Trong khi thế giới vẫn đang tiếp tục chiến đấu với dịch Covid-19, các chuyên gia lo ngại rằng nếu không có những hành động cần thiết, một loại virus chết người khác có thể xuất hiện từ các thị trường buôn bán động vật hoang dã tại châu Á.
“Động vật buôn bán thương mại có thể mang mầm bệnh mà người hoặc động vật khác không có phản ứng miễn dịch. Do đó, mầm bệnh đó có thể được truyền qua một số cách, bất kể động vật được buôn bán hợp pháp hay bất hợp pháp”, Steven Galster nói trên tờ Independent ngày 26/2/2021, trong nỗ lực chống buôn bán động vật hoang dã làm lây nhiễm Covid-19. Ông nói tiếp: “Chúng tôi đang làm việc với các tổ chức bảo tồn động vật hoang dã có nguy cơ khỏi tay những kẻ săn trộm do cuộc khủng hoảng kinh phí bảo tồn vì Covid-19 gây ra. Rất cần sự giúp đỡ để hỗ trợ lực lượng kiểm lâm động vật hoang dã, cộng đồng địa phương và nhân viên thực thi pháp luật để ngăn chặn tội phạm về động vật hoang dã”.

Ông Galster cảnh báo việc tiếp tục buôn bán động vật hoang dã thương mại ở Đông Nam Á là “quả bom hẹn giờ tích cực”, có nguy cơ bùng phát một loại dịch virus mới. Sáu đại dịch hoặc các đợt bùng phát dịch truyền từ động vật hoang dã-HIV, Ebola, Cúm gia cầm, SARS, MERS, và bây giờ là Covid-19-đã gắn liền với sự tàn phá động vật hoang dã và môi trường sống của chúng.
Có hai động lực chính của sự bùng phát dịch như vậy. Thứ nhất, việc chuyển đổi môi trường sống hoang dã, đẩy động vật hoang dã vào các trang trại và cộng động; thứ hai, buôn bán thương mại động vật hoang dã gia tăng, kéo động vật từ môi trường sống của chúng vào các khu vực đô thị. Cả hai hành trình đó, tạo điều kiện cho động vật hoang dã gần với con người và chúng lan truyền virus có thể không gây hại cho chúng nhưng gây hại lớn cho con người, giết người.

Cuộc điều tra gần đây của WHO ở Vũ Hán về nguồn gốc của Covid-19 đã kết luận rằng, virus này nhiều khả năng đến từ chuỗi cung ứng thương mại, từ các trang trại chăn nuôi động vật hoang dã Trung Quốc hoặc Đông Nam Á. Một số tổ chức bảo vệ động vật hoang dã cũng đã kêu gọi chính phủ các nước ở Đông Nam Á đóng cửa các chợ động vật hoang dã để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Cũng trên tờ Independent hôm 26/2 nêu lên tình trạng các ‘trang trại hổ’ đã biến một loài động vật hoang dã thành một loài có giá trị hơn khi chúng đã chết như thế nào. Đó là hổ ở các khu vực Đông Á và Đông Nam Á có thể được bán ở dạng đóng chai, được bán công khai trong các trung tâm chăn nuôi công nghiệp như rượu cao hổ, được cho là có tác dụng điều trị bệnh viêm khớp. Theo các chuyên gia, đây là hiện tượng cần ngăn chặn.
Trước đó, vào ngày 24/2, tờ Independent có bài “Buôn lậu hổ núp bóng các trang trại nuôi ở Lào và Thái Lan”. Thông tin cho hay, vụ bắt giữ hàng cấm trên đường từ Nigeria đến Việt Nam vào tháng 1/2021 đã gây sốc về quy mô của hoạt động buôn bán động vật hoang dã khi cơ quan Hải quan Nigeria phối hợp với Lực lượng Biên phòng Anh ngăn chặn một lô hàng gồm 10 tấn ngà, xương và vảy được cho là của 709 cá thể voi, 11 cá thể sư tử và 10.658 cá thể tê tê. Tổ chức chống buôn lậu động vật hoang dã Freeland tin rằng việc buôn bán hổ được điều hành bởi “Tiger Queens” (“Những nữ hoàng hổ”) trên khắp khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh số lượng hổ trong tự nhiên chỉ còn chưa đầy 4.000 cá thể.
Tiến sĩ Mark Jones thuộc Tổ chức Từ thiện Phúc lợi Động vật Quốc tế (Born Free) ước tính có hơn 8.300 cá thể hổ đang bị nuôi nhốt trên khắp Đông Nam Á và Đông Á trong khi con số này tại Hoa Kỳ là 5.000 cá thể. Các trang trại hổ là một phần của hoạt động buôn bán hổ rộng lớn hoạt động trong nhiều thế kỷ dựa trên nhu cầu về các bộ phận hổ ở Đông Nam Á và Đông Á và được sử dụng chủ yếu cho các bài thuốc y học cổ truyền Trung Quốc.
HUY ĐẠT