26 C
Hanoi
Thứ Bảy, 12 Tháng 7, 2025

Sôi động phát triển điện mặt trời

Mấy ngày cuối tháng 11/2020, một số phóng viên báo chí được Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) tổ chức chuyến đi làm việc ở các tỉnh Bạc Liêu, An Giang, Hậu Giang đã chứng kiến không khí sôi động phát triển điện mặt trời của các doanh nghiệp và hộ dân.

Buổi sáng 24/11, hội thảo “Kết hợp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và điện mặt trời mái nhà trên địa bàn tỉnh Hậu Giang” đông người chật kín hội trường. Một doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời hỏi: “Nước mưa hứng từ các tấm pin năng lượng mặt trời (PNLMT) có sử dụng cho ăn uống được không?”. Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên cùng chủ trì hội thảo mời PGS.TS Võ Viết Cường ở Khoa Điện-Điện tử của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM trả lời. PGS.TS Cường nói ngay: “Đây là câu hỏi rất mới, lần đầu tiên tôi được nghe và chưa thấy đề cập ở diễn đàn hay tài liệu tại các nước phát triển. Theo tôi, tấm PNLMT có lớp trên cùng là kính chịu lực với khung nhôm hứng nước mưa không vấn đề gì nhưng ảnh hưởng của lớp tế bào quang điện bên dưới như thế nào thì cần phải nghiên cứu thêm”.

Tại hội thảo “Kết hợp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và điện mặt trời mái nhà trên địa bàn tỉnh Hậu Giang”, đại diện Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang và GreenID cùng doanh nghiệp ký bản ghi nhớ phối hợp thực hiện

Một câu hỏi giản đơn cho thấy cuộc sống ở vùng nông nghiệp quốc gia đã có sự quan tâm sâu sắc tới điện mặt trời. Bên cạnh còn nhiều câu hỏi khác cụ thể, thiết thực liên quan đến đất, quy hoạch để phát triển điện mặt trời. Khi cuộc sống quan tâm sẽ thúc đẩy sáng tạo phát triển mạnh mẽ hơn.

Phó giám đốc Sở Công thương Hậu Giang Nguyễn Quốc Toàn giới thiệu tỉnh có thế mạnh về lúa gạo, cây ăn quả, thủy sản đang hướng mạnh tới công nghệ cao để tăng giá trị. Đến nay, đã thu hút đầu tư 9 dự án điện mặt trời lớn. Riêng về điện mặt trời áp mái trên các trang trại nông nghiệp có 96 nhà đầu tư đến tìm hiểu, xin chủ trương đầu tư với tổng công suất đăng ký 212MWp và Điện lực Hậu Giang đã cho phép 50 nhà đầu tư đấu nối lên lưới điện 45MW. Điện mặt trời trên mái nhà hộ gia đình, nhà xưởng có 563 khách hàng lắp đặt tổng công suất 13.599 kWp.

Lắp tấm pin mặt trời trên đồng nuôi tôm ở Bạc Liêu

“Mục tiêu từ năm 2020 đến 2025 hệ thống điện mặt trời áp mái phát triển rộng rãi trên mái nhà từ hộ gia đình, nhà xưởng đến trang trại phấn đấu đạt ít nhất là 120MWp. Trong đó, mái nhà hộ gia đình 15MWp; nhà xưởng khu, cụm công nghiệp 35MWp; nhà trang trại nông nghiệp 70MWp”, ông Toàn nhấn mạnh.

Ở tỉnh Bạc Liêu, hơn nửa diện tích đất tự nhiên nuôi tôm và trên nhiều cánh đồng tôm đang rộn ràng lắp đặt tấm PNLMT, còn hệ thống điện mặt trời áp mái cũng sôi nổi khắp nơi. Chỉ với điện mặt trời áp mái, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Bạc Liêu Lê Văn Hoàng cho biết, đến tháng 10/2020, có 607 hộ và đơn vị lắp đặt với tổng công suất 8.183,3kWp, tổng sản lượng điện đạt 5.263.797kWh; gồm phát lên lưới 2.698.638kWh, khách hàng tự sử dụng 2.565.159kWh. Bạc Liêu đang đề nghị đưa vào Quy hoạch Điện VIII với tổng quy mô công suất các nguồn điện là 8.690,6MW. Trong đó, điện mặt trời 1.500MW, còn lại điện gió 7.160,6 MW và điện sinh khối 30MW.

Trong vùng ĐBSCL, tỉnh An Giang đang có nhiều nhà máy điện mặt trời vào hàng bậc nhất. Ông Mai Chí Cường ở Phòng Quản lý Năng lượng thuộc Sở Công Thương cho biết, tỉnh có 10 dự án nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 1.800MW. Hiện đã có 4 nhà máy hoạt động với tổng công suất 214MWp; đến cuối năm nay thêm một số nhà máy với tổng công suất 320MWp nữa. Còn điện áp mái tính đến tháng 11/2020 có 37MWp nối lưới.

Công nhân Nhà máy điện mặt trời Sao Mai đang hoàn thiện những việc cuối cùng cho đóng điện ngày 27/11

Nhà máy điện mặt trời Sao Mai ở chân núi Cấm thuộc xã An Hảo (Tịnh Biên, An Giang) của Tập đoàn Sao Mai. Trên diện tích 275 ha, tổng vốn đầu tư gần 6.000 tỷ đồng, tổng công suất 210 MWp. Nhà máy xây dựng hai giai đoạn, giai đoạn 1 có vốn đầu tư gần 3.000 tỷ đồng, công suất 104 MWp, trên diện tích 120 ha, khởi công giữa tháng 2/2019 đến ngày 6/7/2019 hoàn thành, đưa vào hoạt động thương mại. Giai đoạn 1 lắp đặt hơn 300.000 tấm pin mặt trời trên trụ đỡ cao 1,8 mét, sử dụng 38 Inverter và 60.000 trụ đỡ kết nối với hơn 1 triệu mét cáp. Giai đoạn 2 có công suất 106 MWp, dự kiến đóng điện vào cuối tháng 11/2020.

Còn điện áp mái, điển hình có ấp Vồ Bà, xã An Hảo (Tịnh Biên, An Giang) nằm trên núi Cấm, cuối năm 2018 toàn bộ 80 hộ đã lắp đặt sử dụng. Trong nông nghiệp, nhiều hộ nuôi cá, trồng rau sôi nổi lắp điện mặt trời.

Tổ chức GreenID đang hỗ trợ triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp điện mặt trời tại hộ ông Chau Hon ở ấp An Hòa, xã Châu Lăng (Tri Tôn, An Giang). Với 1.000 m2 đất trồng rau được xây dựng dạng nhà kính có mái che, bên trên lắp đặt tấm pin mặt trời có công suất 40 kWp, tổng vốn đầu tư 880 triệu đồng, chủ yếu do GreenID và Công ty Ý thức khí hậu (Climate Sense) hỗ trợ. Kế hoạch hoàn thành cuối tháng 12/2020, tiền điện dự kiến bán cho EVN một năm khoảng 100 triệu đồng, còn rau thêm xanh tốt vì đỡ nắng mưa.

Bởi sản lượng điện mặt trời tăng nhanh, tỉnh Bạc Liêu và An Giang đang kiến nghị xây dựng đường dây 500kV từ tỉnh về Cần Thơ.

Điện mặt trời ở nước ta đạt mục tiêu cao hơn và sớm hơn 5 năm so với kế hoạch. Năm 2019 cả nước đã có 99 nhà máy với tổng công suất 5.053 MWp; trong đó, trước ngày 30/6 có 89 nhà máy với tổng công suất 4.439 MWp, sau ngày 30/6 có thêm 10 nhà máy với tổng công suất 714 MWp.

Một nguyên nhân chính phát triển nhanh điện mặt trời là tấm pin NLMT tích trữ đã giảm giá khoảng 50% từ 2013-6/2016. Tháng 9/2020 Elonmusk-Tesla đưa ra nhận định giá tấm pin tích trữ lithium sẽ giảm tiếp 50% sau 3 năm nữa.

                                                       Giám đốc điều hành GreenID Ngụy Thị Khanh

                                                                                                    SÁU NGHỆ

 

 

 

Bài viết liên quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM NHIỀU NHẤT