Nằm trên núi Cấm ở huyện Tịnh Biên (An Giang), ấp Vồ Bà của xã An Hảo không thể tiếp cận lưới điện quốc gia nhưng cuối năm 2018 tất cả 100% hộ dân đã có điện xài từ năng lượng mặt trời.
Từ trụ sở xã An Hảo ngồi xe ôm theo con đường nhỏ ngoằn ngoèo lên núi Cấm đôi lúc dốc dựng đứng muốn “rụng tim”, chúng tôi đến nhà ông Đặng Văn Phước 52 tuổi. Trong căn nhà cheo leo vách núi, ông Phước kể vợ chồng ông có 2 con với 8.000 m2 đất trồng cây ăn trái và thêm nghề chạy xe ôm đón đưa khách du lịch. Về kinh tế, nói chung tạm ổn. Nhưng lưới điện quốc gia không thể kéo lên sườn núi nơi dân cư thưa thớt nên sinh hoạt của gia đình ông rất vất vả. Chục năm trở về trước leo lét đèn dầu, tiếp đó có doanh nghiệp tư nhân bán “tấm năng lượng” (pin năng lượng mặt trời) và gia đình ông dành dụm mãi mới lắp được 2 tấm để thắp sáng vì chi phí khá cao.

Năm 2018, Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh An Giang thực hiện Dự án Năng lượng xanh, giảm 50% chi phí đầu tư và hỗ trợ tín dụng cho số vốn còn lại thì gia đình ông lắp thêm 4 tấm. Để sử dụng điện năng lượng mặt trời, ngoài các tấm pin còn phải có bình trữ điện, bộ chuyển đổi điện một chiều thành xoay chiều, thiết bị điều khiển nạp. Nhờ đó, từ cuối năm 2018, gia đình ông có điện đáp ứng các nhu cầu thiết yếu như thắp sáng 13 bóng đèn, xem ti vi, quạt máy.
Gần nhà ông Phước là gia đình bà Nguyễn Thị Tuyết 53 tuổi, kinh doanh nhà nghỉ và quán cà phê phục vụ khách du lịch nên điện mặt trời đưa lại lợi ích khá lớn. Bà kể, trước đây gia đình bà phải chạy máy phát điện riêng tốn kém và vất vả. Rồi chục năm trước lắp “tấm năng lượng” chỉ được vài tấm vì giá cao nên lượng điện hạn chế, không đủ sử dụng. Năm 2018 được Dự án GreenID hỗ trợ, gia đình bà lắp 20 “tấm năng lượng”. Từ đó, đủ điện thắp sáng, xem ti vi, nấu cơm, bơm điện cấp nước cho 20 cái nhà tắm phục vụ du khách.

“Xã An Hảo có 3 ấp ở trên núi, trong đó, ấp Vồ Bà gặp khó khăn nhất về điện sinh hoạt”, Phó chủ tịch UBND xã Chau Khonh cho biết. Theo ông Khonh, cuối năm 2018 khi Dự án của GreenID hỗ trợ, tất cả 80 hộ của ấp Vồ Bà có điện mặt trời sinh hoạt nhưng đến tháng 7/2020, sáp nhập thêm 120 hộ của ấp Rau Tần với nhiều hộ chưa có điện nên bây giờ ấp Vồ Bà lại tình trạng nhiều hộ chưa có điện sinh hoạt. “Chúng tôi rất mong được cấp trên và các tổ chức xã hội gần xa hỗ trợ cho tất cả hộ dân ở ấp Vồ Bà có điện sinh hoạt. Chưa thể kéo điện lưới quốc gia thì lắp điện mặt trời vừa cải thiện cuộc sống vừa góp phần phát triển Khu Du lịch Lâm viên Núi Cấm của tỉnh An Giang”, ông Chau Khonh tha thiết.
Đại diện GreenID cho biết kinh nghiệm lắp đặt pin năng lượng mặt trời cho các hộ dân ấp Vồ Bà năm 2018, nhờ quản lý tốt, giá một hệ thống 200Wp giảm dần từ 200USD xuống 150USD. Để đảm bảo tính bền vững của hệ thống, đội thợ địa phương được thành lập và đào tạo trở thành những người lắp đặt và hướng dẫn sử dụng mô hình năng lượng mặt trời cho các hộ gia đình. Nhóm thợ này có thể cung cấp ngay các dịch vụ lắp đặt, bảo dưỡng cho người dân khi có vấn đề xảy ra và có thể tăng thêm thu nhập từ công việc này.
“Ban đầu, đa số hộ dân quyết định lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà với công suất phổ biến là 200Wp. Vì hệ thống này phù hợp với nhu cầu và chi phí hợp lý với điều kiện kinh tế hiện tại của các hộ. Về sau, nhiều hộ gia đình đã mở rộng công suất hệ thống ở gia đình của họ lên đến 500 – 1000Wp. Sự chủ động của các hộ dân khi được khuyến khích và tạo điều kiện đã làm cho cuộc sống từng hộ và cả ấp không ngừng đi lên”, đại diện GreenID kết luận.
SÁU NGHỆ