Sáng 13/3, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu và triển khai nhiệm vụ trong giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2100. Sau 13 ý kiến, báo cáo của các bộ và các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận nêu giải pháp “8G” cần thực hiện để đưa ĐBSCL đi tới thịnh vượng.

Đầu tư 388.000 tỉ đồng và 2 tỷ USD vốn ODA
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết: “Hội nghị lần này được tổ chức trong bối cảnh đất nước ta bước vào năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2021-2025 với thế và lực mới. Hội nghị sẽ đánh giá những việc đã làm được, những kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ vừa qua. Thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, những bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp cụ thể nhằm mục tiêu vì một ĐBSCL thịnh vượng, hiện đại, bền vững về môi trường, đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống…, nhằm phát triển bền vững và thịnh vượng cho vùng ĐBSCL trong thời gian tới”- Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết thêm: “Dù thời gian thực hiện NQ 120 chưa dài nhưng sau 3 năm thực hiện đã đạt được nhiều kết quả như: kiến tạo thể chế, chính sách thúc đẩy phát triển bền vững vùng ĐBSCL theo một thể thống nhất, kết nối vùng tạo sức mạnh tổng hợp. Nhiều cơ chế, chính sách được nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện nhằm khuyến khích đầu tư phục vụ cho phát triển bền vững ĐBSCL. Trong đó ưu tiên một số lĩnh vực như: năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng; hạ tầng kỹ thuật, môi trường; nông nghiệp và môi trường thuỷ sản, chế biến thực phẩm và các dịch vụ liên quan…”.

Bên cạnh đó, ĐBSCL đã có bước chuyển tích cực từ bị động sang chủ động thích ứng với BĐKH thông qua nâng cao năng lực quan trắc, giám sát khí hậu, dự báo sớm thời tiết, cảnh báo kịp thời thiên tai; chuyển đổi sản xuất, kinh doanh phù hợp dựa trên các lợi thế tự nhiên. Tăng cường mạng lưới quan trắc, giám sát các yếu tố khí tượng thủy văn, hải văn, đo mưa tự động…
Sản xuất nông nghiệp bước đầu được chuyển đổi theo hướng hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực (tôm, cá tra, lúa gạo, trái cây) gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản, phù hợp với chủ trương tăng thủy sản, trái cây, giảm lúa. Năm 2020, nông dân và doanh nghiệp vùng ĐBSCL rất phấn khởi khi đã đóng góp quan trọng vào thành công của xuất khẩu gạo cả nước với sản lượng xuất khẩu 6,2 triệu tấn, đạt 3,12 tỉ USD (tăng 11,2% so với năm trước), ông Hà nhấn mạnh
Về đầu tư cho vùng ĐBSCL, tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, để tiếp tục ưu tiên đầu tư cho vùng ĐBSCL, trong giai đoạn 2021-2025, tổng số vốn ngân sách nhà nước dự kiến sẽ hỗ trợ cho các dự án trên địa bàn 13 tỉnh, thành ĐBSCL do địa phương quản lý khoảng 266.000 tỉ đồng, tăng 20% so với giai đoạn 2016-2020, trong đó vốn ngân sách đối ứng địa phương khoảng 162.000 tỉ đồng. Ngoài ra, vốn ngân sách nhà nước đầu tư qua một số bộ, ngành như: Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế… để triển khai các công trình dự án trong vùng khoảng 121.600 tỉ đồng.

Như vậy, tổng số vốn ngân sách nhà nước đầu tư dự kiến giai đoạn 2021-2025 của vùng ĐBSCL khoảng 388.000 tỉ đồng. Với số vốn được bố trí như trên, sẽ hoàn thành một số công trình trọng điểm của vùng, như: thông tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ, Cần Thơ – Cà Mau; các tuyến đường giao thông có tính chất liên kết vùng và một số tuyến quốc lộ trong vùng.
Ngoài ra, với nguồn vốn ODA, trong giai đoạn 2021 – 2025 vùng ĐBSCL sẽ được bổ sung tăng thêm 2 tỉ USD theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới nghiên cứu, xây dựng báo cáo đề xuất khoản hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững vùng ĐBSCL, quy mô dự kiến 1,05 tỉ USD. Với quy mô vốn như vậy, sẽ hoàn thành được các công trình, như: đường ven biển đối với các tỉnh có biển từ Tiền Giang đến Kiên Giang; hồ trữ nước ngọt gắn với hạ tầng thủy lợi phục vụ liên kết sản xuất vùng Tứ giác Long Xuyên, một số công trình giao thông liên tỉnh có tính lan tỏa, ông Dũng nhấn mạnh.
“8G” để thịnh vượng
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Nghị quyết 120 đã đạt được nhiều hiệu quả, thành tựu qua 3 năm là kết quả bước đầu, các địa phương vùng ĐBSCL cần kết nối với các nhà khoa học, trí thức, doanh nghiệp để tìm giải pháp cho đồng bằng phát triển nhanh, bền vững hơn nữa. Trong đó, nguồn nhân lực, vật lực là yếu tố quan trọng, nhất là nhân lực trong quá trình thực hiện. Bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, các tỉnh, thành trong khu vực cần phải ưu tiên cho việc đào tạo con người…
“Thời gian tới, ĐBSCL cần vận dụng “8G” trong thực hiện, đó là: Giao, Giáo, Giang, Gắn, Giàu, Giỏi, Già, Giới. Thủ tướng giải thích:
“Giao” là phát triển hệ thống giao thông. Cần tập trung nguồn lực cho phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi và cơ sở hạ tầng gắn với tầm nhìn chung toàn vùng ĐBSCL, nhất là hệ thống đường cao tốc, tạo kết nối thuận tiện, để thúc đẩy giao thương liên vùng.

“Giáo” là giáo dục. Đây là chìa khóa phát triển bền vững đối với ĐBSCL, vừa là đáp án cho bài toán phát triển ngắn hạn lẫn dài hạn. Thứ nhất là giáo dục phổng thôn, đảm bảo mọi người cần học hết bậc phổ thông, không được phép để trẻ em nào không được đến trường vì hoàn cảnh khó khăn. Tiếp đến là giáo dục dục nghề, đảm bảo người dân có cơ hội tiếp cận việc làm. Giáo dục chuyên sâu để có tay nghề cao, nâng cao về năng suất và thu nhập, bao gồm cả quản lý cao cấp.

“Giang” là sông. ĐBSCL là vùng sông nước, kinh tế và sinh kế người dân nơi đây đều gắn liền với sông. Cần có chiến lược phát triển kinh tế sông, phát huy vai trò của hệ thống sông ngòi để phát triển nông nghiệp, lúa gạo, trái cây, thủy sản…
“Gắn” là gắn kết giữa trung ương với địa phương, giữa Nhà nước với thị trường, giữa người dân với doanh nghiệp, giữa trong nước với quốc tế, đặc biệt là liên kết vùng để ĐBSCL phát triển bền vững.

“Giàu” có lên, thu hút người giàu, người khá giả, doanh nghiệp có tiềm lực đến đầu tư phát triển kinh tế địa phương. Cần muốn vậy phải cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh của mỗi địa phương.
“Giỏi” là tập trung thu hút tài năng đến đóng góp chất xám, trí tuệ cho ĐBSCL. Nên có diễn đàn trí thức ĐBSCL để quy tụ chuyên gia, trí thức, nhà khoa học hàng đầu, có tấm lòng, góp sáng kiến về sự phát triển này.
“Già” hóa dân số và chính sách an sinh xã hội. ĐBSCL đang có mức độ già hóa cao hơn so với bình quân cả nước. Do đó, cần có chính sách chủ động cho vấn đề dân số già hóa và hình thành mạng lưới an sinh xã hội tốt hơn để phục vụ người già và người yếu thế.

“Giới”. Cần thúc đẩy bình đẳng giới, tiếp cận cơ hội việc làm, phát huy vai trò, vị trí của người phụ nữ. Do đó, cần có chiến lược đảm bảo cơ hội cho lao động nữ được giáo dục, tiếp cận việc làm…
Cảm ơn nông dân
Trong phát biểu, Thủ tướng trân trọng ghi nhận những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia và lãnh đạo các địa phương đã nêu lên những vấn đề bức bách đang đặt ra trong vùng, nhất là thời tiết biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Tình trạng xâm nhập mặn vào mùa khô trở thành thách thức đối mặt hằng năm. Nguồn nước ngọt cho vùng ĐBSCL cũng những cần hoàn thiện điều kiện cơ sở hạ tầng cấp thiết trong những năm tới. Đó là những đóng góp ý kiến đó thể hiện tình cảm yêu mến dành cho ĐBSCL của các đại biểu tham dự hội nghị.
Thủ tướng nhấn mạnh: Vùng đất Chín Rồng hay Miền Tây Nam bộ là một phần máu thịt của Tổ quốc Việt Nam yêu thương. Miền Tây đóng vai trò hành chính mang tính chiến lược, có vị trí quan trọng của nước ta. ĐBSCL là vựa lúa chính đóng góp vào giá trị thương mại lúa gạo toàn cầu, góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho châu Á, châu Phi và châu Mỹ La tinh.
Trong một thập niên qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, huy động nhiều nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế tạo nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội ĐBSCL. Nhất là trong bối cảnh vùng được dự báo chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu.

Nghị quyết 120 của Chính phủ và cũng trên tinh thần ấy, những chính sách, giải pháp của Đảng, nhà nước trong thời gian qua không chỉ đơn thuần là phát triển kinh tế, những giải pháp trong những năm qua còn thể hiện tình cảm, trách nhiệm và sự sẻ chia của của đồng bào cả nước đối với người dân Miền Tây. Những hạt gạo, trái cây, những con cá hằng ngày chúng ta ăn…phần nhiều thông qua đó được lắng đọng từ những hạt phù sa, con nước qua bàn tay cần mẫn của người dân ĐBSCL.
Thủ tướng nhắc lại câu ca dao “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây/Ăn gạo nhớ kẻ đâm, xay, dần, sàng” và gửi lời cảm ơn đến nông dân miền Tây đã cần cù lao động, làm ra các sản phẩm nông sản, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Thủ tướng bày tỏ niềm tin, với bản chất cần cù lao động và sáng tạo của nông dân, chắc chắn vùng ĐBSCL sẽ ngày càng thích ứng với biến đổi khí hậu, đi tới tương lai thịnh vượng.
Huy Đạt, Trường Ca, Phương Dung