và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư. Thiếu những chính sách, giải pháp đột phá cho phát triển nông nghiệp, nhất là chính sách đất đai, dồn điền, đổi thửa; chính sách đầu tư, thu hút vốn tư nhân; tín dụng cho nông dân; chính sách khoa học công nghệ.
Về Chính sách đất đai: hiện nay tình trạng đất sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và phân tán tạo áp lực lớn trong việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, đặc biệt là cơ giới hóa ở một số khâu. Cơ chế chính sách hỗ trợ trong việc thuê đất, đấu thầu, chuyển nhượng đất còn hạn chế, nên việc tích tụ đất để phát triển thành các vùng sản xuất chuyên canh chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản tập trung theo hướng hàng hoá rất khó khăn. Tình trạng thu hồi đất lúa cho các mục đích phi nông nghiệp còn lãng phí. Cơ chế xác định giá cả đền bù chưa hợp lý, giải quyết việc làm cho người dân sau khi bị thu hồi đất chưa thỏa đáng.
Về Chính sách huy động nguồn lực: cho đầu tư phát triển còn thiếu cơ chế hỗ trợ để sản xuất theo quy trình khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ. Các ngân hàng chưa thực sự hướng tới nông nghiệp, nông thôn. Chủ yếu ban hành chính sách hỗ trợ phần kỹ thuật đơn lẻ ở khâu sản xuất; thiếu cơ chế chính sách hỗ trợ chế biến, tiêu thụ, nên mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật chưa được mở rộng. Cơ chế chính sách mới quan tâm khâu sản xuất, chưa chú trọng khuyến khích khâu tiêu thụ, chế biến – đây là mắt xích quan trọng nhất trong sản xuất hàng hóa. Mặt khác hỗ trợ giai đoạn vừa qua rất giàn trải, trong điều kiện nguồn lực có hạn nên nhiều chính sách chưa phát huy hiệu quả.
Cơ chế chính sách chưa huy động tốt nguồn lực để chuyển đổi nền sản xuất sang quy mô lớn hàng hóa giá trị cao; Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông nghiệp chịu nhiều rủi ro, nhưng chưa có cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích mạnh để thu hút nên số lượng doanh nghiệp vào nông nghiệp rất hạn chế. Mức kinh phí đầu tư còn chiếm tỷ lệ thấp so với tổng đầu tư trên từng địa bàn tỉnh, thành phố; đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp còn thấp, chiếm khoảng 6% so với tổng chi ngân sách (chủ yếu là trợ giá giống, phân bón, cho hộ nghèo vay vốn ưu đãi, trợ cấp khi có thiên tai). Kinh phí bố trí cho nghiên cứu khoa học còn phân tán cho nhiều ngành, địa phương; chưa tập trung hướng vào sản phẩm có tính ứng dụng cao; còn phân bổ theo đề tài hằng năm, chưa xuất phát từ thực tế yêu cầu phát triển của sản xuất nên chưa khuyến khích các thành phần kinh tế khác tham gia và chưa khuyến khích cán bộ khoa học nhiệt tình sáng tạo.
Nguyên nhân chính của những hạn chế, yếu kém
Về khách quan: Do điểm xuất phát của nền kinh tế thấp; tốc độ đô thị hoá và tăng trưởng kinh tế cao, thu hút đầu tư lớn đã nảy sinh những mâu thuẫn giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội; Nhu cầu đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn lớn, song khả năng đáp ứng của các nguồn lực còn thấp. Tư duy về kinh tế thị trường của đại bộ phận nông dân còn nhiều hạn chế; tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, gây thiệt hại lớn cho sản xuất và đời sống của người dân; tác động của suy thoái kinh tế ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới; giá vật tư đầu vào sản xuất nông nghiệp liên tục tăng, giá đầu ra giảm; các cơ chế chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa hoàn thiện, chưa tạo được lộ trình và quy tắc trong quá trình điều hành, quản lý và phát triển; Tập quán sản xuất của nông dân còn lạc hậu; vốn tích lũy đầu tư mở rộng quy mô sản xuất không đáp ứng được nhu cầu; lúng túng và gặp khó khăn định hướng sản xuất hàng hóa. Nguồn lực ngân sách còn hạn chế chưa có chính sách bảo hộ cho nông nghiệp, nông dân; Nhiều chính sách ban hành song thiếu nguồn lực đầu tư nên hỗ trợ mức thấp khó phát huy hiệu quả. Thiếu quy hoạch tổng thể các vùng trọng điểm sản xuất hàng hóa qui mô đủ lớn; chưa có quy hoạch chi tiết cho từng sản phẩm theo nguyên tắc hình thành chuỗi giá trị trên cơ sở lợi thế tiểu vùng. Tốc độ đô thị hóa của thành phố ở mức cao, làm thu hẹp đất đai và không gian phát triển nông nghiệp, gây không ít sự xáo trộn quy hoạch trong nông nghiệp. Sự thu hút đầu tư lớn trong các ngành phi nông nghiệp đã nẩy sinh mâu thuẫn giữa tăng trưởng ngành nông nghiệp với các ngành công nghiệp-xây dựng và thương mại dịch vụ. Việc hướng dẫn một số chủ trương, chính sách chậm được cụ thể hóa, còn lúng túng. Cơ chế, chính sách của Nhà nước, hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X), chương trình xây dựng nông thôn mới chưa đồng bộ, chưa tạo động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn; Quá trình triển khai tại các địa phương đã bộc lộ một số bất cấp về trình tự, thủ tục, sản phẩm và dự toán kinh phí… gây nhiều khó khăn, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các nhiệm vụ tại các địa phương.
Về chủ quan: Tư duy và nhận thức về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn chưa đầy đủ, chưa đổi mới theo kịp đòi hỏi của thực tiễn thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Còn quá tập trung vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế chủ yếu thông qua phát triển công nghiệp, dịch vụ, mở rộng đô thị và coi đó là nội dung chính của công nghiệp hoá, hiện đại hoá mà xem nhẹ việc phát triển nông nghiệp, nông thôn và giải quyết các vấn đề bức xúc của nông dân, nên chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và huy động nguồn lực tương xứng đầu tư cho lĩnh vực này; Việc lãnh đạo phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa ở một số địa phương còn lúng túng cả về nội dung và phương pháp, do đó chưa xây dựng được chương trình hành động cụ thể, thiếu giải pháp đồng bộ về tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản phẩm và tính thực tế khi triển khai các chương trình, dự án. Có tâm lý thụ động, ỷ lại, trông chờ vào hỗ trợ từ ngân sách. Quy mô đất sản xuất nông nghiệp giảm, ruộng đất phân tán, manh mún, tích tụ ruộng đất chậm, trong khi ban hành chính sách quản lý đất đai còn nhiều bất cập, tạo rào cản cho phát triển nông nghiệp sản xuất quy mô lớn và khả năng áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất. Việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện một số chính sách cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp chậm, chưa phù hợp; Thiếu kiểm tra, đôn đốc, phối hợp thực hiện của các cấp, các ngành. Chưa thấy hết được khó khăn của doanh nghiệp nông nghiệp nên quan điểm đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp còn chừng mực; Mặt khác chưa thấy rõ vai trò đầu tàu trung tâm của doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi nền sản xuất từ nhỏ lẻ sang quy mô lớn để đảm bảo có nguồn lực đầu tư cho sản xuất, đồng thời liên kết nông dân để tạo sản phẩm tập trung quy mô lớn gắn thương hiệu có sức canh tranh trên thị trường. Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của một bộ phận cán bộ, nhất là ở cơ sở nhiều mặt chưa đáp ứng yêu cầu; khả năng tham mưu, đề xuất, cụ thể hoá chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để áp dụng còn yếu. Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ, đội ngũ doanh nhân nông thôn còn nhiều hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; thiếu đội ngũ cán bộ giỏi, tâm huyết về xây dựng nông thôn mới làm nòng cốt chỉ đạo thực hiện ở cơ sở.
Giải pháp đề xuất
Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trên trong quá trình ban hành và thực thi các chính sách về phát triển nông nghiệp trên địa bàn Vùng Duyên Hải Bắc Bộ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đồng thời đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế nông nghiệp trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, cần tập trung vào các nhóm giải pháp chính sách sau:
Thứ nhất, Các giải pháp chính sách về cơ cấu vốn đầu tư: Do tỷ lệ đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chủ yếu là đầu tư ngân sách; do vậy cùng với điều chỉnh tỷ trọng vốn đầu tư ngân sách, chính phủ và chính quyền các địa phương cần sớm có cơ chế và chính sách rõ hơn về đất đai, thuế, và đảm bảo đầu tư để kêu gọi, thu hút vốn của doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài vào sản xuất nông nghiệp, nhất là kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài vào các ngành có nhiều lợi thế và năng lực cạnh tranh cao; xác định nguồn vốn đầu tư nước ngoài vừa có vai trò là động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, vừa có vai trò tạo công nghệ mới, năng cao năng lực cạnh tranh cho sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.
Thứ hai, Các giải pháp chính sách về cơ cấu sử dụng đất nông lâm ngư nghiệp: Sớm đổi mới quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp theo hướng: Đối với diện tích đất sử dụng vào xây dựng cơ sở hạ tầng của sản xuất và phần diện tích đất bố trí để phát triển công nghiệp, dịch vụ và các công trình văn hóa, phúc lợi xã hội ở nông thôn, cần có các nghiên cứu về đô thị hoá nhằm có các quy hoạch sử dụng đất khoa học, rõ ràng và mang tính chiến lược dài hạn để tránh tình trạng đầu cơ ruộng đất làm giảm sút việc phát triển nông nghiệp. Triển khai quy hoạch mềm trên diện tích đất, mặt nước được sử dụng vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp lâu dài; Quy hoạch mềm thể hiện các phương án về bố trí cây trồng, vật nuôi cụ thể cho từng loại đất, mặt nước theo lợi thế từng vùng và tiểu vùng, có thể thay đổi linh hoạt theo tín hiệu thị trường. Đổi mới chính sách hạn mức sử dụng theo hướng: Thời hạn sử dụng tối đa đối với đất vượt hạn mức chuyển sang chế độ thuê không quá thời hạn giao đất; Đối với đất thuê lại hoặc nhận chuyển nhượng để sản xuất nông nghiệp thì không hạn chế mức tối đa, mà tuỳ thuộc vào quy mô của dự án của đầu tư khi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thứ ba, Các giải pháp chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu công nghệ, phát triển khoa học công nghệ: Tăng mức đầu tư cho nghiên cứu phát triển KH-CN, đẩy mạnh phân cấp và tăng quyền tự chủ cho các cơ sở nghiên cứu công nghệ mới, xã hội hóa công tác tạo công nghệ mới và bảo vệ bản quyền. Trước hết tăng cường đầu tư kinh phí của Nhà nước cho nghiên cứu nông nghiệp tiến sát với các nước có nền nông nghiệp phát triển (hiện đạt mức 2% trong giai đoạn 2005-2015).
Thứ tư, Các giải pháp chính sách và thể chế về phát triển thị trường trong và ngoài nước: Xây dựng thị trường nông sản có tổ chức, thống nhất giữa xuất khẩu và tiêu thụ nội địa thông qua viêc tổ chức tại các ngành hàng sản xuất, xây dựng hệ thống sản xuất nông nghiệp vừa đạt quy mô về số lượng cần thiết theo nhu cầu thị trường, vừa đảm bảo chất lượng đồng đều, vừa đáp ứng yêu cầu khách hàng; nhanh chóng xây dựng “nguồn gốc” sản phẩm cho những sản phẩm xuất khẩu. Xây dựng khung pháp lý và cơ sở hạ tầng phục vụ cho giao dịch thương mại nông sản theo phương thức kinh doanh mới.
Thứ năm, Các giải pháp chính sách về quản lý nhà nước và đa dạng hoá các thành phần kinh tế: Sớm xây dựng các yếu tố đánh giá chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, thành phố, như: Chi phí gia nhập thị trường; Tính năng động và tiên phong của chính quyền; Tính minh bạch và trách nhiệm; Mức độ ưu đãi doanh nghiệp nhà nước; Phát triển doanh nghiệp tư nhân; Chi phí thời gian thanh tra và kiểm tra; Giá đất đai và mặt bằng; Chi phí không chính thức; Mức độ thực hiện chính sách của trung ương. Thực hiện các yếu tố trên sẽ có tác dụng thu hút đầu tư tư nhân và nước ngoài, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nông nghiệp. Về các chính sách thúc đẩy việc phát triển đa dạng hoá các hình thức hợp tác của kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác, cần dựa trên các yếu tố thúc đẩy các mô hình thể chế mới ra đời và xem xét các yếu tố thúc đẩy việc nhân rộng; Do vậy, cần tập trung vào các giải pháp chính sách nhằm hỗ trợ quá trình nhân rộng các mô hình này. Chú trọng khuyến khích sự phát triển đa dạng các loại hình hợp tác ở nông thôn từ hình thức sơ khai như nhóm tổ đổi công đến các loại hình hợp tác chính thức ở cấp cao như hiệp hội, HTX, từ HTX chiều ngang trong các HTX đến hợp tác chiều dọc trong một ngành hàng hay từ hợp tác đơn chuyên khâu một sản phẩm đến hợp tác nhiều khâu đa sản phẩm. Cần phân biệt bản chất của kinh tế hợp tác với các loại hình kinh tế khác, phân biệt bản chất kinh tế của HTX, hiệp hội của người sản xuất với loại hình doanh nghiệp cổ phần. Trong nông thôn việc khuyến khích các hình thức dịch vụ khác nhau hỗ trợ cho người sản xuất phát triển nhưng cũng cần phải hỗ trợ cho người sản xuất tự tổ chức hợp tác với nhau để làm dịch vụ cho chính mình./.
Tài liệu tham khảo1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2010), Nông nghiệp công nghệ cao – Nền tảng cho phát triển nông nghiệp. |
*Thạc sỹ Phạm Ngọc Quỳnh
(Trưởng phòng giáo dục Huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng.
ĐT: 0977921886
Email: phamngocquynhhuvb@gmail.com)