25 C
Hanoi
Thứ Hai, 12 Tháng 5, 2025

Qùy Hợp, Nghệ An:Chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế

Quỳ Hợp là huyện miền núi phía tây bắc của tỉnh Nghệ An, có vị trí địa lý đắc địa, đất đai thuận lợi cho trồng trọt, chăn nuôi và đặc biệt thảm thực vật phong phú với nhiều loại cây quý, hiếm của miền núi Nghệ An. Đây là huyện được UNESCO đưa vào danh sách các địa danh thuộc Khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An. Đảng bộ , Chính quyền, bà con các dân tộc trong huyện đang tập trung biến lợi thế và tiềm năng trên thành thế mạnh để xây dựng, phát triển kinh tế xã hội, đưa Qùy hợp thành huyện có tốc độ phát triển kinh tế khá của miền Tây Nghệ An.

Thị trấn Quỳ Hợp phấn đấu trở thành đô thị miền núi có chất lượng cuộc sống tốt nhất huyện Quỳ Hợp.
Thị trấn Quỳ Hợp phấn đấu trở thành đô thị miền núi có chất lượng cuộc sống tốt nhất huyện Quỳ Hợp.

Tiềm năng về đất đai và địa lý
Nằm ở trung tâm miền núi, Tây Nghệ An, Qùy hợp có vị trí khá đắc địa, phía bắc giáp huyện Quỳ Châu, phía nam giáp huyện Tân Kỳ và Anh Sơn, phía đông giáp huyện Nghĩa Đàn, phía tây giáp huyện Con Cuông . Được thành lập từ năm 1963 trên cơ sở tách 10 xã: Châu Quang, Châu Thành, Châu Hồng, Châu Lộc, Châu Thái, Châu Sơn, Châu Cường, Châu Lý, Châu Đình, Châu Yên thuộc huyện Quỳ Châu và 3 xã: Tam Hợp, Nghĩa Xuân, Nghĩa Sơn thuộc huyện Nghĩa Đàn. Qùy Hợp có mạng lưới giao thông bộ nối liền các địa phương, khu vực. Do đặc điểm thổ nhưỡng, Quỳ Hợp có điều kiện phát triển lâm nghiệp và trồng các loại cây công nghiệp ngắn và dài ngày như: chè, cao su, cà phê, mía,… cây ăn quả như: cam, vải, nhãn,… Đồng thời, huyện cũng có tiềm năng để phát triển nông nghiệp với các loại cây như ngô, khoai, sắn. Đặc biệt, huyện Quỳ Hợp có diện tích lúa nước nhiều hơn hẳn các huyện vùng cao khác.
Quỳ Hợp có diện tích rừng lớn, chiếm 40% diện tích tự nhiên của huyện, trữ lượng gỗ cao, bình quân 150m3/ha, với nhiều loại gỗ quý như: lim, gụ, sến, lát hoa,… và nhiều loại cây đặc sản, dược liệu như quế, sa nhân, cánh kiến, nấm hương,… Bên cạnh đó, Quỳ Hợp còn có nhiều đồi núi với hệ thực – động vật phong phú, đa dạng, là một trong những huyện nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. Quỳ Hợp có nhiều thắng cảnh đẹp để phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái như: hang Kẻ Ham, Thẩm Poòng,… Thắng cảnh hùng vĩ nhất là thác nước Bản Bìa tựa như một dải lụa bạc nổi bật giữa núi rừng xanh biếc, hùng vĩ.

Diện tích trồng cỏ của Quỳ Hợp ngày càng được trồng nhiều để phục vụ chăn nuôi.
Diện tích trồng cỏ của Quỳ Hợp ngày càng được trồng nhiều để phục vụ chăn nuôi.

Phát triển kinh tế lâm, nông, công nghiệp kết hợp du lịch sinh thái
Xác định nông nghiệp là thế mạnh trong phát triển kinh tế, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục phát triển nông nghiệp nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng các loại sản phẩm có giá trị kinh tế, năng suất, chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Tập trung đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, từng bước nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác; đẩy mạnh triển khai các mô hình trình diễn về cây trồng, vật nuôi giống mới có năng suất và chất lượng cao, kết hợp với đẩy mạnh áp dụng các tiến bộkhoa học – kỹ thuật mới vào quá trình sản xuất. Các mô hình thực hiện đạt mục tiêu đề ra và được nhân dân ứng dụng, mở rộng sản xuất mang lại hiệu quả.
Về trồng trọt: Song song với công tác chỉ đạo sản xuất, công tác bảo vệ thực vật được thực hiện tốt, các loại sâu bệnh, dịch bệnh được chỉ đạo phòng trừ kịp thời, không ảnh hưởng tới sinh trưởng và năng suất các loại cây trồng. Công tác thủy lợi, phòng chống thiên tai được chăm lo. Công tác quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp được thực hiện nghiêm túc, không có vấn đề phức tạp xảy ra. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả đạt được nhiều kết quả cao. Trong năm 2017, đã chuyển đổi được 214,2 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô, mía, cỏ và các cây hàng năm khác (trong đó chuyển đổi ngắn hạn theo vụ được 187,2 ha; chuyển đổi dài hạn 27 ha), hầu hết các loại cây trồng chuyển đổi đều phát huy hiệu quả cao hơn trồng lúa.
Về công nghiệp –tiểu thủ công nghiệp:Sản xuất công nghiệp, các hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản gặp nhiều khó khăn. Song hoạt động công nghiệp khai thác chế biến khoáng sản trên địa bàn và sản lượng sản phẩm vẫn được duy trì, đồng thời thu hút, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động và đóng góp vào thu ngân sách nhà nước. Trên địa bàn có 03/04 cơ sở luyện thiếc còn hoạt động, sản  phẩm tinh luyện đạt 99,97% Sn, đảm bảo chấtlượng xuất khẩu; có 152 xưởng chế biến đá các loại, trong đó có 67/152 xưởng hoạt động và 85 xưởng ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Các xưởng chế biến tập trung tại 06 cụm công nghiệp nhỏ, như: Cụm CNN Thung Khuộc Thị Trấn Quỳ Hợp, cụm CNN Châu Quang, cụm CNN Châu Hồng, cụm CNN Thọ Sơn 1, CCN Thọ Sơn 2 và CCN Châu Lộc và 6 khu chế biến đá tập trung  (KCBĐTT) phân bổ tại xã: Đồng Hợp 4 KCBĐT; 01 KCBĐT xóm Liên Tân, xã Thọ Hợp; 01 KCBĐT Tổng Choỏng, xã Châu Tiến. Đến nay các KCBĐT trên cơ bản các doanh nghiệp,  tổ chức và cá nhân đã có bản cam kết bảo vệ môi trường và có quyết định cho thuê đất của UBND tỉnh và UBND huyện. Có 14 cơ sở sản xuất bột đá siêu mịn, với tổng công suất lắp đặt 720.000 tấn/năm, các cơ sở này đều đầu tư lắp đặt các loại thiết bị công nghệ hiện đại và tạo ra sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.
Bên cạnh đó, huyện đã chỉ đạo tốt các công ty, doanh nghiệp quản lý và sử dụng tốt vật liệu nổ trong sản xuất công nghiệp. Phối hợp cùng với đoàn thanh tra, kiểm tra của Công An tỉnh; phòng cảnh sát PCCC số 3 thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc sử dụng vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; công tác PCCC ở các xã, thị trấn, công ty, doanh nghiệp, các chợ, khách sạn …trên địa bàn huyện theo quy định pháp luật đạt kết quả cao. Phối hợp với Liên minh HTX và Trung tâm Khuyến công và TVPTCN tỉnh mở 01 lớp học nghề dệt thổ cẩm tại xã Châu Lý, có 30 học viên tham gia với nguồn kinh phí tỉnh hỗ trợ 52.600.000, đ.
Ngoài ra, huyện còn tích cực chuyển giao các tiến bộ khoa học kĩ thuật đến tận người dân, nhằm đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp dưới nhiều hình thức xây dựng các mô hình trình diễn, các mô hình sản xuất tiên tiến để qua đó hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật cho bà con nông dân. Phối hợp với các chương trình, các dự án triển khai đúng mục tiêu, có hiệu quả,… tăng cường kỹ năng tiếp cận thị trường cho nông dân. Bên cạnh đó, công tác chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, công tác thâm canh, tăng vụ và đưa cơ giới hóa vào quá trình sản xuất được đẩy mạnh thực hiện.
Phát huy kết quả đạt được trong những năm qua, trong giai đoạn 2015-2020 tin tưởng rằng với sự nỗ lực phấn đấu, quyết tâm của huyện, Qùy Hợp sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, phấn đấu trở thành huyện phát triển khá của tỉnh Nghệ An.

Bài và ảnh: Nguyễn Sơn

Bài viết liên quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM NHIỀU NHẤT