Ngày 24 tháng 10 năm 2018 được sự thống nhất, bảo trợ và chỉ đạo của Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, tại TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Internet Việt Nam và Tập đoàn IEC, Triển lãm quốc tế Smart IoT đã tổ chứcHội thảo và Triển lãm quốc tế Smart IoT 2018. Với chủ đề “Hiện thực hóa tiềm năng và khai phá thị trường Internet vạn vật (IoT) của Việt Nam”, Hội thảo và Triển lãm quốc tế về Smart IoT Việt Nam 2018 đã thu hút được sự quan tâm của các Bộ, ngành, các tổ chức trong nước và quôc tế. Cùng trong hoạt động, sự kiện Triển lãm quốc tế về Smart IoT 2018 với quy mô hơn 40 gian hàng quy tụ các tập đoàn hàng đầu trên thế giới, trong và ngoài nước như ABB Việt Nam, Dell EMC, VNPT, Darktrace, LG Electronics, Viettel, MobiFone, ZTE, Điện Quang, BKAV, Nextfarm, BTS, Ericsson,…
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, Tân Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã đến tham dự và đồng chủ trì phiên toàn thể của Hội thảo.Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Bộ Khoa học- Công nghệ, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND Thành phố Hồ Chí Minh… với sự tham củagần 1000 đại biểu, đại diện các tổ chức quốc tế, chuyên gia hàng đầu khu vực và thế giới, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế cùng các cơ quan thông tấn báo chí trong nước, quốc tế tham dự và đưa tin.
Phát biểu đề dẫn, khai mạc Hội thảo, Tân Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, thuận lợi lớn nhất của Việt Nam là chúng ta có hạ tầng viễn thông tốt, có một số doanh nghiệp viễn thông mạnh có khả năng đầu tư trước về hạ tầng phủ sóng toàn quốc. Bộ TTTT cũng đã quy hoạch đủ số điện thoại, địa chỉ IP cho hàng tỷ thiết bị IoT.IoT sẽ tạo ra nhiều dữ liệu nhất. Đồng thời Bộ trưởng cũng ví von: “Nếu chúng ta coi dữ liệu là dầu thì IoT chính là các mỏ dầu với trữ lượng vô cùng lớn. Khai thác dữ liệu này sẽ tạo ra các giá trị mới.IoT càng nhanh bao nhiêu thì càng nhiều mỏ dầu bấy nhiêu. IoT chính là cách để giúp từng người Việt Nam có thể sáng tạo, mà điều này là rất phù hợp với tính cách đa dạng của người Việt Nam”.Với quan điểm của người đứng đầu ngành thông tin, Bộ trưởng Hùng đã đưa ra thông điệp: “Việt Nam phải phát triển một nền công nghiệp về an ninh mạng. Người Việt Nam trên toàn cầu, có rất nhiều người giỏi về an ninh mạng. Đây cũng là cơ hội của chúng ta để đảm bảo an ninh mạng cho các thiết bị IoT. Việc sớm ứng dụng, và ứng dụng rộng rãi IoT sẽ góp phần giúp Việt Nam thành cường quốc về an ninh mạng.”
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Trưởng Ban kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đã trao đổi, định hướng cho Hội thảo, tập trung vào ba nội dung:Về cách tiếp cận trong xây dựng chính sách phát triển IoT; Về nhận diện xu thế và triển vọng phát triển của IoT;Về những vấn đề then chốt trong phát triển IoT.
Theo đó, Về cách tiếp cận trong xây dựng chính sách phát triển IoT, ông Bình cho rằng “cần quan niệm IoT phải là cuộc cách mạng về chính sách và công nghệ.Dưới góc độ quốc gia, IoT phải thúc đẩy nâng cấp mạnh mẽ các ngành sản xuất, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia và xây dựng xã hội thông minh.Từ cách tiếp cận này, tôi cho rằng Việt Nam cần phải sớm xây dựng và triển khai Đề án phát triển kinh tế số quốc gia và các Chiến lược chuyển đổi số đối với các ngành kinh tế – kỹ thuật quan trọng khác trong nền kinh tế quốc dân, đồng thời cần có chính sách nâng cấp các ngành sản xuất thông qua ứng dụng sâu rộng công nghệ thông tin và tự động hóa, trọng tâm là trong các ngành công nghiệp chế tạo,…”. Về nhận diện xu thế và triển vọng phát triển của IoT, ông nhấn mạnh: “trong một vài năm nữa, IoT sẽ bao trùm hầu khắp các ngành nghề trong ba khu vực chính: Chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Qua nghiên cứu chiến lược tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư của 40 quốc gia cho thấy, hầu hết các nước đều xác định IoT là một trong những lĩnh vực ưu tiên. Đối với Việt Nam, kết quả điều tra khảo sát đối với 2.659 doanh nghiệp thuộc 17 nhóm ngành do Bộ Công thương và Tổ chức phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) thực hiện cho thấy, tỷ lệ doanh nghiêp sử dụng thiết bị không có kiểm soát bằng công nghệ thông tin hay nâng cấp để kết nối giữa các thiết bị và hệ thống khác là cao (70% và 52% doanh nghiệp khảo sát). Để có thể tăng tính sẵn sàng đối với các mô hình nhà máy thông minh, cần hỗ trợ cả phần cứng và phần mềm cho doanh nghiệp.Cần xác định IoT là một trong những ngành công nghiệp ưu tiên chiến lược trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 của Việt Nam.”
Về những vấn đề then chốt trong phát triển IoT, phân tích và đánh giáviệc kết nối internet (IoT), trên thế giới và Việt Nam, ông Bình chỉ thẳng: “Như vậy, vấn đề then chốt đầu tiên cần quan tâm là đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng. Sự phát triển IoT đặt ra yêu cầu tiếp cận mới về an toàn dữ liệu khi các thiết bị kết nối với nhau rộng khắp, các thiết bị từ nhiều nhà sản xuất khác nhau,…. Điều này liên quan đến cả nền công nghiệp, từ nhà chế tạo chip, nhà sản xuất thiết bị đến những nhà cung cấp dịch vụ trên mạng. Vấn đề tiếp theo là việc thiếu các chuẩn để thúc đẩy sự kết nối. Con người ngày càng phụ thuộc vào các thiết bị kết nối số. Các ứng dụng IoT sẽ ngày càng phổ biến rộng rãi trong đời sống con người nhưng với tốc độ chậm do thiếu hụt các tiêu chuẩn. Bên cạnh đó là các vấn đề then chốt khác như vấn đề nghiên cứu và phát triển IoT, nhân lực…Câu chuyện đặt ra là, đối với những quốc gia như Việt Nam, những vấn đề then chốt này sẽ được giải quyết như thế nào?,…Tôi đề nghị các diễn giả chính, các chuyên gia cùng nhau trao đổi để làm rõ những vấn đề gợi mở nêu trên cũng như các vấn đề đặt ra qua các hội thảo chuyên đề và được nêu trong đề dẫn hội thảo. Tôi đề nghị, Ban Chỉ đạo và Tổ Biên tập nghiên cứu để tổng hợp, chắt lọc phục vụ xây dựng Đề án trình Bộ Chính trị.”
Với chủ đề “Hiện thực hóa tiềm năng và khai phá thị trường Internet vạn vật (IoT) của Việt Nam”, chương trình Hội thảoSmart IoT Việt Nam 2018 các đại biểu, với 19 bài tham luận, các diễn giả đã đã tập trung thảo luận vàoba chuyên đề và mộtphiên báo cáo toàn thể.Chuyên đề 1 tập trung vào thảo luận chủ đề “Đảm bảo an toàn và an ninh mạng trong kỷ nguyên IoT”, chuyên đề 2 với chủ đề “Ứng dụng IoT trong đô thị thông minh”, và chuyên đề 3 với chủ đề “IoT và cuộc cách mạng trong ngành sản xuất”.
Theo đó, chuyên đề 1 tham luận chính về “Tình hình bảo mật IoT ở Việt nam: Nguy cơ và giải pháp”, tiếp theo là các tham luận chính để cụ thể hóa nội dung về các giải pháp hữu ích như: “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (Machine learning) trong phòng ngừa rủi ro an ninh mạng”; “Xu hướng mới của bảo mật đám mây”; “Giải pháp bảo mật thiết bị IoT”,…
Hội thảo chuyên đề 2 với chủ đề “Khai phá tiềm năng của IoT cho xây dựng thành phố thông minh”. Các tham luận chính về những nội dung cốt lõi như “Kiểm soát sự đa dạng và cách thức ứng dụng IoT cho đô thị thông minh”, “Vai trò của hệ sinh thái IoT đối với thành phố thông minh” sẽ được trình bày tại hội thảo. Bên cạnh đó, còn có những nội dung quan trọng khác như: “Kế hoạch tổng thể xây dựng thành phố thông minh bền vững: chia sẻ kinh nghiệm từ Anh và Hàn Quốc”; “Kiểm soát giao thông với các giải pháp IoT và dữ liệu lớn”; “Quản lí nước hiệu quả trên cơ sở ứng dụng IoT”…
Nội dung Hội thảo chuyên đề 3 tập trung vào việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại: “Phát triển sản xuất với nền tảng IoT trên đám mây”; “Phát huy sức mạnh của IoT trong đổi mới ngành sản xuất ô tô”; “Xây dựng hệ thống nông nghiệp thông minh trên nền tảng IoT”; “Chuyển đổi sang mô hình sản xuất thông minh với giải pháp IoT tân tiến”; “Nhà máy tương lai”…
Các giải pháp công nghệ cao, giải pháp máy chủ, giải pháp lưu trữ cũng như các công nghệ bảo mật dữ liệu hàng đầu trong ngành công nghệ thông tin, giải pháp về Internet vạn vật ứng dụng cộng nghệ điện toán đám mây, công nghệ điện toán biên, giải pháp an ninh mạng hàng đầu thế giới,… sẽ được các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới giới thiệu tại triển lãm.Đây cũng là cơ hội mang đến cho các khách hàng tiếp cận với các sản phẩm, giải pháp về công nghiệp thông minh trong các nhóm ngành Sản xuất, Viễn thông, Đô thị thông minh & Toà nhà thông minh, Năng lượng và Tiện ích, Giao thông & Vận tải, Nông nghiệp, Ngân hàng – Tài chính.
Hoài Nam và nhóm phóng viên