Trực quan sống động
Khoác ba lô lên vai, giữa những ngày nắng nóng đến trên dưới 40oC, ngột ngạt khói bụi, hiếm hoi bóng cây râm mát nơi thủ đô phồn hoa nhộn nhịp; Ba chúng tôi lên Cao Bằng trong tâm thế mệt mỏi. Hai đồng chí nam vừa đóng vai “đường lối”, vừa đóng vai “hoa tiêu” liên tục đốt thuốc “cho tỉnh ngủ”; đồng chí nữ duy nhất ngủ vật vạ ở băng nghế sau xe; thật không dám ví von…
Vượt cao tốc Thái Nguyên – Bắc Kan, bầu không khí như dịu dần lại, dãn ra rồi dịu mát dần. Những cánh rừng xanh ngút mắt hiện ra, như khơi lên sức sống mới trong nhóm. Dừng xe, xuống hít thở bầu không khí trong lành của đại ngàn. Hình ảnh một thôn trang ngay dưới cao tốc khiến cả nhóm trầm trồ: Hàng rào râm bụt lác đác trổ hoa đỏ bao quanh khuôn viên nhà sạch sẽ, rộng rãi với những hàng cây ăn trái, cây cảnh ngay hàng thẳng lối; phía cuối khuôn viên là chuồng gia súc hết sức bài bản; phía bên kia triền đá là đàn dê đen – trắng đang đủng đỉnh tìm đường về nhà… Hình ảnh gợi mở ra những câu chuyện trao đổi về Nông thôn mới, về những trải nghiệm bất tận, khiến chuyến đi như ngắn lại và lý thú hơn…
Đường bê tông, điện cao áp… trước đây, vốn là điều “chưa từng biết đến” đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Ấy vậy mà, “Nhờ Đảng và chính phủ, nhờ chương trình nông thôn mới, đường bê tông chạy qua cả nhà tôi, đèn điện buổi tối thì sáng trưng như ban ngày” và “Từ ngày có con đường, nước sạch cũng theo con đường này về, cái xe cũng vì có con đường này mà đi được, người dân ốm đau chỉ vèo cái là đi được đến bệnh viện rồi. Cũng nhờ có con đường mà người dưới xuôi tìm lên đây thu mua sản phẩm lúa ngô, con gà, con lợn nên bà con có tiền mà làm nhà đẹp đấy… lỗi này là tại cán bộ giải thích chưa hết với dân, chứ biết thuận tiện như thế này, biết có lợi ích thế này thì mình hiến thêm đất mình làm cái đường nó to hơn, cho cái xe nó tránh nhau cho dễ dễ tí…” – Bác nông dân ở xã Nam Tuấn (H.Hòa An, T. Cao Bằng) hồ hởi kể. Bác cũng cho biết: “Vì sợ cái đường nó hỏng lại khổ như ngày xưa cho nên mọi người tự bảo nhau ra dọn dẹp, không để cho cái cỏ nó bò vào ăn hết đường, cũng không để rác bẩn làm hỏng đường…”. Miệng nói, chân bước, bác đưa chúng tôi ra xem “lò đốt rác” của mình, bảo: “Cứ có rác là mang luôn ra đây, giờ thành thói quen rồi”.

Tận mắt chứng kiến những dải bê tông 3m “không tỳ vết” uốn lượn, trang điểm hàng cột điện cao áp thắp sáng đời sống một vùng núi của đại ngàn Tây Bắc mới thấy thấm câu “Của bền tại người”. Điều chúng tôi nhận thấy ở đây là niềm tin yêu vào đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước, là tư tưởng “xây dựng nông thôn mới cho chính mình” ngấm sâu vào mỗi người dân qua lối sống sinh hoạt, qua sự trân trọng, niềm tự hào và bảo vệ thành quả của họ. Để cảm nhận muôn vàn gian nan để đạt được giá trị của những thành tựu như ngày hôm nay, cần phải có sự đầu tư tìm hiểu về văn hóa vùng miền, về lối sống sinh hoạt, về điều kiện kinh tế của Nam Tuấn trước khi tiến hành xây dựng Nông thôn mới. Có thể nói: Vùng xuôi khó khăn một thì đối với các xã vùng cao, vùng sâu, vùng biên… phải khó khăn mười. Nhưng, đó là minh chứng hữu hiệu nhất cho việc: Không có gì là không thể, quan trọng là cách làm như thế nào?

Bao quanh là núi với núi, cây với cây. Sự sáng, đẹp của Nam Tuấn hôm nay trở thành điểm đến cho nhiều xã bạn, đặc biệt các xã có điều kiện tương tự hoặc hơn. Bà con xã Nam Tuấn nhanh chóng tiếp nhận và hưởng ứng chung sức cùng xây dựng Nông thôn mới với mong muốn thay đổi bộ mặt môi trường sống. Nam Tuấn xưa nghèo lắm, đường vào không có, cả xã chỉ trông chờ vào ít ruộng lúa, ít cây ngô, con gà, con lợn,… Nay, bà con Nam Tuấn chủ động ra ngoài làm kinh tế đem về xây dựng quê hương. Dưới sự chỉ đạo của Đảng Ủy, UBND xã và hỗ trợ của Nhà nước, bà con nơi đây chủ động hiến đất làm đường, làm nhà văn hóa,… đặc biệt, cùng phân công đảm bảo công tác vệ sinh môi trường. Mỗi thôn/bản tại Nam Tuấn đều được quy hoạch khu tập trung rác thải các loại, có lò đốt riêng, theo lịch và nhóm phụ trách cụ thể.
Hình ảnh của Nam Tuấn liên tưởng đến những hàng rào tường gạch, sành sứ giơ “nanh nhọn” dọa người,…, trước đây, tại một số địa phương như Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Thái Bình, Đồng Nai… Những bê tông cốt thép vô tội vạ từng làm mất đi nét mềm mại, hiền hòa, uyển chuyển của các làng quê. Những bê tông cốt thép không đúng vị trí cũng “phần nào” góp sức vào việc hạn chế giao lưu giữa các gia đình, giảm bớt tính cộng đồng làng xã vốn rất cần khơi dậy, duy trì như một nét văn hóa đẹp của Việt Nam. Giờ đây, những địa phương này cũng đã chủ động phát động người dân thay thế bằng hàng rào hoa, cây xanh… Những hình ảnh con đường bê tông hút mắt được đặt đúng vị trí trở thành điểm nhấn giữa những nhà, những vườn với “tường” hoa, cây xanh rợp bóng hai bên,… Đâu đó bắt gặp những cụ ông, cụ bà với cười hồn hậu, thảnh thơi giữa sân vườn cây trái thật thanh bình, thật lắng đọng – hút hồn du khách… Những hình ảnh của vùng quê yên bình, trù phú! Đâu còn nỗi lo phải giữ của, giữ nhà, giữ vườn vì mỗi người tự ý thức được trách nhiệm của mình.

Môi trường Nông thôn được cải thiện cũng chính là nâng chất đời sống người dân. Theo số liệu báo cáo: 100% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh, 100% hộ gia đình có nhà vệ sinh đạt chuẩn, hầu hết những con đường nông thôn mới không có rác,… Ông Khúc Ngọc Vinh, 56 tuổi, một hộ dân tại H. Thái Thụy (T. Thái Bình) chia sẻ: “Quê tôi vận động cùng làm đường, sửa nhà từ những năm 90 của thế kỷ trước, con em làm ăn xa đưa văn minh về với quê hương giúp mọi người thêm hiểu biết. Các thôn tự họp nhau phân công chi tiết đến từng ngõ (tổ dân cư hiện nay) về ý thức bảo vệ môi trường, thu gom rác thải trong nhà, ngoài đường. Họ nhìn nhau mà làm, chẳng ai muốn đường, nhà mình bẩn, vừa ảnh hưởng đến cuộc sống vừa bị hàng xóm chê cười…”
Cùng với xây dựng Nông thôn mới, những bản sắc văn hóa xưa dần được phục hồi, bảo tồn và phát triển. Gà lên chuồng, những giọng dân ca lại cất lên mộc mạc. Những điệu lý, hát chèo, đờn ca cải lương… râm ran khắp trên dải đất hình chữ S thơ mộng như tại Nghi Xuân (Hà Tĩnh), Hòa Bình (Bạc Liêu), Quảng Điền (Thừa Thiên Huế), một số xã tại Thái Bình, Hưng Yên, Bắc Ninh… Sau bữa cơm chiều, con cái ngoan ngoãn ngồi bàn học, bố mẹ – ông bà ngồi bên ấm trà (miền Bắc) hay ly café (miền Nam) đượm tình ôn lại ngày qua, rồi cả vùng quê yên ả nhanh chóng đi vào sự yên bình, tĩnh mịch của giấc ngủ làng quê “vô sầu ưu”. Môi trường đáng sống trong XD NTM là vậy!
Hướng mở…
Còn nhiều, rất nhiều những địa danh, những xã Nông thôn mới thực chất “đáng sống” được ghi nhận trên khắp Tổ quốc. Với hơn 70% dân số sinh sống tại các vùng quê, của cội nguồn sinh sôi hầu hết người dân đất Việt, là “đầu nguồn” của nguồn cung thực phẩm cả nước, Nông thôn Việt Nam đang được đặc biệt trú trọng xây dựng và bảo tồn.
Tất nhiên, không thể nói tất cả địa phương khi xây dựng nông thôn mới đều tốt, đều “đáng sống”. Đâu đó, còn những bệnh “thành tích” mà xem nhẹ tiêu chí môi trường, xem nhẹ những thành tố quyết định chất lượng đời sống người dân, xem nhẹ chính yếu tố căn bản tạo nên sự bền vững trong phát triển xã hội và an toàn – an ninh khu vực. Vẫn còn những huyện, những tỉnh vì con số xã/huyện đạt chuẩn Nông thôn mới mà bỏ qua, phiến diện trong đánh giá các tiêu chí “mềm” như Môi trường.
Theo thời gian, những hạn chế sẽ được khắc phục, mục tiêu XD NTM là “đem lại đời sống ổn định, phồn vinh cho người dân khu vực nông thôn” sẽ được thực hiện trên mọi mọi miền Nông thôn mới./.
Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/04/2009 và gần đây là quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chi tiết bộ tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, tiêu chí số 17 về Môi trường (QĐ 491) hay Môi trường và An toàn vệ sinh thực phẩm (QĐ 1980) đã bổ xung và mềm hóa nhiều chỉ tiêu nhằm nâng cao tính tự chủ từng địa phương, tăng cường sự tham gia của toàn thể xã hội cùng chung sức bảo vệ môi trường sống khu vực nông thôn. |
Góc nhìn tổng quan
Mục tiêu thực hiện tiêu chí môi trường không chỉ còn là “xanh – sạch – đẹp” khu vực nông thôn mà hiểu rộng hơn về một môi trường sống – sinh hoạt cho cộng đồng hơn 70% dân số Việt Nam, nhân tố quyết định sức khỏe – chất lượng cuộc sống của người dân. Thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới có thể được đánh giá qua hiệu quả các tiêu chí còn lại như: Các tiêu chí về giao thông, sơ sở hạ tầng tạo cảnh quan xanh – sạch – đẹp, thuận lợi cho mọi hoạt động; văn hóa – giáo dục tạo môi trường bình yên, phong phú, đậm đà bản sắc các vùng nông thôn – “môi trường tình người, tình làng – nghĩa xóm”; nhóm tiêu chí kinh tế tạo môi trường đáng sống, sung túc; nhóm an ninh – xã hội giúp gìn giữ môi trường bình yên;… Bởi thế, có lẽ đây là tiêu chí khó, đòi hỏi sự đồng bộ trong thực hiện các tiêu chí cũng như sự vào cuộc của toàn thể xã hội.
Tính đến 31/12/2017, sau hơn 6 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới, toàn quốc đã có 2.884 xã (tương đương 32,3%) được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó có 305 xã được công nhận đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về NTM giai đoạn 2016 – 2020; năm 2017 tăng 524 xã (5,87%) so với năm 2016; bình quân đạt 13,7 tiêu chí/xã; có 43 đơn vị cấp huyện thuộc 24 tỉnh/thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM, tăng 13 huyện so với năm 2016. Có thể thấy, số lượng các xã “cán đích” Nông thôn mới theo chuẩn mới có chiều hướng tăng nhanh, thể hiện sự đồng bộ cao trong thực hiện các tiêu chí cũng như đưa NTM thực sự là phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn đáng sống.
Cũng theo bộ 19 tiêu chí được ban hành tại quyết định số 1980/QĐ-TTg, tiêu chí môi trường được mở rộng gắn liền với chất lượng đời sống người dân khi song hành “an toàn vệ sinh thực phẩm. Cụ thể, ngoài quy định “bề nổi” thường thấy khi nhắc đến môi trườngnhư nước sạch, thu gom rác thải, nước thải sinh hoạt, mai táng văn minh – an toàn, nhà vệ sinh hợp chuẩn…, tiêu chí 17 quy định chi tiết hơn, gắn chặt hoạt động kinh tế – sản xuất, xã hội với đảm bảo quy định môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thái Hòa